Bê bối mang tên Takata và gian lận khí thải

Thứ Ba, 21/03/2017, 12:33
Dư luận từng biết tới 3 vụ bê bối lớn nhất trong ngành ôtô thế giới, đó là lỗi tăng tốc đột ngột của hãng Toyota (Nhật Bản), lỗi hệ thống đánh lửa của General Motors (Mỹ), và gian lận khí thải của Mitsubishi (Nhật Bản).

Nay là bê bối của hãng Volkswagen (Đức) và mới nhất là của Tập đoàn Takata (Nhật Bản). Ngoài ra, danh tính của một số hãng ôtô nổi tiếng trên thế giới cũng vừa bị "vạch mặt chỉ tên", khiến dư luận quan ngại về những sản phẩm của họ.

Từ bê bối của Takata

Mặc dù đại diện của Tập đoàn Takata đã chấp nhận lời buộc tội và đồng ý trả 1 tỉ USD do lỗi túi khí trên ôtô gây ra khiến ít nhất 16 người chết (tại phiên tòa ở thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ hôm 27-2), nhưng 3 hãng ôtô danh tiếng của Nhật Bản, Đức và Mỹ vẫn tiếp tục kiện.

Logo của thương hiệu xe Audi.

Trong đơn kiện mới nhất, hãng Nissan của Nhật Bản, BMW của Đức và Ford của Mỹ đã yêu cầu hãng sản xuất túi khí Takata (chuyên sản xuất phụ tùng ôtô của Nhật Bản) phải đền bù cho những tổn thất mà họ phải chịu sau một loạt lỗi túi khí khiến 16 người chết và hơn 100 người bị thương.

Theo cáo buộc của tòa, những người bị thiệt mạng là do túi khí bị vỡ khiến các mảnh vỡ văng trong xe. Trước đó (tháng 1-2017), Takata đã đồng ý lập 2 quỹ độc lập để giải quyết vụ kiện và ông Yoichiro Nomura, đại diện Takata cho biết, tập đoàn này có thể sẽ bị bán lại hoặc sáp nhập với công ty khác.

Vừa có tin nói rằng, Takata đang trong giai đoạn chuẩn bị nộp đơn xin phá sản, tìm chủ mới và tái cơ cấu. Giới truyền thông đưa tin, Tập đoàn Key Safety (có trụ sở tại Detroit, Mỹ) có thể đang đàm phán để mua lại Takata. Và nếu thương vụ này thành công sẽ giúp Key Safety trở thành tập đoàn sản xuất túi khí lớn thứ hai trên thế giới.

Giám đốc điều hành Takata Shigehisa Takada cho biết, họ hối tiếc sâu sắc về những trường hợp tai nạn và cam kết đưa ra những giải pháp khắc phục. Tính đến đầu tháng 12-2016, đã có 12,5 triệu túi khí Takata bị lỗi được lắp trên ôtô bị thu hồi.

Theo giới truyền thông, tại phiên tòa hôm 27-2, đại diện của Takata tuyên bố, hãng này chấp nhận trả 1 tỷ USD, trong đó 125 triệu USD để bồi thường cho những người bị thương vì lỗi túi khí và 850 triệu USD cho tất cả khách hàng sử dụng sản phẩm của tập đoàn này. Ngoài 1 tỉ USD tiền phạt, Takata còn bị tòa yêu cầu phải cải tiến cung cách kinh doanh và chịu giám sát độc lập trong 3 năm.

Nhưng một số luật sư đại diện cho các nạn nhân đã phản đối thỏa thuận của Takata, vì cho rằng các hãng xe hơi có thể nhờ đó tránh được trách nhiệm. Và họ đã kiện Honda, Nissan, BMW, Ford và Mazda với cáo buộc đã biết về lỗi túi khí của Takata từ nhiều năm trước, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng để tiết kiệm chi phí.

Tuy nằm trong số 3 hãng kể trên nộp đơn kiện, nhưng Nissan, Ford và BMW vẫn bị cáo buộc cố tình bỏ qua lỗi túi khí của Takata, khiến nhiều người bị thương và chết trong các vụ tai nạn tại Mỹ. Cùng bị cáo buộc với Nissan, Ford và BMW còn có Honda và Toyota - đều của Nhật Bản. Cáo buộc này được đưa ra trong một phiên tòa tại Miami, Mỹ.

