Băn khoăn chuyện Mỹ rút quân khỏi Afghanistan
Một lời hứa cũ
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, người mới được bổ nhiệm tuần trước,cho biết:“Vào ngày 15-1-2021, quy mô lực lượng của chúng tôi ở Afghanistan sẽ là 2.500 quân. Quy mô lực lượng ở Iraq cũng sẽ là 2.500 vào cùng thời điểm ấy”. Đây sẽ là mức quân số thấp nhất của Mỹ ở Afghanistan trong gần hai thập kỷ can dự, kể từ năm 2001.Ông nhấn mạnh việc rút quân nằm trong các kế hoạch mang tính chiến lược, và hoàn toàn không phải là sự thay đổi trong chính sách của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump khi đến thăm một doanh trại quân đội. |
Theo ông Miller,động thái cắt giảm quân số nói trên phản ánh chính sách của Tổng thống Donald Trump nhằm "dẫn dắt các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq tới một kết thúc thành công, trách nhiệm đồng thời đưa các quân nhân dũng cảm của chúng tôi trở về nhà", để “kết thúc các cuộc chiến tranh bất tận”. Ông cũng nhấn mạnh:“Nếu tình hình an ninh tại Afghanistan và Iraq xấu đi nghiêm trọng, quân đội Mỹ vẫn sẽ sẵn sàng can thiệp”.
Theo một số nguồn tin, quyết định trên được đưa ra theo khuyến nghị của "một số quan chức cấp cao nhất trong quân đội Mỹ".Ngay sau khi quyết định được công bố, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien cho biết ông Trump hy vọng sẽ đưa tất cả các binh sĩ Mỹ từ Iraq và Afghanistan về nước “một cách an toàn và toàn vẹn” vào tháng 5-2021.OBrien cũng cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về sự đóng góp của khối này đối với an ninh quốc gia và an ninh của các phái bộ nước ngoài tại các nước như Iraq và Afghanistan.
Các báo cáo về lệnh cắt giảm quân ở Afghanistan và Iraq đã xuất hiện từ trước đó,với một “lệnh báo động” bắt đầu lên kế hoạch giảm quân từ Lầu Năm Góc, bất chấp cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Mark Esper về việc rút quân nhanh chóng. Tổng thống Donald Trump đã sa thải Mark Esper,và thay thế bằng Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Christopher Miller vào đầu tháng này.
Việc triệt thoái toàn bộ lính Mỹ khỏi những “vũng lầy chiến tranh” như Afghanistan hay Iraq đã từng là một điểm quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của ông Donald Trump vào năm 2016. Khi ấy, ông chỉ trích dữ dội việc nước Mỹ can dự quá nhiều vào những câu chuyện không phải của mình – điều mà qua đó, nước Mỹ lại phải chịu thêm những gánh nặng chiến phí khổng lồ. Nói một cách khác, theo cách nhìn của một doanh nhân như Donald Trump, lợi nhuận thu được rõ ràng không tương xứng với chi phí đầu tư, chưa kể việc duy trì những lực lượng đồn trú lớn sẽ làm ảnh hưởng đến tâm trạng xã hội Mỹ.
Lính Mỹ ở Afghanistan. |
Ngày 7-10-2020, một tháng trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bắt đầu,câu chuyện này lại được xới lên.Trên mạng xã hội Twitter, ông Donald Trump viết: “Chúng ta sẽ đưa những người lính dũng cảm chiến đấu tại Afghanistan trở về nhà vào dịp Giáng sinh", chỉ vài giờ sau khi Cố vấn an ninh quốc giaRobert OBrien cho biết nước này sẽ rút 2.500 quân khỏi Afghanistan vào đầu năm tới.
Kế hoạch rút quân của Nhà Trắng là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông Trump nhiệm kỳ đầu, và tiến trình rút quân vẫn được sử dụng như một công cụ thu hút sự ủng hộ của cử tri, trong lần tái tranh cử vừa khép lại. Ông chủ Nhà Trắng đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho điều này.
Theo thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban ký ngày 29-2-2020 tại Qatar, Mỹ cam kết rút hết quân vào giữa năm 2021, ngược lại Taliban phải đảm bảo chấm dứt các hoạt động khủng bố, đàm phán ngừng bắn vĩnh viễn và chia sẻ quyền lực với Chính phủ Afghanistan. Ở thời điểm đó, số lính Mỹ đồn trú tại Afghanistan đã được giảm xuống còn khoảng 8.600 người và Taliban cam kết không tấn công các lực lượng phương Tây, không để các phần tử cực đoan sử dụng Afghanistan như căn cứ để tấn công lính Mỹ và đồng minh. Kề từ đó, tiến trình triệt thoái binh sĩ Mỹ chưa từng bị gián đoạn.
Những xung đột mới
Tuy nhiên, chỉ vừa được tuyên bố, lộ trình rút quân cấp tốc đến tháng 1-2021 hiện tại đã phải nhận hàng loạt những động thái phản đối, đặc biệt là từ chính nội bộ đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump.
