Bi hài ở khu tái định cư: Mua nước sạch chỉ để tắm cho lợn
Thiếu đất để ở, thiếu đất để canh tác, đền bù kiểu nhỏ giọt, thậm chí nước sinh hoạt hằng ngày cũng bị người ta bán nước suối chưa qua xử lý vệ sinh. Rất nhiều lá đơn kêu cứu được gửi đi để rồi những gì họ nhận được cũng chỉ là sự im lặng và những cái lắc đầu…
Còn vô vàn khó khăn
Năm 2002, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức di chuyển 4.139 hộ dân với 20.138 nhân khẩu thuộc 88 thôn ở 11 xã để nhường lại đất cho công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang. Có tới 125 điểm tái định cư được thành lập để người dân ổn định cuộc sống.
Nước được chặn bởi những tấm lưới rất sơ sài và không qua một hệ thống xử lý nào. |
Sau nhiều năm trôi qua, cuộc sống của họ dường như vẫn gặp không ít khó khăn mà chưa thực sự được chính quyền các cấp quan tâm. Cụ thể, tại Khu tái định cư Tân Lập (thị trấn Na Hang) đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc hỗ trợ cho cuộc sống của dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang.
Thiếu đất ở và canh tác là vấn đề nóng, được người dân quan tâm nhất tại đây. Ông H. (Khu tái định cư Tân Lập) chia sẻ: "Gia đình tôi chuyển về đây gặp không ít khó khăn. Chúng tôi được đền bù có 1 ngôi nhà, trước đây chúng tôi có tận 2 ngôi nhà, thế có phải tôi mất trắng một ngôi nhà. Không những vậy, trước kia thì có đất canh tác, nay cũng chẳng có.
Theo quy định về việc di dân tái định cư, mỗi hộ dân được di chuyển đến vùng đất mới, chính quyền phải cấp ít nhất 400m2 đất để sinh hoạt và sản xuất. Thế nhưng nhà tôi nhận được tất cả có 200m2 đất. Như thế hai vợ chồng tôi với 3 đứa con trai thì từng đó đất làm sao đủ để sinh hoạt và canh tác. Chúng tôi ở đây rất khổ, rất khó khăn".
Cùng chung nỗi niềm, bà Nguyễn Thị Bình (65 tuổi, Khu tái định cư Tân Lập) cho hay, trước khi về khu tái định cư đất của gia đình bà tương đối rộng, thoải mái trong sinh hoạt và sản xuất. Thế nhưng về đây, mọi thứ với gia đình bà như thay đổi 180 độ.
Đặc biệt bà Bình khá bức xúc với cách hỗ trợ nhỏ giọt, manh mún từ phía chính quyền. Cụ thể, gia đình bà Bình được hỗ trợ 100 triệu đồng để đến nơi ở mới. Thế nhưng số tiền này lại được đưa rải theo kiểu nhỏ giọt. Mỗi tháng họ lại mang đến nhà trả vài triệu, điều này là rất khó khăn trong việc đầu tư, sản xuất kinh tế của gia đình.
"Vì họ không giữ đúng lời hứa trước khi di dân nên nhiều hộ gia đình đã viết giấy khiếu kiện gửi cơ quan chức năng. Thế rồi bao nhiêu đơn thư đến nay cũng chẳng có hồi âm gì" - bà Bình bức xúc.
"Nước sạch" để rửa chuồng lợn
Chúng tôi đến Tân Lập vào những ngày đầu hè, đây cũng là thời điểm mà bà con nơi đây lo lắng, hoang mang nhất. Nước để sinh hoạt là vấn đề cấp thiết nhất của họ nhưng ai nấy đều lo lắng khi có mưa đổ về. Hỏi ra mới biết, người dân phải mua nước của nhà máy nhưng chưa hề qua xử lý, họ lấy trực tiếp từ suối sau đó bán lại với giá không hề nhỏ.
Nước "sạch" bơm lên vẫn rất nhiều lá cây bẩn. |
Bà Bình cho hay, khoảng 16 năm trở lại đây rất nhiều hộ dân đều phải mua thứ nước bẩn, chưa qua xử lý để sinh hoạt cũng như phục vụ sinh hoạt. Nước này được lấy trực tiếp từ con suối đầu nguồn thuộc bản Bung (xã Thanh Tương, Na Hang) rồi theo đường ống chảy vào bể chứa trên đồi.
Sau đó nước này cung cấp thẳng cho người dân mà không hề qua một khâu xử lý nào. Chính vì thế mỗi khi có mưa lớn, nước đầu nguồn đổ về đục ngầu, người dân cũng sẽ phải sử dụng loại nước đó.
"Biết làm thế nào được bây giờ, chúng tôi đành chấp nhận dùng nước khác sau đó chờ nước mua lắng cặn xuống mới dám dùng. Mà anh chị biết đấy, con suối đầu nguồn đó rất ô nhiễm. cặn bẩn, lá cây rừng cứ thế theo ống nước chảy xuống, người dân khu vực tái định cư Tân Lập chúng tôi lại phải sử dụng để ăn uống và sinh hoạt" - bà Bình bức xúc.
Dù phải dùng nước không qua xử lý nhưng tiền người dân phải bỏ ra để mua không phải là nhỏ. Công ty cổ phần cấp thoát nước Tuyên Quang sẽ cho người đến từng hộ gia đình để ký hợp đồng sử dụng nước với mức giá 4.285 đồng/m3 nước.
Còn nhớ những ngày đầu, người dân ở khu tái định cư vô cùng vui mừng vì đã được quan tâm đến nguồn nước sinh hoạt. Thế nhưng họ bàng hoàng nhận ra cái thứ nước sạch đó chỉ là nước suối… Để khắc phục tình trạng này, những gia đình có điều kiện sẽ tự khoan giếng, xây bể lọc, tự lắp đặt máy móc để có nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, nhiều gia đình khó khăn thì đành phải ngậm ngùi, cay đắng mua nước bẩn về dùng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ người dân khu tái định cư Tân Lập phải dùng nước bẩn mà cả khu vực quanh đó nhiều năm nay cũng dùng nước chưa qua xử lý.
Ông Nguyễn Quảng Ba, Trưởng thôn tái định cư Tân Lập cho hay, nguồn nước Công ty cấp thoát nước Tuyên Quang bán cho người dân là nước suối chưa qua bất cứ khâu xử lý nào. Chính vì thế gia đình ông phải lấy nước từ khe về sinh hoạt, còn nước mà họ gọi là "sạch" chỉ được gia đình ông rửa chuồng lợn, phục vụ chăn nuôi.
Câu chuyện dùng nước "sạch" để rửa chuồng lợn, nấu cám, tưới rau chẳng phải là chuyện hiếm ở Khu tái định cư Tân Lập. Sau 16 năm chịu đựng, người dân đã gửi đơn kêu cứu lên khắp các cơ quan ban ngành nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu hoặc sự im lặng.
Bà Bình đã mang đơn đi khắp nơi nhưng đều không được giải quyết. |
Một người dân sống tại Khu tái định cư Tân Lập (xin được giấu tên) không giữ được bình tĩnh: "Tôi không hiểu sao, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn nói là chính quyền địa phương chăm lo đời sống của người dân, chúng tôi đã có nước sạch để dùng. Thế rồi cuộc sống đã ổn định hơn, giàu có hơn, nhưng thực tế ở đây đâu có được như thế, cứ đến đây mới biết được chúng tôi sống khổ thế nào".
Một điều… lạ là chuyện 16 năm dùng nước ô nhiễm của người dân Tân Lập mà ông Chủ tịch UBND thị Trấn Na Hang lại không hề hay biết. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về nước sạch ở Tân Lập, ông Lê Hoài Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang cho hay, vấn đề nước sạch của người dân tại Khu tái định cư Tân Lập là do Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang quản lý… Ông không hề nắm được.
Sự việc rõ như ban ngày, bức xúc của người dân là có thật, tuy nhiên ông Thể, Chánh Văn phòng UBND thị trấn Na Hang cũng thừa nhận chưa năm được bất cứ thông tin gì về vụ việc. Ông còn cho biết thêm, người dân ở khu vực miền núi này toàn lấy nước suối về để dùng. "Người dân miền núi chúng tôi không lấy nước ở suối về thì lấy ở đâu được?
Chỗ nào cũng như vậy mà. Bản thân nhà tôi đây cũng lấy nước từ trên núi về dùng đấy thôi, có sao đâu? Còn về vấn đề này tôi cũng không nắm được vì tôi mới đến đây làm, mới làm nhiệm vụ này được hơn 2 tháng thôi" - ông Thể cho hay.
Chúng tôi càng bất ngờ hơn, bản thân đại diện của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang cũng khá mù mờ về việc này. Cụ thể, ông Hùng, đại diện cho Công ty cho rằng, mình cũng không nắm rõ nội dung vì mới về công ty.
Được hỏi về giá nước dẫn từ suối về bán cho người dân là khá cao, ông Hùng cho rằng, công ty chỉ làm hợp đồng với những hộ có nhu cầu sử dụng nước, chứ hoàn toàn không hề bắt buộc ai phải mua. Người dân hoàn toàn có thể khoan giếng hoặc lên các mó, khe lấy nước về để dùng.
Theo ông Hùng, đây là công trình được nhận bàn giao từ xã từ năm 2014 chứ không có đầu tư gì. Phía xã bàn giao thế nào thì bên Công ty cấp thoát nước quản lý như vậy, phía công ty không đầu tư gì thêm. Do đây là công trình nước sạch nông thôn nên mức phí 4.285 đồng/m3 là không hề cao.
Mang những phản ánh của người dân là con suối trên thượng nguồn dẫn xuống cho người dân Khu tái định cư Tân Lập sử dụng bị người dân khu vực đầu nguồn trồng trọt phun thuốc trừ sâu. Nhưng công ty vẫn dẫn về cho dân sử dụng với giá cao.
Ông Hùng cho biết, bản thân ông cũng chưa từng lên thượng nguồn cung cấp nước nên không nắm được hết sự việc. Ông có hứa, sẽ cho anh em đến kiểm tra và thông báo lại.
"Thời gian tới, công ty chúng tôi sẽ lên khảo sát thực tế toàn bộ hệ thống cung cấp nước cho người dân. Thực sự bây giờ chúng tôi cũng không thể xây dựng hệ thống lọc nước vì công ty mới chuyển đổi sang cổ phần nên nguồn kinh phí còn rất eo hẹp. Khi mới tiếp quản chúng tôi đã phải đầu tư mấy trăm triệu vào hệ thống đồng hồ đo nước của các hộ gia đình" - ông Hùng chia sẻ.
Sau những thực tế mà chúng tôi chứng kiến và thu thập được tại Khu tái định cư Tân Lập mới thấy bà con nơi đây vẫn còn vô cùng khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi. Đặc biệt hơn, nguồn nước bẩn, mất an toàn vệ sinh vẫn tồn tại nhiều năm nhưng chính quyền, cơ quan chuyên môn đều không nắm được.
Trong khi đã có hàng chục lá đơn, được người dân lặn lội khắp nơi để gửi nhưng đều đi vào quên lãng. Chẳng có lẽ những nhu cầu thiết yếu nhất của người dân cũng bị coi là chuyện bình thường?