Côn đồ trong bệnh viện: Bảo vệ bác sĩ bằng cách nào?

Thứ Năm, 19/04/2018, 12:28
Liên tục xuất hiện những vụ hành hung xảy ra trong thời gian gần đây tại bệnh viên cơ sở y tế, làm dấy lên mối lo ngại cho sự an toàn của những người bác sĩ.


Ngày 14-4, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn ghi hình tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội được nhiều người chia sẻ với sự bức xúc. 

Đoạn ghi hình cho thấy, một người đàn ông buộc tóc dài đã đánh liên tiếp vào mặt bác sĩ khám cho con mình và liên tục chửi bới trước sự ngăn cản của các bác sĩ khác. 

Cùng với những vụ hành hung xảy ra trong thời gian gần đây, hành động đó đã làm dấy lên mối lo ngại cho sự an toàn của những người bác sĩ.

Mềm mỏng cũng... bị đánh!

Theo đó, sự việc trong đoạn ghi hình được chia sẻ xảy ra vào đêm 13-4-2018, người bị hành hung là bác sĩ Chiến – Khoa Phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). 

Các nhân chứng có mặt cho biết, vào khoảng giữa đêm, khoa tiếp nhận một bệnh nhi hơn 7 tuổi có một vết thương chảy máu ở vùng thái dương, được bố đưa vào cấp cứu. Sau khi trao đổi về vết thương với bác sĩ Chiến được khoảng 5 phút thì bố cháu bé đứng lên đánh liên tiếp vào mặt bác sĩ trước sự bất ngờ của mọi người.

Khi một số cán bộ y tế vào can ngăn thì người đàn ông này liền lôi hết đồ vật trong túi ra, trong đó có cả ví tiền vứt lên bàn. Dù có sự ngăn cản của những người có mặt, người đàn ông này vẫn rất hung hãn, quát tháo và sự việc chỉ dừng lại khi có sự xuất hiện của Công an phường Điện Biên và Công an quận Ba Đình. 

Công an đã đưa người đàn ông này về trụ sở để làm rõ. Bệnh nhân nhi cũng đã được các bác sĩ khâu vùng thái dương và điều trị kịp thời.

Ảnh cắt từ clip vụ đánh bác sĩ Chiến.

Tại cơ quan Công an, người đàn ông hành hung bác sĩ cho biết mình tên Trương Văn Thanh (32 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội), đã từng có 1 tiền sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Thanh cho biết, tối 13-4, Thanh đi uống rượu với bạn ở phố Yên Phụ và cho con trai đi cùng. 

Trong lúc chơi đùa, con trai của Thanh bị ngã, rách đuôi mắt bên trái nên Thanh đưa con vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để xử lý vết thương. 

Khi đến bệnh viện, Thanh được giới thiệu vào Khoa Phẫu thuật chỉnh hình nằm ở tầng 2 và gặp bác sĩ Chiến là bác sĩ trực tại đó. Thấy bác sĩ Chiến tư vấn lâu mà không xử lý vết thương cho con trai mình, Thanh bực bội, “nhận ra” cách đây một năm khi vào khâu vết thương ở tay thì bác sĩ Chiến cũng là người khám, khi đó bác sĩ Chiến cũng tư vấn cho Thanh một lúc lâu nên Thanh đã bỏ sang nơi khác khâu. 

Sẵn hơi men trong người, Thanh bức xúc nên chửi bới bác sĩ Chiến. Thanh tát liên tiếp 2 cái vào mặt bác sĩ Chiến thì bị mọi người xung quanh lao vào can ngăn.

Thanh đã khai nhận về hành vi vi phạm của mình và cho rằng khi đó, bản thân đang trong tình trạng say rượu, mất bình tĩnh nên đã có hành động như trên. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trương Văn Thanh (SN 1986, trú tại cụm 5, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) để điều tra về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Lý giải về hành động lôi điện thoại, vứt ví tiền lên bàn mà ban đầu dư luận cho rằng đó là hành động tạo hiện trường giả, Thanh cho biết, anh ta không tạo hiện trường giả như mọi người suy đoán mà thực tế là trong lúc bức xúc về việc bác sĩ Chiến tư vấn nên khâu thẩm mĩ hay khâu thường, Thanh lôi ví ra để nói rằng mình có tiền, yêu cầu của anh ta chỉ là bác sĩ Chiến phải xử lý vết thương cho con trai mình thật nhanh.

Đối tượng Trương Văn Thanh tại cơ quan Công an.

Ngày 8-4, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cũng xảy ra việc bố bệnh nhân hành hung bác sĩ gây xôn xao dư luận. Theo đó, vào khoảng 23 giờ 30 phút, sau khi bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi tên Đạt ở thành phố Hà Tĩnh trong tình trạng sốt cao, phụ trách xử lý khi đó là bác sĩ Nguyễn Đình Phi. 

Khi đang khám cho bệnh nhi, bất ngờ có một người tự xưng là bố của bệnh nhi nhảy vào chửi bới, túm cổ áo và đấm thẳng vào mặt bác sĩ Phi. Khi đó, một sinh viên y khoa đang thực tập tại bệnh viện chạy tới can ngăn cũng bị người đàn ông này đánh tới tấp, dẫn đến chấn thương. 

Vụ hành hung khiến bác sĩ Nguyễn Đình Phi bị sưng ở đầu, còn sinh viên thực tập Trần Nhật Giáp (24 tuổi, sinh viên Trường Đại học Y khoa Vinh) bị rách vùng mắt và trán. Giáp đã được các bác sĩ đưa vào Khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện để điều trị.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, bệnh viện đã báo với cơ quan Công an để lập biên bản, lấy lời khai của các nhân chứng và bị hại. Qua đó làm rõ về đối tượng hành hung bác sĩ và sinh viên y khoa thực tập tại bệnh viện. 

