Bầu cử Tổng thống Mỹ tranh luận vẫn tiếp diễn

Thứ Sáu, 16/10/2020, 12:45
"Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ đi bỏ phiếu, vì cách duy nhất có thể khiến chúng ta thất bại là tình trạng hỗn loạn tại các địa điểm bỏ phiếu". Một tháng trước, trả lời phỏng vấn, ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden kêu gọi những người ủng hộ mình như vậy. Và ngày 13/10, nước Mỹ quả thực chứng kiến một tình trạng hỗn loạn xảy ra.


Kỷ lục

Cuộc chơi lớn đã sẵn sàng bước vào "điểm sôi", và cảnh tượng những cử tri Mỹ rồng rắn xếp hàng tại các khu vực bỏ phiếu sớm, không còn nghi ngờ gì nữa, khẳng định sự quan tâm của họ dành cho sự kiện đặc biệt này.

Tuy vậy, còn một lý do khác mang tính quyết định, để đến hiện tại đã có hơn 4 triệu cử tri Mỹ hoàn thành trách nhiệm công dân của mình: Nỗi lo lắng về sự bùng phát lây lan đại dịch COVID-19. Tâm trạng u ám đó lại càng được khuếch đại với những thông tin không thể kiểm chứng rộng rãi về tình hình sức khỏe của đương kim Tổng thống Donald Trump - người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, và chỉ vừa tuyên bố đã hoàn toàn bình phục.

“Cuộc chiến” giữa ông Trump và ông Biden ngày càng gay cấn.

"Cho tới nay, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến có nhiều người bỏ phiếu trước ngày bầu cử như vậy" - ông Michael McDonald thuộc ĐH Florida (Mỹ), người phụ trách Tổ chức U.S. Elections Project, nhận xét. Theo ông, sự tăng vọt số cử tri đi bầu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 có nguyên nhân trước tiên vì nhiều bang đã mở rộng quy mô tổ chức, cũng như sớm tiến hành việc bỏ phiếu qua thư để phòng ngừa đại dịch COVID-19, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả cử tri lẫn người làm công tác tổ chức bầu cử. Nhưng không chỉ vậy, nhiều cử tri sốt ruột muốn được sớm đưa ra quyết định của họ về tương lai chính trị của đương kim Tổng thống Donald Trump.

"Mọi người bỏ phiếu khi đã có quyết định của họ. Chúng tôi biết rằng nhiều người đã quyết định xong từ trước đó rất lâu" - ông McDonald khẳng định. Ông cũng dự đoán năm nay số cử tri đi bỏ phiếu ở Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 150 triệu người. Đây cũng là con số tương đương với 65% cử tri có thể đi bầu. Nếu đạt được, đó sẽ là tỷ lệ cao nhất kể từ cuộc bầu cử năm 1908.

Cũng theo ông McDonald, dữ liệu bầu cử sớm vừa nêu mới chỉ được tập hợp từ 31 bang của Mỹ đã tiến hành bầu cử sớm và có những thống kê bước đầu. Số người bầu cử sớm sẽ còn tăng lên rất nhanh khi có thêm nhiều bang khác bắt đầu tổ chức bỏ phiếu sớm trực tiếp, và công bố tổng số cử tri đã chọn bỏ phiếu vắng mặt trong những tuần tới đây.

Một bức tranh toàn cảnh mà sự sôi động của nó hoàn toàn tương phản với tâm thế thờ ơ của đông đảo cử tri Mỹ năm 2016, khi có tới 46,9% trong số 231.560.000 cử tri không buồn quan tâm và đi bỏ phiếu, mặc kệ cả Donald Trump lẫn Hillary Clinton.

Điềm gở

Dẫn trước đối thủ một chút sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, lại có thêm thời gian chuẩn bị cho những cuộc đối đầu trực diện kế tiếp (do cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai sẽ không thể được diễn ra ngày 15/10 như kế hoạch, sau khi đương kim Tổng thống Donald Trump nhiễm COVID-19), ông Joe Biden tràn trề tự tin, và đảng Dân chủ của ông cũng vậy.

Chính sự háo hức bỏ phiếu sớm của các cử tri đảng Dân chủ đã góp phần trở thành nguyên nhân tạo nên tình trạng tương đối hỗn loạn ở các điểm bỏ phiếu. Nhiều hệ thống máy tính ở các địa phương trên toàn nước Mỹ đã gặp vấn đề, khi không được tiên liệu là sẽ phải xử lý cùng lúc nhiều công việc đến vậy.

Tại bang Virginia, cổng đăng ký cử tri trực tuyến của bang bị sập, gián đoạn suốt cả buổi sáng. Theo Cơ quan Công nghệ Thông tin Virginia, nơi chuyên xử lý các sự cố an ninh mạng của bang, trang web đăng ký bị sập sau khi một đường cáp quang bị "cắt nhầm" ở phía Nam thành phố Richmond. Tại cuộc họp báo sau đó, Thống đốc Ralph Northam cho biết, nhân viên một dự án điện lực thành phố "vô tình cắt nhầm" dây cáp quang.

Đó quả thực là một lý do hy hữu, đặc biệt là tại một cuộc bỏ phiếu quan trọng như bầu cử Tổng thống Mỹ. Và giới chức Virginia đã lại phải kêu gọi cử tri thực hiện quyền của mình theo cách truyền thống: bỏ phiếu bằng giấy in, thậm chí có thể gửi phiếu qua bưu điện, miễn là có dấu bưu điện trước khi ngày 13/10 kết thúc. Có điều, đó cũng chính là hình thức mà ông Joe Biden cùng ê-kíp của ông phản đối, vì lo ngại nguy cơ gian lận.

