Chữ “Tâm” của những cán bộ Công an
Cảm hoá, giáo dục một người đã từng lầm đường, lạc lối hướng thiện, trở thành công dân tốt cho xã hội vốn dĩ không dễ dàng. Thay đổi suy nghĩ của những người có quan điểm, tư tưởng thù địch, được đào tạo, huấn luyện và hậu thuẫn từ các thế lực thù địch ở bên ngoài lại càng khó khăn.
Song với suy nghĩ còn một phần trăm cũng phải lôi kéo họ trở về, trong những năm qua bằng “cái tâm” của mình, trinh sát thuộc các đơn vị an ninh của Bộ Công an và Công an các địa phương vẫn âm thầm làm nhiệm vụ, góp phần đưa những mảnh đời hướng thiện.
Những năm qua, các đối tượng phản động lưu vong (PĐLV) đã triệt để lợi dụng tình hình phức tạp ở trong và ngoài nước, triển khai các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Các đối tượng ráo riết liên kết, móc nối với số cơ hội chính trị, chống đối trong nước tìm cách chọn ngọn cờ, tập hợp lực lượng…
Để đạt được mục đích, các đối tượng còn sử dụng chiêu bài đấu tranh vì “dân chủ, nhân quyền” đi kèm với lợi ích vật chất để lôi kéo các thành phần xã hội tham gia; lập các hội, nhóm, tập hợp lực lượng hình thành, công khai hoá tổ chức chính trị đối lập, tập trung vào các đối tượng có tư tưởng bất mãn, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế; đối tượng là thanh niên, sinh viên, người theo tôn giáo.
Khi các đối tượng cầm đầu chưa xử lý bằng pháp luật thì một bộ phận quần chúng vẫn còn hạn chế trong nhận thức chính trị đã bị lôi kéo, kích động. Đồng thời, triệt để lợi dụng các tiện ích từ công nghệ thông tin mang lại như hộp thư điện tử, tin nhắn, phần mềm ứng dụng trên máy tính, điện thoại thông minh; mạng xã hội, diễn đàn trên không gian mạng để thực hiện hoạt động lôi kéo, kích động…
Cùng với việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, trong những năm qua, trinh sát thuộc các đơn vị An ninh đã tổ chức các hoạt động phòng ngừa xã hội… Trong số đó có việc cảm hoá và giáo dục, đây là công việc không đơn giản, làm được trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, trách nhiệm của người cán bộ Công an.
“Muốn cảm hoá được một người, trước hết phải đặt mình vào vị trí của họ để hiểu vì sao họ lại tin tưởng vào các đối tượng như vậy? Tại sao lại có boong ke về tâm lý như thế. Từ đó, mỗi cán bộ tự tìm ra nguyên nhân để phá các rào cản tâm lý” - chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ Cục An ninh Nội địa cho biết. Mỗi trường hợp có cách thức riêng, song trước hết, mỗi cán bộ phải hiểu được người mình cảm hoá là ai? Đây là khâu đầu tiên, quan trọng nhất, bởi chỉ có hiểu, đánh giá đúng về họ mới có thể gặp gỡ và tiếp cận.
Đây là việc không đơn giản bởi thực tế cho thấy ban đầu các trường hợp thường tìm cách đối phó, tránh né với cơ quan Công an. Có những trường hợp khi đến làm việc còn đối phó bằng cách thực hiện “ba không”.
Những lúc như vậy, cán bộ Công an phải thường xuyên gặp gỡ họ. Trong quá trình này, phải tìm hiểu rõ về nhân thân, lai lịch, tư tưởng, thái độ của từng người; xác định động cơ, mục đích, nguyên nhân dẫn đến việc đối tượng tham gia tổ chức địch; phân tích cho người vi phạm biết rõ về hành vi vi phạm của bản thân; quy định của pháp luật về hình phạt đối với hành vi vi phạm của người đó; thông báo cho người đó biết rõ bản chất chống Đảng, Nhà nước của các tổ chức PĐLV; hậu quả của việc tham gia hoặc hoạt động theo sự chỉ đạo của các tổ chức PĐLV. Đồng thời, cũng làm cho họ thấy được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước nếu họ biết ăn năn, hối cải; chấm dứt các hoạt động chống Đảng, Nhà nước…
Trong quá trình này, họ gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm tiếng nói chung, sự đồng thuận, phối hợp của chính những người trong cuộc. Bởi các trường hợp này thường có một thời gian dài tiếp xúc với các luận điệu sai trái, thù địch, bị tiêm nhiễm một số nhận thức lệch lạc…Vì thế, trong quá trình làm việc, mỗi cán bộ vừa phải tác động, vừa phải thuyết phục để khơi dậy trách nhiệm công dân, trách nhiệm của mỗi người cán bộ, đảng viên đối với đất nước.
