Cần sớm tìm ra nguyên nhân nhiễm sán lợn cho trẻ em ở Bắc Ninh

Thứ Ba, 19/03/2019, 13:33
Nhiều phụ huynh hoang mang, thậm chí có người đã bật khóc ngay khi nhận được kết quả dương tính của con. Rất nhiều người đặt câu hỏi, vì sao cùng lúc lại có nhiều trẻ em nhiễm sán lợn, nguyên nhân do đâu?


Đến ngày 18-3, đã có 209 trẻ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) dương tính với sán lợn. Đây là thông tin nóng, gây xôn xao dư luận cả nước bởi số trẻ mắc sán lợn đa phần ở lứa tuổi mầm non, khi mà xuất phát từ sự nghi ngờ, phản ánh của phụ huynh về việc Trường mầm non Thanh Khương sử dụng thịt lợn nghi nhiễm sán trong bữa ăn bán trú cho trẻ. 

Nhiều phụ huynh hoang mang, thậm chí có người đã bật khóc ngay khi nhận được kết quả dương tính của con. Rất nhiều người đặt câu hỏi, vì sao cùng lúc lại có nhiều trẻ em nhiễm sán lợn, nguyên nhân do đâu?

Gần 2.000 trẻ đi xét nghiệm sán

Sự việc xuất phát từ cuối tháng 2-2019, một số phụ huynh có con học ở Trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh phản ánh nhà trường sử dụng thịt lợn nghi nhiễm sán vào bữa ăn bán trú cho trẻ. Ngày 5-3, một số phụ huynh đã đến bếp ăn của trường học và phát hiện nhà trường dùng thịt gà mủn để chế biến món ăn cho các cháu.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 12-3 có 3 bà mẹ ở xã Thanh Khương đưa con đến Bệnh viện xét nghiệm sán. Kết quả các cháu đều mắc sán dây lợn và đã được chỉ định điều trị. Sau đó các bà mẹ đã đưa thông tin lên mạng xã hội, tạo thành làn sóng cho rằng vùng đất đó có nhiều giun sán. 

Ngày 15-3, 230 trẻ (chủ yếu từ 1-3 tuổi) ở xã Thanh Khương được gia đình đưa đến bệnh viện xét nghiệm, qua chạy 173 mẫu có 44 cháu dương tính với sán dây lợn. Ngay sau đó, làn sóng đã lan sang các xã khác của huyện Thuận Thành và phụ huynh đã ùn ùn đưa con đi Hà Nội xét nghiệm sán. 

Tính đến nay đã có gần 2.000 trẻ trong độ tuổi từ 1-10 ở huyện Thuận Thành đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương xét nghiệm sán. Đến ngày 18-3, đã có 209 cháu dương tính với sán lợn. 

Theo Ths.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì bệnh viện đang huy động toàn bộ nhân viên Khoa xét nghiệm tiếp tục chạy các mẫu còn lại. Bệnh viện sẽ chạy tiếp nhóm giun sán thứ 3 để đánh giá khả năng dương tính chéo của các loại ký sinh trùng trước khi đưa ra kết quả chính xác cuối cùng.

Trước sức "nóng" sôi sục trong mấy ngày qua, tỉnh Bắc Ninh đã thông báo sẽ hỗ trợ lấy máu xét nghiệm sán miễn phí cho các cháu mầm non ở 19 xã trên địa bàn huyện Thuận Thành. Ngày 17-3, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chính đã có buổi làm việc với Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương. 

Tỉnh Bắc Ninh đưa ra phương án hỗ trợ người dân bằng việc lấy mẫu xét nghiệm gửi về các viện. Phó Viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương - BS Nguyễn Quang Thiều khẳng định: "Người dân không cần lo lắng, chúng tôi khẳng định không có chuyện làm sai kết quả xét nghiệm của các cháu bé khi lấy mẫu từ Bắc Ninh gửi về".

Bệnh viện quá tải vì trẻ em đến xét nghiệm sán.

