Dịch sốt xuất huyết hoành hành: Bệnh viện tư cũng quá tải
- Hai bệnh viện Công an "chia lửa" ứng phó với dịch sốt xuất huyết
- Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm nếu khống chế kém dịch sốt xuất huyết
Cho đến nay, dịch sốt xuất huyết vẫn chưa có xu hướng hạ nhiệt. Số ca mắc bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. Các bệnh viện tuyến Trung ương dường như đã quá tải. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa thành lập khu điều trị dã chiến sốt xuất huyết tại phòng khám đa khoa C1.1 của bệnh viện, góp phần chống quả tải bệnh nhân sốt xuất huyết.
Hơn 1 tháng qua, mỗi ngày Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh sốt xuất huyết. Cao điểm, có ngày bệnh viện tiếp nhận tới gần 400 bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết đến khám, chủ yếu là bệnh nhân ở Hà Nội.
Bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải |
Do áp lực quá tải, bệnh viện chỉ có thể tiếp nhận vài chục bệnh nhân trong số đó vào điều trị nội trú. Đó là những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo nguy cơ biến chứng và đều ở ngày thứ 3 trở đi kể từ khi bị sốt xuất huyết.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, khoa Truyền nhiễm, phòng bệnh nào cũng đông nghẹt bệnh nhân, 2-3 người một giường, người nằm co gập chân để dành cho người khác có chỗ ngả lưng truyền dịch, người khỏe hơn lựa chỗ ngồi ngay mép giường, đôi chân thõng xuống đất, gương mặt lộ rõ sự mệt mỏi và lo lắng. Tầng 2 khoa Truyền nhiễm có cả những phòng toàn bệnh nhân đang mang thai.
Trong "cơn bão" dịch, bệnh viện công đông như vậy cũng là lẽ thường, nhưng ngay cả những bệnh viện tư với tiền viện phí một ngày lên tới cả triệu đồng cũng không còn chỗ trống. Thở dài mệt mỏi sau nhiều ngày nằm tại viện, chị Nguyễn Thị Chi (Đội Cấn, Hà Nội) cho hay, cách đây vài ngày, chị bị sốt cao dẫn đến co giật, người nhà vội đưa vào Bệnh viện Hồng Ngọc để cấp cứu.
Sau khi làm các xét nghiệm, chị được chẩn đoán là sốt xuất huyết, phải nằm viện điều trị. Buổi tối hôm chị vào viện, Bệnh viện Hồng Ngọc chật kín người tới khám và nhập viện. Do không còn giường bệnh nên bệnh viện phải sắp xếp một số giường chờ ở hành lang để cho người bệnh nằm truyền nước. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân nào đang ở thể nhẹ thì được bác sĩ cho về điều trị tại nhà.
Còn với chị Phạm Hải Yến, lần nằm viện này cũng là kỉ niệm đáng nhớ, chị cho biết: "Lần nằm viện này khiến tôi rất thất vọng về dịch vụ của bệnh viện. Tôi nhập viện hôm qua, phải nằm giường chờ ngoài hành lang nên cũng thông cảm vì đang dịch lớn và do y tá cũng rất nhiệt tình.
Hôm nay thì được chuyển lên tầng 7 nhưng phải nằm giường phụ, không có đủ tiện nghi và nằm ngay dưới điều hòa nên rất khó chịu. Mặc dù tiền phòng kí hợp đồng lên tới 1 triệu đồng/ngày nhưng dịch vụ nhận được cũng không hơn viện công là bao".
Xếp hàng chờ xét nghiệm ở bệnh viện tư. |
Theo như quan sát tại Bệnh viện Hồng Ngọc, cho đến gần cuối giờ chiều nhưng số lượng người đến khám bệnh, chờ làm xét nghiệm vẫn còn rất đông. Bệnh viện đã dành riêng hai tầng để bệnh nhân lưu trú. Hai tầng này luôn có bệnh nhân nằm chật kín, người này ra thì lại có người khác nhập vào.
Đặc biệt, rất nhiều em nhỏ được bố mẹ đưa đến khám vì lo con nhiễm bệnh. Chị Hoàng Minh Hằng (Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết: "Con bé nhà tôi mới 6 tháng tuổi, mấy ngày nay cháu ho nhiều, từ trưa đến giờ ngây ngấy sốt, người nhà thì bảo là chắc sốt mọc răng, hoặc viêm họng, nhưng đang mùa dịch sốt xuất huyết, tôi không dám chủ quan, cho cháu vào viện khám cho an tâm. Do sợ phải đợi lâu nên tôi mới đưa con vào bệnh viện tư, nhưng đang mùa dịch nên bệnh nhân đông, hai mẹ con phải đợi bao lâu mới đến lượt".
Qua tìm hiểu thì trong những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh, kiểm tra, thử máu ở các bệnh viện tư nhân tăng lên chóng mặt. Các bác sĩ luôn phải làm việc hết công suất, có thời điểm, bệnh nhân vào cấp cứu liên tục, nhiều bệnh viện cũng lâm vào tình trạng thiếu giường, hai bệnh nhân phải ghép tạm giường để nằm truyền dịch.
Trong thời điểm này, sự cố gắng của các bệnh viện tư nhân cũng đã góp phần chia lửa với các bệnh viện công vốn đã quá tải từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Việc đối phó với dịch khiến các bác sĩ trở nên quá bận rộn, nhất là với lãnh đạo của bệnh viện.
