Nguyên dàn lãnh đạo Navibank đã che giấu hành vi sai phạm như thế nào?

Thứ Tư, 28/02/2018, 16:18
Chiều 28-2, phiên toà xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Viện kiểm sát mới bắt đầu công bố cáo trạng.


Như tin đã đưa, thực hiện chủ trương trái pháp luật của lãnh đạo Navibank chuyển tiền cho các nhân viên đứng tên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác để hưởng lãi suất cao ngoài hợp đồng, từ ngày 19-11-2010 đến 27-5-2011, Hội đồng tín dụng (HĐTD) của Navibank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho 14 nhân viên số tiền 1.543 tỷ đồng để các nhân viên này gửi tiền vào Vietinbank Nhà Bè lấy lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 2,5-8,5%/ năm. 

Từ chủ trương, hành vi trái pháp luật của các bị can đã tạo điều kiện cho Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank.

Các bị cáo tại phiên toà.

Đáng chú ý, đến tháng 9-2011, khi Cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố vụ án Huyền Như và đồng phạm, để che giấu số tiền 200 tỷ đồng của Navibank bị Huyền Như chiếm đoạt, Lê Quang Trí (nguyên TGĐ Navibank) cùng Nguyễn Giang Nam (nguyên Phó TGĐ), Trần Thanh Bình (nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng) cùng các thành viên khác đã họp bàn thống nhất phương án nhờ Nguyễn Hồng Hà (Giám đốc công ty Bắc Hà) ký khống hợp đồng mua bán ngoại tệ, hợp đồng nhận chuyển nhượng 6 hợp đồng tiền gửi của 4 nhân viên Navibank tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh; ký biên bản giao nhận tiền giữa công ty Bắc Hà với 4 nhân viên Navibank với nội dung “Navibank tạm ứng cho công ty Bắc Hà số tiền 200 tỷ đồng mua ngoại tệ” để công ty Bắc Hà dùng số tiền này mua 6 hợp đồng tiền gửi và sử dụng 6 hợp đồng này thế chấp cho khoản tạm ứng 200 tỷ đồng tại Navibank; nhờ công ty Bắc Hà ký giấy giao tiền cho 4 nhân viên Navibank; nhờ 4 nhân viên này ký giấy nộp tiền vào Navibank nhằm hợp thức chứng từ, hạch toán khống, tất toán khống khoản vay 200 tỷ đồng của 4 nhân viên.

Kết quả điều tra đã làm rõ được công ty Bắc Hà, Navibank và 4 nhân viên trên không có giao dịch thật, mà việc ký kết chỉ là để giúp Navibank che giấu số tiền 200 tỷ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt.

Trước đó, trong phần làm thủ tục, nguyên đơn dân sự của vụ án - đại diện ngân hàng Quốc Dân (tên gọi mới của Navibank) đã đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của đơn vị này và khiếu nại quá trình điều tra, ngân hàng này chưa được CQĐT mời lên làm việc lần nào.

Qua xem xét lại hồ sơ, HĐXX đã công bố bút lục quá trình điều tra vụ án, CQĐT đã lấy lời khai và có chữ ký phó giám đốc của ngân hàng này. Về tư cách tham gia tố tụng, ngoài tư cách là nguyên đơn dân sự, HĐXX quyết định bổ sung thêm tư cách của Navibank là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đến vụ án.

Đối với yêu cầu hoãn phiên toà của một số luật sư để triệu tập một số người liên quan, HĐXX cho rằng không cần thiết. 

Theo HĐXX, trong quá trình xét hỏi, những vấn đề nào mà tài liệu quá trình điều tra cũng như hồ sơ vụ án không làm rõ được thì sẽ xem xét các biện pháp tố tụng để triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà để làm sáng tỏ vụ án.

A.Huy - Hồng Sơn
.
.
.