Nỗ lực ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Thứ Hai, 12/08/2019, 08:55
Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đang là hồi chuông báo động tại các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ. Bởi không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, mà cả những nơi đông đúc dân cư, vùng thành thị và liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần, rộng khắp ở các địa bàn. Đối tượng xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, trình độ, thành phần, trong đó có cả người thân, có quan hệ huyết thống...


Các đối tượng lợi dụng lúc cha mẹ, người trông giữ, quản lý trẻ vắng nhà đã tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân để thực hiện hành vi đồi bại. Trong đó, có nhiều vụ án xảy ra đã khiến cho dư luận xã hội hết sức bàng hoàng, phẫn nộ và đau xót.

 Thời gian qua, Công an các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã tích cực đấu tranh với loại tội phạm này. Nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử, các đối tượng phạm tội đã bị trừng trị với những bản án thích đáng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, thực hiện các thủ tục tố tụng để đưa các đối tượng ra xét xử đã gặp không ít khó khăn.

Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh An Giang có 101 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Chỉ 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh này phát hiện 29 vụ xâm hại trẻ em, liên quan 28 đối tượng, với 34 nạn nhân bị xâm hại (tăng 14 vụ so với cùng kỳ năm 2018).

Công an tỉnh An Giang đã xử lý hình sự 19 vụ, liên quan đến 19 đối tượng và đang tiếp tục điều tra 10 vụ, liên quan 9 đối tượng. Thượng tá Huỳnh Văn Đảm - Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang, cho biết, thời gian gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp.

Nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục thường là những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, ba mẹ quá bận rộn với cuộc sống mưu sinh, không có nhiều thời gian để quản lý, chăm sóc con cái. Hoặc còn xem nhẹ vấn nạn xâm hại trẻ em hoặc chưa bao giờ nghĩ sẽ xảy ra với con em mình. Để rồi khi vụ việc xảy ra nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và hối hận…

Với thủ đoạn lợi dụng sự ngây thơ, non trẻ, không có khả năng tự bảo vệ để tiếp cận cho quà bánh, tiền tiêu xài… tạo niềm tin cho trẻ và dễ dàng lợi dụng xâm hại tình dục trẻ.

Như câu chuyện đau lòng xảy ra trên địa bàn huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) vừa qua là một điển hình. Vừa trở về địa phương sau khi chấp hành xong án phạt tù vì tội “Hiếp dâm trẻ em”, Nguyễn Duy Khanh (SN 1984, cư trú tổ 18, ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) lại tiếp tục hành vi phạm tội.

Tối 12-5, Khanh phát hiện cháu N. (SN 2010) đang bán vé số trên đường nên đã dụ dỗ cho tiền và chở cháu đến bãi đất trống thuộc ấp Vĩnh Phúc (thị trấn Cái Dầu) rồi nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm.

Sau đó, Khanh chở nạn nhân đến một nhà trọ tại thị trấn Cái Dầu, để tắm rửa. Thấy cháu N. trong tình trạng hoảng loạn, quần áo dơ bẩn nên chị Ngô Huỳnh Phương Thanh, chủ nhà trọ đã đưa N. vào tắm, thay đồ và hỏi thăm thì cháu N. đã kể lại toàn bộ sự việc, sau đó chị Thanh trình báo cơ quan Công an.

Theo thống kê trên phạm vi cả nước, trung bình cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em bị xâm hại, đối tượng không chỉ là người lạ, mà nhiều người bất ngờ khi biết rằng có khoảng 20% đối tượng xâm hại trẻ em là người thân và khoảng 60% là hàng xóm. Đó có thể là người thân của ba mẹ, họ hàng của gia đình...

Đau lòng hơn có những vụ việc mà thủ phạm chính là những người có mối quan hệ máu mủ, ruột thịt với nạn nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Bến Tre có 5 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện và xử lý, trong đó có 1 vụ hiếp dâm trẻ em, 3 vụ giao cấu với trẻ em, 1 vụ dâm ô với trẻ em.

Vào ngày 18-5, vụ việc xảy ra ở xã Tân Bình (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) đã gây xôn xao cả vùng quê. Người hàng xóm Huỳnh Văn Vũ Phong (SN 1982) thường đến nhà của bé gái gần nhà chơi, lợi dụng lúc không có người lớn ở nhà, Phong thực hiện hành vi đồi bại với bé gái SN 2010.

Sự việc sau đó đã bị mọi người phát hiện tố giác cơ quan Công an. Hay vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) vừa qua khiến người dân vô cùng phẫn nộ bởi đối tượng Nguyễn Văn Đúng (SN 1955, cư trú ấp Bình Phước, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú) lại thực hiện hành vi đồi bại với chính đứa cháu ruột mới 13 tuổi và mang bệnh lý tâm thần.

Những vụ án xảy ra để lại những hậu quả khủng khiếp và lâu dài về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Chính vì vậy, khi vụ việc xảy ra gia đình nạn nhân, dư luận xã hội nóng lòng muốn đối tượng nhanh chóng bị pháp luật nghiêm trị.

Tuy nhiên, để khởi tố, bắt giữ đối tượng, cơ quan Công an phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật trong điều tra, thu thập chứng cứ để thực hiện đúng trình tự tố tụng nhằm tránh oan sai, sót lọt tội phạm. Khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục trẻ em, để có căn cứ khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử bị cáo thì cần phải có kết luận giám định pháp y và những vật chứng có liên quan để làm căn cứ.

“Vì tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình, lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn hoặc không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng… Do đó, cơ quan điều tra phải mất nhiều thời gian, công sức trong việc thu thập thông tin, chứng cứ đầy đủ, để có kết luận khách quan, chính xác” - Thượng tá Huỳnh Văn Đảm - Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang, chia sẻ.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các vụ án xâm hại trẻ em, nhất là các vụ xâm hại tình dục, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Công an thì rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc bảo vệ trẻ em. Điều quan trọng trên hết vẫn là sự quan tâm, quản lý, giáo dục của các bậc cha mẹ với con mình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án đau lòng xảy ra.

Trung tá Mai Hoàng Trung - Đội trưởng đội Hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bến Tre cho rằng: “Các bậc cha mẹ cần dạy cho trẻ những biện pháp an toàn để trẻ biết tự bảo vệ mình. Dạy trẻ biết cách từ chối khi có người lớn rủ rê, dụ dỗ vào nơi vắng vẻ hay đêm tối. Dạy trẻ làm chủ cơ thể... Một vấn đề quan trọng khác là cần giúp cho trẻ tự tin, thoải mái với những thay đổi tâm sinh lý khi bước vào tuổi dậy thì. Vì sự tò mò, lúng túng trước những thay đổi ấy cũng là nguyên nhân của nhiều vụ xâm hại tình dục ở trẻ em”.

Bà Nguyễn Thị Liêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh An Giang, thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác phòng ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục tuy có đổi mới nhưng chưa huy động được tất cả các thành phần xã hội tham gia.

Hiện các mô hình trợ giúp trẻ em như: điểm tham vấn, tư vấn; mô hình Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em cấp huyện; hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng... chưa có độ bao phủ toàn tỉnh và chỉ mới triển khai thí điểm ở một số xã, phường, thị trấn...”.

Trần Lĩnh
.
.
.