Ông Trầm Bê xin mức án nhẹ hơn VKS đề nghị
- Phạm Công Danh đề nghị thu hồi khoản tiền 4.500 tỷ đồng
- Phạm Công Danh bị đề nghị 20 năm tù, Trầm Bê bị đề nghị 5-6 năm tù
- Đại án Phạm Công Danh: “Soi” gói vay đã gây thiệt hại 1.740 tỷ đồng cho VNCB
Ngày 24-1, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng xây dựng (VNCB), TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) và 44 đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư và tự bào chữa.
Bào chữa cho ông Trầm Bê, các luật sư cho rằng, quá trình giải quyết cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay ông Trầm Bê cho VNCB bảo lãnh các hợp đồng 6 công ty mà không có tài sản đảm bảo, gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỷ đồng, là đồng phạm với Phạm Công Danh là chưa đủ căn cứ.
Ông Trầm Bê (đứng) tự bào chữa tại toà. |
Theo luật sư Trần Quốc Khánh, căn cứ vào khoản thiệt hại của VNCB do Phạm Công Danh và các cấp dưới ký hợp đồng bảo lãnh mà cho rằng ông Trầm Bê, người đại diện Sacombank, đã chấp thuận bằng miệng chủ trương cho vay cũng là đồng phạm giúp sức cho ông Danh trong khi pháp luật hình sự quy định “đồng phạm” là trường hợp có 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện tội phạm.
Thời điểm ông Bê cho ông Danh vay, ông Danh không cho ông Bê biết mục đích thật của việc sử dụng tiền vay cũng như tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng tại VNCB. Quan hệ giữa ông Danh và ông Bê thuần tuý chỉ là quan hệ giữa hai doanh nhân, là chủ thể của hai pháp nhân kinh doanh độc lập và không đồng nhất về mặt lợi ích.
Khi đồng ý cho ông Danh vay, ông Bê luôn đưa ra điều kiện là phải có tài sản đảm bảo bằng tiền gửi hoặc bất động sản có giá trị, còn nếu là tài sản của VNCB thì phải có Nghị quyết của HĐQT chấp thuận về việc bảo lãnh hồ sơ vay mới được xem xét.
Kết quả giám định thiệt hại cũng thể hiện, Sacombank không hề thiệt hại trong vụ án này và ông Bê không hề hưởng bất cứ vật chất nào từ việc cho Danh vay từ VNCB hay Sacombank.
Cũng trong phần bào chữa cho ông Bê, luật sư đặt vấn đề: trong vụ án này không ít lãnh đạo các ngân hàng khác cũng có cùng hành vi như ông Bê, thậm chí còn ban hành cả văn bản thể hiện ý chí tập thể trong việc thực hiện chủ trương nhận tiền gửi của VNCB tại tổ chức tín dụng của mình để bảo lãnh cho các cho các công ty vay tiền giống như phương thức được thực hiện Sacombank nhưng các nhân vật này chỉ bị xử lý hành chính là không công bằng. Từ phân tích như trên, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh cho ông Bê và giảm cho bị cáo một phần hình phạt.
Trong phần tự bào chữa bổ sung, ông Bê tự nhận: quá trình làm việc ông không thể tránh khỏi sai sót. “Mong HĐXX xem xét mức án 5-6 mà VKS đề nghị bởi không có gì chứng minh tôi cho ông Danh vay. Tôi là đại diện pháp nhân cho Sacombank nhưng không phải tôi muốn làm gì thì làm vì đây là tiền của cổ đông nên phải bàn bạc với HĐQT rõ ràng. Khi cho vay tôi phải xem xét. Bản thân tôi không hưởng lợi gì từ hành vi cho ông Danh vay nên xin HĐXX xem xét cho tôi được hưởng án nhẹ hơn mức đề nghị của VKS”, ông Bê phân trần.
Trước đó, tự bào chữa tại toà, các bị cáo nguyên là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, VNCB, đứng tên làm giám đốc cho các công ty của Phạm Công Danh, khóc ròng xin giảm án.
Bào chữa cho bị cáo Hồ Thị Đi (34 tuổi, nguyên GĐ công ty Hương Việt) luật sư của bị cáo xin HĐXX xem xét, bị cáo chỉ là nhân viên kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.
Hành vi bị cáo dường như là vô ý, bị cáo đã trình bày, thành khẩn khai báo rõ ràng. Dựa trên tính chất khách quan vụ án, thân chủ ăn năn hối cải, hiểu biết pháp luật thấp, mong HĐXX xem xét hình phạt của thân chủ tôi.
Tự trình bày bổ sung sau bài bào chữa của luật sư, bị cáo Đi nghẹn ngào xin HĐXX xem xét, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai con còn nhỏ (5 tuổi và 3 tuổi), chồng là Nguyễn Quốc Thịnh (39 tuổi, nguyên GĐ công ty Thịnh Quốc), cũng là bị cáo trong vụ án này.
Tương tự, trong phần bào chữa cho bị cáo Trần Hiệp (nguyên thành viên HĐQT VNCB, GĐ công ty Phong Hiệp, bị VKS đề nghị mức án 4-5 năm tù), luật sư nêu quá trình làm việc của bị cáo Hiệp tại Tập đoàn Thiên Thanh.
Bị cáo cũng hưởng lương từ Tập đoàn Thiên Thanh chứ không phải từ việc cho làm giám đốc công ty Phong Hiệp như cáo trạng. Khi ký các chứng từ vay tiền (trên 337 tỷ đồng), thực chất bị cáo không biết đó là giấy tờ gì, nhân viên Tập đoàn kêu ký là ký, thậm chí có khi bị cáo còn ký vào giấy A4 trắng... Bị cáo phạm tội do thiếu hiểu biết, quá tin tưởng vào nhân viên hành chính tập đoàn Thiên Thanh...
Vì vậy, theo luật sư mức án như đề nghị của VKS là quá nghiêm khắc đối với bị cáo. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình, cho bị cáo được hưởng án treo bởi bản thân bị cáo Hiệp đang bị bệnh nan y, sức khỏe không đảm bảo, phải chữa lâu dài.