Cảnh sát giao thông Nghề nguy hiểm

Thứ Năm, 21/01/2016, 11:30
Cảnh sát giao thông vốn là một nghề khó khăn, gian khổ, luôn phải đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, trong quần chúng nhân dân, không phải ở đâu và khi nào, công việc này cũng được nhìn nhận công bằng.


Những người lính Cảnh sát giao thông ngày đêm dầm mưa dãi nắng chốt chặn, tuần tra ở những cung đường nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân đã từng trở thành cảm hứng sáng tác trong tác phẩm của nhiều người cầm bút trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. 

Để viết cho hay, cho đúng về công việc của người Cảnh sát giao thông, thì nhà văn hơn ai hết phải hiểu, phải cảm thông, chia sẻ với họ. Đi thực tế, tìm hiểu, đối thoại để viết, để thấu cảm những trăn trở của một nghề, mà cái nhìn của quần chúng nhân dân còn ít nhiều thiên kiến, mỗi nhà văn quan tâm đến hình ảnh người cảnh sát giao thông đều có những suy nghĩ riêng, những kiến giải riêng về nghề nghiệp đặc thù này. 

Những cử chỉ ân tình của chiến sĩ CSGT sẽ luôn được nhớ mãi trong lòng dân. 

Trong số báo chào xuân 2016 này, chúng tôi mời bạn đọc cùng trò chuyện với hai nhà văn đã từng có nhiều trang viết về hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Lắng nghe họ cũng là cách để hiểu sâu sắc thêm về công việc của những người lính đang ngày đêm thầm lặng giữ bình yên trên những cung đường trên mọi miền Tổ Quốc.

Nhà văn Phan Đình Minh: Mọi cung đường đều cần có các anh

Nhà văn Phan Đình Minh.

- Thưa anh, là một nhà văn công tác trong lực lượng Công an, anh nhìn nhận thế nào về nghề Cảnh sát giao thông?

+Theo tôi, công việc của người Cảnh sát giao thông là rất nhạy cảm, khó khăn và hay bị nhân dân chú ý. Các anh, chị, hằng ngày phải tiếp xúc với nhân dân, lại ở khía cạnh liên quan đến việc hướng dẫn, xử phạt, giải quyết tranh chấp giao thông... Ranh giới của đúng, sai có những điều rất mong manh, tế nhị, rất thấu đáo về luật, mới minh tường trong vận dụng, thông suốt. Phải nói, đấy là một công việc khó, rất khó. 

Xây dựng được hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân ngoài sự tận tâm, mẫn cán, ôn hòa, rõ ràng, công tâm luôn thường trực trong suy nghĩ, tư duy người Cảnh sát giao thông. Chỉ một chút bất cẩn, thiếu tinh tế về thái độ phục vụ là có thể làm phật ý, chạm đến tự trọng của người dân. Cá nhân tôi là người viết văn lại công tác trong ngành Công an, tôi luôn rất đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia những gian nan, khó nhọc mà mỗi chiến sĩ Cảnh sát giao thông đang đối mặt, trải qua.

-Theo anh, công việc của người chiến sĩ Cảnh sát giao thông thời chiến và cảnh sát giao thông thời bình khác nhau ở những điểm nào?

+Tôi nghĩ thời nào cũng có khó khăn, hiểm nguy, gian khổ của nó. Chiến sỹ Cảnh sát giao thông trong thời bình dường như có những khó khăn hơn, tiềm ẩn ở chỗ họ phải đối mặt với nhiều hệ lụy từ các mối quan hệ, từ tiền bạc trong ứng xử với nhân dân, từ các loại tội phạm trên nhiều lĩnh vực đang ngày đêm âm thầm trực tiếp tham gia đời sống giao thông. Và một điều ta rút ra nữa, cuộc sống càng tiên tiến, phát triển, con người càng "thuận", tinh vi hơn trong các loại ứng xử, "chứng kiến, ghi chụp lại…" và sự sa ngã đến với người chiến sĩ Công an nói chung và người chiến sĩ cảnh sát giao thông càng có nhiều nguy cơ, đối diện nhiều hơn. 

