Cán bộ phường nấu cơm miễn phí cho dân nghèo

Thứ Ba, 21/06/2016, 16:01
Căn bếp nhỏ ở đình An Phú, quận 2, TP Hồ Chí Minh vào các ngày chẵn trong tuần luôn rộn ràng tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười nói rôm rả. Nơi đây các tình nguyện viên tìm đến từ sáng sớm, mỗi người một việc cùng nhau chế biến, nấu nướng hàng trăm suất cơm miễn phí để phát cho bà con nghèo giúp cho họ vơi bớt phần nào nỗi cơ cực thường ngày. Nghĩa cử cao đẹp của những tấm lòng thiện nguyện ấy quả là rất đáng ghi nhận và trân trọng biết bao nhiêu!


Bếp ăn nghĩa tình

Nhiều người bảo rằng ở TP Hồ Chí Minh có nhiều việc làm từ thiện “lạ lắm”, nhưng qua đó nó cho thấy rõ được bản chất phóng khoáng, hào hiệp mang tính cách đặc trưng con người Nam bộ.

Và khi tìm đến bếp cơm nghĩa tình ở đình An Phú, quận 2 chúng tôi càng cảm nhận rõ tính cách rất đẹp này của người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và người Nam bộ nói chung.

Theo đó, cứ đều đặn vào khoảng 6 giờ sáng thứ hai, tư, sáu hằng tuần, một số cán bộ của phường An Phú, quận 2 cùng với các tình nguyện viên lại tập trung tại đình An Phú để cùng nhau nấu bữa cơm từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói.

Anh Võ Văn Giàu chuẩn bị đi giao cơm cho những người đi lại khó khăn.

Theo UBND phường An Phú thì việc chọn khu vực đình An Phú để thực hiện việc nấu nướng là do địa phương không có mặt bằng để xây dựng bếp ăn tình thương cho bà con nghèo trên địa bàn nên phường đã xin phép được tổ chức ở khu bếp của đình An Phú.

Để có bếp nấu khang trang, phường đã vận động các nhà hảo tâm góp sức, sắm thêm những vật dụng cần thiết để nấu nướng. Bên cạnh đó, bếp ăn được duy trì là nhờ tấm lòng của mọi người trong chi bộ khu phố, ở phường cũng như các mạnh thường quân của các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh…

Người góp tiền, có người ủng hộ năm tấn gạo, người thì góp công sức, chạy đi thay giùm bình gas hay chở thức ăn đi giao cho bà con nghèo… tất cả đã trở thành những hành động thiết thực và nghĩa cử cao đẹp.

Mọi thực phẩm dùng để nấu đều được chọn mua kỹ lưỡng. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu mà khu bếp ăn tình nghĩa này đặt ra. Đúng theo quy trình thì mỗi ngày thực đơn của bếp ăn đều được viết sẵn lên tấm bảng treo ở đình. Mỗi bữa cơm thường gồm ba món là canh, xào, mặn.

Bà Võ Thị Gái, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường An Phú, vui vẻ cho biết: bếp cơm nghĩa tình này bắt đầu hoạt động từ ngày 25-3 do UBND phường An Phú chủ trì. Và lâu nay, cứ khoảng 5h sáng bà đã thức dậy để đi chợ, lựa chọn những thực phẩm, rau quả sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh để mang về đình nấu.

Sau khi có thực phẩm, cứ thế mỗi người một việc, bắt tay vào các công đoạn sơ chế, nấu nướng sao cho đến tầm 10h trưa là hoàn tất việc nấu nướng, phân chia thành các phần thức ăn cho những người nghèo khó đến nhận hoặc có người đi giao cho một số người có hoàn cảnh đặc biệt.

Theo như bà Gái thì dù phải dậy sớm tất bật với công việc nhưng các cô bác, anh chị phụ giúp nấu ăn nơi đây hầu như không ai tỏ ra mệt mỏi hay than phiền điều gì mà ngược lại bếp ăn luôn ngập tràn tiếng cười nói vui vẻ.

Bà Nguyễn Thị Mai Quỳnh (69 tuổi), bếp trưởng chia sẻ, tất cả khu bếp có 11 tình nguyện viên làm việc từ sáng sớm đến trưa để chuẩn bị đủ số suất cơm miễn phí phục vụ người nghèo. “Những người tham gia tình nguyện viên nấu nướng ở đây không phải khá giả hay rảnh rỗi mới đến làm, mà điều cốt yếu là do chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi được chung tay giúp đỡ bà con.

