“Bùng nổ” nhiều ngành học mới
- Tuyển sinh đại học 2019: Quy định điểm sàn riêng cho nhóm ngành sức khỏe
- Tuyển sinh đại học năm 2019: “Rộng cửa” hơn cho thí sinh vào trường top đầu
- Xét lại tốt nghiệp và tuyển sinh đại học với thí sinh gian lận điểm thi
Tuy nhiên, liệu các cơ sở giáo dục đại học đã chuẩn bị kỹ lưỡng để việc đào tạo đạt chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp, hay mới dừng ở việc “bùng nổ” ngành học để thu hút thí sinh?
Thước đo nào cho các ngành mới, lạ?
Nếu trước đây những từ như “Robot và trí tuệ nhân tạo”, “Golf”, “Logistics” hay “Du lịch sinh thái”... chỉ phổ biến trong các hội nghị, hội thảo, thì nay những từ này đã trở thành tên ngành học mới tại một số trường đại học (ĐH) và đã thu hút sự quan tâm của thí sinh.
Tại phía Nam, một số trường đại học đã cùng đào tạo ngành mới là Logistics cùng nhiều ngành mới như: Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh có 4 ngành mới khá hấp dẫn: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Điều dưỡng; Kỹ thuật xét nghiệm y học và Ngôn ngữ Trung Quốc. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh mở thêm 2 ngành mới là ngành Luật và ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, trường này cũng vừa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo bậc ĐH ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc trong kỳ tuyển sinh 2019. Thêm 2 trường nữa cũng mở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và Trường ĐH Hoa Sen.
Độc đáo hơn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên đưa ra khái niệm “ngành xuyên ngành”, vì có sự phối hợp của ba khoa là cơ khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin. Ngoài ra, Trường còn mở thêm 4 ngành mới, trong đó có một ngành khá lạ là “Robot và trí tuệ nhân tạo”.
Lần đầu tiên, ngành Golf xuất hiện trong mùa tuyển sinh 2019 tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đây cũng là trường đại học duy nhất ở Việt Nam đào tạo mã ngành này. Bên cạnh đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn mở hàng loạt ngành học mới ở bậc ĐH, gồm: Marketing, Kế toán - chuyên ngành kế toán quốc tế. Đồng thời, trường cũng mở 9 ngành thuộc chương trình chất lượng cao dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Thí sinh phải cân nhắc kỹ khi chọn ngành nghề xét tuyển. |
Tại phía Bắc, xu hướng mở ngành mới để hút thí sinh cũng khá phổ biến. Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở 7 ngành mới gồm: Phân tích kinh doanh, Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh điều hành thông minh, Quản trị chất lượng và đổi mới, Quản trị khách sạn quốc tế. Tất cả các chương trình mới này đều mang tính chất liên thông quốc tế, phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm về chương trình đào tạo với các trường ở nước ngoài, và được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chuyển đổi ngành Sư phạm mỹ thuật thành Công nghệ dạy học để đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu học trực tuyến của mọi người. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng mở 4 chương trình đào tạo chất lượng cao và tuyển sinh trong năm nay. Đó là: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; Hệ thống nhúng thông minh và IOT; Kỹ thuật thực phẩm, Hóa dược.
Trường ĐH Lâm nghiệp lần đầu tiên mở ngành Du lịch sinh thái, đây là cơ sở đại học đầu tiên của Việt Nam đào tạo mã ngành này. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao thời 4.0, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục xây dựng nhiều chương trình đào tạo mới, đặc sắc theo hướng liên ngành, xuyên ngành với 13 chương trình đào tạo mới được tuyển sinh trong năm 2019, trong đó có những ngành “rất mới” như: Quản trị chất lượng giáo dục, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục và Sư phạm Khoa học tự nhiên thuộc Trường ĐH Giáo dục; ngành Nhật Bản học thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học thuộc Khoa Y – Dược…
Mở ngành mới là do các cơ sở đào tạo đã nắm bắt đòi hỏi mới của thị trường lao động, buộc các cơ sở phải lựa chọn và đưa vào giảng dạy những ngành mới, lạ. Lí do Trường ĐH Lâm nghiệp mở ngành “Du lịch sinh thái” được PGS.TS Cao Quốc An, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo của Trường này lí giải, hiện đào tạo về du lịch đòi hỏi phải chuyên sâu về phát triển bền vững, sinh viên ra trường sẽ làm việc ở các khu du lịch sinh thái, các vườn quốc gia, các khu du lịch của thành phố.