Trong thực tế, một bộ phận không nhỏ Cảnh sát giao thông có những ứng xử chưa chuẩn chỉ với nhân dân, thậm chí đôi chỗ còn nhận mãi lộ, đút lót của người vi phạm giao thông, làm mất đi ít nhiều hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an hết lòng vì nhân dân phục vụ. Sự sa ngã, vi phạm thì thời nào, ngành nào cũng có, nhưng ở nghề Cảnh sát giao thông lại dễ bị nhân dân phát hiện, dễ ảnh hưởng đến hình ảnh hơn, tính lan truyền rất nhanh, rất cao ở các mạng xã hội, truyền thông. Đây cũng là căn nguyên dẫn đến việc người dân có thiên kiến không hay với lực lượng Cảnh sát giao thông. 

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng những thành phần con sâu làm rầu nồi canh như vậy là rất nhỏ, còn lại đại bộ phận những người lính Cảnh sát giao thông của chúng ta đang viết nên nhiều trang đẹp đẽ về ngành mình. 

Tôi rất có thiện cảm với những Cảnh sát giao thông trẻ bây giờ đang làm nhiệm vụ trên các cung đường, chốt giao thông nóng ở nhiều thành phố, quốc lộ. Hình ảnh các chiến sỹ Cảnh sát giao thông mua hết mớ ốc cho cụ già bán hàng rong bày trên đường quốc lộ 1 Bắc Giang - Lạng Sơn; đây đó mạng xã hội đưa hình ảnh Cảnh sát giao thông trẻ dẫn đường cho các cụ già, em nhỏ qua đường; hoặc đưa các em bé bị lạc cha mẹ tới nhà riêng… 

Họ đang dầm mưa dãi nắng, không quản ngại khó khăn hôm sớm để giữ gìn trật tự an toàn giao thông một phần quan trọng của đời sống người dân cả nước. Thử hỏi, từ những góc phố nhỏ nhất đến các ngã rẽ đại lộ thênh thang, vắng sắc áo vàng, điều gì sẽ xảy ra! Những hình ảnh đẹp, gương sáng chiến sỹ Cảnh sát giao thông luôn làm yên lòng người dân hàng ngày tham gia giao thông trên các tuyến đường. Họ là an toàn, là sự bình yên cho mọi người.

-Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến Cảnh sát giao thông. Theo đó nhiều trường hợp Cảnh sát giao thông bị xâm hại, bị những kẻ vi phạm Luật Giao thông cố tình gây thương tích, khiến cho dư luận bất bình. Là một nhà văn, những câu chuyện như vậy về người Cảnh sát giao thông mang đến cho anh những tâm sự gì?

+Tôi không ít lần rơi nước mắt và không thể dằn lòng khi chứng kiến hình ảnh những chiến sĩ Cảnh sát giao thông đau đớn vì bị hất lên nắp capô xe, bị kéo lê trên đường hoặc bị những kẻ côn đồ, vi phạm luật lệ giao thông hành hung. Có những người lính Cảnh sát giao thông đã vĩnh viễn không về nhà, để lại sau lưng mình mẹ già, vợ trẻ, con thơ dại. Họ đã hy sinh thầm lặng vì bình yên, an toàn của người dân, của những tuyến đường. Tôi nghĩ rằng, những câu chuyện như vậy không ai trong chúng ta là không đau lòng. 

Cộng đồng mạng xã hội rồi những người dân đã đóng góp nhiều tiếng nói quan trọng đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn gian khổ, những hy sinh mà các chiến sĩ Cảnh sát giao thông của chúng ta đang đối diện, chấp nhận hàng ngày hàng giờ. Chúng ta không bao giờ dung thứ những hành vi tấn công Cảnh sát giao thông của những kẻ coi thường pháp luật. Các anh sẽ luôn có nhân dân ở bên cạnh, động viên, sẻ chia.

- Nghề Cảnh sát giao thông là một nghề có yếu tố nhạy cảm, hay được dư luận để ý, quan tâm. Theo anh, trong những năm gần đây, hình ảnh của  người chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã có nhiều thiện cảm hơn trong cộng đồng như thế nào?

Cảnh sát giao thông, một nghề gian nan nhưng rất đáng tự hào. 

