Bắt tội phạm trốn nã ở đất mũi Cà Mau

Thứ Hai, 10/07/2017, 07:52
Với địa hình nhiều kênh rạch, bãi bồi, có bờ biển dài 254km tiếp giáp với vùng biển các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, cùng với 35.000ha rừng tràm nằm trên các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và 103.723ha rừng ngập mặn, chiếm đến 77% rừng ngập mặn của vùng đồng bằng sông Cửu Long nên từ lâu bọn tội phạm thường chọn ở đây làm nơi lẩn trốn sau khi gây án.


Không thể để cho bọn tội phạm biến nơi đây thành "thiên đường trong bóng tối", tập thể cán bộ chiến sỹ (CBCS) Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Cà Mau đã nỗ lực lập công, mỗi năm truy bắt hàng trăm đối tượng trốn nã để xử lý theo pháp luật.

Tôi đến Phòng PC52, Công an tỉnh Cà Mau vào sáng sớm một ngày cuối tháng 6-2017. Trời miền cực Nam của Tổ quốc với 3 mặt giáp biển mùa này phủ mây mù, thi thoảng lại trút những cơn mưa rào nặng hạt. Trong căn phòng nhỏ, Trung tá Lê Hoàng Khánh - Trưởng phòng PC52 kể cho tôi nghe chuyện bắt tội phạm trốn nã ở rẻo đất cuối cùng của Tổ quốc.

Trung tá Đỗ Minh Tú - Đội trưởng Đội truy bắt tội phạm truy nã về trật tự xã hội, Phòng PC52 Công an tỉnh Cà Mau.

Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Cà Mau được thành lập năm 2010 với phần lớn CBCS được điều động từ nhiều đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm của từng CBCS nên chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết các trinh sát đã vững vàng nghề nghiệp, có thể tác chiến trên tất cả các loại địa hình khác nhau.

Năm 2017, đơn vị nắm hồ sơ 173 đối tượng truy nã còn tồn đọng, 48 đối tượng phát sinh, và cho đến đầu tháng 6 đã truy bắt được 83 đối tượng. CBCS trong đơn vị quyết tâm trong 6 tháng cuối năm sẽ truy bắt ít nhất 50% trong số 154 đối tượng còn lại, trong đó chú trọng đến việc tích cực vận động thân nhân đưa con em đến cơ quan Công an đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Qua phần giới thiệu khái quát, Trung tá Lê Hoàng Khánh khẳng định, bắt tội phạm có lệnh truy nã là công việc đặc thù nên để trụ lại được với nghề, trước hết mỗi CBCS phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư của gia đình, bởi thường xuyên phải đi công tác xa nhà, nhiều khi đi bí mật mà vợ con, người thân trong gia đình không biết đi đâu. Khi trở về họ mới biết chồng, cha của mình vừa hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

Thứ hai, phải vững vàng nghiệp vụ, bản lĩnh, mưu trí trong những lúc đối mặt với tội phạm nguy hiểm và một điều khá quan trọng là phải có sức khỏe thật tốt để có thể nằm rừng, lội sông, nhất là những lần bơi hàng chục cây số trong bùn lầy ở rừng ngập mặn ven biển để lần theo dấu vết tội phạm.

Có khi nửa đêm, gà gáy, ngày lễ, ngày Tết, thậm chí cả những ngày nhà có công việc quan trọng nhưng do yêu cầu của công việc nên trinh sát phải xếp lại tất cả để lên đường.

Nhiều lần anh em trinh sát vì yêu cầu bảo mật đã lặng lẽ lên đường mà không thể thông báo cho gia đình, vợ, con nên đã xảy những hiểu lầm mà bản thân trinh sát khó có thể giải thích nổi. Có trường hợp một trinh sát do đi vội đã để quên điện thoại di động ở đơn vị, đến đêm không thấy về, chị vợ lo lắng gọi điện thoại liên tục nhưng không thấy trả lời.

Sau mấy ngày liền, cho đến khi bắt được tội phạm truy nã đưa về giao cho cơ quan điều tra xong, trinh sát mới về giải thích cho vợ nghe thì cơn giận của vợ đã tăng vùn vụt...

Trước tình huống này, Ban chỉ huy Phòng đã xuống tận nhà gặp gỡ, động viên, giải thích và cuối cùng chị này đã làm hòa với chồng, rồi kể từ đó chị xung phong làm tất cả việc nhà, chăm sóc cha mẹ chồng để chồng toàn tâm phục vụ công tác…

Trung tá Đỗ Minh Tú - Đội trưởng Đội truy bắt tội phạm truy nã về trật tự xã hội, người được anh em trong đơn vị tôn vinh là khắc tinh của tội phạm trốn nã.

