Cảnh báo an toàn trường học

Thứ Năm, 19/12/2019, 16:03
Thời gian vừa qua liên tiếp những vụ việc thiếu an toàn cho học sinh xảy ra khiến cho các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng cho con em mình. An toàn trường học đã đến lúc cần phải đặt vấn đề ráo riết, vì chưa hết học kỳ I năm học 2019-2020 chúng ta đã phải chứng kiến rất nhiều vụ việc đau lòng.


Liên tiếp những vụ việc mất an toàn cho học sinh

Mới đây, ngày 29-11, dư luận tiếp tục xôn xao sự việc trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) do xe đưa đón không khóa cửa sau cẩn thận nên khi xe đang chạy, cánh cửa bất ngờ bật ra, làm 2 em học sinh tiểu học rơi xuống đường. 

Theo thông tin được truyền thông cung cấp, chiếc xe trên đang trên đường chở các em học sinh đến Trường tiểu học Diên Hồng (thuộc xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) thì xảy ra sự cố đáng tiếc này. 

Hình ảnh học sinh tiểu học bị rơi khỏi xe đưa đón ở Đồng Nai.

Trước đó, ngày 26-11 cũng đã xảy ra một sự việc tương tự. 3 em học sinh của Trường tiểu học  Phan Bội Châu (TP Biên Hòa, Đồng Nai) khi đang ngồi trên xe đưa đón cũng bị rơi xuống đường. Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Bội Châu cho biết, thì xe bị bung cửa do các em đùa giỡn và sau khi ngã xuống thì các em "không bị xây xát, thương tích gì".

Một sự việc đau lòng khác, ngày 25-11, trong giờ hoạt động ngoài trời của lớp nhà trẻ D2, Trường mầm non Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) cháu bé 3 tuổi Đ.T cùng các bạn khi đang tham gia trò chơi thì bị tai nạn. 

Khi cháu T. chui vào đường ống hình vuông thì bị tuột phần chân và thân người qua ô thoáng hình chữ nhật, còn đầu thì bị mắc lại trong ống. Do chân cháu T. không chạm đất nên cháu bị treo lơ lửng dẫn đến ngất xỉu. 

Vụ việc được phát hiện và các cô giáo nhanh chóng đưa cháu đến cơ sở y tế cấp cứu. Mặc dù các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tận tình cứu chữa nhưng cháu đã tử vong.

Từ câu chuyện thương tâm về cái chết của bé trai 3 tuổi chúng ta không thể không nhớ tới cái chết đột ngột, thương tâm của cậu bé lớp 1 Trường tiểu học Gateway hồi đầu năm học, một vụ việc nay vẫn còn ở trong vòng điều tra của Công an Hà Nội. Rồi câu chuyện em học sinh lớp 2 ở Mỹ Đức Hà Nội bị điện giật tử vong hồi cuối tháng 10 vừa qua cũng không khỏi làm chúng ta nhói lòng, lo âu về sự mất an toàn trường học.

Nỗi lo an toàn trường học không phải chỉ có lo tai nạn trong quá trình đưa đón học sinh (HS), mà còn là nỗi lo nguy cơ thương tích ngay trong lớp học.

Nhớ lại, thời điểm năm 2018, đang trong lớp học, 3 HS lớp 12 Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bất ngờ bị mảng vữa trần lớp học rơi trúng đầu, phải nhập viện cấp cứu. 

Trước đó, ngày 20-10-2017, đang trong giờ học, HS và thầy cô giáo Trường THPT Trần Nhân Tông cũng chứng kiến nhiều mảng vữa trần tại nhiều lớp học bị vỡ, rơi xuống sàn. 

Rồi ở Trường  THPT Kim Liên, Hà Nội, cũng từng xảy ra tình huống tương tự, khi cơ sở vật chất xuống cấp quá lâu mà không được khắc phục. Quạt trần, vữa trần lớp học rơi trúng đầu học sinh đã khiến thầy trò không ít lần hoảng loạn, có học sinh phải nhập viện cấp cứu… 

Theo tìm hiểu, hai ngôi trường này đều đã được cảnh báo về nguy cơ mất an toàn do cơ sở vật chất xuống cấp trước khi xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc. 

Nhưng phải đến khi vụ việc đáng tiếc xảy ra thì các cơ quan có trách nhiệm mới đến kiểm tra, chỉ đạo, lên phương án di dời học sinh và cải tạo, xây mới trường học. 

Dù hai ngôi trường này nay đã được sửa chữa, xây dựng khang trang trở lại nhưng chắc chắn rằng mỗi khi nhớ lại những ký ức như bị vôi vữa hay quạt trần rơi vào đầu, nhiều giáo viên học sinh không khỏi sợ hãi, lo lắng.