Cần sớm tìm ra nguyên nhân

Lo lắng, bồn chồn, mệt mỏi là tâm trạng của hàng nghìn phụ huynh khi có con đang trong độ tuổi ăn bán trú tại trường. Nhiều phụ huynh đã bật khóc khi nhận kết quả của con. Có gia đình có tới 3 cháu nhỏ bị nhiễm sán. 

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì không chỉ sán lợn, bệnh viện còn làm thêm xét nghiệm chéo sán chó, sán lá gan. Theo GS Kính, một số cháu cần phải phân tích thêm vì phản ứng chéo của các ký sinh trùng đa bào các loại giun sán rất phổ biến.

Ngoài trẻ nhiễm sán lợn phải điều trị, người dân Thuận Thành đều muốn biết nguyên nhân gây bệnh. "Sự việc càng kéo dài chúng tôi càng lo. Chúng tôi mong cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra ra nguyên nhân, nếu đúng nguồn lây từ thịt bẩn thì phải xử lý nghiêm khắc. Còn lây từ môi trường xung quanh phải sớm được diệt bệnh, càng kéo dài càng còn nhiều người mắc" - một phụ huynh bức xúc cho chúng tôi biết. 

Theo phụ huynh này, nhà không có tiền cũng đều đi vay để đưa cả con cháu đi xét nghiệm. Chi phí xét nghiệm từ 700.000 đến 1 triệu đồng/cháu, cộng tiền thuê xe đi lại cũng tốn kém nhưng nếu không đi thì lo lắng không yên.

Vậy nguồn lây sán của trẻ nhỏ ở Thuận Thành là do đâu? GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, nguồn lây bệnh ký sinh trùng nằm ở trong đất, trong nước, cũng có thể trong thực phẩm nếu như không được nấu chín. Thực phẩm nếu nấu chín 100 độ C trong 5-10 phút thì không sao. Chu kỳ của ký sinh trùng có 2 chu kỳ: ở trong người và ngoài môi trường. Trẻ nhiễm từ bao giờ thì không ai biết được. 

"Chúng tôi là bác sĩ lâm sàng nên không đánh giá được nguyên nhân. Tỷ lệ nhiễm sán bình thường rất thấp và hầu như không có, phụ thuộc vào tập quán ăn uống và môi sinh, môi cảnh ở khu vực đó có hay không. Phải đến tận nơi điều tra về môi sinh xem có ấu trùng đang phát triển trong đất, trong nước hay không" - GS Kinh nói.

Dự kiến, một đoàn chuyên gia của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương sẽ tới Thuận Thành để điều tra dịch tễ học ở địa phương, nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Trong khi đó, Công an tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho trường học. 

Đại tá Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: Qua xác minh, điều tra, Cơ quan Công an xác định Công ty TNHH đầu tư Tài chính Hương Thành là đơn vị cung cấp thức ăn cho Trường mầm non Thanh Khương. Kiểm tra hồ sơ và các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc cung cấp thực phẩm của Công ty này cho thấy có một số vi phạm. Cơ quan điều tra sẽ xác định vi phạm và xử lý nghiêm trong thời gian ngắn nhất.

Ấu trùng sán lợn di chuyển dưới da người.

Cảnh báo không thừa

Nhiễm ký sinh trùng do thói quen, tập quán ăn thịt tái, ăn rau sống đã được cảnh báo rất nhiều, song vẫn nhiều người mắc phải. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thể bệnh sán trưởng thành ở ruột gặp ở người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa được nấu chín có các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành dây sán trưởng thành. 

Sán dây trưởng thành bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng nghìn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng. Triệu trứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán ở trong phân.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng (Trường Đại học Y Hà Nội), ăn phải sán lợn gạo thì chỉ từ 10 đến 15 ngày xét nghiệm máu bằng phương pháp ELISA là có thể phát hiện có dương tính với sán không. Nếu người bệnh dương tính với sán lợn thì chỉ cần uống thuốc theo bác sĩ kê đơn và khám lại sau một thời gian. Ở những trường hợp mới nhiễm sán thì việc điều trị đơn giản hơn những người bị sán lâu ngày khiến sán đóng kén.