Bên cạnh việc các mạnh thường quân, nhà hảo tâm góp tiền của thì chúng tôi đây góp công sức của mình vào việc chung. Trong số các tình nguyện viên ở đây, nhiều cô bác có công việc nhưng cứ vào các sáng thứ hai, tư và sáu đều sắp xếp hoặc xin nghỉ để tham gia vào bếp ăn tình nghĩa này”, bà Quỳnh cho hay.

Trong những tình nguyện viên tích cực, có thể kể một số trường hợp như chị Trần Thị Loan (ngụ quận 9). Thường ngày chị đi bán vé số trên địa bàn và hay nghỉ trưa ở đình An Phú nên khi nghe tin có bếp ăn tình nghĩa do phường tổ chức, chị đã đăng ký tham gia ngay.

Mỗi tuần chị Loan đều nghỉ ba buổi sáng, đón xe buýt từ quận 9 lên đây để phụ nấu nướng cùng mọi người. Sau đó, chị lại cầm xấp vé số đi bán, tiếp tục công việc của mình. Hay chị Nguyễn Thị Bích Loan (nhà ở phường Bình Trưng Tây, quận 2) cũng tương tự.

Chị Loan kể khi nghe phường An Phú có mở bếp ăn tình thương đang thiếu người nấu, chị đã nhanh chóng qua để chung tay… Điều chị Trần Thị Loan hay chị Nguyễn Thị Bích Loan cảm thấy như động lực để tham gia vào bếp ăn này chính là niềm vui ấm áp được góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó.

Vui vẻ trao những suất cơm cho bà con.

Theo bà Võ Thị Gái, ban đầu bếp chỉ nấu 60 suất để phục vụ cho bà con trong phường, mỗi suất hai phần cơm trưa và chiều. Nhưng hiện tại, số lượng đã tăng đến 140 - 150 suất mỗi ngày vì người dân nghèo các quận khác đến nhiều. Trong 150 suất cơm thì có khoảng 130 suất cơm ăn cả ngày cho người nghèo, tàn tật, neo đơn trên địa bàn quận 2.

Những người được phát này đều có tên trong danh sách đã được phường xem xét hoàn cảnh. Tuy nhiên, do có nhiều hoàn cảnh đặc biệt từ quận, huyện khác như bị tàn tật phải bán vé số, lượm ve chai trên địa bàn quận cũng đến, nên bếp đã chuẩn bị thêm khoảng 20 suất nữa để phát cho bà con…

Ngoài ra, dù là suất cơm tình nghĩa nhưng những người thực hiện đều xem trọng chất lượng. Sau khi nấu xong thức ăn, mọi người đều nhắc nhở nhau lấy mẫu thức ăn để đưa trạm y tế kiểm tra xem có vấn đề gì hay không. Từ khi có được suất cơm của UBND phường An Phú, cứ tầm gần trưa các ngày thứ hai, tư, sáu, nhiều người lại từ mọi nẻo tìm đến đình An Phú để nhận cơm…

Mong rằng thời gian tới sẽ nấu hằng ngày cho bà con

Do đã xem xét trước hoàn cảnh của những người đến nhận cơm nên mọi người ở bếp tình nghĩa này đều biết và hiểu gia cảnh từng người. Vừa chỉ cho chúng tôi thấy người đàn ông đang ngồi chờ dưới gốc cây trước cửa đình, bà Võ Thị Gái vừa kể về hoàn cảnh của người này: “Ông ấy là Tăng Văn Nghĩa, cũng khá lớn tuổi, vợ ông bị té gãy đốt sống lưng nên không đi lại được. Hai vợ chồng già không có con, tất cả mọi chi tiêu đều phải nhờ cậy vào công việc đi bán vé số của ông ấy nên rất nghèo túng, khó khăn”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nghĩa tâm sự: “Từ hôm đến đây nhận cơm, tui không phải tốn tiền ăn nữa. Sáng chịu khó nhịn chút, cơm trưa với cơm tối có mấy cô ở đây lo rồi. Nhờ vậy mà tôi ít nhiều cũng tiết kiệm được một chút để mua thuốc thêm cho vợ tui”.  

Bà Nguyễn Thị Mai Quỳnh, bếp trưởng chia sẻ về bếp nấu ăn tình nghĩa.

Một trong những người đến nhận cơm sớm nhất hôm ấy là chị Hồ Thị Thu Xuân (ngụ phường An Khánh). Chị bị tật nguyền, phải ngồi xe lăn lặn lội đi nhiều nơi để bán vé số.

