Bất động sản vùng ven TP HCM: Ngày càng hấp dẫn
- Sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng cạnh TP Hồ Chí Minh – Xu hướng sống mới
- 5 tỷ USD chảy vào khu Nam Sài Gòn, bất động sản bùng nổ
- Ngăn chặn tính thiếu minh bạch và nâng cao đạo đức người môi giới bất động sản
Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng hạn chế phát triển dự án mới tại khu trung tâm và nội đô Sài Gòn. Theo đó, giá nhà có thể tăng khi TP Hồ Chí Minh hạn chế dự án mới đến 2020.
Một số chuyên gia uy tín trong lĩnh vực BĐS tin rằng kế hoạch này sẽ khiến bản đồ phân bổ sản phẩm mới có thể dịch chuyển về các vị trí vùng ven. Đó là các tỉnh tiếp giáp hoặc gần TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là Đồng Nai và Bình Dương, vì những tỉnh này vừa không bị hạn chế phát triển dự án mới, vừa có giá đất, giá nhà ở "mềm" hơn TP Hồ Chí Minh, trong khi kết nối giao thông với TP Hồ Chí Minh khá thuận lợi, và sức mạnh nội tại cũng tốt.
Bình Dương
Với quỹ đất lớn, lợi thế về giao thông và giáp ranh TP Hồ Chí Minh nhưng thị trường BĐS Bình Dương lại chưa tạo được cú đột phá như các tỉnh lân cận khác. Chính vì vậy, giới đầu tư cho rằng Bình Dương sẽ là ẩn số cho BĐS phía Nam năm 2019.
Cách TP Hồ Chí Minh chỉ “một bước chân”, cùng chung tuyến đường Phạm Văn Đồng và Quốc lộ 13, đây được xem là cầu nối, kết nối trục hành lang kinh tế TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên. Đáng nói, năm 2018 được cho là năm phát triển mạnh hệ thống giao thông của tỉnh Bình Dương, khi đầu năm 2018 TP Hồ Chí Minh công bố kế hoạch phát triển rộng tuyến đường sắt trên cao Metro số 1 nối Bình Dương vào trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Nhằm tăng thu hút đầu tư, địa phương này đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ thi công các KCN mới để phát triển KCN ra các huyện phía Bắc của tỉnh. Đặc biệt, hiện có khoảng 1 triệu công nhân đang làm việc tại tỉnh này và nhu cầu nhà ở của họ, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền tại tỉnh Bình Dương luôn lớn.
Nhu cầu lớn, hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện, đồng thời giá đất tại đây cũng thấp hơn TP Hồ Chí Minh rất nhiều. Cụ thể, dự án tại quận Thủ Đức hiện nay có giá từ 40-70 triệu đồng/m², thì tại thị xã Dĩ An (Bình Dương), sát cạnh Thủ Đức chỉ có giá từ 15-40 triệu đồng/m².
Năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn tại TP Hồ Chí Minh như Him Lam Land, Phú Đông Group đã có mặt ở Bình Dương. Vài tháng gần đây, Vingroup, Cát Tường Group, Kim Oanh, Quốc Cường Gia Lai cũng có một số động thái quan tâm đến BĐS Bình Dương. Nhiều người trong ngành nhận định rằng Bình Dương đã có khá nhiều yếu tố để thị trường khởi sắc.
Đồng Nai
Xét ở góc độ hấp dẫn, TP Hồ Chí Minh vẫn là thị trường số 1 của BĐS phía Nam. Tuy nhiên, khoảng cách về mức độ hấp dẫn giữa TP Hồ Chí Minh so với các khu vực lân cận thời gian qua đã rút lại, trong đó Đồng Nai được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” mới của thị trường.
Sức hấp dẫn này được đánh giá qua dòng vốn của các “đại gia” địa ốc đang đổ vào thị trường tỉnh này. Đáng nói, từ khi dự án Sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành) được Quốc hội chính thức “bấm nút” thông qua vào năm 2015, dự án này đã trở thành đòn bẩy khiến giá đất tại Đồng Nai tăng lên chóng mặt.
Xét về tổng thể, BĐS Đồng Nai có nhiều lợi thế. Trong đề án quy hoạch phát triển giao thông - vận tải của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030, các công trình giao thông đường bộ, đường thủy của địa phương sẽ được khẩn trương đầu tư với quy mô lớn hơn, nhằm khép kín và tăng tính kết nối với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai như cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch, đặc biệt Sân bay quốc tế Long Thành sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại cho Đồng Nai.
Lợi thế và sức hấp dẫn của BĐS Đồng Nai còn được tăng lên nhờ các tuyến metro Biên Hòa - TP Hồ Chí Minh, tuyến metro dọc sông Cái, đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Nha Trang... đã được phê duyệt. Trong thời gian tới, Đồng Nai cũng mở mới nhiều tuyến đường liên tỉnh như đường vành đai TP Biên Hòa, các tuyến giao thông kết nối liên huyện Trảng Bom - Vĩnh Cửu, Trảng Bom - Thống Nhất, Long Thành - Cẩm Mỹ và hệ thống đường nhánh kết nối khu vực Sân bay quốc tế Long Thành.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đang tiến hành thực hiện dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên Hương lộ 2 (TP Biên Hòa) với tổng kinh phí hơn 330 tỷ đồng. Cầu có chiều dài khoảng 347m, rộng 18m. Tuyến Hương lộ 2 bắt đầu từ vị trí giao với Quốc lộ 51 tại Ngã ba Bến Gỗ và kết thúc tại nút giao với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Các chuyên gia phân tích, việc phát triển đột phá các KCN đã góp phần giúp thị trường BĐS Đồng Nai thêm sôi động, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Là tỉnh có dân số trên 3,5 triệu dân, nơi đây hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lao động trẻ từ các nơi đổ về. Trên địa bàn tỉnh, hiện có tới hơn 26.800 doanh nghiệp (bao gồm cả công ty nước ngoài) đang hoạt động. Trong đó, số lượng chuyên gia nước ngoài đang làm việc là 7.182.
Ngoài ra, tại 5 KCN lớn tại Biên Hòa hiện có tới hơn 400.000 lao động. Nắm bắt nhu cầu nhà ở tăng mạnh, nhiều ông lớn trong ngành địa ốc đã đón đầu làn sóng đầu tư tại đây, nhất là các loại hình sản phẩm như đất nền, nhà phố xây sẵn, khu đô thị thương mại…
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã tiếp 14 tập đoàn đa quốc gia từ Hồng Kông, Mỹ, Anh, Ailen, Đức và Thái Lan đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đồng Nai. Đây là các tập đoàn chuyên về lĩnh vực vui chơi, giải trí, du lịch, BĐS, xây dựng hạ tầng, thiết kế, logistics.