Brexit thành công, người Anh mừng hay lo?

Thứ Hai, 10/02/2020, 07:14
Ngày 31/1 vừa qua, Anh đã chính thức rời khỏi EU (Brexit), đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử khối này có một nước rời khỏi sân chơi chung. Tờ Economist của Anh nhận định bước đi này sẽ mang lại những điều lợi lẫn hại.


Những thay đổi nhãn tiền

Từ ngày 1/2, cuộc sống người dân Anh sẽ có những thay đổi cụ thể. Thứ nhất, hộ chiếu cấp từ ngày này sẽ có màu xanh nước biển, thay vì màu đỏ boóc-đô như trước kia.

Tại các cửa khẩu, công dân Anh tiếp tục được xếp hàng nhập cảnh cùng với công dân các quốc gia thành viên EU cho tới muộn nhất là vào ngày 31/12. Khi giai đoạn quá độ kết thúc, họ sẽ phải xếp hàng nhập cảnh vào châu Âu tại cửa dành cho công dân các nước ngoài châu Âu và sẽ phải mất nhiều thời gian chờ đợi hơn.

Những người kém may mắn nhất có lẽ là sinh viên châu Âu đã đăng ký học tại đại học của Anh và ngược lại, vào tháng 9/2020, dự kiến họ sẽ phải trả một khoản phí "trái tuyến". Ngoài ra, sau năm 2021, một sinh viên châu Âu có thể sẽ phải trả tới 30.000 Euro để học tại Anh. Điều này cũng sẽ tương tự đối các sinh viên Anh, dù phí đăng ký nhập học tại các trường đại học châu Âu thấp hơn so với các đại học của Anh.

Trong năm 2020, chuyển vùng quốc tế điện thoại di động sẽ vẫn miễn phí. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2021, những người sử dụng điện thoại di động Anh có thể sẽ phải trả phí chuyển vùng quốc tế khi tới EU và ngược lại.

Trên bình diện lớn hơn, Anh sẽ phải đàm phán lại các thỏa thuận thương mại với EU. Giới quan sát châu Âu cho rằng tiến trình này sẽ phải tốn nhiều thời gian và công sức của cả 2 bên. Nước Anh thực sự không còn bị ảnh hưởng trong các quy định, luật lệ của EU. EU sẽ tìm cách duy trì quyền đánh bắt cá của mình tại vùng biển của Anh sau năm 2021. Vấn đề này sẽ là một điểm chính trong các cuộc đàm phán thương mại trong suốt năm 2020.

Giai đoạn chuyển tiếp

Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp dài 11 tháng kể từ ngày 1/2. Xứ sở sương mù vẫn được hưởng các lợi ích từ EU nhưng sẽ mất đi tiếng nói và sức nặng của một thành viên đã gia nhập khối 47 năm. 

Vẫn còn rất nhiều công việc phía trước sau ngày Anh rời khỏi EU đòi hỏi các cuộc đàm phán giữa hai bên để giải quyết, từ thương mại đến hàng loạt vấn đề khác như an ninh, năng lượng, liên kết giao thông, quyền đánh cá và chia sẻ dữ liệu. Tất cả sẽ gói gọn trong vòng 11 tháng, một khoảng thời gian ngắn ngủi để giải quyết tất cả hậu quả của cuộc "ly hôn" tốn kém.

Thủ tướng Anh Johnson đã nói thẳng 11 tháng là không đủ để đạt được một thỏa thuận thương mại "không thuế, không hạn ngạch" giữa Anh và EU, nhưng tuyên bố không muốn gia hạn đến sau ngày 1/1/2021. Điều đó đồng nghĩa nếu các cuộc đàm phán thương mại tự do giữa hai bên thất bại, hàng hóa trao đổi giữa Anh và 27 nước EU sẽ bị đánh thuế, kiểm soát nhập khẩu theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Kinh nghiệm cho thấy các hiệp định thương mại tự do giữa EU với một nước ngoại khối thường mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Theo Hãng tin Reuters, rất ít người ở Brussels (trụ sở EU) tin rằng giai đoạn chuyển tiếp là đủ dài để kết thúc một thỏa thuận thương mại nhiều "xương xẩu" giữa Anh và EU. Khối này đã luôn khẳng định họ sẽ không ký một thỏa thuận thương mại với một nước mà hàng hóa của nước đó có nguy cơ đe dọa hàng hóa của các nước thành viên bằng giá cả thấp một cách không công bằng.

Ở chiều ngược lại, mối quan tâm của Anh không phải là họ sẽ nhận được bao nhiêu từ EU, mà là việc tuân thủ các quy định của EU trong thời gian chuyển tiếp sẽ ngăn cản London đạt được các thỏa thuận thương mại với những nước khác ngoài EU, chẳng hạn như Mỹ. 

Mặc dù trên giấy tờ EU và Anh có 11 tháng, nhưng các cuộc đàm phán sẽ không chính thức bắt đầu đến khi chính phủ các nước EU đồng ý ủy thác đàm phán vào cuối tháng 2 tới. 

