Cảnh sát Đức và Bỉ chung tay chống khủng bố
Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Koen Geens cho biết, sau khi 2 nước trao đổi dữ liệu về ADN, cảnh sát Bỉ và Đức đã phá 52 vụ giết người, 91 vụ liên quan đến tình dục và 330 vụ trộm cắp. “Việc này giúp chúng tôi đấu tranh tốt hơn với tội phạm có tổ chức, đặc biệt tại khu vực biên giới, nơi thủ phạm thường vượt biên để gây ra những tội ác khác”, Bộ trưởng Koen Geens nhấn mạnh.
Trước đó, Bỉ đã trao đổi dữ liệu về ADN với Hà Lan (từ tháng 7-2014), với Pháp (từ tháng 1-2015), và sẽ ký hợp tác tương tự với Luxembourg trong tháng 5-2016.
Bỉ tăng cường an ninh sau vụ tấn công khủng bố ở Brussels. |
Ngoài ra, Bỉ còn thông qua sắc lệnh triển khai việc sửa đổi luật hoạt động của cảnh sát, cho phép Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ thành lập các ngân hàng dữ liệu chung. Ngân hàng dữ liệu bao gồm các thông tin chưa được phân loại đến từ các phòng ban có liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố. Và những người được đưa vào ngân hàng này bao gồm các tay súng khủng bố đang sống hoặc đã từng sống tại Bỉ, có hoặc không có quốc tịch Bỉ.
Trước đó, Bỉ còn thông qua dự thảo luật cho phép xử lý và đăng ký dữ liệu hành khách (PNR) nhằm tăng cường chống khủng bố. Dự thảo luật về PNR sẽ cho phép xử lý dữ liệu để phát hiện và truy tố tội phạm khủng bố, tội phạm nghiêm trọng, đồng thời cho phép các cơ quan tình báo, an ninh và cảnh sát tiến hành hoạt động chống lại hành vi đe dọa tới lợi ích cơ bản của nhà nước.
Và việc phân tích dữ liệu sẽ được chuyển cho Cơ quan Thông tin hành khách (UIP) trực thuộc Sở Nội vụ. PNR là một trong 18 biện pháp mà chính phủ của Thủ tướng Bỉ Charles Michel đưa ra ngay sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris hồi tháng 11-2015. Bỉ vẫn duy trì cảnh báo an ninh ở mức 3, sau khi phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy, các tay súng IS đang được tung trở lại châu Âu để tiến hành các vụ tấn công mới.
Trong khi đó, Điều phối viên về chống khủng bố của Liên minh Châu Âu (EU) Gilles de Kerchove vừa cảnh báo, vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động trao đổi thông tin về các tay súng từng tham chiến cho IS quay trở lại châu Âu.
Theo ông Gilles de Kerchove, vẫn còn quá nhiều lỗ hổng liên quan tới hoạt động cung cấp thông tin cho Europol về số lượng các tay súng từng ra nước ngoài chiến đấu cho IS và quay trở về tiến hành các vụ tấn công trong lòng châu Âu.
Cảnh sát đứng gác tại một sân bay tại Đức. |
Bởi cơ sở dữ liệu của Europol chỉ có thông tin về 2.956 tay súng nước ngoài của IS, trong khi con số này vào khoảng 5.000 người. Ông Gilles de Kerchove cho rằng, cơ sở dữ liệu của Europol được nhập trong năm 2015 chỉ do 5/28 quốc gia thành viên EU cập nhật. Và cơ sở dữ liệu của Hệ thống thông tin châu Âu còn nghèo nàn hơn, khi chỉ có 1.615 cái tên.
Báo cáo của ông Gilles de Kerchove cũng chứng tỏ, các vụ tấn công đẫm máu tại Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) đã chỉ ra một thực tế đáng buồn - cảnh sát chống khủng bố chỉ biết thông tin về một số trong các thủ phạm, trong khi chúng có liên hệ với một số nước thành viên EU.
Theo các Bộ trưởng Nội vụ EU, những nước thành viên cần "thay đổi tâm lý" để tăng cường hoạt động chống khủng bố. Cao ủy EU về Di cư và chống khủng bố Dimitris Avramopoulos cũng cho rằng, cơ sở dữ liệu về các đối tượng khủng bố của các nước thành viên nên được kết nối với nhau "chỉ bằng một cú nhấp chuột".
Phó chỉ huy đơn vị chống khủng bố thuộc Ủy ban Châu Âu George Bertu Silva cảnh báo, IS đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học và các loại vũ khí hủy diệt khác để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu. Phó Tổng thư ký NATO Jamie Shea cũng đồng tình với quan điểm của ông George Bertu Silva về vấn đề này.
Tại phiên tòa ngày 29-4, các công tố viên cho biết, 2 bị cáo Mohammed Ali Ahmed và Zakaria Boufassil được cho là đã đưa hơn 3.000 bảng Anh cho Mohamed Abrini ở Birmingham hồi tháng 7-2015, nghi can chính trong các vụ đánh bom ở Brussels (Bỉ) và Paris (Pháp). Họ bị cáo buộc cung cấp tiền cho mục đích khủng bố. Trong khi đó, nghi can người Anh thứ 3 Soumaya Boufassil cũng bị cáo buộc chuẩn bị tiến hành các hành động khủng bố. Phiên xét xử tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 13-5. Mohamed Abrini được cho là "người đàn ông đội mũ" trong băng ghi hình ngay trước khi xảy ra vụ đánh bom hôm 22-3 ở sân bay Brussels. Trước đó hắn bị truy nã sau các vụ tấn công tối 13-11-2015 ở Paris, khiến 130 người thiệt mạng. |