Cạnh tranh bằng cách khởi kiện

Thứ Hai, 07/12/2020, 19:02
Giới kinh doanh hay có câu "Thương trường như chiến trường". Bằng cách này hay cách khác, những người làm kinh doanh luôn muốn hất văng đối thủ của mình bằng nhiều cách khác nhau. Ngoài những phương pháp cạnh tranh về mặt kinh tế, nghe thì vô lý nhưng người ta cũng có thể đánh bại đối thủ bằng cách kiện cáo nhau ra toà.


Các công ty có thể khởi kiện đối thủ khi họ làm sai luật, hoặc làm phương hại lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp đối thủ chẳng làm gì trái pháp luật, việc kéo họ ra toà cũng có nhiều ích lợi hơn ta tưởng.

Khiếu kiện, thắng thì quá tốt

Có rất nhiều lợi ích khi lập hồ sơ khởi kiện. Trường hợp lý tưởng nhất là ta sẽ nhận được phán quyết có lợi nghiêng về hướng mình mong muốn. Điều này khiến công ty đối thủ có thể chịu một khoản tiền phạt, bồi thường, chi phí khắc phục hậu quả lớn. Các công ty này sẽ mất một khoảng thời gian dài để hồi phục lại tiềm lực của mình nhằm quay lại thị trường. Họ cũng có thể phải từ bỏ luôn thị trường mục tiêu.

Một vụ kiện ở Mỹ.

Starwood Hotels, chẳng hạn, đã tiêu diệt Denizen (một thương hiệu mới về khách sạn phong cách sống của Hilton) bằng cách lập hồ sơ kiện; Starwood tố cáo Hilton ăn cắp bí mật thương mại. Cuối cùng thì hai công ty cũng dàn xếp xong, Hilton đồng ý khai tử Denizen và không theo đuổi phân khúc đó nữa.

Một trường hợp khác là gã khổng lồ đồ chơi Mattel. Công ty này đã sử dụng hệ thống pháp luật để phản ứng với dòng búp bê Bratz của MGA Entertainment. MGA giới thiệu Bratz năm 2001. Búp bê Bratz khá gợi cảm và quyến rũ, rất khác với dòng búp bê Barbie của Mattel. Sau giai đoạn khởi đầu ngắn, Bratz nhanh chóng phát triển, với doanh thu năm 2005 vượt quá 2 tỉ USD.

Năm 2005, Mattel lập hồ sơ kiện. Họ đưa ra nhiều luận điểm chống lại MGA. Một trong những cáo buộc quan trọng là ý tưởng Bratz do Carter Bryant phát triển khi anh này là nhân viên tại Mattel. Vụ việc kéo dài trong nhiều năm.

Trong phán quyết của toà đưa ra hồi tháng 7-2008 một thẩm phán đã quyết định MGA phải trả cho Mattel 100 triệu USD vì cho rằng thế hệ búp bê Bratz đầu tiên gồm 4 mẫu Cloe, Jade, Sasha và Yasmin ra đời khi Bryant vẫn còn ăn lương của Mattel. Nhưng MGA nói Bryant làm công việc trong khoảng thời gian họa sĩ này không làm việc cho Mattel.

Tháng 12-2008 Mattel xin được lệnh của toà buộc MGA ngưng sản xuất và bán búp bê Bratz. Một quỹ tín thác được lập ra để tạm giữ thương quyền của dòng búp bê Bratz đã và sẽ được sản xuất.

Không thành công rực rỡ trong việc kiện tụng như Mattel nhưng PepsiCo cũng khiến đối thủ truyền kiếp của mình là Coca-Cola ôm hận một cách tức tưởi. PepsiCo, bên sở hữu thương hiệu nước uống tăng lực Gatorade đã dùng cách khiếu kiện để làm chậm sự tăng trưởng của nhãn hàng Powerade do Coca-Cola sở hữu. Năm 2009, PepsiCo tố cáo Coca-Cola với toà về các quảng cáo sai sự thật và yêu cầu thẩm phán ban lệnh cấm tạm thời Coca-Cola chạy quảng cáo này. Trong khoảng thời gian sau đó, Powerade do không thể quảng cáo đã ít được người tiêu dùng biết đến.

Nếu thua kiện cũng chẳng sao

Như đã nói, nếu thắng kiện thì quá tốt, nhưng nếu bên chủ động khởi kiện mà thua cũng chẳng sao cả. Nhiều trường hợp bên khởi kiện biết rõ mình thua nhưng vẫn nộp đơn ra toà vì nhiều mục đích "tà đạo" đằng sau hơn là mong muốn thắng kiện một cách đường đường chính chính.

Ta không cần phải thắng kiện. Quá trình khởi kiện có thể mang lại kết quả rất tích cực trong việc tiêu diệt đối thủ cạnh tranh bất kể toà có phán quyết ra sao. Việc khởi kiện công ty đối thủ buộc họ phải phản ứng, họ không thể làm ngơ bởi vì toà không để họ yên khi đang bị kiện. Lập hồ sơ kiện cáo thường mất thời gian và sự chú tâm. Tốn cả tiền nữa: thuê luật sư, đặc biệt luật sư giỏi, là một kế hoạch tốn kém. Như giáo sư Michael Porter Đại học Harvard đã nhận xét: "Việc kiện cáo buộc công ty yếu hơn phải gánh chi phí về pháp lý rất là cao suốt một thời gian dài và còn làm lạc hướng sự chú ý của họ khỏi việc cạnh tranh trên thị trường".