Nhớ lại đợt truy bắt đối tượng Châu Hoàng Trắng (51 tuổi) tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh vào tháng 12-2016, anh Tú bảo: Châu Hoàng Trắng trước đây từng có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và đến tháng 4-2014 hắn tiếp tục phạm tội. Sau khi tiến hành các biện pháp nghiệp vụ thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trắng nhưng cho tại ngoại. Lo sợ phải tiếp tục ở tù, lợi dụng lúc tại ngoại, Trắng đã bỏ trốn. Đến đầu tháng 12-2016, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát của Đội phát hiện Trắng đang làm thuê cho một chủ rẫy hồ tiêu ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước nên lập tức lên đường truy bắt.

Tuy nhiên, do nhiều năm công tác ở miền sông nước nên khi phải băng rừng, lội suối thì anh em trinh sát gặp phải khá nhiều khó khăn vì không thông thuộc địa hình, địa vật và nhất là kinh nghiệm đi rừng vào ban đêm, chuyện đề phòng rắn, muỗi, vắt cắn cũng là vấn đề nan giải.

Ngoài ra đối tượng cũng rất gian manh, hắn không bao giờ làm việc ở một trang trại quá 1 tháng, có khi một ngày chuyển chỗ làm một lần và chỗ làm cũ thường cách xa chỗ mới vài ba chục cây số, thậm chí chuyển sang huyện khác nên cứ mỗi khi anh em trinh sát tìm đến được điểm này thì Trắng đã chuyển đến điểm khác.

Ròng rã hàng chục ngày đêm lặn lội trong rừng, tìm kiếm tại hơn 10 địa điểm làm việc mà Trắng đã từng kinh qua, cuối cùng đến ngày 20-12-2016, các trinh sát đã bắt được Trắng khi hắn đang làm việc cho một chủ trang trại tại xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Một vụ trốn nã khác cũng đã khiến các trinh sát phải tốn nhiều thời gian, công sức mới bắt được đó là trường hợp đối tượng Trịnh Văn Sơn (33 tuổi), ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, đã thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ vào ngày 25-8-2012 tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Gây án xong, Sơn bỏ chạy vào khu vực rừng ngập mặn thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển lẩn trốn. Ngay sau khi nhận được yêu cầu truy nã đối tượng từ Công an huyện Ngọc Hiển, Ban Chỉ huy Phòng đã cử một tổ trinh sát gồm 4 người chia thành 2 mũi xuống địa bàn tiến hành rà soát nắm tình hình để có kế hoạch truy bắt.

Song địa hình khu vực này toàn là các bãi bồi sình lầy với rừng đước rậm rạp, không thể sử dụng xe gắn máy hoặc xuồng ghe được nên để tìm ra được, đối tượng, các trinh sát thường xuyên phải đi bộ, thậm chí nhiều lúc chỉ mặc chiếc quần đùi để lội qua những vạt bùn sâu và dài đến gần cây số.

Mệt nhọc là vậy, nhưng khi tìm đến nơi mà Sơn ẩn náu thì lại nhận được thông tin hắn đã bỏ trốn lên TP Hồ Chí Minh. Trước tình huống bất ngờ này, Tổ trinh sát buộc phải chia làm hai, một nửa trở về đơn vị lật lại toàn bộ hồ sơ vụ việc rà soát mối quan hệ, nửa còn lại vội vã đã lên xe đò đến TP Hồ Chí Minh để truy tìm Sơn tại các điểm nghi vấn.

Lấy lời khai một đối tượng truy nã.

Những nỗ lực của CBCS Phòng PC52 đã được đền đáp, đến ngày 19-6-2017 đã bắt gọn Sơn khi đang trùm kín mặt và làm phụ hồ trong một công trình xây dựng ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. 

Trường hợp trốn nã đến 33 năm được các trinh sát Phòng PC52 bắt vào cuối năm 2015 là một điển hình. Theo hồ sơ vụ việc, vào năm 1981, đối tượng Võ Minh Nghĩa (ngụ tỉnh Thanh Hóa) đã thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản.

Trong thời gian bị giam giữ chờ thi hành án tử hình tại trại giam Thanh Lâm, tỉnh Thanh Hóa, Nghĩa đã tìm cách trốn khỏi trại giam rồi lần theo đường rừng vào TP Đà Nẵng bắt xe đò đi vào TP Hồ Chí Minh lẩn trốn. Thấy không an toàn, hắn tiếp tục xuống tận xã An Xuyên, TP Cà Mau sống ẩn náu.

Mặc dù thuộc địa giới của thành phố Cà Mau nhưng trước đây xã này thuộc diện vùng sâu, vùng xa và có ít người sinh sống nên trải qua nhiều năm mà không ai phát hiện ra Nghĩa là đối tượng mang trọng án giết người. Thấy Nghĩa chí thú làm ăn, một gia đình nông dân trong ấp đã quyết định gả con gái cho hắn và bảo lãnh cho làm giấy tờ tùy thân (trước đó Nghĩa khai bị mất).

Giữa năm 2015, trong lúc đi truy bắt một đối tượng khác do Công an tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phối hợp, Trung tá Đỗ Minh Tú lại tìm ra manh mối đối tượng đã thay tên đổi họ sau hơn 30 năm lẩn trốn. Đó chính là Võ Minh Nghĩa đã lẩn trốn bấy lâu nay.

Đức Cương
.
.
.