Hai bên sẽ phải hoàn tất mọi thứ vào tháng 10, bởi để dành thời gian cho việc dịch các hiệp định sang 23 thứ tiếng được sử dụng ở EU và trình lên phê chuẩn tại Quốc hội các nước thành viên. Như vậy, thời gian chỉ còn lại tối đa là 9 tháng cho mọi nỗ lực.

Kinh tế sau chủ quyền

Ngày 2/2, Anh đưa ra lập trường cứng rắn với các cuộc đối thoại tương lai sau Brexit, cho biết sẽ tự tạo chương trình nghị sự chứ không làm theo các quy định của EU nhằm đảm bảo thương mại trơn tru. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar mong muốn Anh và Liên minh châu Âu nên tránh "các giới hạn cứng nhắc" có thể gây khó cho thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Nhưng có vẻ ông vsẽ phải thất vọng.

EU liên tục nhắc nhở Anh rằng EU là thị trường sinh lợi duy nhất của nước này và Anh phải chấp nhận một "sân chơi công bằng" để được tiếp cận thị trường bao gồm nhanh chóng tuân thủ các quy định môi trường, lao động và trợ cấp nhà nước. Dù nhiều doanh nghiệp kêu gọi Chính phủ Anh đảm bảo hàng hóa được lưu thông tự do qua biên giới, nhiều bộ trưởng khẳng định Anh sẽ không bám sát các quy định của EU.

Ngày 2-2, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: "Chúng ta đang lấy lại quyền kiểm soát luật pháp của chúng ta, vì vậy sẽ không phải hoàn toàn tuân thủ với EU, liên kết luật pháp ta với quy định của họ, nhưng chúng ta muốn hợp tác và hy vọng EU tuân thủ các cam kết của một hiệp định thương mại tự do kiểu Canada, đó là điều chúng ta đang theo đuổi". 

Thủ tướng Boris Johnson đặt mục tiêu có thỏa thuận thương mại cho phép áp thuế và hạn ngạch giao dịch hàng hóa giống với các quy định EU đã có với Canada sau Brexit.

Theo Hãng tin BBC của Anh, Brexit xét cho cùng là một hệ quả của lịch sử. Brexit đúng là chuyện “Một Ngày gói lại Nghìn Năm” của quan hệ Anh - châu Âu. Anh vào EU năm 1973, sau đó quyết định ra năm 2016, và chính thức chia tay đêm 31-1-2020. Sẽ không có tiếng chuông hân hoan chào đón 'Giờ Độc Lập' vì Chuông Big Ben đang sửa. Cuộc hôn nhân 47 năm kể cũng dài, nhưng so với lịch sử châu Âu và Anh thì quá ngắn.

Chừng 1,2 triệu công dân Anh đang sống ở EU và 3,6 triệu dân EU, gồm cả một số người gốc Việt, đang sống và làm việc tại Anh. Anh -EU gần nhau nên phải giao lưu kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự trong nhiều năm, dù muốn hay không. Với Brexit, những mối quan hệ này nay sẽ khác, không còn như lúc chung một nhà. Những biến cố đó khiến cho mối tương giao Anh - EU sau khi sang trang trở nên khó dự đoán hơn rất nhiều.

Lợi và hại

Đầu tháng này, Sajid Javid, Bộ trưởng Ngân khố, đã nói rõ rằng sẽ không có ràng buộc nào từ EU một khi Anh ra khỏi khối thị trường chung và Liên minh Hải quan. Ông Sajid Javid thêm rằng sẽ có người thắng và người thua.

Các nhà sản xuất Anh phản đối. Các ngành công nghiệp xe hơi và hàng không vũ trụ, các công ty hóa chất và dược phẩm, Liên minh Công nghiệp Anh (cbi) và Unite, công đoàn thương mại lớn nhất, tất cả đều nói về hậu quả bất lợi của Brexit. Khoảng 80% sản lượng của ngành công nghiệp ô tô được xuất khẩu và hơn một nửa số hàng xuất khẩu đó được chuyển sang EU. Quy định thay đổi có nghĩa là ô tô (và phụ tùng xe hơi) phải chịu kiểm tra tuân thủ theo cả hai hướng, làm tăng chi phí và chậm trễ. Khoảng 60% sản lượng hóa chất của ngành công nghiệp hóa chất đi vào EU.

Quy định ở Anh có xu hướng dựa trên các nguyên tắc, ngược lại, quy định của châu Âu được mã hóa nhiều hơn, dẫn đến rất nhiều chi tiết quy định. Chi phí cho ngành quản lý tài sản của Anh trong việc tuân thủ các Thị trường sửa đổi trong Chỉ thị các công cụ tài chính, có hiệu lực vào năm 2018, chẳng hạn, ước tính khoảng 2,5 tỷ Euro (2,75 tỷ đô la). Gánh nặng của quy định đặc biệt nặng nề đối với các doanh nghiệp nhỏ, làm nản lòng doanh nghiệp.

Hai trong số các lĩnh vực tài chính lớn nhất là tài chính fintech và tài chính bền vững. Thành phố London có cơ hội tốt hơn để tiến lên trong các lĩnh vực đó nếu có trong tay các đòn bẩy pháp lý của riêng mình, Jonathan Hill, một chính trị gia bảo thủ và cựu ủy viên dịch vụ tài chính cho EU nói.

Bàng Cương
.
.
.