Cần sớm có Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thứ Ba, 16/07/2019, 21:16

Những ngày qua, đoạn clip ghi lại cảnh một thanh niên đi xe máy lao thẳng vào một sĩ quan Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ ở Hải Phòng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây không chỉ là hành vi vi phạm hành chính mà là coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người làm nhiệm vụ thực thi pháp luật.

Một bộ phận người tham gia giao thông ngày càng coi thường pháp luật

Vụ việc xảy ra vào 12h trưa 9-7, Thượng uý Nguyễn Trọng Quý, cán bộ Đội CSGT Công an huyện An Lão, Hải Phòng cùng tổ tuần tra làm nhiệm vụ trên đường thì phát hiện một thanh niên điều khiển xe máy với tốc độ cao không đội mũ bảo hiểm. Mặc dù tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng xe nhưng thanh niên này đã tông thẳng vào tổ công tác khiến Thượng uý Nguyễn Trọng Quý bị trọng thương. 

Anh Quý được đồng đội đưa vào viện trong tình trạng xuất huyết não, gãy xương cánh tay và nhiều chấn thương khác, sau 10h cấp cứu tích cực, anh Quý mới tạm qua cơn nguy kịch. Đối tượng tông xe vào anh Quý là Đỗ Văn Thắng, mới hơn 16 tuổi, chưa đủ tuổi được cấp GPLX.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên CSGT bị người vi phạm Luật Giao thông tấn công. Trước đó, 8 giờ sáng ngày 17-4-2019, Huỳnh Văn Chủng (trú tại TP HCM) điều khiển xe bán tải BKS 51C-95229 lưu thông trên QL51 hướng từ TP HCM đi Vũng Tàu. 

Khi đến xã Phước Thái (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), chiếc xe do Chủng điều khiển tông vào các xe đi cùng chiều và cự cãi với người dân khu vực này. Sau đó, Chủng dùng rìu tấn công anh Nguyễn Công Hoan, là tài xế lái xe chở dầu bị thương, rồi ông Chủng lên xe chạy với tốc độ cao hướng về thị xã Phú Mỹ.

Lúc đó, Tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm nhiệm vụ trên QL51 tại đoạn ngã tư chung cư Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã phát hiện phương tiện đang di chuyển quá tốc độ cho phép nên ra hiệu lệnh dừng xe nhưng Huỳnh Văn Chủng không dừng lại mà tiếp tục bỏ chạy, vượt 2 lần đèn đỏ. 

Đại úy Chu Quang Sáng và một chiến sĩ Cảnh sát cơ động đã dùng xe mô tô chuyên dụng của CSGT đuổi theo. Đến khu vực ngã ba Cái Mép thì lái xe vi phạm đã tông xe ôtô vào xe chuyên dụng khiến Đại úy Sáng cùng chiến sỹ đi cùng ngã xuống đường. Do vết thương quá nặng, anh Sáng đã hy sinh...

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT rất trăn trở, bởi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 11 vụ người vi phạm chống lại CSGT làm 1 đồng chí hi sinh, 3 đồng chí bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 14 đối tượng về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

CSGT chịu nhiều áp lực và nguy hiểm khi làm nhiệm vụ.

Đã đến lúc phải có Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Sau mỗi vụ CSGT bị người vi phạm Luật Giao thông chống đối, dư luận lại tranh cãi rằng: Vì sao biết đối tượng vi phạm đang chạy tốc độ cao mà cán bộ CSGT vẫn lao ra chặn? 

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông Cục CSGT  khẳng định, thấy đối tượng vi phạm mà mình không ngăn chặn thì bản thân an toàn nhưng với tốc độ đó, đối tượng có thể gây nguy hiểm cho biết bao người khác.

Đảm bảo TTATGT hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp đối tượng vi phạm ngày càng manh động, sẵn sàng tấn công CSGT để bỏ chạy, gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ và người tham gia giao thông. 

Trong khi đó, lực lượng CSGT chưa được trang bị các công cụ, phương tiện đầy đủ, cần thiết, đặc biệt chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh để có thể bảo vệ lực lượng làm nhiệm vụ, trấn áp đối tượng, không để xảy ra các vụ việc tương tự.

Thực tế hiện nay văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn nhiều vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của CSGT, như: các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy khi điều khiển phương tiện còn nhẹ… 

Hiệu lực, hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành xử phạt còn hạn chế; tình trạng chống người thi hành công vụ, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn diễn ra khá nhiều và nghiêm trọng.

Để đảm bảo trật tự án toàn giao thông, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng để đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi tham gia giao thông, bảo vệ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, đồng thời có đủ hành lang pháp lý để CSGT vừa làm tốt nhiệm vụ đảm bảo ATGT, vừa đấu tranh trấn áp tội phạm trên tuyến vừa bảo vệ chính bản thân mình, thời gian tới Quốc hội cần sớm xây dựng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ để có những quy định cụ thể xử lý các hành vi vi phạm; có như vậy mới ngăn chặn được những hành vi coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác của một bộ phận người tham gia giao thông.

Phương Thủy
.
.
.