Theo đó, 5 hãng kể trên đã biết về lỗi túi khí của Takata trong 10 năm qua, nhưng vẫn chấp nhận sử dụng sản phẩm của tập đoàn này vì nó rẻ hơn sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác.

"Trong hơn một thập kỷ, Takata liên tục làm sai lệch dữ liệu kiểm tra liên quan đến mức độ an toàn của sản phẩm. Họ đặt lợi nhuận và kế hoạch sản xuất lên trên an toàn của người dùng", ông Andrew Weissmann, đại diện Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố tại một phiên tòa ở Miami. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, từ năm 2000, Takata đã gửi báo cáo thử nghiệm bị chỉnh sửa đến các hãng xe hơi để chào bán túi khí bị lỗi.

Hãng Toyota và Nissan từng tuyên bố, sẽ thu hồi thêm 6,5 triệu xe trên thế giới do lỗi túi khí của Takata. Theo giới truyền thông, qua những bài kiểm tra nội bộ cho thấy, bộ phận bơm phồng của túi khí Takata có thể bị vỡ và gây thương tích cho người dùng khi có quá nhiều mảnh kim loại văng ra.

BMW tiến hành thu hồi xe quy mô lớn từ đầu năm 2017.

Giới truyền thông từng đưa tin, Ủy ban Thượng viện Mỹ về thương mại, khoa học và giao thông đã đưa ra bằng chứng về việc Takata thao túng dữ liệu để che giấu lỗi túi khí.

Theo đó, trong hơn 10 năm qua, Ban lãnh đạo Takata đã thay đổi thông số túi khí của mình để đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm tra. Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ từng cân nhắc mở rộng lệnh thu hồi từ 70 - 90 triệu túi khí do Takata sản xuất.

Theo thống kê, đã có 10 hãng xe và họ thu hồi hơn 31 triệu chiếc trên thế giới kể từ năm 2008, do túi khí bị lỗi của Takata gây ra. Giới truyền thông cho biết, hơn 2 tháng trước (13-1), 3 cựu giám đốc điều hành Takata đã bị Tòa án Mỹ buộc tội vì trách nhiệm của họ trong vụ bê bối mang tên "lỗi túi khí".

Tới những vụ gian lận khí thải

Hàn Quốc vừa trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện nay cáo buộc hãng Nissan của Nhật Bản gian lận khí thải. Và trong phán quyết đưa ra hơn 1 tháng trước (9-2), một tòa án Hàn Quốc đã ủng hộ án phạt của Bộ Môi trường Hàn Quốc đối với hãng Nissan - phạt 330 triệu Won (khoảng 288.000 USD) do sử dụng thiết bị gian lận khí thải của dòng xe thể thao chạy bằng động cơ diesel Qashqai.

Hãng Nissan từng phản đối án phạt của Bộ Môi trường Hàn Quốc và đã kiện ngược lại, nhưng bất thành. Ngoài án phạt kể trên, Bộ Môi trường Hàn Quốc còn yêu cầu Nissan thu hồi 814 xe thể thao chạy bằng động cơ diesel Qashqai do sử dụng thiết bị gian lận khí thải.

Gần 1 năm trước (18-5-2016), Chủ tịch hãng Mitsubishi Motors Tetsuo Aikawa tuyên bố từ chức, sau khi Mitsubishi bị phát hiện đã thổi phồng khả năng tiết kiệm nhiên liệu của 4 dòng xe mini lên khoảng 15% và kiểm tra sai quy cách nhiều phương tiện khác trong suốt 25 năm. Và 50% giá trị thị trường đã bị mất chỉ trong 1 tuần sau khi vụ bê bối được công bố.

Các công tố viên Pháp cho biết, sẽ mở cuộc điều tra về khả năng hãng chế tạo ôtô Renault gian lận khí thải. Bởi các chuyên gia độc lập đã phát hiện mức độ khí thải độc hại cao bất thường trong các xe động cơ diesel của Renault.

