Ai phải chịu trách nhiệm để hàng trăm trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh?

Thứ Năm, 21/03/2019, 16:25
Những ngày này dư luận hết sức hoang mang, phẫn nộ khi nghe đến thông tin trẻ bị nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh. Nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra hậu quả này thuộc về ai là những câu hỏi dư luận yêu cầu làm sáng tỏ.


Những ngày này dư luận hết sức hoang mang, phẫn nộ khi nghe đến thông tin trẻ bị nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh. Đã có hàng nghìn trẻ ùn ùn đổ về Hà Nội, đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm tìm sán lợn và hiện tại đã có hơn 200 trẻ dương tính với sán lợn. Tác hại khi trẻ em bị nhiễm sán lợn như thế nào? Nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra hậu quả này thuộc về ai là những câu hỏi dư luận yêu cầu làm sáng tỏ.

Phụ huynh đưa các trẻ đến làm xét nghiệm.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thiều công tác tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, nhiễm sán lợn được chia làm 2 loại là ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành. Với bệnh ấu trùng sán lợn, cả ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành đi vào cơ thể đều qua con đường ăn uống. Đó là ăn phải trứng sán hoặc nang sán trưởng thành có trong rau sống, thịt sống, thịt tái…, sau đó khu trú trong cơ thể con người. Đối với ấu trùng sán lợn có thể sẽ tấn công não, làm tổ trong não, cơ hoặc dưới da. Với bệnh sán trưởng thành ở ruột, người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa được nấu chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đi vào cơ thể có thể bám ở thành ruột, sau đó đứt thành đốt và đi ra ngoài cơ thể qua phân.

Khi bị sán lợn tấn công, người bệnh thường có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, đi ngoài có đốt xám (của sán trưởng thành). Ngoài ra, những người bị ấu trùng sán lợn tấn công còn có biểu hiện co giật, động kinh… Người bị sán trưởng thành thường có cảm giác khó chịu, bứt rứt.

Hành lang viện chật kín phụ huynh, học sinh đợi đến lượt khám. Nhiều bé khó chịu quấy khóc.

Sự việc trẻ ùn ùn đổ về Hà Nội khám bắt nguồn từ khoảng cuối tháng 2 vừa qua, sau khi một clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng tại Trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến nhiều người hoảng hốt, lo ngại học sinh tại trường ăn phải món thịt lợn nhiễm sán.

Một phụ huynh có hai con đang theo học tại Trường mầm non Thanh Khương vô cùng bức xúc cho biết: Thấy các con có biểu hiện đi ngoài nhiều lần trong ngày, mệt nằm li bì, gia đình quá lo lắng nên đã mang các cháu ra Hà Nội khám. Lúc đó chưa có kết quả ngay, đến ngày 14-3, bệnh viện mới gửi kết quả về. Quá bất ngờ và sốc cả hai con tôi đều dương tính, nhiễm sán lợn. Ngay sáng hôm sau, gia đình tôi lại đưa các cháu lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để bác sĩ khám lại, kê đơn cho uống thuốc chờ theo dõi...

Tính đến ngày 18-3, có đến 209 trẻ ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn. Đây chưa phải là con số cuối cùng vì còn rất nhiều trẻ chưa nhận được kết quả dù đã khám từ ngày hôm trước.

Ngày 15-3, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức họp báo công bố kết quả sau khi tiến hành thăm khám, xét nghiệm cho gần 400 học sinh thuộc Trường mầm non ở Bắc Ninh.

Tại sao lại có nhiều trẻ mắc bệnh đến thế trong khi vụ việc thịt lợn có sán như hạt gạo lổn nhổn đã được các cô nuôi trẻ bất ngờ phát hiện từ ngày 20-2? Tại sao khi các cháu có triệu chứng phải kéo nhau đi khám, đi xét nghiệm, cơ quan Y tế Trung ương mới chỉ đạo địa phương vào cuộc? Mặc dù cơ quan chức năng chưa có kết luận, nhưng việc nhà trường vô cảm, vô trách nhiệm, để trẻ ăn thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc không đủ tiêu chuẩn liệu có phải là gián tiếp gây tội ác?

“Trẻ em như búp trên cành”, thế nhưng ngay từ những ngày đầu tiên chập chững bước vào môi trường giáo dục là trường mầm non thôi, nhiều trẻ đã bị cô giáo bạo hành đến sưng tím mặt mày, phải nhập viện cấp cứu... Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều phụ huynh bỏ “tiền bồi dưỡng” vào những chiếc phong bì cám ơn cô để mong con mình có dịch vụ tốt hơn, được chăm sóc tốt hơn, hoặc ít nhất là để thầy cô phải có trách nhiệm bảo vệ chúng trước những mối nguy hại.

Thế nhưng vụ việc trẻ phải ăn thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, nhiễm khuẩn tại Trường mầm non Thanh Khương cho thấy điều ngược lại. Mối nguy hại vẫn cứ đổ ụp lên đầu con trẻ. Thịt lợn nổi đầy hạch trắng, thịt gà đông lạnh đã bị mủn, có mùi... Thầy cô biết, nhà trường biết, đơn vị cung cấp thì khẳng định “không có gì bất thường”, nhưng vì trẻ không biết nên chúng vẫn vô tư ăn và là nạn nhân hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ những sai lầm, tội lỗi của người lớn. Tại sao luôn là con trẻ? Nhiều, quá nhiều vụ việc đã xảy ra rồi im lặng như chưa hề có. Người lớn hoặc cứ xuề xòa tắc trách, bỏ qua những tội ác để hình phạt ụp lên đầu con trẻ.

Trẻ nghi nhiễm sán đang được bác sĩ lấy máu làm xét nghiệm.

Các bác sĩ khẳng định trẻ nhiễm sán lợn mặc dù có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu mắc ấu trùng sán lợn, hoặc để lâu để sán đóng kén nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được điều trị theo đúng phác đồ. Cụ thể, để tiêu diệt sán lợn trưởng thành chỉ mất 1 ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất 2 tuần. Các trường hợp dương tính với sán lợn nếu uống đủ trong 15 ngày sẽ sạch sán... 

Bệnh uống thuốc có thể khỏi, nhưng liệu các bậc phụ huynh có còn niềm tin vào nhà trường, vào thầy cô nữa hay không, khi mà chính những người được mệnh danh là “mẹ hiền” ở lớp lại không hề bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy hại?

Tân Ước
.
.
.