COVID-19 và những thách thức chưa từng có với nước Mỹ

Thứ Tư, 22/04/2020, 10:02
Theo các nhà phân tích, “cuộc chiến” với COVID-19 là thách thức chưa từng có với Tổng thống Donal Trump.


Tính đến sáng 20/4, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và số người thiệt mạng do COVID-19, với 763.510 người nhiễm bệnh, chiếm hơn 31% số ca toàn cầu, trong đó, số ca tử vong đã lên tới 40.521 ca. 

Ngoài ra, Mỹ cũng ghi nhận 70.806 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục, trong khi 13.566 người khác đang trong tình trạng nặng và nguy kịch.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sau thời gian ngắn áp lệnh phong tỏa để ứng phó đại dịch COVID-19. Theo các nhà phân tích, “cuộc chiến” với COVID-19 là thách thức chưa từng có với Tổng thống Donal Trump.

Mở cửa trở lại nền kinh tế: kẻ mong, người lo

Ngày 19/4, giới chức New York tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ để tiểu bang này tiến hành xét nghiệm trên diện rộng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và mở cửa hoạt động kinh tế, mặc dù số ca tử vong tại đây trong 24h qua tiếp tục giảm và tỷ lệ lây lan cũng giảm.

Trước đó, ngày 16/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sau thời gian ngắn áp lệnh phong tỏa để ứng phó đại dịch COVID-19. Kênh truyền hình CNN dẫn lời Tổng thống Trump cho hay việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy sự suy giảm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Phát biểu tại họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump nói: "Cách tiếp cận của chúng tôi đề ra 3 giai đoạn trong việc khôi phục kinh tế. Chúng tôi sẽ không mở cửa đồng loạt, mà sẽ triển khai thận trọng từng bước tại từng thời điểm, và một số bang sẽ có thể mở cửa sớm hơn các bang khác".

Theo đó, trong giai đoạn đầu, các địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim có thể hoạt động trở lại cùng với quy định giãn cách xã hội chặt chẽ. Trong giai đoạn 2, việc hạn chế đi lại không thiết yếu có thể được dỡ bỏ và các trường học có thể mở cửa trở lại. Trong giai đoạn 3, những người dễ bị tổn hại sức khỏe có thể tái tương tác cộng đồng.

Tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Trump đã nói với thống đốc các bang rằng một số bang có thể mở cửa trở lại vào ngày 1/5 hoặc sớm hơn.

Biểu tình trước Nghị Viện bang tại Austin, Texas, Mỹ đòi gỡ bỏ phong tỏa vì dịch virus corona ngày 18/4/2020.

Ông Trump lưu ý rằng không phải Nhà Trắng, mà chính thống đốc các bang sẽ đảm nhiệm tiến trình này. Ông nhấn mạnh: "Nếu họ cần duy trì tình trạng đóng cửa, chúng tôi sẽ cho phép họ làm điều đó. Nếu họ cho rằng đã đến lúc mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ chỉ dẫn cho họ và để họ tự quyết nhằm hoàn tất nhanh chóng nhiệm vụ, quyết định của họ phụ thuộc vào điều họ muốn".

Tuy nhiên, một số tiểu bang miền Đông Bắc bị dịch COVID-19 tấn công mạnh dường như chưa muốn vội vàng mở cửa trở lại nền kinh tế. Ngày 14/4, Thống đốc bang New York  Andrew Cuomo nói rằng ông sẽ từ chối bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng thống Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế trước khi tình hình đủ an toàn để thực hiện điều này mà không gây ra nguy cơ khiến dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Ông Cuomo nói với CNN: “Nếu Tổng thống ra lệnh cho tôi mở cửa trở lại theo cách thức mà có thể gây nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng tại bang New York, tôi sẽ không làm như vậy”. Ông cho rằng bất kỳ việc mở cửa trở lại nào phải diễn ra theo từng giai đoạn và mất vài tháng để hoàn thành. Xét nghiệm rộng rãi là chìa khóa để khởi động lại nền kinh tế thành công. Ông Cuomo cùng với thống đốc của 6 bang khu vực Đông Bắc nước Mỹ nói rằng họ sẽ xây dựng một kế hoạch khu vực để từng bước dỡ bỏ các hạn chế giãn cách xã hội.

Theo các chuyên gia y tế, nếu không có xét nghiệm chẩn đoán trên diện rộng, giới chức liên bang, bang và các công ty tư nhân sẽ không có được cái nhìn chi tiết để xác định đâu là đối tượng bị nhiễm bệnh, ai là người có thể trở lại đi làm an toàn. 

Theo Dylan George, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama tại thời điểm chống dịch Ebola, tình hình hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu về mở cửa trở lại và xét nghiệm là vấn đề cần thiết muôn thuở.

Tiến sĩ Dan Hanfling, công tác tại Chương trình Ứng phó Y tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama và chính quyền Trump, cho biết hiện mới chỉ có 1% dân số Mỹ được xét nghiệm COVID-19, một tỉ lệ quá nhỏ để nước Mỹ đạt tới ngưỡng đưa nhịp sống của người dân và xã hội trở lại bình thường. 

Ông Hanfling đánh giá cao chỉ thị về ba bước mở cửa trở lại nền kinh tế được ông Trump công bố. Nhưng ông vẫn cho rằng những hướng dẫn này “phụ thuộc lớn” vào xét nghiệm phân tử và xét nghiệm kháng thể và ở thời điểm hiện nay năng lực của Mỹ trong xét nghiệm theo cả hai phương pháp này đều hạn chế.

