Thông xe cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu

Chủ Nhật, 19/05/2019, 13:47
Cầu Vàm Cống có vai trò đấu nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh. Việc lưu thông hàng hóa sẽ được rút ngắn lại, giảm tải cho tuyến quốc lộ 1.

Sáng 19-5, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đại diện các cơ quan, tập đoàn tại Hàn Quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, cầu Vàm Cống có vai trò đấu nối các tỉnh ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh. Việc lưu thông hàng hóa sẽ được rút ngắn lại, đồng thời giảm tải cho tuyến quốc lộ 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng các đại biểu tại lễ thông xe. 

“Kể từ nay, người dân không còn phải mua vé qua phà Vàm Cống như trước đây mà thay vào đó qua cầu miễn phí và tiết kiệm rất nhiều thời gian. Cây cầu Vàm Cống đi vào hoạt động sẽ giúp đời sống kinh tế của người dân các địa phương được nâng lên đáng kể”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Ngay sau lễ khánh thành, người dân đã điều khiển phương tiện nối đuôi nhau lưu thông qua cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu. Dù trời nắng như đổ lửa nhưng người dân ai cũng vui vẻ, chở theo cả con nhỏ để cùng hòa chung niềm vui có cầu mới.

Ô tô nối đuôi qua cầu Vàm Cống.
Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng thứ 2, bắc qua sông Hậu. 

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng MêKông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án gồm cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu dài 2,97 km và đường dẫn dài 5,88 km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), cách bến phà Vàm cống khoảng 3 km về phía hạ lưu.

Người dân đứng bên đường dẫn lên cầu Vàm Cống.
Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m. Trụ tháp hình chữ H cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m bao gồm 4 làn xe ôtô (4x3,5 m) và hai làn xe thô sơ (2x3 m); đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6 m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Văn Vĩnh
.
.
.