Nếu đào tạo “du lịch” theo kiểu truyền thống thì sinh viên sẽ chỉ được học sâu về quản trị du lịch, quản trị lữ hành, nhưng hiện nay, do nhu cầu của khách du lịch thay đổi, đặc biệt là khách nước ngoài, họ hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đòi hỏi các em đã học ngành này là phải được đào tạo chuyên sâu về cây cối, sinh thái, động thực vật; được học cách khai thác vườn quốc gia như thế nào để phát triển bền vững, không khai thác tận diệt, kể cả học cách bảo tồn các loài chim, bướm.
Trường ĐH Lâm nghiệp còn cho sinh viên học ngoại ngữ về chuyên ngành du lịch, trang bị cho các em kiến thức về bản địa, về các loài thực vật, động vật quý hiếm, đặc thù của từng địa phương; đồng thời nhà trường còn trang bị cho sinh viên những học phần phát triển du lịch bền vững.
Nở rộ nhiều ngành học mới đồng nghĩa với việc thí sinh có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tuyển sinh, do chưa có sinh viên ra trường và vì là ngành quá mới nên chưa có thước đo về tính hiệu quả khi sinh viên ra trường, do đó, thí sinh phải rất cân nhắc khi đăng ký xét tuyển, xem có phù hợp với trình độ, năng lực hay không. Vậy các cơ sở đào tạo đã khảo sát thị trường như thế nào trước khi quyết định mở ngành mới?
Giáo sư Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, khi mở các ngành, nhà trường đã đánh giá, khảo sát nhu cầu lao động của thị trường để đảm bảo sản phẩm đào tạo có thể đáp ứng yêu cầu, “cung gặp cầu”. Đại học Kinh tế quốc dân còn tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, mời các doanh nghiệp đến để cùng đánh giá, phân tích, góp ý về chương trình đào tạo để chương trình vừa đảm bảo tính chất liên thông quốc tế, vừa phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia hàng đầu của thị trường lao động đều đánh giá, trong một vài năm tới sẽ hình thành một lớp chuyên gia mới, một nguồn nhân lực mới mà các trường đại học phải đáp ứng. Đó là nguồn nhân lực sử dụng kỹ thuật phân tích định lượng trong việc dự báo và phân tích thị trường kinh doanh và sử dụng những bảng dữ liệu lớn.
Doanh nghiệp – nhà trường đã "bắt tay nhau"?
Các trường đua nhau mở ra các ngành học mới (trong khi tại một số trường có ngành mới mở, nhiều ngành truyền thống lay lắt, tuyển sinh rất khó khăn) đã đặt ra bài toán, liệu “cung – cầu” trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đã gặp nhau? Nhà trường đào tạo có theo đặt hàng của doanh nghiệp hay không?
Chúng tôi đặt ra câu hỏi này bởi cách đây vài năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải phát đi thông điệp tạm dừng mở ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán. Lí do thị trường bị “bội thực” nhân lực những ngành này (năm 2011, có 248/416 trường đại học tuyển sinh 4 ngành trên).
Nói về câu chuyện nhà trường – doanh nghiệp đã “bắt tay nhau” hiệu quả, PGS.TS Cao Quốc An, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Lâm nghiệp) cho biết, hiện nay, việc cơ sở đào tạo đại học liên kết với doanh nghiệp đang là xu hướng bắt buộc, đào tạo mà không có đầu ra thì coi như thất bại.
