Cần giải nhiều bài toán về trật tự đô thị

Thứ Năm, 16/03/2017, 07:52
Việc lập lại trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở TP HCM bước đầu đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận, nhiều quận, huyện đã có những chuyển biến khá rõ rệt, nhiều hộ chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh đã sắp xếp lại, việc để xe trên vỉa hè đã tương đối trật tự…


Đạt được kết quả bước đầu trước hết là quyết tâm của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các quận, huyện và cả ý thức của người dân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" hay việc sáng dẹp chiều dọn ra, cần nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài, đồng bộ của thành phố và các cấp, các ngành…

Sự quyết liệt của chính quyền

Mấy ngày nay, dư luận cả nước hướng sự chú ý về việc chính quyền quận 1, và sau đó là hầu hết các quận huyện khác của TP Hồ Chí Minh quyết tâm lập lại trật tự và mỹ quan đô thị của thành phố.

Nhiều diện tích vỉa hè của thành phố vốn từ lâu đã bị nhiều cá nhân, tổ chức lấn chiếm nghiêm trọng nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán hàng rong, làm bãi giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo…, khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, là một trong những nguyên nhân gây nên vấn nạn ùn tắc giao thông ở thành phố này và tình trạng nhếch nhác vỉa hè, phố xá.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh với Chủ tịch UBND 24 quận, huyện về công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè diễn ra mới đây, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh thông tin, hiện thành phố có 2.598 tuyến đường không có vỉa hè, 2.271 tuyến có vỉa hè. Từ năm 2012, UBND các quận, huyện đăng ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho 159 tuyến đường kiểu mẫu.

Tuy nhiên, việc giải quyết trật tự lòng lề đường, vỉa hè tại một số quận, huyện lâu nay như "bắt cóc bỏ đĩa". Sau khi kiểm tra, xử lý, tình trạng tái lấn chiếm, buôn bán lại tiếp diễn.

Theo ông Tường, nguyên nhân chủ quan do nhân lực hạn chế, loại hình buôn bán hàng rong bằng xe đẩy dưới lòng đường khá phổ biến, gây cản trở giao thông nhưng công tác xử phạt gặp khó khăn do đối tượng luôn lưu động. Tình trạng chạy xe gắn máy trên lề đường, vỉa hè chưa được xử lý triệt để. Hoặc như tình trạng đậu xe tràn lan trước các siêu thị, trung tâm tiệc cưới, nhà hàng, trường học và trên nhiều tuyến đường khu trung tâm có biển báo cấm dừng, cấm đậu. Một số nơi, vỉa hè xuống cấp gây tình trạng nhếch nhác, phản cảm...

Lập lại trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở TP Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo Ban An toàn giao thông thành phố, một trong những nguyên nhân là do công tác xử lý vi phạm chưa kiên quyết, nhất là ở cấp phường xã; sự phối hợp giữa các địa phương chưa cao, đặc biệt ở vùng giáp ranh; lực lượng kiểm tra xử lý vi phạm quá mỏng, thiếu bãi chứa phương tiện tịch thu, ý thức chấp hành của người dân chưa cao...

Đúng như chỉ đạo của vị Chủ tịch UBND thành phố, việc lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và nhất là làm sao đảm bảo sự lâu dài, căn cơ, nếu không sẽ khó tránh khỏi tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa". Tuy nhiên, theo các nhà quản lý và chuyên gia quản lý đô thị thì để xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè, trả lại mặt bằng cho người đi bộ rất khó, phải thực hiện lâu dài và đồng bộ.

Thực tế, từ ngày 28-2, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như quận 1, 3, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú... đồng loạt ra quân kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt quyết liệt các trường hợp, tháo dỡ nhiều vật dụng, công trình lấn chiếm vỉa hè. Nhiều quận đã chủ động thông báo, tuyên truyền đề nghị các hộ dân, đơn vị, kinh doanh trên địa bàn cần nghiêm túc thực hiện.

Ngày 5-3, một lần nữa, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải đã khẳng định sẽ tiếp tục chỉ huy việc lập lại trật tự lòng lề đường và vỉa hè trên địa bàn. Việc này sẽ được làm mạnh, làm liên tục và làm quyết liệt hơn nữa để có vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ, góp phần giảm tai nạn giao thông, tạo bộ mặt thông thoáng, văn minh trật tự đô thị khu trung tâm thành phố.

Chính quyết tâm của chính quyền thành phố cũng như các quận, huyện đã khiến dư luận hết sức phấn khởi và hy vọng một sự thay đổi rõ ràng. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên gia cao cấp về quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh tỏ ý vui mừng: "Dưới con mắt chuyên gia về quản lý đô thị thì việc chính quyền thành phố và nhiều quận, huyện lập lại trật tự và mỹ quan đô thị như đang làm khiến tôi rất mừng. Bởi chính quyền dám thực thi công cụ quản lý của mình một cách hữu hiệu".   

Hơn nữa, ngoài chuyện làm mạnh, liên tục và quyết liệt thì nhiều quận, huyện đã áp dụng đồng thời nhiều biện pháp khác để xử lý việc chiếm dụng vỉa hè, như cho kẻ lại vạch sơn vỉa hè trên nhiều tuyến đường, cho người dân kinh doanh mua bán có mức độ chứ không phải chiếm toàn bộ vỉa hè; cho lắp đặt mô hình rào vỉa hè; nhắn tin cho người dân nhắc nhở việc đảm bảo mỹ quan đô thị, không lấn chiếm vỉa hè, cho lực lượng trật tự đô thị thường xuyên đi tuần, kiểm tra, giám sát...