Báo NewyorkPost vừa công bố nội dung một số email liên quan tới cha con ông Biden.

Tại hạt Fort Bend, khu vực ngoại ô phát triển của thành phố Houston, máy bỏ phiếu đã không hoạt động trong buổi sáng 13-10 do lỗi lập trình. Ông K.P. George George, thành viên đảng Dân chủ - thẩm phán của hạt được bầu năm 2018, nói rằng, phải tới 10h, hơn 70% máy móc tại các điểm bỏ phiếu sớm của hạt mới có thể hoạt động trở lại.

"Chúng tôi đã mở cuộc điều tra toàn diện, bởi điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Có điều gì tồi tệ đã xảy ra, nhưng chưa thể có câu trả lời chính xác", ông cho biết. Ở bang Georgia, ngày đầu tiên mở cửa bỏ phiếu, có cử tri đã phải xếp hàng chờ tới 8 tiếng để tới lượt được đăng ký.

Đó dường như là những điềm không lành dành cho những người ủng hộ ông Joe Biden và đảng Dân chủ, trong khi đang "thừa thắng xông lên". Cựu Tổng thống Barack Obama cũng góp tay "thúc trống tiến quân", bằng cách tuyên bố sẽ song hành hỗ trợ Joe Biden ở bất cứ nơi nào cần thiết.

Thách thức mới với ông Joe Biden

Nói một cách chính xác, những trục trặc trong các hệ thống máy tính, hay cảnh tượng lộn xộn tại các khu vực bỏ phiếu sớm không phải là những điều mà giới quan sát quốc tế thực sự quan tâm. Đó là những thông tin thú vị, nhưng cũng chỉ là những hiện tượng thoáng qua trên bề mặt cuộc chơi. Các nhà phân tích chờ đợi những động thái khác, những vận động có thể liên quan đến sự quyết định của các đại cử tri còn đang do dự - những người thực sự có quyền định đoạt thắng bại.

Và một kiểu "đòn hiểm" ấy đã được phe Cộng hòa tung ra, ngay khi tình hình quanh các khu vực bỏ phiếu công cộng vừa lắng dịu, đồng thời vẫn còn hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động.

Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu.

Ngày 14/10, theo một số email bị rò rỉ được tờ New York Post công bố, ông Joe Biden đã từng được con trai Hunter giới thiệu với một lãnh đạo Công ty năng lượng ở Ukraine, cho dù trước đây ông Biden đã phủ nhận điều này. Hunter Biden là thành viên hội đồng quản trị của Burisma, công ty khí đốt tự nhiên Ukraine, từ năm 2014 đến năm 2019, khi cha ông là người đứng đầu chính sách Ukraine của chính quyền Obama. Điều này khiến nhiều người lo ngại có thể tạo nên xung đột lợi ích.

Và New York Post hé lộ: "Hunter thân mến, cảm ơn anh đã mời tôi đến thủ đô Washington và tạo cơ hội cho tôi gặp cha của anh" - email do cố vấn của Burisma Vadym Pozharskiy viết cho Hunter ngày 17/4/2015. Email cho thấy Pozharskyi đã gặp Phó tổng thống Joe Biden, mâu thuẫn với tuyên bố của ứng viên đảng Dân chủ rằng ông "chưa bao giờ nói chuyện với con trai về các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của con". Một năm trước khi gửi email nói trên, Pozharskyi đã yêu cầu Hunter cho "lời khuyên về cách anh có thể sử dụng ảnh hưởng của mình".

Email này nằm trong số những tài liệu do Rudy Giuliani, luật sư của Tổng thống Donald Trump, cung cấp cho New York Post. Các tài liệu được khôi phục từ một máy tính xách tay bị bỏ lại ở một cửa hàng sửa chữa ở Delaware vào tháng 4/2019. Và "quả bom" ấy đã phát nổ vào cận kề một thời điểm quyết định.

Cú đòn choáng váng này sẽ không dễ dàng gì cho ông Joe Biden trong việc xoay chuyển cục diện. Giuliani cáo buộc Hunter từng lợi dụng vị trí của bố mình trong công việc, và Joe Biden đã cố sa thải Tổng công tố viên Ukriane Viktor Shokin để ngăn ông này điều tra Burisma. Theo những gì được đưa lên New York Post, cuối năm 2015, ông Joe Biden vận động hành lang để yêu cầu chính quyền Ukraine sa thải Shokin. Lập trường này được chính quyền Obama, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nước phương Tây khác ủng hộ, khi họ đánh giá Shokin làm việc thiếu hiệu quả và là trở ngại cho nỗ lực chống tham nhũng.

Trong một cuộc điện đàm, Phó Tổng thống Biden nói với Tổng thống Ukraine rằng ông sẽ cam kết đảm bảo khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho đất nước sau khi Shokin bị sa thải. Shokin cuối cùng bị cách chức vào tháng 3/2016. Vào thời điểm đó, cuộc điều tra của ông này về Burisma đã đình trệ trong một khoảng thời gian.

Chưa biết thực hư cuối cùng thế nào, nhưng đây mới có thể là điều tạo nên hỗn loạn đích thực. Các đại cử tri sẽ quan sát ông Joe Biden chăm chú hơn, và có thể là còn khắt khe hơn…

Thiên Thư
.
.
.