Một số ngành truyền thống của Trường ĐH Lâm nghiệp như Lâm học, Quản lý tài nguyên rừng, Công nghệ chế biến lâm sản, nhà trường phải tập trung mọi nguồn lực để giữ vững những ngành truyền thống này, mặc dù tuyển sinh rất khó khăn. Đồng thời, Trường ĐH Lâm nghiệp đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin cơ chế đặc thù, giao đào tạo theo đúng đặt hàng của doanh nghiệp.
PGS.TS Cao Quốc An cho biết thêm, vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã về tận trường để trao đổi, kí kết biên bản ghi nhớ và tiếp nhận sinh viên các ngành Quản trị du lịch lữ hành, Kiến trúc cảnh quan vào làm việc tại Tập đoàn. Tập đoàn Hải Phát chuyên về bất động sản và đô thị cũng kí kết để nhận sinh viên ngành Quản lý đất đai của nhà trường vào làm việc.
Đây là tín hiệu vui, nhưng theo PGS.TS Cao Quốc An, trước đây các trường đào tạo theo hướng có gì dạy đấy, giờ phải thay đổi quyết liệt. Nhà trường phải đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, thậm chí người thầy phải học thêm mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Có những ngành như Chế biến gỗ, Công nghệ điện tử và Công nghệ ô-tô, Trường ĐH Lâm nghiệp phải đưa sinh viên đi thực tập vài tháng tại doanh nghiệp, doanh nghiệp hỗ trợ phối hợp đào tạo kỹ năng cho các em, có như vậy, nhà trường mới yên tâm về sản phẩm đào tạo của mình.
Nhiều doanh nghiệp nhận sinh viên đến thực tập để cùng phối hợp đào tạo lại, rèn cho sinh viên kỹ năng thực hành. |
Giữa tháng 3-2019, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường kết nối giữa nhà trường với nhà tuyển dụng và cựu sinh viên”. Tại đây, một số nhà tuyển dụng đã thẳng thắn nói ra “điểm yếu” của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Ông Lê Hoàng Nam, Phó Giám đốc Công ty New Tech JSc cho rằng: “Công ty luôn dựa trên 3 tiêu chí để xét tuyển sinh viên, đó là thái độ, kiến thức và kỹ năng. Trong đó, thái độ của ứng viên được cho là chìa khóa để xét duyệt và tiếp nhận. Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên có kiến thức cơ bản đạt yêu cầu của công ty nhưng cần bổ sung thêm các kỹ năng mềm và giao tiếp”.
Còn ông Cao Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Biomedic JSc đánh giá: “Trường ĐH Khoa học tự nhiên đứng đầu về nghiên cứu khoa học cơ bản. Biomedic luôn mong muốn tuyển các bạn sinh viên Khoa Sinh học, Hóa học và Toán tin. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cần trau dồi thêm các kỹ năng mềm, trình bày. Nhà trường nên chú trọng vào các chương trình đào tạo theo hướng giáo dục thực tế hơn”.
Tại hội thảo, GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên đề xuất nhiều giải pháp, trong đó nhà tuyển dụng phải đặt hàng với Trường các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; xây dựng và phát triển mạng lưới nhà tuyển dụng của Trường và tăng cường sự gắn kết với Trường trong nhiều hoạt động liên quan; mời các nhà tuyển dụng tham gia tư vấn, hướng nghiệp cho sinh viên.
Ngày 20-3, Trường ĐH Lâm nghiệp đã tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp” với sự tham dự của những chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp, lãnh đạo một số bộ, ngành, viện, trường, doanh nghiệp. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị, nhà trường và các doanh nghiệp phải có mối liên kết hợp tác chặt chẽ để đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp đặt hàng, nhà trường đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp, lên khung chương trình, đào tạo, thực tập. Đại học phải đẩy mạnh, thiết kế chương trình "học và hành" để sinh viên được trau dồi, rèn luyện kỹ năng làm nghề. Đồng thời, nhà trường đào tạo đa dạng ngành nghề, tăng cường đẩy mạnh đào tạo quốc tế để tăng cường kiến thức, thông tin, trình độ của nguồn nhân lực tương lai". |