Tuy nhiên, có thực tế là sau những đợt ra quân của chính quyền, lại kéo theo hàng loạt câu chuyện khác như việc quy hoạch bán hàng rong, bãi đỗ xe hay việc phối hợp giữa các lực lượng khi thực thi công vụ này… Và để giải những bài toán này có lẽ không hề đơn giản.

Hình ảnh lập lại trật tự, mỹ quan đô thị ở TP Hồ Chí Minh.

Cần giải nhiều bài toán về trật tự đô thị

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trước khi chỉ đạo quận 1 sắp xếp lại vỉa hè, lòng lề đường, quận 1 cũng đã chủ động có kế hoạch thực hiện; đồng thời cũng đã có đề án xây dựng chợ phiên tại bến Bạch Đằng và tổ chức sắp xếp cho 500 hộ kinh doanh, buôn bán hàng rong được bán tại một số vỉa hè, công viên dưới sự quản lý chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như an ninh trật tự. Khi đó, người bán hàng rong sẽ có vị trí bán buôn ổn định.

Theo đó, ở quận 1 có thể sẽ thực hiện thí điểm khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định trên một số lề đường, khu vực công viên cảng Bạch Đằng đường Tôn Đức Thắng. Dự kiến, thời gian kinh doanh từ 6 - 8 giờ, từ 11 - 13 giờ mỗi ngày…

Tuy nhiên, theo lãnh đạo quận 1 thì những khu vực này chủ yếu chỉ ưu tiên cho những trường hợp ở trên địa bàn để giúp bà con ổn định cuộc sống. Quận 1 không giải quyết cho những trường hợp mới phát sinh, bởi nếu ai cũng muốn được bán, đặc biệt là người từ các địa phương khác đến nữa thì quận 1 không thể kham nổi.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh để báo cáo về dự án lắp đặt máy bán hàng tự động, xe quầy lưu động tại các địa điểm công cộng do hai công ty tư nhân đề xuất. Những hoạt động này sẽ góp phần giảm việc bán hàng rong một cách vô tổ chức như lâu nay.

Những động thái của quận 1 cũng như của thành phố, khiến nhiều quận huyện khác như quận 7, quận Tân Phú, quận Bình Tân… cũng đang có kế hoạch rà soát các khu đất công chưa sử dụng để bố trí cho những người buôn bán hàng rong được kinh doanh.

Một vấn đề không thể không nhắc đến sau khi việc ra quân lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, khó khăn trong việc tìm không gian đậu xe ô tô khi vào các quận trung tâm, nhất là quận 1. Qua ghi nhận, nhiều tuyến đường được phép đậu xe ôtô tạm dưới lòng đường có thu phí như Đông Du, Mạc Thị Bưởi, Huyền Trân Công Chúa... luôn trong tình trạng kín chỗ. Có thể nói, hiện nay nhu cầu này tại trung tâm thành phố đang rất lớn, bãi đậu ôtô và cả xe gắn máy thì vô cùng khan hiếm.

Đúng ra, theo quy hoạch, khu vực trung tâm thành phố có khá nhiều dự án bãi đậu xe ngầm và nổi như bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng, bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, dự án bãi đậu xe trên mặt đất sau lưng Nhà hát Thành phố, dự án trên đường Phạm Hồng Thái đoạn bên hông Công viên 23 tháng 9 hay dự án xây dựng nhà đậu xe tạm dạng nổi tại Công viên Gia Định, nhằm trung chuyển phương tiện vào ra sân bay Tân Sơn Nhất…

Nhưng thực tế theo tìm hiểu thì chúng hầu hết đang đều còn... trên giấy hoặc ở dạng đề xuất. Và nguyên nhân của tình trạng này là vấn đề thủ tục, đền bù và nhất là nguồn vốn đều thiếu.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hòa thì thành phố cần quy hoạch thật cụ thể từng tuyến đường với các chức năng khác nhau, chẳng hạn như tuyến đường nào cấm hẳn xe cộ lưu thông, tuyến đường cho phép bán hàng rong…

Về vấn đề chỗ đậu xe, trong khi chờ đợi có đủ các nhà để xe nên chú trọng đến khâu tổ chức, sắp xếp cho đậu xe ở các tuyến đường nhất định; xa hơn cần làm rõ việc đánh thuế rất cao xe ôtô nhập khẩu và theo đó nguồn thu không nhỏ nhưng số ngân sách đó có được dùng cho việc làm đường hay bãi đậu xe hay không? Với các dự án bãi đậu xe, thành phố cần xem xét đánh giá lại tính khả thi để có giải pháp hợp lý…

Lâu nay chúng ta đã tạo tâm lý cơ quan công quyền quản lý quá dễ dàng để cho vỉa hè bị chiếm dụng vô tội vạ, rồi việc người dân các địa phương khác cứ thích là vào thành phố buôn bán hàng rong một cách vô tổ chức…

Những điều này kéo theo nhiều hệ lụy xấu như hình ảnh đô thị nhếch nhác, dễ gây tai nạn khi lưu thông trên đường, tạo sự trễ nải trong sự phát triển của thành phố. Vì thế việc phải kiên quyết lập lại trật tự lòng lề đường là hoàn toàn hợp lý và nhất thiết phải làm.

Để duy trì hiệu quả được lâu dài và căn cơ, thiết nghĩ phải có một lực lượng chuyên trách quản lý về trật tự đô thị. Đây sẽ là lực lượng chuyên kiểm soát đường phố. Trong mô hình chính quyền đô thị, TP Hồ Chí Minh cũng đã từng đề xuất Trung ương cho thành phố một cơ chế để có lực lượng này.

Quả thật, công tác quản lý đô thị là vô cùng phức tạp và khó khăn, cần nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ, tổng thể và tầm nhìn chiến lược của chính quyền thành phố cũng như của Trung ương cùng chung tay giải quyết mới mong có hiệu quả lâu dài và bền vững.

Phú Lữ
.
.
.