Khi liên hệ với lãnh đạo một bệnh viện tư nhân để xin thông tin, ông này nói "chúng tôi hiện đang rất bận để đối phó với dịch" rồi vội vàng cúp máy. Điều đó cũng thể hiện phần nào những nỗ lực, cố gắng của y, bác sĩ tại các bệnh viện trên toàn thành phố để chống chọi với dịch sốt đang hoành hành.
Không chỉ bệnh viện công mà các trung tâm y tế huyện, trung tâm y tế dự phòng, bệnh nhân cũng đến khám khá đông. Chị Nguyễn Quyên, Trung tâm y tế huyện Thanh Oai cho biết, trong một tháng qua, cán bộ Trung tâm Y tế huyện luôn phải căng hết sức để đối phó với dịch sốt xuất huyết.
Lượng bệnh nhân tăng đột biến. Thanh Oai cũng đã ghi nhận có trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết nên cán bộ y tế và nhân dân càng không chủ quan và tìm mọi cách đối phó. Các cán bộ Trung tâm Y tế không chỉ trực chiến 24/24h mà còn phối kết hợp với địa phương, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm.
Ngoài ra, tại hầu hết các phường xã, chính quyền địa phương còn phối hợp với các Tổ trưởng Tổ dân phố tổ chức những buổi tuyên truyền phòng chống dịch cho người dân. Mỗi tổ dân phố đều thành lập nhiều tổ xung kích diệt muỗi, được đào tạo cấp tốc qua các lớp học của cơ quan y tế địa phương.
Các tổ xung kích có nhiệm vụ phát hiện các điểm dịch, các khu vực nước đọng chứa nhiều bọ gậy. Khi phát hiện ổ dịch, đội xung kích báo cáo lên phường để nhận vật tư y tế như thuốc, bình xịt, quần áo… để tự xử lý ổ dịch. Các hội nhóm trên địa bàn đều hoạt động hết công suất để cùng chung tay chống lại dịch sốt.
Cô Hải, Tổ trưởng một tổ dân phố trên địa bàn phường Quan Hoa, Cầu Giấy cho biết: "Nếu người dân đều có ý thức tự giác trong việc chống dịch thì dịch sốt này sẽ được dập rất nhanh. Nhưng có một số trường hợp khi chúng tôi đề nghị vào nhà xịt muỗi phòng dịch thì họ lại không đồng ý vì sợ thuốc muỗi gây độc hại, mặc dù trước đó đã được tuyên truyền rất nhiều".
Ngoài ra, trong khi dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khó lường thì một số kẻ còn lợi dụng thời điểm này để thu lợi bất chính. Theo đó, có một số đối tượng giả danh cán bộ y tế, trang bị đầy đủ bình xịt, áo có dấu chữ thập đỏ để vào nhà dân đề nghị xịt thuốc rồi… thu tiền.
Điều đáng nói, thuốc do những người này xịt không có tác dụng diệt muỗi do chủ yếu là nước được pha với một ít thuốc lấy mùi. Sau khi xịt, không những không diệt được muỗi mà còn khiến nhà trở nên ẩm hơn, tạo môi trường khiến muỗi xâm nhập.
Trong lòng Hà Nội vẫn còn nhiều điểm có khả năng thành ổ dịch |
Theo các báo cáo, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn là hai địa phương bùng phát dịch sốt xuất huyết mạnh nhất. Nguyên nhân thì có nhiều, một phần do thời tiết mưa nắng, thất thường. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính vẫn là do hai địa phương này tập trung khá đông dân cư, trong đó có nhiều công trình xây dựng, nhiều khu ao tù nước đọng gây ô nhiễm nặng, nhiều khu ổ chuột tập trung đông dân, là cơ sở để dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh mẽ và có nhiều diễn biến khó lường.
Như đã nói trên, để có thể chống chọi được dịch bệnh, trước hết là cần có sự chung tay góp sức của từng người dân, từng gia đình. Mỗi hộ dân đều có tinh thần tự giác trong việc vệ sinh chống dịch tại chính gia đình mình cũng là góp một phần lớn trong "cuộc chiến" với dịch sốt xuất huyết của toàn thành phố.
Đến chiều 15-8, đã có 19 tỉnh, thành phố hỗ trợ 19 máy phun hóa chất công suất lớn cho Hà Nội, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang. 2 ngày trước đó, đã có 7 máy được bàn giao cho Trung tâm Y tế (TTYT) Dự phòng Hà Nội, số còn lại được bàn giao trong ngày 14-8. Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, ngoài việc hỗ trợ máy phun, đã tích cực hỗ trợ cả nhân lực, bao gồm bác sĩ và cán bộ kỹ thuật. Dự kiến Hà Nội tập trung các máy phun công suất lớn tại các quận, huyện: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Hà Đông và Nam Từ Liêm. Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200. Để hỗ trợ Hà Nội chống dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố hỗ trợ máy phun hóa chất công suất lớn để phun hóa chất diện rộng dập dịch. Hà Nội đã có gần 16.000 ca mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong, 1 thai phụ bị sảy thai ở tuần thứ 26. Riêng trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận thêm 3.300 ca mắc mới, trong khi cao điểm các tuần trước đó chỉ từ 2.600-2.800 bệnh nhân. |