Hình minh hoạ nguy cơ từ việc bung quá lực của túi khí Takata.

Trước đó, các nhà điều tra chống gian lận của Pháp từng khám xét 3 chi nhánh do tình nghi hãng Renault có hành vi gian lận khí thải. Và theo Renault, các nhà điều tra đã "không tìm thấy bất kì chứng cớ gian lận nào".

Ngoài hãng Renault, các nhà điều tra còn "sờ gáy" Tập đoàn sản xuất ôtô PSA (sở hữu những thương hiệu nổi tiếng như Peugeot, Citroen) xung quanh nghi án gian lận khí thải liên quan tới các dòng xe động cơ diesel. Theo giới truyền thông, PSA là hãng sản xuất ôtô thứ tư bị cơ quan chống gian lận về tiêu dùng của Pháp "sờ gáy", sau hãng Volkswagen, Renault và Fiat Chrysler.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cũng vừa cáo buộc hãng Fiat Chrysler đã lắp phần mềm gian lận khí thải đối với hơn 100.000 xe chạy bằng diesel. Theo đó, Fiat Chrysler sẽ phải đối mặt với khoản phạt 44.000 USD đối với mỗi xe, nếu các cuộc điều tra EPA chứng minh hãng này vi phạm quy định về khí thải.

Theo tuyên bố của EPA, kiểm tra các xe động cơ diesel dung tích 3 lít, phiên bản 2014 và 2016 của các dòng xe Jeep Grand Cherokees và Dodge Ram 1500 bán tại Mỹ, người ta đã phát hiện thấy ít nhất 8 phần mềm cài đặt bí mật bên trong, cho phép các xe này tự điều chỉnh lượng khí thải nitrogen oxide (Nox) ra môi trường. Và việc này đã vi phạm Đạo luật Không khí sạch của Mỹ.

Nhưng đại diện của Fiat Chrysler đã bác bỏ cáo buộc và cam kết hợp tác với chính quyền của Tổng thống Donald Trump để giải quyết vấn đề này "một cách công bằng". Bởi theo lý giải của Giám đốc Fiat Chrysler Sergio Marchionne, các thiết bị kể trên không phải phần mềm gian lận, mà là các thiết bị hỗ trợ kiểm soát khí thải.

Tuy nhiên, ông Sergio Marchionne cũng thừa nhận thiếu sót khi không thông báo cho cơ quan chức năng về các thiết bị này. Ủy ban Tài nguyên không khí California của Mỹ từng công bố thông tin khiến dư luận sững sờ, khi khẳng định các nhà điều tra đã tìm thấy phần mềm làm giảm lượng khí thải CO2 khi xe được vận hành trong điều kiện thử nghiệm ở một số ôtô thương hiệu Audi.

Phần mềm này được tìm thấy trong các xe có hộp số tự động và nó có thể phát hiện được vô lăng có được quay hay không. Nếu vô lăng không quay, tức là xe đang được kiểm tra trong điều kiện thử nghiệm, và phần mềm này sẽ khởi động chương trình vào số thải ra lượng CO2 ít hơn chế độ lái bình thường. Còn nếu vô lăng được quay hơn 5 độ theo bất kỳ hướng nào, chương trình này sẽ tắt.

Hãng BMW (Đức) vừa thông báo thu hồi xe quy mô lớn tại thị trường Trung Quốc do lỗi túi khí trên một số dòng xe. Nguyên nhân là do một số dòng xe của BMW gặp sự cố về túi khí, không đảm bảo an toàn cho người lái và hành khách ngồi ở ghế trước khi xe bất ngờ bị va chạm mạnh.

Sự cố có thể gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của BMW và khiến người dùng không yên tâm khi lựa chọn các mẫu xe của hãng này. Theo thống kê, đã có hơn 200.000 mẫu xe mang thương hiệu BMW được thu hồi tại thị trường Trung Quốc từ tháng 12-2016, và toàn bộ chi phí liên quan đến sửa lỗi túi khí sẽ do hãng này chi trả.

Trịnh Huyền My
.
.
.