Ngày 16-11, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConell đã cảnh báo Tổng thống Donald Trumpvề kế hoạch đẩy nhanh tiến trình cắt giảm số binh sỹ Mỹ tại Afghanistan và Iraq. Ông cho rằng điều này sẽ trao cho những kẻ cực đoan một “chiến thắng lớn mang tính tuyên truyền”. Đồng thời,động thái ấy sẽ tạo điều kiện cho Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan và là cơ hội để nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda hồi sinh, chưa kể đến việc “có vẻ như một sự bỏ rơi các đối tác quốc tế”.
Mỹ sẽ để lại một số lượng binh sỹ ít nhất sau 2 thập kỷ ở Afghanistan. |
Thượng nghị sỹ McConnell nói: “Những hậu quả của việc Mỹ vội vã rút quân có thể còn tồi tệ hơn việc (cựu) Tổng thống Obama rút quân khỏi Iraq hồi năm 2011, khi nó tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của IS và một giai đoạn mới của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu… Hình ảnh lính Mỹ bỏ lại các căn cứ, thiết bị và để Afghnistan rơi vào tay Taliban, IS sẽ được truyền đi khắp thế giới như một biểu tượng của sự thất bại và đáng xấu hổ của nước Mỹ”.
Bên cạnh đó, thực tế là khi chỉ còn duy trì 2.500 quân tại Afghanistan và 2.500 quân tại Iraq, quân đội Mỹ có quá ít nguồn lực so với những con số cần thiết để bảo đảm tình trạng ổn định ở những khu vực ấy. Thí dụ điển hình, ngay ở Afghanistan, sau khi thỏa thuận song phương được ký kết với Mỹ, Taliban đã liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự chống lại Chính phủ Kabul.
Tháng 10-2020, trả lời phỏng vấn đài NPR, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley nhấn mạnh,việc rút 4.500 binh sỹ còn lại của Mỹ khỏi Afghanistan phụ thuộc vào việc Taliban giảm các vụ tấn công và tăng cường các cuộc hòa đàm với Chính phủ Kabul. Toàn bộ thỏa thuận và mọi kế hoạch rút quân đều căn cứ vào các điều kiện đó”. Ông cũng lưu ý rằng vấn đề then chốt ở đây là Mỹ đang đang nỗ lực kết thúc cuộc chiến tranh một cách có trách nhiệm, có chủ đích và “thực hiện điều đó với điều kiện đảm bảo an toàn cho những lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ, vốn đang bị đe dọa tại Afghanistan”.Có điều, nói như hạ nghị sĩ Mac Thornberry thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 17-11, tại Afghanistan, lực lượng Taliban vẫn chưa đáp ứng điều kiện gì để thỏa mãn việc cắt giảm này.
Chính Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng phải bày tỏ sự lo ngại. Ông cảnh báo Afghanistan có nguy cơ trở thành căn cứ cho lực lượng khủng bố lên kế hoạch các cuộc tấn công phương Tây. Stoltenberg thừa nhận NATO đã chiến đấu tại Afghanistan quá lâu, nhưng vẫn cho rằng việc rời đi quá sớm hoặc không có sự phối hợp có thể sẽ phải trả cái giá rất đắt. “Chúng ta đến Afghanistan cùng nhau và nên rời khỏi đó cùng nhau theo cách trật tự và phối hợp khi đúng thời điểm”, ông Stoltenberg nhận xét.
Hiện có gần 12.000 binh sĩ NATO tại Afghanistan, trong đó hơn một nửa không phải là binh sĩ Mỹ. Các khoản tài trợ cho phái bộ này huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan đã được phân bổ “đến hết năm 2024”. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi Tổng thư ký NATO bày tỏ sự bất bình, với việc nước Mỹ vẫn đang cố gắng đưa ra những thay đổi lớn đến vậy trong chính sách đối ngoại mà không hề bàn bạc hay tham vấn ý kiến của các đồng minh quan trọng.
“Cái giá của việc rút quân sớm, hoặc không có tổ chức, sẽ là rất cao. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể hồi sinh “vương quốc khủng bố” tại Afghanistan mà chúng đã để mất ở Syria và Iraq”, đây là chỉ trích chưa từng thấy của nhà lãnh đạo NATO về một quyết định của Tổng thống Donald Trump.
Một cách ngắn gọn, khi đưa binh sĩ Mỹ rời khỏi những vũng lầy chiến địa trước ngày chuyển giao quyền lực 20-1-2021, có vẻ như ông Donald Trump lại đang cố ý tạo nên những “vũng lầy chính trị” mới, nếu ông thực sự không còn cơ hội lật ngược thế cờ trong cuộc bầu cử tổng thống. Người kế nhiệm ông sẽ phải “nai lưng” dọn dẹp thứ di sản đó.