Báo động ô nhiễm hồ ao ở Hà Nội
Những cái hồ "chết"
Đầu tháng 5-2016, nhiều gia đình sống quanh hồ Ngọc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) đã phải "dở sống dở chết" bởi mùi ô nhiễm bốc lên từ hồ. Có mặt tại đây, chúng tôi có thể quan sát được mặt hồ bị bao phủ bởi lớp màng xanh đen thẫm, những dòng nước đen ngòm từ các miệng cống chảy ra. Chỉ đứng được khoảng vài phút là tôi phải vội vàng chạy cho xa.
Anh Nguyễn Văn Bình trú tại ngõ 36 đường Phạm Huy Thông bày tỏ: Từ khoảng đầu tháng 4, cư dân ven hồ đã bắt đầu ngửi thấy mùi thum thủm. Rồi càng ngày mùi xú uế càng nặng nề hơn. Cho đến đầu tháng 5 thì không ai có thể chịu đựng được nữa. Dù có đóng tất cả cửa chính, cửa sổ, lỗ thông gió… thì cái mùi kinh khủng ấy vẫn cứ len lỏi vào từng căn phòng, từng ngách nhỏ trong nhà.
Có gia đình đã phải… sơ tán đến nhà người thân ở quận khác để trốn. Không chỉ các hộ dân có nhà ở đối diện với hồ phải chịu cảnh ô nhiễm không khí bủa vây, ngay cả những hộ dân ở cách xa hồ đến gần trăm mét cũng phải đóng cửa từ sáng đến tối để tránh mùi.
Người dân ven hồ Ngọc Khánh khốn khổ bởi mùi xú uế nồng nặc bốc lên từ hồ sau khi được cải tạo! |
Chung số phận với hồ Ngọc Khánh là hồ Linh Quang (phường Văn Chương, Đống Đa). Nếu như người dân ven hồ Ngọc Khánh chỉ thỉnh thoảng mới phải ngửi mùi "nước hoa" từ hồ bốc lên thì nhiều năm nay người dân sống tại đây phải chịu sự ô nhiễm trầm trọng. Cũng ít ai còn nhận ra được đây là một cái… hồ nữa.
Mặt hồ gần như bị che khuất bởi các loại bèo tây, cây dại, và nhiều nhất là rác thải sinh hoạt hàng ngày do hàng ngàn hộ dân sống quanh hồ xả xuống. Thậm chí, người dân ở đây còn tận dụng mặt hồ để chăn nuôi gia cầm, nuôi cá khiến hồ bốc mùi xú uế. Diện tích hồ cũng ngày càng bị thu hẹp bởi những hộ dân ven hồ cố tình lấn chiếm dựng lều tạm.
Cách hồ Linh Quang vài trăm mét, hồ Văn Chương (nằm giữa 3 phường: Văn Chương, Thổ Quan và Hàng Bột) rộng hơn 1,3 ha, hàng ngày vẫn tiếp nhận nước thải từ các hộ dân và hộ kinh doanh ven hồ. Đây cũng là một trong số những hồ ô nhiễm nhất Hà Nội. Nước hồ màu xanh đục, xung quanh miệng cống có mùi hôi, nổi váng trắng và bốc mùi vào mùa hè. Người dân ở khu này luôn lo sợ mỗi khi mùa hè đến bởi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, cực kỳ khó chịu.
Cải tạo ư? Còn lâu lắm
Thống kê của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - cho thấy: Tính đến cuối năm 2015, tổng số lượng ao, hồ ở Hà Nội là 112 với tổng diện tích mặt nước hồ là 6.969.305m2. Có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Có thể kể đến như: Hồ Văn Chương, hồ Linh Quang, hồ Thiền Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu, Ao phủ… Bên cạnh các ao, hồ còn có các sông cũng trong tình trạng tương tự như: Kim Ngưu, Tô Lịch…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường là vì nước thải sinh hoạt từ cống nhỏ chảy thẳng ra các sông, hồ này. Thậm chí rác thải sinh hoạt trôi nổi trên mặt nước do các hộ dân xung quanh vứt xuống sông, hồ. Chính từ những ô nhiễm này đã làm gia tăng nồng độ các chất hữu cơ, nó làm mất khả năng tự làm sạch của sông, hồ, và khiến cho nước ở các sông, ao, hồ bẩn đục.
Hiện ở Hà Nội còn hơn 50 hồ chưa được cải tạo. Môi trường các hồ này đang ô nhiễm nghiêm trọng. Lại có hồ nước qua nhiều năm lắng cặn, không được nạo vét, dân xung quanh cấy rau muống nên hồ biến thành ruộng. Vì vậy, diện tích ao, hồ trên địa bàn thành phố bị thu hẹp dần.
Hàng tấn cá "chết oan" ở hồ Hoàng Cầu. |
Trước tình hình dịch bệnh thường xuyên bùng phát, dân cư sống ở cạnh hồ bị ô nhiễm không chỉ phải chịu đựng mùi trong không khí rất khó chịu, mà họ phải đối mặt với bệnh tật lây lan, với chuột, muỗi, gián và nhiều vi khuẩn gây bệnh khác.