Đồng thời, còn phải kiên trì giáo dục, thuyết phục làm cho đối tượng thấy được cái “tâm” của người cán bộ an ninh, con đường đúng đắn và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Từ đó, tạo niềm tin và sự an toàn, dần dần giúp họ thay đổi về nhận thức. Cùng với đó, những tác động về tâm lý, tình cảm gia đình một cách hợp lý đôi khi chính là những “liều thuốc đặc trị” hữu hiệu, giúp những người lầm đường, lạc lối nhận rõ sai phạm của bản thân…
Với cách làm đó, nhiều trường hợp đã được cảm hoá thành công như Lê Chí Q (SN 1970, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội), phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Trước đó, vào ngày 21/2/2002, Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội đã bắt quả tang Lê Chí Q đang phát tán tài liệu có nội dung chống phá Nhà nước ta.
Khám xét nơi ở của Q, cơ quan điều tra đã thu được một số tài liệu do Q viết có nội dung bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những tài liệu trên đã được Q viết và phát tán từ tháng 4/2001 đến khi bị bắt quả tang ngày 21/2/2002. Trước tòa, Lê Chí Q đã thành khẩn nhận tội. Với hành vi phạm tội đó, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Lê Chí Q 4 năm tù giam và bị quản chế tại nơi cư trú 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Sau khi Q chấp hành án trở về địa phương, một nữ cán bộ của Cục An ninh Nội địa đã gặp gỡ mẹ của Q. Cùng là một người vợ, người mẹ nên những chia sẻ của người nữ trinh sát đã khiến mẹ của Q hiểu ra. Bà cũng tâm sự với cán bộ an ninh về nguyện vọng của mình, muốn con quay đầu là bờ, trở về với cuộc sống bình thường. Sau khi nhận được sự đồng thuận của mẹ Q, cán bộ Cục An ninh nội địa đã thường xuyên gặp gỡ mẹ Q và Q. Vạn sự khởi đầu nan, thời điểm đầu có những lúc Q tỏ rõ thái độ bất hợp tác…
Nhưng dù khó khăn, cán bộ đơn vị vẫn không nản lòng. Cùng với việc thông qua mẹ Q động viên, thuyết phục; nữ cán bộ đã phối hợp với chính quyền địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho Q có thể ổn định cuộc sống.
Tình cảm gia đình, sự chân tình của những cán bộ an ninh đã dần cảm hoá được Q. Q sau khi từ bỏ các hoạt động vi phạm pháp luật giờ đây đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc bên vợ và các con; chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước…
Thực tế cho thấy, để cảm hoá giáo dục và nâng cao tinh thần cảnh giác để nhân dân chủ động tố giác, đấu tranh với các tổ chức phản động; không bị lợi dụng, lôi kéo nghe theo các luận điệu sai trái, thù địch thì phải bám sát sự chỉ đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp; sự tham gia tích cực của các ban, ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt.
Để làm được những điều đó, mỗi cán bộ còn phải am hiểu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có một tâm thế tự tin, sẵn sàng vạch trần thủ đoạn của các đối tượng phản động. Đồng thời phải tôn trọng, cử xử nhân văn và tình người đối với những người đã từng lầm đường, lạc lối.
Cùng với việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, cảm hoá cần kết hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương; tập trung giải quyết ngay tại cơ sở những khiếu kiện, bức xúc của người dân, tổ chức tôn giáo, đây là điều kiện mà các tổ chức PĐLV thường lợi dụng để tuyên truyền tiến hành các hoạt động chống phá…
Kết hợp giữa triển khai phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, không để các đối tượng phản động, chống đối chính trị lôi kéo quần chúng nhân dân…