Bạn vẫn uống cà phê chứ?

Thứ Năm, 26/04/2018, 10:06
Trẻ con hay nói câu “Ăn sạch chóng chết, ăn bẩn sống lâu”. Thế mà nghiệm ra không phải không có lý. Thực phẩm Mỹ với vô vàn tiêu chuẩn gắt gao được hiểu là sạch nhất thế giới. Thực tế thì tỷ lệ người tử vong vì ung thư tại Mỹ là 0.17%, trong khi Việt Nam chỉ có 0.02%.


Vậy thế nào là sạch, thế nào là bẩn còn do góc nhìn. Năm 2015, khoảng 400 thành phố toàn cầu đã xuống đường phản đối các nhà cung cấp thực phẩm Mỹ. Họ phản đối sản phẩm nhận sự can thiệp của hóa chất và biến đổi gen của các nhà cung cấp Mỹ.

Trẻ con xứ ta một thời ăn quả xanh uống nước lã. Cái bẩn thời đó là cái bẩn của vi trùng tấn công qua đường tiêu hóa, không để lại di chứng lâu dài.

Minh họa của Tả Từ.

Đừng rung đùi khi Việt Nam không hề dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tử vong vì ung thư. Bây giờ chúng ta không thể chứng kiến đỉa bơi tung tăng ngoài đồng vì hóa chất đã diệt không còn một mống. Chúng ta bắt đầu sợ hóa chất và phong trào thực phẩm sạch đang được ưa chuộng. Trên TV, các thông tin xử lý thực phẩm bẩn đang chiếm sóng khiến lòng tin thêm lưu lạc. Các gia đình thành phố cố gắng tự trồng rau quả, tự cung tự cấp y hồi nguyên thủy.

Các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm hoạt động rầm rập nhưng thực phẩm bẩn vẫn hiên ngang. Lãnh đạo một đơn vị có chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch chia sẻ “20 ngày vừa qua, tôi đã tiếp khoảng 7 đoàn thanh, kiểm tra. Do quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, tôi đã phải thành lập thêm một bộ phận chuyên tiếp đón đoàn. Đội đấy gồm 3 người với tổng lương gần 30 triệu đồng. Công việc của đội này là chờ các đoàn kiểm tra đến để in giấy tờ, gọi điện trước để biết cần chuẩn bị cái gì". Vị này nói tiếp: "Hàng ngày có nhan nhản những cặp vợ chồng đèo nhau. Người phụ nữ ngồi trên con lợn, đi từ Sóc Sơn, Đông Anh, Thường Tín vào trung tâm thành phố. Có hàng ngàn con lợn được vận chuyển như thế. Một số được bán ngay trước nhà tôi. Không có bất kỳ ai đến kiểm tra, xét nghiệm. Trong khi những đơn vị như chúng tôi thì lại rất khổ sở để tồn tại".

Có thể vì cách xử lý mang tính hình thức mà những việc làm khuất tất bị phát hiện rất chậm. Việc dùng pin nhuộm cà phê tại Đắk Nông làm cho các tín đồ cà phê rất phiền lòng. Các tay nghiện cà phê tự kiểm điểm xem mình có mua từ nguồn nào ở địa phương này không. Mà chắc gì riêng Đắk Nông. Ở đâu cũng dùng pin thì sao. Họ băn khoăn xem dạo này có thấy dấu hiệu “điện” trong người chưa? Lúc nào mắt sáng như đèn pin thì chắc là mới uống cà phê.

Trước đây, người ta luộc bánh chưng bằng pin để chín nhanh hơn. Bây giờ thì luộc ngô cũng cho pin vào. Tuy vậy anh em nghiện cà phê cũng không nên quá hoang mang. Một số người thạo cà phê cho rằng, việc nhuộm pin bằng cà phê sẽ lộ ngay, vì mùi pin không thể lừa mũi người uống được. Làm như vậy sẽ phải thêm khâu khử mùi, sẽ tốn kém nên không phù hợp với làm kinh tế. Khả năng để làm giả cà phê bán ra thị trường cho người dùng là không thực tế...

Có người cho rằng, đây là thủ đoạn làm giả để thế chấp vay ngân hàng khả năng cao là mục đích giả cà phê lưu kho để thế chấp ngân hàng mà vay tiền. Thủ đoạn này từng xảy ra. Cách đây nhiều năm, một công ty cũng giả cà phê và lưu kho, sau đó thế chấp cho 3, 4 ngân hàng. Khi bể nợ, các ngân hàng đến xiết hàng, thì 80% các bao cà phê để trong kho đựng đậu nành, cát, sỏi... Nếu vậy thì cà phê ngoài hàng chưa chắc đã có pin. Không loại trừ đây là thủ đoạn mang tính phá hoại kinh tế. Nói chung thì chúng ta buộc phải trở thành nhà tiêu dùng thông thái chứ không nên “sống trong sợ hãi”.

Còn bạn. Bạn vẫn uống cà phê chứ?

Lê Tâm
.
.
.