+Tôi nghĩ thế hệ Cảnh sát giao thông trẻ ngày hôm nay đã thấu hiểu nhiều hơn về công việc của họ, những vinh quang, khó khăn và cả những áp lực mà họ phải gánh khi làm một người lính hàng ngày tiếp xúc với nhân dân trên mọi ngả đường. Hình ảnh của người chiến sĩ Cảnh sát giao thông đang ngày một đẹp hơn, thiện cảm hơn trong quần chúng. Tôi rất yêu quý những gương mặt Cảnh sát giao thông trẻ, nam có, nữ có đang sạm đi dưới nắng gió, mưa rét bốn mùa và cả những thị phi trên những giao cắt, tuyến đường, cả trong đời sống nữa.

-Công nghệ ngày càng phát triển và có thể hỗ trợ rất nhiều cho công việc của người cảnh sát giao thông. Nhưng theo anh, công nghệ có thể thay thế hoàn toàn công việc của những chiến sĩ Cảnh sát giao thông không? Chúng ta có thể hình dung như thế nào về những góc phố nếu không còn những anh Cảnh sát giao thông đứng đó nữa?

+ Công nghệ dù có phát triển đến đâu cũng không thể thay thế yếu tố con người. Cho nên dẫu có camera, đèn hiệu, biển chỉ hiện đại thế nào, thì vai trò của người Cảnh sát giao thông vẫn luôn luôn rất quan trọng. Bàn tay của các anh nâng đỡ những người không may gặp tai nạn trên những cung đường. Sự có mặt kịp thời của người Cảnh sát giao thông có thể cứu sống những người bị nạn, ngăn chặn những hành vi vi phạm Luật Giao thông gây ảnh hưởng tính mạng cho những người khác. 

Mới đây, tôi may mắn được nằm điều trị cạnh một chiến sỹ Cảnh sát giao thông, có tên là Tùng, đã trên dưới 20 năm trong nghề. Anh tâm sự, nguyên việc đưa người không may bị tai nạn giao thông kịp thời, vào bệnh viện, đời quân ngũ của anh tính đã cứu được không dưới chục người. Một lần nữa ta có thể khẳng định, Cảnh sát giao thông là một nghề quan trọng, là thành tố không thể thiếu trong đời sống của  mọi người dân. Nghề Cảnh sát giao thông là một đảm báo trong cuộc sống bình yên, trật tự an toàn xã hội ở bất kỳ điều kiện xã hội dù phát triển, hiện đại đến đâu.

- Xin cảm ơn anh!

Nhà văn Y Ban: Người Cảnh sát giao thông luôn đẹp trong mắt tôi

Nhà văn Y Ban.

-Thưa nhà văn Y Ban, trong mắt một nhà văn như chị, nghề Cảnh sát giao thông là một nghề có tính chất như thế nào?

+Tôi phải nói ngay, đây là một nghề vất vả. Mỗi ngày mỗi chúng ta ra đường, dù nói ra hay không, ai trong chúng ta cũng cần đến vai trò của người Cảnh sát giao thông, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo khi tham gia giao thông. Có ai sống trên đời mà không di chuyển, không đi lại, không tham gia vào các cung đường khác nhau. Và mọi chuyện chúng ta gặp trong sự đi đó, đều ít nhiều có bóng dáng của những người Cảnh sát giao thông. 

Tôi là nhà văn đã đi rất nhiều nước, thì tôi thấy thế này. Ở các nước phát triển, người dân thường có ý thức chấp hành pháp luật tốt. Khi ra đường, họ cực kỳ tuân thủ luật lệ giao thông. Còn người Việt mình phải nói thẳng là ý thức pháp luật còn kém. Cứ nhìn vào đường phố thì biết.

Người ta đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, khi đến một đất nước, chỉ cần nhìn vào đường phố, cách mà người dân chấp hành luật lệ giao thông tốt hay không, là có thể đánh giá trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đó. Như vậy có thể nói, hình ảnh đẹp của một đất nước thể hiện đầu tiên trên đường phố, nơi những người dân có chấp hành tốt Luật Giao thông hay không. Và để có được hình ảnh đẹp trên đường phố, thì người Cảnh sất giao thông giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Cảnh sát giao thông, một nghề nhân văn, nguy hiểm, vất vả.

-Theo chị, người dân còn có điều gì chưa công bằng khi nhìn nhận, đánh giá công việc của người Cảnh sát giao thông?