Vui mừng khi nhận được suất cơm, chị Xuân xúc động chia sẻ: “Biết được lịch nhận cơm hàng tuần, nên dù đi khắp nơi bán vé số nhưng tôi vẫn nhớ đến gần trưa là quay về đình An Phú để nhận cơm và nghỉ trưa tại đây luôn. Tôi biết  UBND phường An Phú mở bếp ăn tình nghĩa ban đầu chỉ nấu cơm phục vụ cho người dân nghèo khổ, tàn tật trên địa bàn phường.

Nhưng sau đó vì thấy hoàn cảnh của tôi đáng thương quá nên họ vẫn duyệt cho tôi xin một suất khi tôi đến đăng ký. Thực sự, tôi rất cảm kích những tấm lòng thơm thảo mà lãnh đạo phường An Phú và những người thực hiện bếp cơm tình nghĩa này đã dành cho người nghèo khổ như tôi…”.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Quỳnh, vì đa số những người đến nhận cơm là lao động chân tay nên bếp đã chú ý để cơm và đồ ăn nhiều nhiều để họ đủ ăn, có sức khỏe làm việc; hoặc với những nhà có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể chia thành hai bữa.

Đặc biệt, với những trường hợp người bị bệnh tật không thể đi được thì một số tình nguyện viên trên địa bàn phường nhận lời làm tài xế mang cơm đến phân phát tận nhà cho họ... Một trong những người tích cực nhất là anh Võ Văn Giàu (ngụ phường An Phú).

Cứ khoảng 10h30 các ngày thứ hai, tư, sáu, anh Giàu lại đi xe từ chỗ làm về đình An Phú để nhận cơm đi giao cho các cụ già trên địa bàn phường. Hầu hết các cụ đều là người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, không đi lại được…

Trò chuyện với chúng tôi, anh Giàu vui vẻ chia sẻ: “Kể từ ngày nhận việc giao cơm cho các cụ, tôi thấy cuộc đời mình như có ý nghĩa hẳn ra. Thực sự khi làm công việc này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Các cụ đã già lại còn bệnh tật này kia, đáng thương lắm. Tôi giúp các cụ thì cũng giống như giúp ba má mình vậy. Cứ thấy các cụ có cơm ngon để ăn là vui rồi”.

Vừa được anh Giàu giao cho phần cơm, cụ Trần Văn Tuồng xúc động cho biết: “Hai vợ chồng tôi đều đã già, lại không có con nên việc ăn uống, sinh hoạt rất khó khăn. Bà nhà tôi ốm đau liên miên, chỉ nằm một chỗ, tôi cũng già yếu nên đi lại cực lắm. Mấy tháng nay, nhờ những phần cơm được giao đến tận nhà mà tôi đỡ phải chống gậy đi mua cơm. Tôi thực sự rất cảm ơn những tấm lòng thơm thảo đã giúp cho những người già neo đơn, bệnh tật như vợ chồng tôi có được bữa ăn ngon”.

Cũng trong diện được giao cơm tận nhà như cụ Tuồng, bà Quang Xập Dính (ngụ phường An Phú) bày tỏ: “Khi chưa có bếp cơm tình nghĩa này, nhà tôi bữa đói bữa no. Nhiều lúc nhịn ăn sáng đi làm, đến trưa ăn đỡ ổ bánh mì. Nhưng từ khi có bếp ăn tình nghĩa này, gia đình tôi đỡ hẳn. Tôi thực sự cảm ơn phường, cảm ơn các nhà hảo tâm đã giúp đỡ cho tôi và những người khốn khó như tôi có được bữa ăn no đủ”…

Chia sẻ về bếp ăn đầy tình nghĩa này, bà Võ Thị Gái cho hay đây là lần đầu tiên phường lập bếp ăn nghĩa tình, nhờ vào bà con và các mạnh thường quân hăng hái ủng hộ. “Với bếp ăn này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các gia đình còn khó khăn tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ để có thể trang trải thêm cuộc sống”, bà Gái bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú cho biết thêm: “Hiện trên địa bàn quận 2 có hai phường thực hiện bếp ăn nghĩa tình là phường An Phú và phường Bình Trưng Đông. Trong thời gian tới, phường Cát Lái cũng sẽ xây dựng bếp ăn nghĩa tình này để phần nào hỗ trợ cho bà con còn nghèo khó, cơ cực. Thực hiện bếp ăn tình nghĩa để phục vụ cho bà con ở phường mình và cả những phường khác là điều mà UBND phường luôn ấp ủ. Chúng tôi mong rằng thời gian tới sẽ nấu hằng ngày cho bà con chứ không phải ba ngày/tuần như hiện nay…”.

Phú Lữ
.
.
.