Cần tăng thẩm quyền cho người bảo vệ pháp luật
- Đang ráo riết truy tìm đối tượng gây tai nạn làm 2 CSGT trọng thương9
- Xin bỏ qua lỗi không được, tài xế chửi CSGT như hát hay
Buồn vì những người thi hành công vụ lẽ ra phải quyết liệt hơn, phải tự bảo vệ mình trước khi bảo vệ công lý, song họ đã không ngại ngần làm hoặc mất khả năng tự vệ. Tức giận vì những kẻ manh động, coi thường pháp luật ngang nhiên thực hiện những hành vi chống đối nhưng nhiều người khác vẫn đứng nhìn thay vì việc phải ngăn chặn, hỗ trợ.
Minh họa của Lê Tâm. |
Một ví dụ điển hình: Lúc 21h30 ngày 6-8, tại khu vực bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Thanh Hóa, các chiến sĩ Bộ đội biên phòng đã bắt quả tang Hơ Văn Tho (43 tuổi, trú bản Khằm Nang, cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay, Lào) và Hà Văn Lim (42 tuổi, trú xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) khi 2 đối tượng đang vận chuyển 2 bánh heroin.
Đối mặt với lực lượng chức năng, hai đối tượng đã dùng súng bắn điện, dao găm chống trả quyết liệt hòng tẩu tán tang vật và thoát thân. Bằng các nghiệp vụ và võ nghệ tinh thông, lực lượng chức năng đã kịp khống chế hai kẻ này. Rất may không ai bị trọng thương.
Thống kê của ngành Công an cho thấy, những năm gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung, chống lực lượng Cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ trên các tuyến đường nói riêng có xu hướng tăng nhanh cả về số vụ và tính chất, mức độ.
Riêng năm 2015 đã xảy ra 37 vụ, 9 Cảnh sát bị thương; còn trong 5 năm (2011-2015) có 231 vụ chống đối Cảnh sát giao thông, 1 người hy sinh, 76 người bị thương.
Kẻ coi thường pháp luật, sẵn sàng bất chấp tất cả để ra tay với những người mang trọng trách bảo vệ pháp luật đương nhiên bị xã hội lên án và mong muốn cái ác phải bị trừng trị. Song, khách quan mà nói, trong nhiều vụ việc, người thi hành công vụ cũng có thái độ, tác phong chưa đúng mực để đối tượng bức xúc dẫn đến việc không kiềm chế bản thân, xúc phạm và tấn công người thực thi pháp luật.
Trong một số trường hợp, rõ ràng là người thừa hành pháp luật thiếu uy lực, thậm chí trong tình trạng nguy hiểm cũng không sử dụng hết quyền lực của mình và trở thành nạn nhân của sự tấn công.
Các đối tượng tấn công người thi hành công vụ ở nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào? Mới đây, clip ghi lại cảnh một cảnh sát giơ chân đạp ngã một chiếc xe máy khi qua điểm kiểm soát được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội Thái Lan.
Vụ việc diễn ra tại một giao cắt ở Chiang Mai, Thái Lan vào ngày 28-5 và được ghi lại từ một camera hành trình của ôtô chạy phía sau. Cảnh sát Chiang Mai sau đó phải đưa ra thông cáo nhằm giải thích nguyên nhân: người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, từ chối dừng lại khi cảnh sát ra hiệu và sau đó bị phát hiện trên người có mang theo chất cấm.
Tôi tin người yếu tim không dám xem hết clip này nhưng để thấy một điều, đó là việc làm bình thường của cảnh sát nước này đối với ai cố tình vi phạm pháp luật và đe dọa tới những khách thể được pháp luật bảo vệ.
Còn tại Philippines, vị Tổng thống nước này sau khi chiến thắng cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua đã ra một cam kết "rung chuyển" đất nước về việc tiêu diệt tội phạm ma túy. Ông nói với người dân Philippines vào ngày ông nhậm chức 30-6 rằng: Nếu bạn biết người nghiện ma túy nào, hãy giết họ vì thật đau đớn nếu để cha mẹ họ làm điều đó.
Theo thống kê không đầy đủ, hơn 700 người bị tình nghi nghiện ma túy hoặc buôn bán ma túy đã bị cảnh sát hoặc cảnh vệ Philippines tiêu diệt trong vòng chưa đầy ba tháng qua. Rõ ràng, tội phạm ma túy là rất nguy hiểm cho xã hội, điều này ai cũng rõ, nhưng để có một quyết định mạnh mẽ như thế thì không phải nước nào cũng dám làm.
Xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ, tăng hình phạt với loại tội phạm này và tất nhiên, tăng cả thẩm quyền cho người thực thi pháp luật. Đó là những việc cần làm nhằm hạn chế tối đa những vụ án trên.
Mặt khác, cần tuyển chọn người hội tụ những phẩm chất cần thiết, sẵn sàng đối mặt, bất chấp hiểm nguy để diệt trừ cái ác, cái xấu trong xã hội. Tất cả những điều đó thể hiện sức mạnh, uy quyền của pháp luật trong việc gìn giữ bình yên chung.