Sau khi trích xuất hình ảnh từ camera, cơ quan Công an xác định đối tượng hành hung bác sĩ là Nguyễn Hùng Kỳ (30 tuổi, trú tại phường Hà Huy Tập), bố của bệnh nhi Đạt. Tại CQĐT, Kỳ khai nhận, tối 8-4, khi đang đi chơi với bạn thì vợ gọi điện thông báo con bị sốt cao. 

Sau đó, Kỳ về nhà cùng vợ đưa con đến Khoa Chống độc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu, cháu Đạt được chuyển lên Khoa Nhi và được bác sĩ Nguyễn Đình Phi trực tiếp thăm khám. 

Trong quá trình khám bệnh, cho rằng thái độ của bác sĩ Phi không tốt, đồng thời trước đó Kỳ có uống rượu nên mất kiểm soát và đánh bác sĩ Phi.

Thăm hỏi Bác sĩ Phi đang điều trị.

Bảo vệ bác sĩ bằng cách nào?

Cùng với vụ việc chồng bệnh nhân dúi đầu và có lời lẽ lăng mạ với nữ bác sĩ và điều dưỡng viên tại Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn xảy ra vào ngày 1-4 thì chỉ trong nửa đầu tháng 4-2018, đã xảy ra 3 vụ hành hung bác sĩ. 

Chưa kể trước đó còn nhiều vụ việc khác xảy ra mà khi điểm tên qua thôi cũng đủ kinh hãi và cho thấy sự mất an toàn của y, bác sĩ đang ở mức báo động. 

Kiểm tra một số dòng trên các trang mạng, có thể thấy một số vụ việc điển hình xảy ra trước đó được nhắc tên như: “Bác sĩ bị đánh gãy sống mũi, chấn thương mắt – Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình”; “Bác sĩ bị đánh bất tỉnh, theo dõi chấn thương sọ não – Bệnh viện đa khoa Thạch Thất”. 

Trong đó, chưa kể đến vụ việc chồng sản phụ gọi 15 người đến hành hung hai bác sĩ vừa phẫu thuật cho vợ mình tại Yên Bái. Sau khi đánh hai bác sĩ, các đối tượng này còn làm náo loạn bệnh viện và phải mất nhiều thời gian lực lượng chức năng mới xử lý được. 

Hiện tại các đối tượng trong vụ việc này đã được Công an Yên Bái phối hợp với các lực lượng Công an các địa phương khẩn trương truy bắt.

Đáng báo động như vậy, bức xúc như vậy nhưng cho đến hiện tại, chỉ có thể dùng pháp luật để bảo vệ những người thầy thuốc trước những kẻ côn đồ nhưng điều đó là chưa đủ, chưa thể giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề. 

Hẳn ai cũng hiểu cảm giác khi vào bệnh viện, khi có người thân đang bị nạn không biết bấu víu vào đâu nhưng khi hỏi han các y, bác sĩ chỉ nhận được những câu trả lời lạnh lùng. Điều đó không phải lỗi của họ mà bởi sự quá tải trầm trọng của các bệnh viện. 

Với số lượng ca bệnh tiếp nhận mỗi ngày vượt quá khả năng có thể xử lý, các y bác sĩ phải làm việc trong môi trường áp lực cao, công việc luôn đè nặng nên không còn sức để có thể tư vấn cụ thể. Bác sĩ không có thời gian nói rõ vấn đề, còn người nhà bệnh nhân thì đang lo lắng nên từ đó xảy ra xung đột, gieo trong tiềm thức những người đến bệnh viện về thái độ khó chịu của các y bác sĩ. 

Nhưng họ không hiểu được tính chất công việc, không hiểu được sự quá tải mà các y bác sĩ đang chịu đựng nên mới xảy ra những vụ cãi vã, cho rằng bác sĩ không tận tình hay thái độ không tốt. 

Ngoài ra, có một số vụ việc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thuộc thành phần ngang ngược, luôn tự cho mình là đúng hay cũng có chút “số má” trong xã hội. 

Cùng với những định kiến về sự khó chịu trong cách cư xử của y bác sĩ đã được gieo vào tiềm thức trước đó đã khiến những cuộc trao đổi với bác sĩ luôn trong tình trạng căng thẳng và kết thúc bằng nắm đấm.

Thực tập sinh Trần Nhật Giáp được điều trị.
Như vậy, ngoài sự phụ thuộc vào pháp luật, để bảo vệ được các bác sĩ yên tâm hành nghề, ngành Y tế phải có sự thay đổi về cốt lõi. Điều đầu tiên là phải giải quyết được sự quá tải của các bệnh viện, bệnh nhân không cảm thấy bí bức vì phải chờ đợi, bác sĩ không phải áp lực vì công việc nhiều thì lúc đó chúng ta mới có thời gian để chỉnh sửa được thái độ với nhau. 

Nhưng điều đó không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Trước mắt, để tránh những vụ va chạm không đáng có, những y bác sĩ cần phải khéo léo hơn trong thái độ, cư xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. 

Cùng với đó là sự nâng cao tay nghề, y đức để có được sự tin tưởng hơn nữa từ những người bệnh, qua đó hy vọng, sẽ không còn những vụ việc “bạo hành” y tế đáng tiếc như trong thời gian vừa qua. 

Phong Hiền
.
.
.