+Tôi suy nghĩ nhiều về câu hỏi này. Tôi nhìn sâu vào chính tâm thế của mình mỗi khi đi ra phố. Tôi thấy rằng, những người mà đi ra đường với một ý thức cao nhất, tốt nhất về việc chấp hành luật lệ giao thông thì thường coi Cảnh sát giao thông là bạn. Thường những người hay thiên kiến hay chỉ trích Cảnh sát giao thông lại là những người ý thức chấp hành Luật Giao thông kém, thường xuyên vi phạm luật. Theo tôi, mỗi chúng ta cần phải căn chỉnh lại thái độ cũng như tâm thế của mình khi ứng xử với các chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Rằng họ là những người đang làm nhiệm vụ trên các cung đường, để giúp mọi người được thuận lợi hơn, an toàn hơn, tốt hơn khi tham gia giao thông.

- Chị đã từng giành giải cao trong cuộc thi sáng tác về hình tượng người chiến sĩ Công an do Hội Nhà văn và Công an Hà Nội phối hợp tổ chức. Tác phẩm được giải của chị viết về hình ảnh người cảnh sát giao thông rất cảm động. Chị có thể cho biết căn nguyên vì sao chị lại viết tác phẩm đó?

+Như đã nói ở trên, tôi luôn nhìn hình ảnh người Cảnh sát giao thông rất đẹp. Cái đẹp không phải tô vẽ đâu, mà đẹp từ chính ý nghĩa công việc họ làm, để giữ bình yên cho nhân dân. Tôi đã viết truyện ngắn "Con đường qua bảy ngã tư" trong đó nhân vật chính là hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông dầm mưa dãi nắng, một câu chuyện có nhiều chi tiết từ đời thực tôi gặp, từ những lần tham gia giao thông. Truyện ngắn đó tham dự cuộc vận động sáng tác về đề tài người chiến sĩ Công an do Hội Nhà văn Việt Nam và Công an Hà Nội phối hợp tổ chức. Câu chuyện cảm động được ban tổ chức trao giải cao trong lễ tổng kết cuộc thi. Nhiều anh em Cảnh sát giao thông nhớ truyện ngắn đó lắm, nên nếu tôi đi ngoài đường không may lơ đễnh bị các anh hỏi giấy tờ, tôi nói tôi tên Y Ban, các anh đều nhận ra.

- Liệu đề tài Cảnh sát giao thông có tiếp tục được chị quan tâm trong thời gian tới trong các sáng tác của mình không?

+Chắc chắn tôi sẽ còn viết về những người Cảnh sát giao thông, vì hình ảnh của họ thực sự đẹp, hấp dẫn trong mắt tôi.

- Thời gian vừa rồi có rất nhiều vụ việc liên quan đến Cảnh sát giao thông, như hiện tượng chống đối Cảnh sát giao thông, người vi phạm Luật Giao thông cố tình tấn công Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ để chạy thoát... Khi đọc những thông tin như vậy, cảm xúc của chị là gì?

+Là phụ nữ nên khi nhìn hình ảnh một anh Cảnh sát giao thông bị hất lên nắp capô, bị kéo lê trên đường, tôi đã khóc. Tôi thực sự đồng cảm, xót xa với những hiểm nguy mà người lính Cảnh sát giao thông đang phải chịu đựng. Ngoài nhiệm vụ được giao, họ còn là người cha, người con trong gia đình. Đằng sau họ là những người phụ nữ, những đứa trẻ. Tôi nghĩ từ những sự việc đã xảy ra, cần phải đề xuất những biện pháp tốt hơn để bảo vệ tính mạng cho người Cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ. Công việc của các anh phải đối mặt với nhiều rủi ro, hiểm nguy quá.

- Theo chị, lực lượng Cảnh sát giao thông đang cần làm gì để cải thiện, tô đẹp hơn hình ảnh của mình trong công chúng?

+Tôi kể bạn nghe một câu chuyện này. Mới đây thôi tôi và con trai sơ ý đi sai làn đường. Con đường đó hôm trước chưa phân luồng, chúng tôi quen đi như cũ, nên hôm đó không để ý làn. Người Cảnh sát giao thông chặn mẹ con tôi lại. Tôi trình bày tôi sai rồi, nhưng là vì sơ ý không nhìn biển báo, vì ngày nào cũng quen đi về trên con đường đó. Người cảnh sát vui vẻ giải thích và thông cảm cho mẹ con tôi, bởi đoạn đường mới phân làn nên người dân chưa để ý làn đường mới. 

