Ai đứng sau sự cố của Hãng hàng không British Airways?

Chủ Nhật, 04/06/2017, 20:03
Sau 3 ngày phải ngừng hoạt động do hệ thống máy tính gặp sự cố trên phạm vi toàn cầu, ngày 30-5, Hãng hàng không British Airways của Anh đã vận hành bình thường.


Tuy nhiên, British Airways cũng cho biết, nhiều hành khách vẫn bị thất lạc hành lý sau sự cố kể từ hôm 27-5, khiến khoảng 75.000 hành khách của hãng này tại 2 sân bay quốc tế lớn ở Thủ đô London là Heathrow và Gatwick bị ảnh hưởng do tất cả các chuyến bay khởi hành từ đây đều bị hủy hoặc hoãn.

Mặc dù thông báo, hệ thống máy tính của British Airways đã được khôi phục hoàn toàn, nhưng công tác tìm kiếm hành lý cho khách hàng vẫn phải được tiếp tục. Và hãng này có thể phải bồi thường cho hành khách phải ở lại sân bay với tổng số tiền lên tới 128 triệu USD.

Trước đó (tối 28-5), Chủ tịch và Giám đốc điều hành Bristish Airways Alex Cruz cho biết, họ đã khôi phục gần như toàn bộ dịch vụ tại sân bay Gatwick ở London và dự định vận hành toàn bộ dịch vụ đường dài đã được lên lịch trình từ Heathrow, sân bay đón nhiều lượt khách nhất tại châu Âu.

Nhiều hành khách nằm vạ vật ở sân bay do Bristish Airways hủy chuyến.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 28-5, ông Alex Cruz khuyến cáo, hành khách không nên đến 2 sân bay Heathrow và Gatwick trừ khi nhận được thông tin xác nhận đặt vé. Đồng thời cảnh báo, sân bay Heathrow hiện vẫn rất đông và hành khách không nên đến quá sớm để tránh gây ra tình trạng tắc nghẽn.

Bởi trong ngày 28-5, các chuyến bay tại sân bay Gatwick đã trở lại bình thường, nhưng vẫn có khoảng 200 chuyến bay đến và đi từ sân bay Heathrow bị hủy. Ông Alex Cruz cũng khẳng định, sẽ làm hết sức có thể để trợ giúp khách hàng như chi trả tiền ăn uống và khách sạn cho những hành khách bị lùi lại giờ bay với số tiền khoảng 175 bảng Anh/ngày/người. Và sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền cho những hành khách không muốn bay tiếp.

Theo thông tin của flightaware.com, 29-5 là ngày có lượng khách đi lại bằng đường hàng không cao bởi đó là ngày nghỉ của Anh, nhưng Bristish Airways đã phải hủy thêm 27 chuyến bay và hoãn 56 chuyến khác.

Theo giới truyền thông, sự cố máy tính của Bristish Airways bắt đầu từ ngày 27-5 khiến họ phải hủy mọi chuyến bay của hãng dự định khởi hành từ sân bay quốc tế Heathrow và Gatwick. Tối 27-5, Bristish Airways thông báo, họ gặp sự cố lớn trong hệ thống mạng thông tin, dẫn tới rối loạn nghiêm trọng trong hoạt động vận hành các chuyến bay của hãng trên phạm vi toàn cầu.

Hãng hàng không Đức Lufthansa và Air France của Pháp cũng từng gặp sự cố tương tự trên hệ thống của mình, khiến việc làm thủ tục lên máy bay cho hành khách không thể thực hiện. Nhiều câu hỏi đã đặt ra xung quanh sự cố máy tính của Bristish Airways, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Bristish Airways cho biết, nguyên nhân sập hệ thống của hãng này là do vấn đề nguồn điện, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Trước đó, Bristish Airways từng khẳng định, không có bằng chứng cho thấy sự cố máy tính trên phạm vi toàn cầu của hãng này là hậu quả của một cuộc tấn công mạng. Bởi trước đó (tháng 7 và tháng 9-2016), Bristish Airways từng rơi vào sự cố tương tự khiến nhiều hành khách bị hoãn chuyến.

Được biết, British Airways cũng là một trong những nạn nhân của vụ tấn công mạng bằng mã độc WannaCry trên phạm vi thế giới xảy ra trước đó. Tờ Straitstimes vừa dẫn phân tích của các chuyên gia đến từ Flashpoint, công ty tình báo thương mại có trụ sở tại Mỹ.

Theo đó, tác giả của vụ tấn công bằng mã độc WannaCry khiến hơn 300.000 máy tính trên thế giới bị nhiễm thời gian qua, nhiều khả năng là người miền Nam Trung Quốc, hoặc người Trung Quốc đại lục, Hongkong, Đài Loan hay Singapore, nơi có đông người gốc Hoa sinh sống.

Bởi thông báo đòi tiền chuộc được dịch tự động bằng Google Translate (28 ngôn ngữ khác nhau), còn thông báo bằng tiếng Trung được viết cả chữ phồn thể lẫn giản thể. Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu an ninh mạng cho rằng, CHDCND Triều Tiên đứng đằng sau vụ phát tán mã độc WannaCry.

Trong khi đó, chuyên gia an ninh mạng của Mỹ vừa phát hiện một "lỗ hổng" trong phần mềm đang được sử dụng rộng rãi. Và lỗ hổng này có thể khiến hàng chục nghìn máy tính có thể bị tấn công tương tự vụ tấn công mạng toàn cầu do mã độc WannaCry gây ra trước đó.

Được biết, lỗ hổng an ninh được phát hiện ở hơn 100.000 máy tính chạy hệ điều hành Linux và Unix đang dùng các phiên bản của phần mềm miễn phí Samba. Và đa số máy tính đang chạy phiên bản cũ của phần mềm Samba và không thể "vá" lỗi.

Chuyên gia Rebekah Brown thuộc Công ty an ninh mạng Rapid7 cho biết, chưa có dấu hiệu lỗ hổng này bị "khai thác" kể từ khi nhà chức trách thông báo phát hiện kể trên.

Tuy nhiên, chuyên gia Rebekah Brown cũng cảnh báo, các nhà nghiên cứu chỉ mất 15 phút để phát triển phần mềm chứa mã độc tận dụng lỗ hổng an ninh này, và đây là lỗ hổng "rất dễ bị khai thác".

Phạm Huy Anh
.
.
.