Cảm động những chuyến "xuất ngoại" tìm đồng đội
- Tìm thấy 4 bộ hài cốt liệt sĩ trong vườn cà phê ở Quảng Trị
- Xúc động tìm thấy kỷ vật của 14 liệt sĩ hy sinh chiến khu Tam giác sắt1
Trong suốt 35 năm qua, mỗi lần lên đường làm nhiệm vụ lịch sử mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao, các anh luôn xác định: Đi là phải tìm thấy đồng đội và đón đồng đội trở về với đất mẹ.
1. Người đầu tiên chúng tôi gặp là Đại tá Hồ Trọng Bình, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Quy tập từ năm 1994-2015. Anh cũng là cán bộ có 31 năm thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập đồng đội mình đã hy sinh và nằm lại trên đất nước bạn Lào.
Đại tá Bình kể, ngày 18-4-1984, Đoàn quy tập mộ liệt sĩ Nghệ An được thành lập. Theo đó lực lượng này có nhiệm vụ phối hợp cùng các lực lượng chức năng, nhân dân các bộ tộc Lào, trực tiếp tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.
"Xuất phát từ tình hình thực tiễn của nước bạn Lào, nhất là tình hình kinh tế và xã hội, do đó công tác tìm kiếm, quy tập trong 35 năm qua thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là từ năm 1984-1994, giai đoạn thứ hai là từ năm 1994 - 2015 và giai đoạn thứ ba là từ năm 2015 đến nay. Ở giai đoạn đầu, công tác còn sơ khai, vất vả, an ninh trật tự có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt trong những năm 1990 - 2000, lực lượng tàn quân Vàng Pao thường xuyên mật phục, ngăn cản công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của ta. Do đó việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ giai đoạn này hết sức nguy hiểm và vất vả", Đại tá Hồ Trọng Bình nói.
Từ năm 1994, hai Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách hoàn thiện, Nghệ An đã tập trung nhân, vật lực lớn và tinh nhuệ nhất để thực hiện nhiệm vụ chính trị tìm kiếm và cất bốc. Đây cũng là giai đoạn chúng ta quy tập được nhiều mộ liệt sỹ nhất đưa về nước.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và lực lượng chức năng đón các anh về yên nghỉ nơi đất mẹ. Ảnh Tiến Hùng. |
Năm 2015, Đoàn Quy tập được đổi thành Đội Quy tập. Trong giai đoạn này, biên chế đội cũng giảm, số mộ còn lại nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, thiên tai, địch họa đã dần xóa đi các thông tin phần mộ, xóa đi các dấu hiệu nhận biết, nhưng với tinh thần, trách nhiệm, nghĩa tình với cha ông, các lực lượng quy tập luôn nỗ lực, cố gắng, khắc phục gian nan, hiểm nguy để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trung tá Lê Quốc Ân, Đội phó Đội quy tập cho biết, các đợt tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ Việt Nam hy sinh tại Lào diễn ra vào mùa khô từ tháng 10 năm nay đến tháng 5 năm sau. "Mùa khô ở Lào rất khắc nghiệt, thiếu nước, đất đai khô cằn và nắng nóng; núi rừng thì hiểm trở, nhưng anh em vẫn phải trèo đèo, lội suối, thậm chí có lần phải đi bộ hàng chục km mới tìm đến các điểm có mộ liệt sĩ".
Điểm dừng chân đầu tiên của cán bộ chiến sĩ Đội quy tập mộ liệt sĩ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An là tỉnh Xiêng Khoảng-Lào. Tại đây, hơn 80 anh em được chia về các tỉnh: Xiêng Khoảng, Xây Xẩm Bun và Viêng Chăn để phối hợp với lực lượng chức năng, các cựu chiến binh, người dân các bộ tộc Lào để tìm mộ.
Có ba nguồn tin chính để anh em xác định phần mộ liệt sĩ. Thứ nhất là dựa trên sơ đồ do các đơn vị cùng tham gia chiến đấu để lại. Thường thì mỗi khi chôn cất xong, họ tự vẽ các sơ đồ ghi rõ họ tên, đơn vị, quê quán các liệt sĩ.