Con trai tôi học lớp 8, lúc bắt tay chú Cảnh sát để dắt xe đi, thì được chú Cảnh sát dặn dò, đại ý cháu phải luôn yêu mẹ, giúp đỡ mẹ. Mẹ là nhà văn, là "tài sản quốc gia", nhưng cũng là báu vật trong nhà đấy. Hai chú cháu cùng cười. Chỉ chi tiết đó thôi mà tôi xúc động mãi. Hình ảnh người Cảnh sát giao thông đã thiện cảm lại càng thiện cảm hơn trong tôi. Về nhà tôi chia sẻ câu chuyện lên facebook và nhận được rất nhiều người vào đọc và nói lên cảm xúc của mình. 

Đấy, nghề Cảnh sát giao thông là như vậy. Chuyện bắt lỗi hay phạt người vi phạm chỉ là một vế của vấn đề. Người dân thường để ý thái độ của người Cảnh sát. Chỉ cần một cử chỉ tinh tế, một ứng xử đẹp, một hành động nhân văn như dắt tay bà cụ đi qua đường, vài lời dặn dò với cháu bé, ân cần với người đang lạc đường... là người dân sẽ nhớ mãi hình ảnh các anh. Dĩ nhiên những hành động đó phải chân tình, phải từ tấm lòng của người Cảnh sát. Về mặt pháp luật các anh cứ nghiêm minh, còn về mặt tình người, các anh hãy tươi cười, hãy ấm áp, hãy tinh tế, thì chắc chắn nhân dân sẽ luôn tin yêu và quý mến các anh.

-Xin cảm ơn nhà văn Y Ban!

Thiếu tá Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm CSGT Hải Dương cho biết:

"Việc người vi phạm giao thông chống đối, tấn công lại lực lượng chức năng đang diễn biến phức tạp. Khởi đầu của những vụ việc này, thường chỉ là những vi phạm Luật Giao thông bình thường. Khi bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra, với những người có thói quen coi thường pháp luật cùng với tâm lý không muốn bị xử lý, nên dễ có thái độ bất hợp tác. Đây là lúc thường xảy ra cãi vã, đôi co về yếu tố lỗi. Việc chống đối, kháng cự của người vi phạm nếu gặp phải thái độ thiếu bình tĩnh, thiếu kiềm chế của người thực thi công vụ, rất dễ làm "bùng nổ" những xung đột bột phát do phản ứng tâm lý tiêu cực, nhất là với những người có khí chất nóng.

Trên thực tế, còn có những cán bộ chưa "thuộc" luật và thiếu khéo léo trong giao tiếp, dễ bị "cuốn" theo phản ứng tiêu cực của đối tượng, nên thường bị người vi phạm lợi dụng chính điểm yếu này để lôi kéo những người hiếu kỳ ủng hộ mình, tạo nên áp lực số đông sẵn sàng đối đầu trực diện với lực lượng chức năng và có nguy cơ bùng phát thành bạo lực. 

Ngoài ra, cũng có những vụ cán bộ ta hoặc là không nắm vững quy trình công tác, hoặc quá "hiền" đến mức e dè không dám thực hiện hết các quyền năng mà pháp luật đã trao cho họ, để kịp thời khống chế người vi phạm, ngăn chặn tội phạm. Chính sự do dự, không cương quyết trong xử lý, tạo tâm lý "được đà" cho người vi phạm để tiếp tục chống đối".

Theo tôi, trước tiên lực lượng CSGT phải tinh thông pháp luật về lĩnh vực công tác của mình, đồng thời phải tự trau dồi kỹ năng giao tiếp, sao cho khi sự việc xảy ra vẫn giữ được tâm lý bình tĩnh, sáng suốt để có cách ứng xử vừa mềm mỏng, có văn hóa, vừa kiên quyết trên cơ sở luật pháp. Khi đối tượng có biểu hiện manh động chống đối, cần kiên quyết vô hiệu hóa mọi khả năng chống trả của họ. Nếu xét thấy hành vi đã cấu thành tội phạm, thì tiến hành bắt quả tang ngay để ngăn chặn tội phạm. Cần thường xuyên tập huấn trang bị kỹ năng xử lý tình huống, võ thuật, sử dụng công cụ hỗ trợ cho số cán bộ làm việc trên các tuyến giao thông.

Trung Hiếu


Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.