Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm nếu khống chế kém dịch sốt xuất huyết

Thứ Năm, 17/08/2017, 08:30
Nếu địa phương nào để tình trạng tăng nhanh số ca mắc SXH, khống chế dịch yếu kém, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm đó là chỉ đạo của lãnh đạo TP HCM tại buổi làm việc với Sở Y tế và y tế dự phòng 24 quận, huyện chiều 16-8.

"Ngành Y tế phối hợp với y tế dự phòng và địa phương 24 quận, huyện phải tăng cường thực hiện ngay trong tháng 8 các giải pháp nhằm kéo giảm dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố. Nếu địa phương nào để tình trạng tăng nhanh số ca mắc SXH, khống chế dịch yếu kém, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm". Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu tại buổi làm việc với Sở Y tế và y tế dự phòng 24 quận, huyện chiều 16-8.

Tìm cách kéo giảm dịch ngay, không chủ quan

Theo bà Nguyễn Thị Thu, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc kiểm tra, giám sát cấp UBND thành phố, cấp sở, quận, huyện về công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Dịch bệnh SXH tăng trong thời gian qua do một số yếu tố khách quan như mưa nhiều, nhưng bức xúc ở chỗ, dịch lây lan một phần rất lớn từ những dự án xây dựng đang tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường. Nhất là tại hàng loạt điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh SXH tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Thu chỉ đạo: Nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống thì dịch bệnh SXH sẽ có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới. Cần tập trung tổng lực với mục đích kéo giảm ca bệnh SXH, không để dịch bệnh bùng phát; các sở, ngành, địa phương không được chủ quan trong công tác này.

Lãnh đạo địa phương không thể đút tay túi quần chỉ đạo xuống mà phải có mặt, để người dân nhìn thấy sự quan tâm, để từng người dân có ý thức chống dịch. Sở Y tế phải phối hợp với cơ sở bên dưới triển khai các giải pháp không để dịch bệnh lây lan, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường cần làm tốt trách nhiệm của mình, nhất là ở các điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt. Từng hộ gia đình cần tích cực diệt lăng quăng, ngủ mùng, ăn chín uống sôi, đảm bảo vấn đề vệ sinh thực phẩm, đồng thời thực hiện vệ sinh môi trường tại địa phương.

Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện cả nước có 72.727 ca mắc SXH, trong đó khu vực miền Nam có số ca mắc bệnh cao nhất, lên đến 39.473 ca.

Tại Thành phố, đến ngày 13-8, tổng số ca mắc bệnh SXH là 12.291 ca, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó có nhiều địa phương có tỉ lệ số ca mắc SXH tăng chóng mặt: Quận 12 tăng 133%, huyện Cần Giờ tăng 125%, huyện Hóc Môn tăng 83%, quận Bình Thạnh tăng 64%; Đã có 20 trường hợp tử vong tại Việt Nam, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 4 trường hợp tử vong do SXH.

Cán bộ y tế dự phòng kiểm tra mật độ bọ gậy tại một điểm nguy cơ thuộc quận 12, nơi đang có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất TP Hồ Chí Minh.

Lo bỏ lọt, sót nhiều ca bị bệnh

Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu, nhiều lãnh đạo địa phương tỏ ý lo ngại về tình hình số ca bệnh SXH báo từ Bệnh viện (BV) về tới địa phương và số ca thực tế khảo sát được chưa khớp nhau. Từ đây khó kiểm soát các ổ dịch và xử lý ổ dịch nguy cơ cũng như giám sát người bệnh.

Quận Bình Tân đã có 1.870 ca mắc bệnh SXH, là một trong địa phương có số ca mắc bệnh cao tại Thành phố, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch quận than thở: "Quận đã làm hết cách, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh SXH đến tận phường, khu phố, tổ dân phố, thậm chí đến tận nhà dân nhưng khảo sát hiện vẫn có tới 300 điểm có lăng quăng và nguy cơ bùng phát dịch SXH.

Nguy hại nhất là nhiều các dự án xây dựng đang thực hiện ngổn ngang, khu nhà trọ của công nhân khó kiểm soát lăng quăng. Quận đã xử phạt 49 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do gây ô nhiễm môi trường, sinh lăng quăng gây nguy cơ SXH".

Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng cho biết: Bình Chánh đã có 1.139 ca mắc SXH, nhiều nhất là ở 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Lo nhất là trong 1.139 ca được báo cáo về địa phương là SXH, nhưng chỉ tìm ra 979 ca. Còn lại không tìm ra địa chỉ, hoặc tới nơi, không biết bệnh nhân đi đâu. Trong khi chỉ tính riêng tại 2 xã này con số mắc SXH là 589 ca. Người bệnh "biến mất", sẽ là nguy cơ rất lớn khó kiểm soát ổ dịch, xử lý ổ dịch.

Đại diện của UBND quận Thủ Đức cũng tỏ ý lo ngại về việc bỏ "lọt" ca bệnh SXH. Vì trong số 781 ca bệnh SXH báo về địa bàn, chỉ tìm ra 416 ca. Nhiều trường hợp lần theo địa chỉ không tìm thấy bệnh nhân.

Đại diện BV Nhi đồng II cho hay, trong tháng 7 số ca nhập viện do SXH tăng đột biến. Ghi nhận tới 2.000 trường hợp điều trị nội trú, trong đó 10% là ca bệnh nặng, bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về chiếm 50% số ca.

Đại diện BV Nhi Đồng 1 cũng cho biết, trong công tác điều trị, lực lượng phòng chống dịch bệnh SXH đã được tập huấn ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, bác sĩ của BV sẵn sàng hội chuẩn từ xa với BV ở tỉnh và kịp thời gửi lực lượng trực tiếp đến tận nơi với những trường hợp nặng.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng y bác sĩ của BV đã hội chuẩn và cứu sống 5 trẻ em SXH nặng. Nhưng, theo các bác sĩ, công tác sàng lọc bệnh và điều trị tại chỗ mới là quan trọng.

Trước tình hình trên, theo chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thu, bên cạnh việc Sở Y tế hướng dẫn Trung tâm Y tế dự phòng 24 quận, huyện củng cố ngay hoạt động của các đội diệt lăng quăng tại tất cả các khu phố, ấp; cần triển khai rộng hơn mô hình cộng tác viên trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH.

Về lâu dài, vấn đề môi trường gây nguy cơ SXH, ngành Y tế thành phố phải có đề xuất có giải pháp đối với các nơi quy hoạch treo là địa điểm có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cũng như việc cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt tại các địa phương.

H.Nga
.
.
.