Nguồn thông tin thứ hai là từ các cựu chiến binh trước đây cùng một đơn vị, cùng tham gia chiến đấu cung cấp; họ cũng là những người trực tiếp chôn cất các liệt sĩ qua các thời kỳ. Và nguồn tin thứ ba là người dân các bộ tộc Lào, trong lúc đào đất phát hiện ra hài cốt, họ báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng.
Trung tá Ân kể rằng, phía bạn không chỉ giúp ta tìm kiếm hài cốt, quy tập, xác nhận thông tin mà còn hỗ trợ thăm dò địa bàn, rà phá bom mìn, cung cấp các nhu yếu phẩm không thể mang theo dài ngày. Đặc biệt tại tỉnh Xiêng Khoảng, bạn xây một dãy nhà ba tầng khá khang trang làm nơi tiếp nhận phần mộ, đồng thời nơi đây để làm nơi hương khói cho các hài cốt liệt sỹ được quy tập trước khi chuyển về Nghệ An.
2. Đối với cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ quy tập có biết bao kỷ niệm sâu sắc, những kỷ niệm đó khó đong đếm và không bao giờ quên. Bởi, với các anh, mỗi một lần lên đường làm công tác đặc biệt là một kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất, đó là việc tìm kiếm hai phần mộ liệt sĩ Mai Văn Cương và Nguyễn Công Côn, đều quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Trung tá Lê Quốc Ân kể, năm 2015, ông Nguyễn Công Kình công tác tại Trường Đại học Vinh. Sau khi nghỉ hưu, ông Kình có nguyện vọng đi sang tỉnh Xiêng Khoảng tìm phần mộ cha đẻ của mình là liệt sĩ Nguyễn Công Côn, hy sinh năm 1953 tại chiến trường trong lúc chiến đấu, sau đó liệt sĩ Côn được đơn vị chôn cất với liệt sĩ Cương tại một nghĩa trang thuộc huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng.
Theo sơ đồ người bạn cùng chiến đấu với bố ông Kình để lại cho gia đình trước khi mất vì già yếu, thì phần mộ của hai liệt sĩ Mai Văn Cương và Nguyễn Công Côn được chôn cất sát nhau, bên cạnh có một phiến đá vuông vức, tương đối phẳng. Ông Kình cho biết thêm, chính phiến đá được vẽ thể hiện trong sơ đồ là nơi khâm liệm hai liệt sĩ Mai Văn Cương và Nguyễn Công Côn.
"Khi anh em trong tổ công tác cùng bác Kình tìm đến nơi, nói là khu nghĩa trang nhưng chỉ có cây cối mọc um tùm, đất đã san bằng do chiến tranh đã lùi xa quá lâu. Tuy nhiên tìm kiếm mãi, anh em cũng phát hiện ra phiến đá, nằm sát chân hang núi, rộng khoảng 1m². Thấy vậy, bác Kình chạy đến ôm tảng đá khóc, gọi tên cha của mình… Lúc đó, anh em cũng không cầm được lòng... Khu đất rộng khoảng 500m², chúng tôi đào xới đất tìm kiếm năm ngày liền, nhưng vẫn không phát hiện ra phần mộ hai liệt sĩ như sơ đồ để lại.
Sang ngày thứ sáu, tôi bảo với bác Kình, nay ta phải tìm bằng được đưa hai phần mộ liệt sĩ về quê. Chúng tôi đào rộng ra, thì phát hiện hai bộ hài cốt. Anh em chúng tôi cũng như bác Kình phấn khởi, nhưng cũng không kém phần xúc động, tin chắc đây là hài cốt của hai liệt sĩ Cương và Côn. Thế nhưng, khi đưa về Nghệ An, thân nhân gia đình hai liệt sĩ lấy mẫu gửi giám định ADN, thì duy nhất hài cốt liệt sĩ Mai Văn Cương là đúng, hài cốt còn lại, nghi là cha đẻ của bác Kình thì không đúng", Trung tá Lê Quốc Ân nói.
Tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại tỉnh Xiêng Khoảng. Ảnh: Trọng Kiên |
Năm 2016, ông Kình tiếp tục sang Lào tìm cha của mình. Tại đây, ông Kình cùng anh em trong tổ công tác quy tập tiếp tục quay trở lại phiến đá theo như sơ đồ để lại. Tổ công tác tiếp tục đào đất tìm kiếm. Cái khó là hai liệt sỹ Côn và Cương hy sinh đã hơn 63 năm, trải qua các giai đoạn khác nhau, địa hình thay đổi, do đó, việc xác định phần mộ hai liệt sĩ nằm hướng nào là vấn đề quan trọng.
Nghỉ ăn cơm trưa xong, đầu giờ chiều anh em lại đào tiếp. Khi đào rộng ra xung quanh phiến đá, thì phát hiện tiếp một bộ hài cốt nữa. Sau đó, ông Kình xin được lấy mẫu về Nghệ An trước để trưng cầu giám định ADN. Một tháng sau, cơ quan chức năng kết luận, mẫu hài cốt trên chính là liệt sĩ Nguyễn Công Côn. Đây là một trong những kỷ niệm sâu sắc, một niềm vui không thể nói nên lời đối với anh em trong đội.
Năm 2013, trong một lần cất bốc, tổ công tác phát hiện một bộ hài cốt liệt sỹ có tên là Nguyễn Khải, quê ở Nam Định. Tuy nhiên khi đưa về, thông báo cho thân nhân vào nhận để đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Khải về quê tổ chức làm lễ truy điệu, thì nhận được câu trả lời: "Thông qua gọi hồn và tìm kiếm bằng ngoại cảm, gia đình đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ Nguyễn Khải đưa về thờ cúng đã năm nay…".
Đích thân Trung tá Ân ra Nam Định, trao đổi với thân nhân liệt sĩ và khẳng định đây chính là hài cốt liệt sĩ Nguyễn Khải. Thuyết phục mãi, gia đình yêu cầu được xem hài cốt. Theo phong tục người Việt Nam thì việc mở nắp đựng hài cốt là rất kiêng kị. Tuy nhiên yêu cầu đó đã được chấp nhận. Vừa mở ra, chị gái liệt sĩ Nguyễn Khải nhìn thấy một vật kỷ niệm, liền cầm lên, nghẹn khóc nói: "Đây mới chính là hài cốt cậu Khải".
Theo chị này cho biết, trước khi anh Khải lên đường vào Nam chiến đấu, tự tay chị làm con tôm bằng cước tặng anh trai mình làm vật kỷ niệm. Chị này còn nhớ, con tôm có 18 râu, đúng với tuổi 18 của anh Khải ngày nhập ngũ. Lúc này gia đình mới nhận hài cốt liệt sĩ Nguyễn Khải và thờ cúng chung cả hai liệt sĩ, nhưng thay tên là Hoàn, tức là thờ cả liệt sỹ Khải và liệt sĩ Hoàn.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tá Ân bảo rằng, khi thực hiện nhiệm vụ này, điều các anh trăn trở là nhiều liệt sĩ dù tìm được hài cốt nhưng không có tên tuổi để báo cho thân nhân. Phần lớn các liệt sĩ trước khi chôn cất được viết họ tên, đơn vị, quê quán… rồi cho vào cái vỏ lọ kháng sinh Penicillin.
Do thời gian nằm dưới đất mấy chục năm, vậy nên các dòng chữ ghi tên tuổi, quê quán liệt sĩ không còn nữa, đào lên chỉ thấy mỗi lọ thủy tinh. Hoặc cũng có nhiều phần mộ sau khi chôn cất xong được dựng bia bằng gỗ, khắc tên tuổi, quê quán, ngày tháng năm sinh… nhưng khi tìm ra thì bia gỗ đã mục nát.
Chỉ những trường hợp nào khắc tên tuổi, địa chỉ trên bía đá, trên bình tông đựng nước bằng nhôm, khắc trên bút máy… chôn theo phần mộ các liệt sĩ thì khi cất bốc lên vẫn còn đầy đủ tên tuổi, quê quán... Đây là nguyên nhân những phần mộ liệt sĩ mặc dù đã đưa được quy tập về nước nhưng đến bây giờ vẫn chưa tìm được tên, tuổi, quê quán.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với những người làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, vẫn đang ngày ngày lầm một việc nặng nghĩa tình đưa những người đồng đội trở về đất mẹ, để thân nhân họ được yên lòng.