Gia tăng xét nghiệm trên diện rộng luôn là một nhiệm vụ thách thức ngay cả với một chính quyền liên bang hoàn hảo nhất và tập trung nhiều người giỏi nhất. Thực tế, các phòng xét nghiệm công cấp bang có năng lực hạn chế, khó có thể mở rộng được quy mô xét nghiệm. Và để xét nghiệm trên quy mô rộng, cần có sự vào cuộc của các phòng xét nghiệm tư. Ngay cả trong thời điểm các thống đốc bang, giới bác sĩ kêu gọi tăng lượng xét nghiệm và vật tư phục vụ xét nghiệm, một số phòng xét nghiệm tư nhân lớn cho biết họ vẫn chưa sử dụng hết công suất, năng lực. 

Người phát ngôn của Quest Diagnostics, một trong những công ty vận hành phòng xét nghiệm lớn nhất tại Mỹ, cho biết năng lực của công ty trong vài ngày gần đây vượt trội so với nhu cầu xét nghiệm. Còn phòng xét nghiệm của tập đoàn Abbott thừa nhận 200 máy xét nghiệm mà công ty triển khai tới phòng xét nghiệm tại các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu trên khắp nước Mỹ vẫn chưa được sử dụng hết công suất, một phần là do thiếu nhân lực và thiếu nguồn cung ứng vật tư.

Theo Simon Johnson, giáo sư chuyên ngành quản lý và các vấn đề kinh tế toàn cầu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), các nhà sản xuất chỉ đầu tư nâng cấp năng lực một khi họ tin rằng có nhu cầu ở phía trước. Muốn vậy, Nhà Trắng phải đưa ra tín hiệu cho thấy nước Mỹ sẽ tiến hành hàng triệu ca xét nghiệm/ngày. Trong khi đó lãnh đạo các hiệp hội thương mại đại diện cho các phòng xét nghiệm tư cho biết họ vẫn chưa được tham vấn về bất kỳ một đề xuất xét nghiệm nào từ chính quyền Tổng thống Trump.

Máy bay của American Airlines "đắp chiếu" tại ít nhất 4 cơ sở trên khắp nước Mỹ khi người dân ngừng di chuyển bằng hàng không.

Mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ là một quá trình chậm chạp

Dịch COVID-19 đã khiến tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất từ nửa thế kỷ qua tăng vọt khi có thêm gần 1 triệu người không việc làm. Thị trường chứng khoán trước đây đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, trở nên suy sụp… Là nạn nhân của khủng hoảng, nhưng ông Trump cũng phải chịu một phần trách nhiệm, khi đánh giá thấp tầm mức phá hoại của đại dịch.

Lệnh yêu cầu người dân ở nhà tại 42 bang để phòng dịch thời gian qua đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, đảo lộn cuộc sống và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. COVID-19 lan rộng bắt đầu gây ra những tác động kinh tế trên khắp nước Mỹ. 

Khủng hoảng dịch tễ làm cho kinh tế bị dừng lại trong khi từ 10 năm qua Mỹ có mức tăng trưởng đều đặn. Các doanh nghiệp bị tê liệt, GDP sụt giảm mạnh. Theo Wall Street Journal, các ngành sản xuất có thể sẽ bị thiệt hại đến 1.500 tỷ USD. Các ngành nghề như dệt may hay thương mại lo sợ không có khả năng vực dậy. 

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Thomas Philippon, Trường Đại học New York, điều đáng lo nhất là tình trạng thất nghiệp. Chính quyền Mỹ đã không có những biện pháp cần thiết đúng lúc như sắp xếp việc thất nghiệp tạm thời. Hàng triệu lao động tạm bợ có nguy cơ mất việc. 

Các phân tích của hãng bảo hiểm Allianz cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng và có thể vượt mức 6%. Dù ông Trump đã tung ra gói cứu trợ khổng lồ nhưng dịch COVID-19 như cơn sóng thần cuốn trôi tất cả những thành quả kinh tế kể từ khi ông Trump nhậm chức. Trong một phân tích gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford cho biết, dự kiến GDP của những tháng cuối năm 2020 sẽ giảm 11% so với năm 2019. 

Bên cạnh đó, đã có khoảng 20 triệu người dân Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong ba tuần qua, doanh số bán lẻ đã giảm 8,7% trong tháng 3. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, một cuộc suy thoái đã bắt đầu và sự suy thoái kinh tế lần này của Mỹ sẽ rất sâu. Dịch COVID-19 sẽ khiến kinh tế Mỹ suy thoái theo hình chữ W (kiểu suy thoái liên tiếp, khi nền kinh tế vừa thoát khỏi suy thoái được một thời gian ngắn lại tiếp tục rơi vào suy thoái tiếp theo).

Lệnh yêu cầu người dân ở nhà tại 42 bang để phòng dịch thời gian qua đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Giới chuyên gia cũng khẳng định rằng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ là một quá trình chậm chạp và đau đớn. Theo đó, hậu dịch COVID-19, hoạt động thương mại, việc làm sẽ giảm đáng kể và sự phục hồi kinh tế sẽ không giống như những giai đoạn Mỹ đã từng trải qua trong quá khứ. Người tiêu dùng Mỹ cũng có thể không quay trở lại sân bay, nhà hàng và các sân vận động thể thao cho đến khi người dân Mỹ đủ tự tin / rủi ro lây lan dịch bệnh đã giảm.

Cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 chính là một bài kiểm tra đối với hệ thống chính trị của về khả năng chịu đựng, lòng yêu nước và sẵn lòng hy sinh của người dân vì lợi ích chung. 

Minh Trang (tổng hợp)
.
.
.