Làm gì để mỗi ngày đến trường không phải là một ngày lo?

Chắc hẳn là không một bậc làm cha mẹ nào muốn rằng gửi con đến trường mỗi ngày lại phải sống trong hồi hộp, lo lắng về sự an toàn của con ở trường. Hành trình đi từ nhà đến trường và thời gian ở trường phải là khoảng thời gian mà trẻ được an toàn, vui vẻ. Gửi con đến trường và nhận về trong ngày tin tức không hay đối với con thì đó thực sự là nỗi ám ảnh với cha mẹ. Không ít vụ việc xảy ra vừa qua đặt ra một vấn đề liệu rằng chúng ta có đang xem nhẹ vấn đề an toàn trường học?

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT thì năm 2019 cho thấy, cả nước hiện có gần 75% phòng học kiên cố. Mầm non có tỷ lệ phòng kiên cố thấp nhất, chỉ gần 65%; vùng Tây nguyên chỉ 44%... Điều này đồng nghĩa, những trường lớp tạm đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho HS. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo an toàn trường học. 

Các thông số về hệ thống tiêu chuẩn thiết kế trong các công trình giáo dục, quy định về độ cao phòng học, cầu thang, lan can, số tầng, vật liệu sử dụng,  khe hở tiêu chuẩn… để đảm bảo học sinh không bị tai nạn, thương tích do bị ngã, bị rơi từ trên cao xuống dường như vẫn chưa được nhiều trường học chú trọng, thực hiện một cách nghiêm túc.

Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông, trong đó nêu rõ yêu cầu khắc phục các nguy cơ thương tích trong trường học, thường gặp như tai nạn giao thông, ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, cháy nổ, ngộ độc, vật sắc nhọn đâm, cắt, bạo lực… 

Thông tư quy định cấp chứng nhận về trường học được công nhận đạt tiêu chuẩn trường học an toàn khi 80% nội dung các tiêu chí trường học an toàn được đánh giá là đạt, không có HS bị tử vong hay thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường. 


Các lực lượng chức năng đang tiến hành thực nghiệm, điều tra làm rõ vụ xe đưa rước làm rơi 2 học sinh trên địa bàn huyện Trảng Bom.

Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ quy định về cơ sở vật chất trường như sau: “Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp”.

Sau vụ việc xảy ra ở Trường Gateway hồi đầu năm học mới này, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành công văn yêu cầu tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho HS khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô…

Như vậy chúng ta thấy, những thông tư, quy định về an toàn trường học cho học sinh của ngành Giáo dục đề ra rất đầy đủ. Nhưng tại sao những câu chuyện đau lòng vẫn xảy ra, thậm chí có xu hướng liên tục, thường xuyên. Thiết nghĩ tất cả do ý thức của con người, ở đây là Ban giám hiệu các trường học. Chấp hành không nghiêm các quy định về an toàn trường học, nhiều nhà trường đã vô tình đẩy học sinh của mình vào các vụ tai nạn đáng buồn. 

Chẳng hạn, liên quan đến vụ việc xảy ra vào ngày 29-11, trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom làm 2 em học sinh tiểu học rơi xuống đường. 

Ông Nguyễn Phan Trong - Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, đã xác định chiếc xe này hết hạn kiểm định vào ngày 16-11-2019 và cửa sau chủ xe cho lắp chốt bên ngoài. 

Nhìn lại vụ việc ở Trường Gateway khiến một em học sinh lớp 1 tử vong, chúng ta lại thấy nhiều người làm việc trong hệ thống đưa đón, tiếp nhận học sinh đã không làm hết trách nhiệm của mình để xảy ra tai nạn thương tâm.

An toàn trường học là một câu chuyện lớn, nó bao gồm rất nhiều vấn đề từ đưa đón học sinh, phòng tránh tai nạn thương tích, nạn xâm hại, bạo lực, an toàn thực phẩm… Trẻ đến trường phải nhận đủ sự chăm sóc, giáo dục tốt nhất của thầy cô, và một trong những yếu tố quan trọng nhất phải là an toàn. 

Chúng ta đã để xảy ra nhiều vụ việc thiếu an toàn trường học và câu chuyện này dường như vẫn chưa có biện pháp đủ mạnh để khắc phục, thậm chí có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều hơn. 

Thiết nghĩ, ngành Giáo dục nói chung và từng ngôi trường nói riêng phải hành động nhiều hơn nữa để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Trẻ em có quyền được sống và học tập trong môi trường an toàn nhất có thể. Sự tắc trách của người lớn có thể để xảy ra những hậu quả khôn lường. Việc đưa vấn đề an toàn cho học sinh lên hàng đầu, ngang với việc dạy kiến thức cho các em là cần thiết.

Hội Vũ
.
.
.