Lật tẩy đường dây mua bán phụ nữ

Thứ Sáu, 03/02/2017, 10:00
Sáng 27-1 (tức 30 tháng Chạp), Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định đã đưa 2 trong số các nạn nhân trong vụ án Nguyễn Thị Mai (36 tuổi, trú xã Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) lừa bán những người phụ nữ từ các tỉnh sang Trung Quốc về Bình Định để củng cố chứng cứ.



Trước đó, tháng 12-2016, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định nhận đơn của anh H ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn trình báo vợ mình là N.T.M. bị đối tượng lừa bán sang Trung Quốc và yêu cầu các cơ quan chức năng giải cứu.

Theo lời trình bày của anh H., khoảng tháng 6-2015, chỉ vì mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng mà vợ anh bỏ nhà đi biệt tích. Anh đã cất công tìm kiếm khắp mọi nơi nhưng đều vô vọng. 

Đầu tháng 12-2016 anh nhận được cuộc điện thoại não lòng của người vợ chịu cảnh xót xa khi đang làm vợ của người đàn ông ở Trung Quốc. Qua lời vợ, anh H. biết vợ mình bị người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Mai, hiện có chồng, sống ở Trung Quốc lừa sang bán cho một người đàn ông để làm vợ và khẩn thiết nhờ các cơ quan giải cứu. 

Đối tượng Nguyễn Thị Mai.

Xác minh nguồn tin, trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh còn được biết, Nguyễn Thị Mai đã có 3 người con với 3 đời chồng khác nhau. Năm 2013, Mai bỏ người chồng cuối cùng để sang Trung Quốc và tiếp tục lấy chồng sinh được 1 người con, hiện đang điều hành đường dây đưa những người phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc bán để thu lãi bất chính. 

Mai thường về các địa phương vùng biển nghèo khó, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức cuộc sống còn hạn chế, vẽ nên viễn cảnh lấy chồng Trung Quốc giàu sang dễ đổi đời để dụ các cô gái trẻ đem bán.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối tháng 12-2016 trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự xác định Nguyễn Thị Mai đã về nước, thông qua các "vệ tinh" trong nước để tiếp tục thu gom, đưa các phụ nữ bán sang Trung Quốc. Xác minh các mối quan hệ của Mai ở nhiều tỉnh, thành phố cuối cùng các trinh sát hình sự đã bắt Mai đang ẩn mình tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Qua đấu tranh, Nguyễn Thị Mai thú nhận đã đưa chị N.T.M, vợ của anh H sang Trung Quốc bán để hưởng lợi. Ngoài ra, Mai còn khai đã đưa tổng cộng 15 phụ nữ khác (trong đó 9 người ở Bình Thuận, 6 ở tỉnh Bình Định và 1 phụ nữ ở tỉnh Kiên Giang) bán cho những người đàn ông Trung Quốc làm vợ. 

Từ lời khai và các chứng cứ liên quan, ngày 12-1-2017 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Mai để tiếp tục điều tra làm rõ.

Thượng tá Phan Hồng Sơn, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định cho biết, phải mất khá nhiều công sức và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, sự chỉ đạo sâu sát và sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, của nước bạn để xác định và lên kế hoạch giải cứu, đưa các nạn nhân về nước.

Còn chị M., sau những chặng đường dài vất vả trốn về quê hương đã kể lại, "nghe bà Mai nói lấy chồng Trung Quốc giàu sang, dễ đổi đời nên đã không chút do dự, cùng với 3 người phụ nữ khác được "chân rết" của Mai đưa ra Hà Nội, rồi đi xuống cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, số đối tượng dùng xuồng đưa M và các phụ nữ khác qua sông sang Trung Quốc. 

Sau đó, hết đi ôtô, rồi tàu hỏa vào sâu trong nội địa hàng ngàn cây số để đến nhà Nguyễn Thị Mai ở xã Đại Danh, huyện Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc". Tại đây, M. và nhiều phụ nữ khác lần lượt được bà Mai bán làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc.

Cuộc sống tủi nhục, hà hiếp và đối xử thậm tệ của các thành viên trong gia đình nhà chồng, sự bất đồng ngôn ngữ, văn hóa làm M. nuôi ý nghĩ bỏ trốn nhưng mọi "nhất cử, nhất động" đều bị giám sát rất chặt chẽ. Nỗi nhớ nhà, nhớ con và nhân sự lơi lỏng của gia đình nhà chồng, cuối cùng M. và một phụ nữ khác đã tìm đường trốn về Việt Nam và tố cáo hành vi tội lỗi của Nguyễn Thị Mai.

Hiện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đang phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an và Công an các địa phương tiếp tục làm rõ hành vi mua bán người của Nguyễn Thị Mai. Sự việc nói trên là lời cảnh báo cho những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời đường mật của bọn buôn người để ra nước ngoài mong "đổi đời".

Tấn Tài
.
.
.