Vụ “đại án” 9.000 tỷ đồng: Nhiều luật sư nói thân chủ mình không phạm tội

Thứ Sáu, 19/08/2016, 10:59
Ngày 18-8, phiên tòa xét xử “đại án” gây thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng các luật sư (LS) tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo.


Bào chữa cho bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó GĐ VNCB chi nhánh Sài Gòn, GĐ VNCB chi nhánh Lam Giang; bị đề nghị mức án 20-22 năm tù), LS Đào Thị Bích Liên cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo về tội "Cố ý làm trái..." nhưng chưa làm rõ bản chất của việc nhóm bà Trần Ngọc Bích, Trần Quý Thanh cho ông Phạm Công Danh vay tiền. 

Bởi tài liệu điều tra cho thấy từ 28-12-2012 đến 30-7-2013, có phát sinh việc chuyển 16.260,6 tỷ đồng từ tài khoản của Trần Ngọc Bích sang tài khoản của ông Danh nhưng bà Bích không thừa nhận cho Danh vay tiền, mà chỉ thừa nhận có Phạm Thị Trang vay tiền và hai bên đã thanh toán xong, không thừa nhận thỏa thuận nhận trả lãi ngoài.

Quá trình điều tra, ông Danh khai chi lãi cho nhóm bà Bích khoảng 2.500 tỷ đồng. Thực tế, CQĐT đã chứng minh được là Tập đoàn Thiên Thanh đã chi trả lãi cho ông Thanh ở khoản vay từ sổ tiết kiệm số tiền 730 tỷ đồng. 

Tại phiên tòa, trong phần xét hỏi đã có bằng chứng và lời khai của nhân viên tập đoàn Thiên Thanh cho thấy có việc nhóm bà Bích nhận lãi 2.760 tỷ đồng. Vì vậy, theo LS, có căn cứ để bác bỏ lời khai "không thừa nhận thỏa thuận nhận trả lãi ngoài” của bà Bích. "Thực tế số “lãi trong” mà nhóm Bích đã nhận bao nhiêu, có vi phạm pháp luật không? quá trình điều tra cũng chưa làm rõ...", LS Liên nêu.

Về tội “vi phạm các quy định về cho vay...”, theo LS, cáo trạng quy kết bị cáo Quyết về hành vi này khi chưa có kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự nên việc truy tố này là không có cơ sở. 

Từ những lập luận nêu trên, LS Liên đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung để tiến hành việc định giá lại toàn bộ tài sản, đồng thời xác định lại số tiền thiệt hại quy buộc đối với ông Hoàng Đình Quyết theo đúng quy định của pháp luật nhằm không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Cùng bị truy tố cùng lúc hai tội danh như trên, bị cáo Phan Minh Tùng (phụ trách tổ tài chính tập đoàn Thiên Thanh) bị VKS đề nghị mức án từ 9-11 năm tù. Tuy nhiên, trong bài bào chữa của mình, LS của bị cáo Tùng cho rằng, với các chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ để xác định Tùng phạm tội "cố ý làm trái...” với vai trò đồng phạm giúp sức. 

Theo LS, chủ thể của tội phạm này là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức kinh tế của nhà nước trong khi Tùng chỉ là nhân viên kế toán phụ trách tổ tài chính của Tập đoàn Thiên Thành. Với một người làm công ăn lương chỉ nhận mức lương hàng tháng 4,8 triệu đồng/tháng, không giữ bất cứ vị trí trọng trách gì lớn tại tập đoàn Thiên Thanh, không tham gia bàn bạc, không hưởng lợi về hoạt động gì của cấp trên thì không thể quy kết Tùng đã phạm tội này.

Bị cáo Hoàng Đình Quyết.

Đối với tội "Vi phạm quy định cho vay...", theo LS, cáo trạng quy buộc Tùng là người thực hiện báo cáo tài chính và hoàn thiện hồ sơ không đúng sự thật đối với Công ty Nhất Nhất Vinh vay 420 tỷ đồng của VNCB để ông Danh sử dụng trái quy định, gây thất thoát cho VNCB 124 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối chiếu với lời khai của Tùng tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, thực tế Tùng không ký trên bất kỳ nội dung nào các báo cáo tài chính của Công ty Nhất Nhất Vinh năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013. 

Tùng không phải là giám đốc của Công ty Nhất Nhất Vinh, không phải chủ thể đại diện trước pháp luật về đứng tên trên hồ sơ vay; Tùng cũng không phải người trong hoạt động tổ chức tín dụng nên không thể quy buộc bị cáo tội danh này. Với các chứng cứ vừa nêu, luật sư cho rằng không đủ cơ sở để truy tố Phan Minh Tùng ở cả hai tội danh trên.

Trước đó trong phần bào chữa cho các bị cáo Huỳnh Nguyên Sang (nguyên Phó phòng phụ trách kinh doanh, VNCB Chi nhánh Lam Giang) và Võ Ngọc Nguyễn Bình (nguyên Phó phòng phụ trách kinh doanh, VNCB Chi Nhánh Sài Gòn) bị truy tố với tội danh “Vi phạm quy định cho vay...", các LS của hai bị cáo này cũng cho rằng chưa đủ căn cứ để quy buộc các bị cáo phạm tội trên. 

Thể hiện, quá trình thẩm vấn, bị cáo Bình và Sang đều khai nhận việc thẩm định trực tiếp là không bắt buộc. Ngay cả lãnh đạo chi nhánh cũng thừa nhận là không trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các cán bộ dưới quyền đi thẩm định trực tiếp. 

Tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án liên quan đến 14 công ty vay vốn, nhưng cáo trạng chỉ buộc 12 công ty, rất nhiều hồ sơ vay nhưng cáo trạng chỉ quy buộc có 8 hồ sơ, liên quan đến hai bị cáo Sang và Bình (mỗi người ký trình 4 hồ sơ vay với tổng số tiền là 2.900 tỷ đồng).

"Tại sao có sự bất hợp lý này, khi mà những hồ sơ khác cũng cùng làm quy trình như vậy nhưng không được kết luận và cáo trạng nhắc tới?", các LS đặt dấu hỏi.

Ngoài ra, quá trình thẩm vấn, bị cáo Phan Thành Mai khai và thừa nhận đối với Quyết định ban hành số 52/2014 của bị cáo ký ngày 11-2-2014 không được gửi cho Ngân hàng nhà nước phê duyệt theo quy định. Đây chỉ là văn bản nội bộ hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình cho vay, chưa một ai vi phạm bị xử lý nội bộ. 

"Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và luật sửa đổi bổ sung thì quyết định 52 (thay thế cho quyết định 1000 trước đó) không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, nguyên tắc áp dụng đối với các hành vi vi phạm phải là hành vi vi phạm pháp luật nhà nước. Mặt khác, VNCB là ngân hàng cổ phần hoàn toàn do doanh nghiệp và cá nhân đóng góp, không có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Quy trình cho vay thực tế hiện nay mỗi ngân hàng áp dụng một kiểu do HĐQT ngân hàng thống nhất, chủ động trong từng thời kỳ diễn biến thị trường để linh hoạt áp dụng tiếp cận khách hàng", các LS lập luận. 

Do đó, theo các LS, việc cáo trạng quy kết hai bị cáo Sang và Bình có hành vi vi phạm quy định nội bộ của ngân hàng Đại Tín và VNCB là không có cơ sở...

A. Huy
.
.
.