Khi ăn phải nang sán (lợn gạo) vào cơ thể sẽ trở thành sán trưởng thành trong ruột. Sán trưởng thành này có thể dài tới vài mét hay còn gọi sán dải lợn. GS Đề đã gặp trường hợp bệnh nhân sau khi xổ sán ra con sán 12 mét gồm khoảng 900 đốt. 

Sán gồm 3 phần đầu tròn kích thước 1mm, có chùy và chân chùy có 2 vòng móc gồm 25 - 30 móc, có 4 giác bám, cổ mành dài 5mmm là nơi sinh ra đốt non. Những con sán này sẽ đẻ trứng và con người tiếp tục nhiễm trứng sán lần nữa hay còn gọi tự nhiễm. Bản thân đốt sán sinh ra cả nghìn trứng và trứng sán này tiếp tục phát triển trong cơ thể và di chuyển đến các cơ vân, mắt, não. Có ca ấu trùng di chuyển lên não đóng kén gây đau đầu, co giật, nói ngọng, dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh động kinh.

Theo Cục Y tế dự phòng, Ở Việt Nam, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. Đây không phải là ổ dịch đầu tiên có số ca sán lớn lên đến hàng trăm người mắc. Trước đó, năm 2018 đã phát hiện một ổ hơn 100 người mắc sán lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Khi đó cơ quan chức năng đã lấy mẫu của 904 người, phát hiện 108 người dương tính sán lợn.

Với các cháu nhỏ ở Thuận Thành, Bắc Ninh, GS Nguyễn Văn Kính khẳng định, bệnh hoàn toàn chữa khỏi bằng thuốc trong 2 tuần, diệt cả sán trưởng thành và trứng sán. Phụ huynh không nên hoang mang, lo lắng vì đây là bệnh không nghiêm trọng, trẻ không cần nhập viện điều trị mà uống thuốc tại nhà, cho trẻ đi học bình thường.

GS Kính cũng cho biết thêm, cộng đồng cũng không nên quá hoang mang, sợ hãi, bởi đây không phải bệnh mới, mà bệnh quá cũ, đã bị cộng đồng lãng quên. Ông cũng cảnh báo bệnh sán hay gặp ở vùng Tây Bắc nước ta hiện nay là sán lá phổi. Sán này hay nằm trong con cua sống trong hang đá. 

Ngày mùa đông trẻ em đi chăn trâu rủ nhau bắt cua, đốt lửa nướng. Vì cua đá gặp lửa mai nhanh vàng nên  các cháu tưởng đã chín, ăn dễ dàng bị sán lá phổi. Nhiều nơi chẩn đoán nhầm là lao phổi, chữa thời gian dài bệnh không thuyên giảm, vẫn ho khạc ra máu. Khi bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, chẩn đoán đúng bệnh sán lá phổi, điều trị bằng thuốc một thời gian ngắn là khỏi.

Bệnh hay gặp hiện nay nữa là giun xoắn nằm trong cơ lợn. Người mắc bệnh thường ăn tiết canh, thịt lợn gác bếp. Năm 2015 phát ổ giun xoắn ở Quan Hóa, Thanh Hóa, sau khi điều trị dứt điểm thì lại phát hiện thêm một ổ ở Sơn La, với tâp quán ăn thịt gác bếp trong đồng bào dân tộc.

Nhiều người đã phải từ bỏ thói quen ăn phở bò tái, bò bít tết vì đã có nhiều ca nhập viện do nhiễm sán lá gan, thậm chí có người bị chẩn đoán nhầm ung thư gan do sán đóng kén trong gan vì ăn phải thịt của con bò mắc sán. Chính vì thế mà thói quen "ăn sống, uống chưa sôi" cần phải được từ bỏ để loại trừ lây bệnh ký sinh trùng.

Trần Hằng
.
.
.