Cảnh giác với những kẻ giả danh nhà báo trục lợi dịp cuối năm

Chủ Nhật, 08/01/2017, 08:06
Nghề báo được thế giới xếp hạng là nghề "thảm" nhất trong năm 2016, thế nhưng, đó là thế giới, còn ở Việt Nam, cái nghề được coi là "quyền lực thứ tư" này luôn được một số kẻ thoái hóa biến chất lôi ra để doạ dẫm doanh nghiệp, tống tiền, vừa xin, vừa... ép doanh nghiệp kí hợp đồng quảng cáo, và thông dụng nhất là lôi ra để xin xe ôtô, xe máy vi phạm giao thông.


Và, để có được "quyền lực thứ tư", một số kẻ không phải nhà báo nhưng bằng rất nhiều cách đã xin được ở các toà báo quen biết tấm thẻ phóng viên, thậm chí còn làm giả thẻ để lừa đảo, trục lợi.

Làm giả thẻ nhà báo để xin xe vi phạm

Một đồng chí Cảnh sát giao thông thuộc Trạm Cảnh sát giao thông Hải Dương nói đùa với tôi: “Nhà báo hay không, chúng tôi nhìn biết ngay, hỏi dăm ba câu nghiệp vụ, trả lời sai bét thì đích thị là nhà báo dỏm”.

Con dấu và giấy tờ giả Cảnh mang theo.

Mà có thế thật, khi bị Cảnh sát giao thông dừng xe KIA, BKS 52Z-9438, chạy trên quốc lộ 5 theo hướng Hà Nội - Hải Phòng mới đây, đến Km42+900, lái xe Hồ Xuân Cảnh đã rất ung dung xuất trình giấy giới thiệu của Báo Nhân Dân, nội dung trong giấy "giới thiệu ông Hồ Cảnh đến liên hệ làm việc với Cục Hải quan các tỉnh phía Bắc để chụp ảnh, lấy tài liệu đăng báo, có “giá trị” hết ngày 30-6-2017, do một Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân ký tên, đóng dấu; phía dưới bên trái của "Giấy giới thiệu" còn được ông Lê Đức Thọ - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn bút phê, ký và đóng dấu gửi "các Chi cục HQCK phối hợp thực hiện".

Tiếp đó, Hồ Xuân Cảnh xuất trình "Thẻ phóng viên" mang tên Hồ Cảnh, cấp ngày 19-8-2015, cũng do Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân nói trên ký tên, đóng dấu và có “giá trị” đến ngày 31-12-2020; 1 thẻ card "Phóng viên dự Đại hội Đảng các cấp" ghi của Ban Tổ chức Trung ương; 1 pano kích thước A4 có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và dòng chữ "BVĐB" cùng 1 đường gạch chéo.

Thoáng nhìn qua tờ "giấy giới thiệu", bất cứ một người bình thường nào cũng cảm thấy lăn tăn, đừng nói con mắt nghiệp vụ của Công an, bởi đơn giản, không có đơn vị, cơ quan nào mà lại cấp giấy giới thiệu thời hạn đến nửa năm cho cán bộ, nhân viên.

Do nghi ngờ Hồ Xuân Cảnh giả danh nhà báo, tổ công tác đã mời anh ta về trụ sở Trạm CSGT Hải Dương để tiếp tục làm rõ. Tại đây, Hồ Xuân Cảnh xuất trình giấy phép lái xe của em vợ là Lê Văn Đại.

Tuy nhiên, bản thân anh ta chưa có giấy phép lái xe. Có thể, đã nhiều lần "qua mặt" được các trạm giao thông bằng tờ "giấy giới thiệu" và "thẻ phóng viên" nên anh ta chủ quan chăng?

Ban đầu, Hồ Xuân Cảnh loanh quanh không chịu khai nhận về đống giấy tờ mang theo, nhưng trước những câu hỏi nghiệp vụ, anh ta không chứng minh được mình là phóng viên Báo Nhân Dân và nhất là kết quả xác minh của Phòng Cảnh sát giao thông (PC67), Công an tỉnh Hải Dương cho thấy, Báo Nhân Dân không cấp thẻ phóng viên và giấy giới thiệu cho Hồ Xuân Cảnh, vì vậy, kẻ này đã thú nhận: Khoảng tháng 4-2015, Hồ Xuân Cảnh mang ảnh chân dung đến một cửa hàng photocopy - scan vi tính trên đường Hồ Tùng Mậu gần khu vực cổng Trường Đại học Thương mại (Cầu Giấy, Hà Nội), yêu cầu làm "thẻ phóng viên" và các mẫu "giấy giới thiệu" được thu thập trên mạng Internet.

Sau đó, anh ta đã viết nội dung làm việc vào giấy giới thiệu như đã nói ở trên nhằm mục đích liên hệ với các cơ quan đơn vị thực hiện các hợp đồng quảng cáo trên báo chí.

Hồ Xuân Cảnh đã giao nộp 1 "thẻ phóng viên" và 9 "giấy giới thiệu" giả, trong đó có 5 "giấy giới thiệu" đã ghi nội dung đến làm việc với nhiều cơ quan. Toàn bộ bút phê, dấu và chữ ký của ông Lê Đức Thọ - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn trong "giấy giới thiệu" cũng là giả mạo.

Theo lời khai ban đầu của kẻ mạo danh nhà báo, anh ta làm giả giấy giới thiệu đi công tác ở Sơn La nhưng thực tế chưa đến bất cứ đơn vị nào ở địa bàn này để liên hệ làm hợp đồng quảng cáo. Làm việc tại cơ quan điều tra, Hồ Xuân Cảnh cho biết, anh ta hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng thương mại du lịch quốc tế, trụ sở tại số 237 Mai Dịch - Hà Nội.

