Nguyên lãnh đạo và cán bộ Navibank hầu tòa

Thứ Tư, 28/02/2018, 06:59
Theo kế hoạch, ngày 28-2, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank). 

Vụ án có 10 bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo, nhân viên Navibank bị đưa ra xét xử, trong đó có ông Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank).

Theo cáo trạng, để có tiền trả nợ vay do kinh doanh thua lỗ, từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên là Kiểm soát viên, Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh Vietinbank TP Hồ Chí Minh) lấy danh nghĩa đi huy động tiền cho Vietinbank, để gặp gỡ một số cá nhân, đơn vị về việc nhận tiền gửi của họ với lãi suất cao. 

Ngay sau khi các đơn vị, cá nhân chuyển tiền vào tài khoản thanh toán mở tại Vietinbank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, chuyển tiền đi trả nợ vay cá nhân của Như. 

Với thủ đoạn nêu trên, đến tháng 9-2011, Huyền Như đã chiếm đoạt 3.986 tỷ đồng của các đơn vị, cá nhân chuyển vào gửi tại Vietinbank, trong đó có 200 tỷ đồng của Navibank.

Tại Bản án sơ thẩm ngày 27-1-2014 của TAND TP Hồ Chí Minh và Bản án phúc thẩm ngày 7-1-2015 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao (nay là toà cấp cao) tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Huyền Như mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó buộc Huyền Như có trách nhiệm bồi thường 200 tỷ đồng đã chiếm đoạt của Navibank; đồng thời kiến nghị CQĐT Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong Navibank đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng hưởng lãi suất vượt trần, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Thực hiện kiến nghị của Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã nêu, kết quả điều tra đã làm rõ hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của 10 cán bộ Navibank.

Cụ thể: Khoảng tháng 10-2010, Huyền Như biết Navibank có chủ trương gửi tiền nhàn rỗi huy động được từ các tổ chức tín dụng để lấy lãi suất cao nên đã thông qua Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) thỏa thuận với đại diện Navibank là Đoàn Đăng Luật (nguyên Trưởng phòng nguồn vốn Navibank) về việc Navibank gửi tiền vào Vietinbank Nhà Bè với lãi suất cao, riêng lãi suất ngoài hợp đồng sẽ trả trước cho Navibank. 

Theo thỏa thuận, lãi suất ghi trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng từ 2,5% đến 8,5%/năm. Phần lãi chênh lệch này được Huyền Như trả cho Navibank ngay sau khi ngân hàng này gửi tiền mà không đợi đến hạn thanh toán hợp đồng tiền gửi. 

Có 14 nhân viên Navibank đứng tên trên các thủ tục vay tiền và gửi tiền, nhưng thực tế họ chỉ đứng tên trên thủ tục pháp lý, trước khi thực hiện họ đều biết chủ trương của lãnh đạo Navibank nên tự nguyện thực hiện mà không hưởng lợi gì.

Theo đó, từ ngày 19-11-2010 đến ngày 27-5-2011, Hội đồng tín dụng của Navibank dưới sự chủ trì của Lê Quang Trí đã chấp thuận 100% chủ trương cấp tín dụng 1.543 tỉ đồng cho 14 nhân viên của Navibank vay, sau đó số tiền này đem gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và TP Hồ Chí Minh để lấy lãi suất cao.

Khi nhận 14 hồ sơ từ Navibank, Huyền Như không làm thủ tục mở tài khoản cho 14 nhân viên Navibank tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè theo quy định mà cho nhân viên của mình mang hồ sơ đến mở tài khoản tiền gửi tại Phòng Giao dịch Võ Văn Tần để lập các chứng từ giả, giả chữ ký của chủ tài khoản, chuyển tiền ra khỏi tài khoản của các nhân viên Navibank để sử dụng cá nhân, chiếm đoạt tiền của Navibank.

Tổng số tiền lãi suất Navibank thu được là gần 76 tỉ đồng, trong đó lãi chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 24 tỉ đồng. Tính đến ngày 7-9-2011, Navibank đã nhận 1.343 tỉ đồng tiền gốc, còn 200 tỉ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt.

A.Huy
.
.
.