Đó cũng chính là cách mà công ty Điện lực Edison nhắm vào công ty Điện lực Westinghouse.

Nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19 bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển bùng nổ. Nhà phát minh Edison nhờ những sáng chế thiên tài của mình đã đưa nhân loại đến gần hơn với ánh sáng văn minh. Ông được nhà J.P Morgan đầu tư thành lập Công ty Điện lực Edison để phát triển dòng điện một chiều (DC). Phía bên kia chiến trường là công ty Điện lực Westinghouse của George Westinghouse và Nikola Tesla đang cố phát triển dòng điện xoay chiều (AC).

Khi hai công ty quyết liệt tranh chấp thị trường của nhau, thì dự án thuỷ điện thác Niagara được triển khai. Bên nào giành được gói thầu ở đây sẽ gần như giành thắng lợi sau cùng, hất cẳng đối thủ của mình mãi mãi. Vinh dự đó thuộc về Công ty Điện lực Westinghouse.

Thế nhưng, Morgan bằng tiềm lực tài chính hùng hậu quyết định kiện Westinghouse ra toà với lý do vi phạm bản quyền sáng chế. Morgan chắc chắn thua kiện với lý do vô lý đó. Nhưng vụ kiện sẽ khiến Westinghouse tốn kém không ít chi phí cũng như công sức. Công ty của Westinghouse sẽ không thể trụ nổi trước tiềm lực tài chính hùng hậu của Morgan. Westinghouse giương cờ trắng đầu hàng, chấp nhận để Morgan giành quyền điều hành nền công nghiệp điện.

Frito-Lay áp dụng cùng chiến lược đó khi đánh nhãn hiệu bánh quy xoắn Pretzel Crisps của Princeton Vanguard vào năm 2004. Khi Priceton Vanguard lập hồ sơ cho thương hiệu mang tên Pretzel Crisps, Frito-Lay đã phản đối. Việc này khơi mào cho một trận chiến pháp lí khốc liệt kéo dài buộc Priceton Vanguard chi hơn một triệu USD cho phí tổn về luật pháp.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Trong cuộc chiến búp bê kể trên giữa Mattel và MGA, sau khi Mattel có được lệnh cấm của toà, MGA chống án và được một thẩm phán kết luận rằng Mattel chỉ có thể đòi hỏi quyền sở hữu giới hạn đối với 4 mẫu búp bê Bratz đầu tiên và 2 mẫu tiếp theo đó chứ không phải với toàn bộ các mẫu.

Tuy nhiên, ở phía ngược lại, MGA lại có quyền khởi kiện với hầu hết những khiếu nại đưa ra trước đây nói rằng Mattel đã đánh cắp bí mật thương mại liên quan tới Bratz.

Tháng 7-2010, Toà phúc thẩm khu vực 9 tuyên bố rằng quyền bán búp bê Bratz thuộc về MGA, tiếp đó, ngày 21-4-2011 Toà án tuyên bố rằng Mattel đã đánh cắp 26 bí quyết thương mại của MGA và do đó phải bồi thường cho MGA trung bình 3.4 triệu USD cho mỗi bí mật thương mại, khiến cho tổng số tiền bồi thường lên tới 88,5 triệu USD.

Ngoài ra, MGA được bồi thường tiền án phí lên tới 170 triệu USD, tổng cộng các nỗ lực chống án này đã mang về hơn 300 triệu USD cho công ty. Isaac Larian, giám đốc điều hành MGA đã bật khóc khi nghe Toà tuyên án. Nhưng chính ông cũng thừa nhận: "Mattel đã giết nhãn hiệu Bratz. Nó sẽ không bao giờ đạt được mức như đã từng có trước đây".

Cuộc chiến pháp lý không công bằng như vẫn tưởng

Việc kéo nhau ra toà hay được các công ty kì cựu áp dụng với những công ty khởi nghiệp hay công ty có tiềm lực nhỏ yếu hơn dù có thể họ nắm chắc phần thua nơi pháp đình. Bằng cách khởi kiện, các công ty lớn buộc các công ty nhỏ lãng phí thời gian, tiền bạc cho việc tranh tụng. Việc này làm giảm mạnh cửa thành công của công ty đó.

Cuộc chiến pháp lý còn tạo ra sự bấp bênh. Ta chẳng bao giờ có thể chắc chắn phán quyết của Toà thế nào. Các nhà đầu tư tránh những công ty có vấn đề lớn về pháp lý. Đầu tư vào một công ty đã đủ rắc rối, phức tạp, giờ thêm nguy cơ pháp lý thì rõ ràng là quá sức chịu đựng.

Thế nên, dù quá trình điều tra, tranh tụng, thẩm án có công tâm, minh bạch, rõ ràng, phán quyết đưa ra là chính xác thì xét một cách tổng thể, cuộc chiến pháp lý không hề công bằng như vẻ ngoài của nó.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp sẽ cần sự giúp đỡ, hỗ trợ rất lớn từ hệ thống, bộ máy tư pháp nhằm tránh cảnh bị các đối thủ chèn ép, bắt nạt thông qua việc thực hiện các cuộc chiến pháp lý.

Tiến Đỗ
.
.
.