Bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian trong thời đại 4.0
- Phát huy giá trị văn hóa dân gian góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam
- Cần nhà nghiên cứu chung tay giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, công tác này đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi phải có một chiến lược phù hợp để các giá trị này có thể phát huy hiệu quả tối đa trong đời sống.
Nguy cơ mai một
Văn hóa dân gian là văn hóa gốc của dân tộc, sinh ra cùng với đời sống lao động của quần chúng nhân dân. Trải qua hàng ngàn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng đồ sộ các giá trị văn hóa nghệ thuật phong phú như ca dao, hò vè, các tín ngưỡng dân gian, các lễ hội, các loại hình diễn xướng như múa rối, ca trù, trống quân, hát xẩm… và rất nhiều nghề thủ công truyền thống.
Đặc thù của văn hóa dân gian là truyền miệng, truyền nghề trực tiếp nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị này cũng có những khác biệt đòi hỏi phải có một tầm nhìn chiến lược, lâu dài của Nhà nước, của ngành Văn hóa.
Lễ hội đậm bản sắc văn hóa của người Ê đê. |
Trên thực tế trong những năm qua, việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí quá đà dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Thiếu những công trình nghiên cứu một cách hệ thống làm cơ sở lý luận cho việc bảo tồn văn hóa dân gian nên ở đâu đó vẫn còn tình trạng làm ẩu, làm xấu, pha trộn cổ kim lẫn lộn dẫn đến méo mó các giá trị văn hóa truyền thống.
Vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian trong thời đại công nghệ 4.0 lại càng đặt ra những yêu cầu bức thiết mới, để văn hóa dân gian thực sự trở thành một cầu nối quan trọng đưa người Việt vào tương lai mà không đánh mất đi cội rễ của mình.
Theo Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, đến nay nước ta có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc như Mường, Tày, Cơ-Tu, Mạ, Nùng, Dao, Tà Ôi, Hà Nhì, Cống, Ê đê, Vân Kiều… được phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc.
Có hơn 30 làng, bản, buôn của 25 dân tộc được Nhà nước hỗ trợ đầu tư bảo tồn phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục truyền thống, nghề truyền thống cũng như các nét đẹp trong văn hóa phong tục tập quán của các dân tộc.
Riêng đối với các dân tộc có dân số rất ít khoảng dưới 10.000 người thì cũng đã được Nhà nước đầu tư mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể để các thế hệ trẻ được tiếp cận, tiếp nối các nét đẹp của văn hóa dân tộc mình, tránh nguy cơ mai một.
Có tới 134/271 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là của các dân tộc thiểu số, 276/617 nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số. Từ những con số này có thể phần nào thấy được những nỗ lực của ngành Văn hóa trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt.
Lớp trẻ giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. |
Tuy nhiên, với sự phát triển tốc độ của đời sống hôm nay, công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa theo kịp đời sống. Các giá trị về trang phục, kiến trúc, lối sống, văn hóa ứng xử, ngôn ngữ đều có nguy cơ mai một, lễ hội bị thương mại hóa, biến tướng, bị một số cá nhân lợi dụng trục lợi ngày càng gia tăng.
Nhiều giá trị phi vật thể được vinh danh nhưng không phát huy thực chất mà có lúc bị biến tướng rất đáng tiếc. Nhiều làng nghề truyền thống đang mất dần tính độc đáo khi đưa công nghệ, máy móc hiện đại vào thay thế lao động thủ công của con người. Sản phẩm làm ra hàng loạt với mục đích nâng cao thu nhập của người dân, nhưng chất thải gây ô nhiễm môi trường nặng nề, và tính độc nhất của sản phẩm cũng không còn nữa.
Cảnh quan đặc trưng của nhiều làng nghề đang dần thay đổi, không còn là không gian thuần Việt như trước. Các trò chơi dân gian được xem là di sản của văn hóa dân gian cũng đang mai một rõ rệt. Ngày hôm nay, chúng ta ít có cơ hội thấy trẻ em chơi các trò chơi dân gian như đánh chắt đánh chuyền, ô ăn quan, nhảy dây, bịt mắt bắt dê dù ở nhà hay ở trường.
Những “sự biến mất” đó trong đời sống hiện đại thực sự là một mối lo ngại. Vì văn hóa dân gian vốn được ví như “mã định danh” của văn hóa Việt. Khi sức mạnh của “mã định danh” văn hóa được giữ gìn và lan tỏa trong nhiều thế hệ người Việt trẻ thì không có chuyện âm nhạc, món ăn, trang phục của dân tộc mình bị nhầm lẫn với dân tộc khác như đã từng xảy ra.
Lễ hội là một phần quan trọng của văn hóa dân gian. |
Số hóa các giá trị văn hóa dân gian
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã lập dự án “Công bố và phổ biến tài sản Văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” trong đó có một nội dung rất quan trọng là “số hóa” kho tàng văn hóa dân gian. Hoạt động này vô cùng cần thiết trong thời kỳ công nghệ hiện nay, để mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận với các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo thì việc số hóa những bản thảo, tài liệu, ghi âm, ghi hình các nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu, sớm đưa những tác phẩm của họ đến với cộng đồng là rất tiến bộ, phù hợp với xu hướng thời đại, đóng góp hữu ích vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Trong Đại hội Hội Văn nghệ dân gian vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội, GS-TS Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: “Một trong những thách thức quan trọng của Hội Văn nghệ dân gian là làm sao bảo quản gần 4.000 công trình sưu tầm, nghiên cứu trong khoảng 30 năm qua của các hội viên.
Nội dung các công trình mô tả, nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực của văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam như văn hóa ngôn từ, văn hóa phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật diễn xướng, các nghề thủ công, làng nghề, các tri thức dân gian và văn hóa ẩm thực.
Các tác phẩm của dân tộc thiểu số được in thêm nguyên bản tiếng dân tộc phiên âm bằng chữ cái tiếng Việt và bản dịch.Tuy nhiên thực trạng sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn nghệ dân gian ở địa phương vẫn còn nhiều bất cập”. Do đó, khi tạo ra được một “ngân hàng di truyền các giá trị văn hóa” trên các nền tảng số sẽ giúp cho các địa phương quản lý, bổ sung, chỉnh sửa, giữ gìn, phổ biến tốt hơn từng di sản văn hóa cụ thể.
Văn hóa dân gian nói riêng và văn hóa nói chung không phải là bất biến, mà chịu tác động rất lớn bởi thời gian, cũng như thường xuyên có sự chuyển tiếp, thay đổi phù hợp với thời đại mới. Nó là một dòng chảy, vẫn luôn được nhiều thế hệ người dân đón nhận, sáng tạo làm mới. Trong quá trình đào thải theo quy luật , chỉ có những cái gì là căn cốt, tốt đẹp nhất được giữ lại. Muốn như vậy thì văn hóa dân gian phải đến được với từng người dân, và việc phổ biến nó trong thời đại 4.0 hiện nay trở nên cần thiết vô cùng.
Một số địa phương đã có chương trình giữ gìn văn hóa truyền thống bằng cách đưa trò chơi dân gian vào trường học. |
Việc số hóa các di sản văn hóa này lại đòi hỏi cao hơn một bước, là cần tới nguồn nhân lực vừa trẻ trung, năng động, vừa giỏi công nghệ lại hiểu biết về văn hóa dân gian lại còn khó hơn nhiều. Tất cả những điều này đòi hỏi một chiến lược có tầm nhìn dài hạn, gồm cả nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng chung sức, thì mới có thể bảo tồn các giá trị xứng đáng làm giàu có đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc.