8 ngày sống sót trong rừng Việt Nam

Chủ Nhật, 06/11/2016, 15:23
Kỳ diệu, nữ du khách làm thế nào sống sót trong rừng nhiệt đới ở Việt Nam sau vụ máy bay rơi ở thung lũng Ô Kha năm 1992? Annette Herfkens, người duy nhất sống sót trong vụ này đến giờ vẫn còn nhớ rõ, vừa kể lại câu chuyện trên báo Mỹ New York Post…

Annette Herfkens từng là nữ hành khách duy nhất sống sót, sau vụ tai nạn máy bay khủng khiếp ở Việt Nam hồi năm 1992. Nhưng vị hôn phu đã tử nạn cùng với 22 hành khách và 6 thành viên tổ bay trong vụ tai nạn.

Đầu tháng 10-2016, Annette kể lại cuộc sống sót kỳ diệu trong 8 ngày nằm ở thung lũng Ô Kha, với báo New York Post. Trước đó,vào năm 2014, bà đã phát hành cuốn hồi ký “192 giờ - giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh”. Đó là một câu chuyện đầy cảm hứng về khả năng chịu đựng thể chất và tinh thần của Annette trong lần tai nạn ở thung lũng Ô Kha.

Annette nay 55 tuổi, hiện sống ở New York. Bà từng là cựu nhân viên kinh doanh ở thị trường chứng khoán Phố Wall. Bà kể: Năm đó, bà sống ở Madrid (Tây Ban Nha), vừa đính hôn với người yêu. Tai nạn xảy ra hôm thứ Bảy 14-11-1992. 

Anne cùng vị hôn phu Willem van der Pas, 36 tuổi (thường gọi là Pasje) lên chiếc máy bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines số hiệu VN474 khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang, điểm đến cho kỳ nghỉ lãng mạn kéo dài 5 ngày của họ. Thời điểm đó, Annette đang ở Madrid, tạm thời làm cho Ngân hàng Santander. Pasje đã đến Việt Nam được 6 tháng để lập hai ngân hàng chi nhánh cho ING.

Những mảnh vụn máy bay sau khi rơi.

Annette kể: “Tôi háo hức cho chuyến nghỉ mát bất ngờ này. Nhưng tôi cảm thấy ngột ngạt và rùng mình khi lên chiếc máy bay chật chội của Vietnam Airlines thời điểm đó. Tôi hỏi Pasje, “Chúng ta không thể đi bằng ôtô được sao?”. Anh trả lời: “Rừng nhiệt đới rậm rạp, còn đường xá thì xấu lắm, sẽ mất nhiều ngày di chuyển, chắc lúc đến nơi thì mình cũng phải rời đi ngay vì không kịp thời gian”.

Tôi ngồi xuống nhưng lòng đầy lo lắng. 50 phút kinh hoàng sau đó, máy bay hạ độ cao kinh khủng, Pasje nhìn tôi sợ hãi. Tôi cố trấn an anh ấy, “chỉ là một túi khí thôi, đừng lo lắng”. Nhưng anh ấy lo đúng. Chúng tôi rơi. Ai đó hét lên. Trời tối đen như mực. Hai giây sau, chúng tôi bị va đập mạnh. 

Tôi không nhớ chính xác chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi đoán tôi đã té nhào xuống cabin như một chiếc áo xoay vòng trong máy giặt sấy, đầu và chân tay tôi va vào trần và các tủ khóa trên máy bay. Tôi có lẽ là người duy nhất không thắt dây an toàn. Tại một thời điểm lộn nhào trong máy bay, tôi rơi xuống bên dưới một ghế ngồi và kẹt chân trong đó vài giây, rồi máy bay lại va chạm mạnh và vỡ ra.

Đơn độc trong rừng

Tôi tỉnh lại sau bốn hay năm giờ gì đó. Tôi thấy Pasje qua lối đi, đang nằm sấp trên ghế và môi thì nở một nụ cười mỉm ngọt ngào. Nhưng anh ấy đã chết, xương sườn đâm nát lá phổi.

Tôi đã phải rất sốc vì tôi chẳng nhớ mình bò ra khỏi máy bay như thế nào. Lát sau, tôi thấy mình đang ngồi bên ngoài cabin, trên một sườn núi, dưới những tán cây rậm rạp. Toàn thân tôi đau nhức và không thể di chuyển được. Chiếc váy tôi đang mặc rách bươm, và tôi có thể nhìn thấy một đoạn xương gần 10cm đâm xuyên thịt nhô ra ở cẳng chân. Lúc đó tôi cũng không biết là hông mình bị gãy, một lá phổi thủng, còn xương hàm thì trật. Nhiều ngày trôi qua, những ngón chân tôi bắt đầu hoại tử.

Bên cạnh tôi là một người đàn ông Việt Nam, còn sống nhưng bị thương rất nặng. Anh ta nói với tôi: “Đừng lo, họ sẽ đến tìm chúng ta”. Để bảo vệ phẩm hạnh cho tôi, anh ta bằng cách nào đó đã mở chiếc vali của mình và đưa cho tôi một cái quần tây. Tôi cảm thấy dễ chịu nhờ những lời lẽ và sự hiện diện của anh ta, nhưng sau cuộc trò chuyện ngắn đó, chúng tôi lại quay về với vết thương của chính mình.

Vài giờ sau, tôi thấy người đàn ông đó bắt đầu yếu đi, khó thở rồi ra đi. Không còn bất kỳ âm thanh nào từ chiếc máy bay, tôi hoàn toàn chỉ còn lại một mình. Sau đó, tôi cố di chuyển dù nhích một centimet cũng gây đau đớn. Nhưng tôi cố không để ý tới cơn đau và tập trung vào những gì tôi có thể đạt được hơn là những thứ tôi không thể.

Annette Herfkens (thứ hai từ trái sang) trong lần về thăm những người trong nhóm cứu hộ vụ rơi máy bay năm 1992.

Mục tiêu chính của tôi là uống nước để giữ sự sống nên tôi đã trữ nước mưa bằng mấy miếng bọt biển tìm thấy bên trong bộ phận cách nhiệt gần cánh máy bay bị vỡ. Để giữ cho cơ thể khô ráo, tôi mặc một chiếc áo mưa màu xanh tìm thấy trong hành lý của một ai đó, nhưng tôi đã không lấy bất cứ thứ gì của ai.

Một ngày, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng gỗ gãy. Ở phía bên kia khe núi là một người đàn ông trong một chiếc xe mui màu cam. Tôi tự hỏi anh ta là thật hay ảo. Tôi vẫy tay điên cuồng: “Xin chào, anh giúp tôi được không?”. Anh ta nhìn tôi chằm chằm, bất động rồi bỏ đi. Hóa ra anh ta là công an địa phương, mặc dù mới đầu nghĩ tôi là ma vì chưa bao giờ nhìn thấy một phụ nữ da trắng, nhưng anh ta vẫn báo động cho những người khác tới cứu. Ngày hôm sau, một nhóm cứu hộ người Việt đã cứu tôi. Họ mang theo những túi đựng thi thể vì nghĩ rằng không ai còn sống.

Họ chuyển tôi lên một cái cáng bằng vải bố và đưa tôi xuống núi. Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn khi họ cởi giày để bước nhẹ hơn trên những tảng đá, tránh làm trầm trọng thêm vết thương của tôi. Trực thăng đưa tôi về TP. Hồ Chí Minh trước khi chuyển tôi đến một bệnh viện ở Singapore. Câu chuyện sống sót đáng kinh ngạc của tôi trở thành đầu đề cho nhiều tờ báo trên khắp thế giới.

Trở lại hiện trường xưa

Sau khi phẫu thuật hàm, một loạt ca ghép da và điều trị hoại tử, tôi bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, về tâm lý thì khó khăn hơn nhiều. Tôi cảm thấy mình như một góa phụ. Tôi tham dự đám tang của Pasje trên một chiếc cáng khi vào nhà thờ ngày 10-12-1992 ở Breda, Hà Lan, thấy mình thật kỳ quái như thể một cô dâu bước xuống lối đi để gặp chú rể trong chiếc quan tài.

Vài năm sau, tôi bí mật kết hôn với người đồng nghiệp ở Santander tên Jaime, và định cư ở New York năm 1996. Chúng tôi có hai đứa con xinh xắn là Joosje, 19 tuổi và Max, 17 tuổi. Nhưng cuộc sống của chúng tôi từ sau vụ tai nạn không được suôn sẻ lắm. 

Năm 2001, Max được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ khi lên 2 tuổi. Nhưng giống như tôi từng chấp nhận hoàn cảnh của mình trong rừng, tôi tập trung vào hiện tại chứ không nghĩ chuyện gì sẽ diễn ra. Max giờ đang rất tốt ở trường dành cho trẻ em trên đảo Roosevelt. Buồn thay, cuộc hôn nhân của tôi tan vỡ, Jaime và tôi ly hôn cách đây 2 năm. Nhưng tôi thật sự tin rằng mỗi mất mát trong cuộc sống sẽ làm cho bạn khôn ngoan hơn, và qua mỗi năm, bạn sẽ biết chấp nhận nhiều hơn.

Cho đến nay, nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay vẫn chưa được làm rõ. Khi nghiên cứu để viết cuốn sách, tôi đã trở lại Việt Nam để lần theo những bước đi của mình, thăm lại ngọn núi, gặp lại những nhân viên cứu hộ, trong đó có “người đàn ông màu cam”.

Một cô gái trẻ đã đến gặp tôi khi tôi rời TP. Hồ Chí Minh. Cô thổn thức trong vòng tay tôi: “Cha con đã đi cứu cô và không bao giờ trở về!”. Hóa ra, một chiếc trực thăng đã được phái đi để cứu người còn sống sót, nhưng bi kịch đã xảy ra khi chiếc trực thăng cũng bị rơi. 8 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có cha của cô gái này, một bác sĩ.

Tôi trở lại ngọn núi, nơi tôi có khoảnh khắc yên bình với Pasje và ký ức về anh ấy. Ở nơi đó, trở lại không phải để khép lại điều gì, mà lại là một gợi mở về tương lai”.

Khánh Nguyên (theo New York Post, Daily Mail)
.
.
.