Trước đây, anh ta đã từng tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh. Từ năm 1998 đến nay, Cảnh là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh. Cảnh nói, anh ta ý thức được việc lái xe ôtô mà không có bằng lái cũng như làm giả giấy tờ là vi phạm pháp luật, nhưng do tính nghệ sĩ nên Cảnh bất chấp, coi thường pháp luật.

Hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ động cơ của Cảnh khi làm giả rất nhiều giấy tờ của cơ quan Nhà nước như Ban Tổ chức Trung ương; Hội đồng Lí luận Trung ương; Thông tấn xã Việt Nam... ngoài việc xin xe khi vi phạm giao thông thì còn sử dụng vào mục đích nào khác.

Cảnh giác với những kẻ giả danh

Năm nào cũng vậy, cứ đến hai tháng cuối năm, tôi lại được nghe những lời phàn nàn của mấy người bạn làm doanh nghiệp, rằng bị mấy "nhà báo" gọi điện "hỏi thăm". Mới đây nhất, bạn tôi - giám đốc một doanh nghiệp ở địa bàn Sóc Sơn gọi cho tôi giữa đêm, giọng vô cùng bức xúc.

Đối tượng Hồ Xuân Cảnh tại cơ quan Công an.

Anh cho biết, có một người tự xưng là phóng viên Báo Công an nhân dân, nơi tôi đang làm việc, nói rằng nếu không muốn anh ta phơi bày những góc khuất của doanh nghiệp lên mặt báo thì phải chuyển cho anh ta 5 triệu đồng. Làm doanh nghiệp, không tránh được sai sót, anh buộc lòng phải đưa tiền cho người nọ để mong yên ổn còn làm ăn.

Nhưng sực nhớ ra tôi, bạn tôi mới hỏi tôi vì không tin lại có kẻ dám xưng danh phóng viên trắng trợn như thế. Khi tôi gọi lại số điện thoại anh bạn tôi cho thì số này đã tắt máy. Tất nhiên, đó là một kẻ giả danh.

Cách đây không lâu, một phóng viên công tác tại Đài truyền hình tỉnh Ninh Bình đã bị bắt giữ cùng đồng bọn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại tỉnh Quảng Nam và Hà Nội, chúng tôi từng có bài phản ánh.

Các bị can gồm: Bùi Xuân Hiệu (ở Ninh Bình), Dương Kiều Trang (ở Hà Nội) và Phan Bùi Khang (Nghệ An). Riêng Khang bị đề nghị truy tố thêm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong 3 đối tượng thì Hiệu là phóng viên của Đài Truyền hình tỉnh Ninh Bình.

Ba kẻ này bị bắt quả tang đang thực hiện hành vi giả danh phóng viên Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phóng sự tại Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai (địa chỉ tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) để lừa đảo chiếm đoạt 3.000 USD.

Khi khám xét khẩn cấp 3 đối tượng nêu trên, cơ quan điều tra đã thu giữ của Khang 2 con dấu mang tên "Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam" và "Trung tâm tin học, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương", 1 bản in màu thẻ nhà báo mang tên Phan Bùi Khang (chưa hoàn chỉnh), 2 giấy giới thiệu giả chưa sử dụng.

Kết quả điều tra cho thấy, Hiệu được ông Dương Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dương Giang, địa chỉ ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thuê làm một số phóng sự về Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai gây ô nhiễm môi trường rồi phát trên truyền hình, do giữa ông Đạo và lãnh đạo Nhà máy cổ phần Kính nổi Chu Lai có mâu thuẫn cạnh tranh làm ăn. Hiệu đã rủ Khang thực hiện phi vụ này.

Khang rủ Trang khi đó vừa tốt nghiệp Đại học Luật, đang học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình đi theo Khang để học việc. Khi làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai, nhóm Hiệu đặt vấn đề làm phóng sự quảng bá thương hiệu cho công ty nên lãnh đạo công ty rất tin tưởng đây là nhóm phóng viên VTV1 và đã chuyển cho các đối tượng 3.000 USD cũng như chi một số khoản chi phí, quà cáp...

Ôtô vi phạm của Hồ Xuân Cảnh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định Bùi Xuân Hiệu đã trực tiếp nhận 150 triệu đồng của ông Dương Văn Đạo để "đánh thuê", sau đó nhận 3.000 USD của Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai.

Trong vụ án này, Hiệu giữ vai trò đạo diễn, còn Khang và Trang biết rõ Hiệu không phải phóng viên VTV1 cũng như bản thân không phải phóng viên VTV nhưng vẫn lừa đảo lãnh đạo Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai để trục lợi.

Nắm được điểm yếu của các doanh nghiệp, kiểu gì cũng sai, không ít thì nhiều, nên một số đối tượng xấu đã giả danh nhà báo để trục lợi. Thời điểm cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp "ngán" nhà báo nhất, thậm chí họ còn gọi một số phóng viên là "kền kền" khi liên tục thúc ép, nửa xin xo, nửa đe doạ viết bài PR, xin quảng cáo.

Lợi dụng thời điểm này, nhiều kẻ xấu trà trộn, làm giả giấy tờ, giả danh nhà báo để "xin tiền" doanh nghiệp. Trước những trường hợp này, đề nghị các chủ doanh nghiệp cảnh giác và báo cơ quan Công an kịp thời xử lý.

Đinh Hiền
.
.
.