Chính quyền thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực để cải tạo hồ, song kết quả còn rất hạn chế. Từ tháng 7-2009, HĐND TP Hà Nội đã ra Nghị quyết thông qua đề án "Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Theo đó từ tháng 10-2009, Sở TN-MT Hà Nội tiến hành triển khai chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, hồ trên địa bàn thành phố. Các ao, hồ được chọn để tìm giải pháp hồi sinh môi trường, chất lượng nước trong giai đoạn đầu tiên được kể đến là: Hồ Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Kim Liên, Thanh Nhàn 1, Thanh Nhàn 2B, Văn Quán, Võ Quán, Đền Lừ, ao đình Ngọc Hà và hồ Dài. Đây là những hồ được đánh giá là ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong số các ao, hồ bị ô nhiễm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 10 năm đã trôi qua song chỉ riêng việc cải tạo hồ Linh Quang gần như vẫn… dậm chân tại chỗ. Theo một lãnh đạo UBND quận Đống Đa dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4563/QĐ-UB ngày 10-4-2004 với tổng mức đầu tư 130,912 tỷ đồng.
Ngày 9-10-2007, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 4022/QĐ-UB về việc thu hồi 46.168,8m2 đất và mặt nước tại phường Văn Chương - quận Đống Đa giao cho Sở Giao thông công chính để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang bao gồm 10.566m2 đất thổ cư và 35.200m2 mặt nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mà chưa biết đến bao giờ mới có thể giải quyết. Đầu tiên là khối lượng công tác GPMB của dự án rất lớn bao gồm 237 hộ dân, trong đó có 140 hộ dân thuộc diện di dời phải bố trí tái định cư. Dự án ban đầu do Sở Giao thông Hà Nội thực hiện từ năm 2004, nhưng đến năm 2008 được chuyển tiếp cho Sở Xây dựng Hà Nội và trải qua đến 3 lần thay đổi đơn vị đại diện chủ đầu tư (BQL trực tiếp quản lý Dự án) nên mất nhiều thời gian trong quá trình chuyển tiếp, bàn giao.
Khi bắt đầu triển khai công tác GPMB của dự án thì hồ Linh Quang lại bị nhiễm khuẩn dịch tả nên không thể tiến hành điều tra, kiểm đếm. Xung quanh khu vực hồ Linh Quang đa phần là đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất qua các thời kỳ có rất nhiều thay đổi nên công tác xác nhận nguồn gốc đất gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều hộ dân có nhà nằm trong khu vực GPMB nhưng hiện đang cho người khác thuê lại nên rất khó khăn để tổ công tác thu thập hồ sơ, giấy tờ, điều tra và ký biên bản,…
Bên cạnh đo, khi có công bố quy hoạch và chủ đầu tư kết hợp với Ủy ban nhân dân phường Văn Chương đã thông báo công khai đến các hộ dân thì vẫn còn rất nhiều trường hợp tiếp tục lấn chiếm lòng hồ nên hiện trạng liên tục bị thay đổi.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Ngoài ra cứ qua mỗi năm lại có sự thay đổi về cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng, về đơn giá bồi thường, hỗ trơ, do đó tổ công tác phải cập nhật và điều chỉnh lại phương án cho người dân.
Và mới đây, UBND TP Hà Nội tiếp tục có thông báo về việc cải tạo hồ Linh Quang. Việc di dời một số hộ dân lấn chiếm xây nhà tạm đã được triển khai. Tuy nhiên, để biến hồ thành một không gian xanh, không ô nhiễm như Dự án thì còn phải chờ thêm nhiều thời gian nữa.
Hàng tấn cá chết ở hồ Hoàng Cầu Sáng 8-6 vừa qua, người dân sống quanh hồ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ khi phát hiện rất nhiều cá chết nổi trắng bụng trong hồ. Bác Nguyễn Văn Huy (nhà ở ngõ 34 Hoàng Cầu) cho chúng tôi biết. "Sống ở đây nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy cá chết nhiều như lần này. Một số lần trước sau mưa to có hiện tượng tương tự nhưng chỉ lác đác vài con". Ngay trong buổi sáng, nhiều nhân viên vệ sinh hồ thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội, từ sáng tới chiều họ đã vớt nhiều lần nhưng không xuể. Sau mỗi đợt vớt, cá chết lại nổi lên. Trước tình trạng đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc khẩn trương để "cứu hồ". Hơn 400 nhân viên từ nhiều đơn vị thuộc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã làm việc từ tối ngày 8-6 đến hơn rạng sáng ngày 9-6 để vớt hết số cá chết . 8 máy sục ô xy và 4 máy phun nước tạo khí ở góc hồ (cạnh đường Hoàng Cầu) liên tục hoạt động. 4 chiếc xuồng, mỗi chiếc chở 3-4 nhân viên liên tục di chuyển trên mặt nước để vớt cá, rác thải. Theo một số chuyên gia, cá ở hồ Hoàng Cầu chết hàng loạt có thể do ô nhiễm khí độc sinh ra sau cơn mưa lớn bởi rác thải và chất thải từ cống chảy vào hồ. "Ngoài ra, cũng có thể do rác thải quá nhiều khiến độ PH trong nước cao bất thường và nhiệt độ trong hồ thay đổi đột ngột khi đang nắng to gặp mưa lớn". |