Kịp thời ngăn chặn các vụ lừa đảo chuyển tiền tại ngân hàng
- Dùng ảnh chỉnh sửa "đã chuyển tiền" để chiếm đoạt điện thọai iPhone
- Giả danh Công an yêu cầu chuyển tiền, lừa đảo 900 triệu đồng
- Hơn 4.000 người sập bẫy lừa đảo chuyển tiền qua mạng xã hội
Câu chuyện xảy ra cách đây gần 4 tháng nhưng mỗi khi nhớ lại sự việc xảy ra, bà Nguyễn Thị M. (trú tại Hà Nội) vẫn bàng hoàng. Hôm đó, nếu không có sự can thiệp kịp thời của cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm, bà đã bị mất 50 triệu đồng.
Bà M. kể lại: Ngày 26/10/2020, bà M. đến một ngân hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm làm thủ tục chuyển tiền. Vào thời điểm đó, nhân viên ngân hàng thấy bà M có biểu hiện lạ nên đã thông báo cho Công an quận Hoàn Kiếm. Sau khi nhận được thông tin, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm đã có mặt tại ngân hàng, kịp thời trao đổi với bà M..
Các biển quảng cáo được Công an quận Hoàn Kiếm đặt tại ngân hàng. |
Qua nói chuyện, bà M. cho biết bà có một tài khoản facebook nước ngoài giới thiệu, làm quen và tỏ ra có tình cảm với mình… Sau đó, đối tượng nhắn có bưu kiện có 800.000 USD gửi về Việt Nam cho bà M. nhưng bà phải nộp trước một số tiền để trả phí thông quan, phí làm giấy tờ, phí vận chuyển. Nghĩ là vậy, bà đã đến ngân hàng để chuyển tiền như lời của đối tượng. Sau khi nghe bà M. kể chuyển, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự đã giải thích với bà về phương thức và thủ đoạn phạm tội của đối tượng...
Trao đổi với chúng tôi về phương thức và thủ đoạn của các đối tượng gây án, Trung tá Tô Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin, sự bùng nổ và phát triển của các trang mạng xã hội cũng như các ứng dụng của công nghệ thông tin phục vụ đời sống xã hội, các loại tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản , thủ đoạn tội phạm lừa đảo tinh vi.
Để phòng ngừa tội phạm trên, ngay từ đầu năm 2020, Công an quận Hoàn Kiếm đã có công văn chỉ đạo Công an các phường tổ chức tuyên truyền và phát tài liệu tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo giả danh cơ quan đến từng hộ dân trên địa bàn và tuyên truyền thông qua các buổi họp khu dân cư. Cùng với đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Chỉ thị 21 ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công an quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các đơn vị trong Công an quận triển khai các biện pháp tuyên truyền, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, cơ quan, đơn vị để người dân biết chủ động phòng tránh.
Từ khi triển khai việc đặt biển cảnh báo tại các ngân hàng đến nay, Công an quận Hoàn Kiếm đã ngân chặn được tổng 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt số lượng tiền lớn kịp thời làm giảm thiệt hại cho người dân số tiền 6,035 tỷ đồng.
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình phát hiện và ngăn chặn và vụ lừa đảo, Trung tá Tô Đăng Công cho biết: Công tác điều tra, xử lý tội phạm, thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn do đối tượng sử dụng công nghệ cao để ẩn danh, thuê mượn số tài khoản của những người không quen biết để nhận tiền lừa đảo. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng khẩn trương chuyển, phân tán đến rất nhiều tài khoản khác nhau.
Trong khi đó, công tác phối hợp truy xét, phong tỏa tài khoản, cung cấp thông tin của một số ngân hàng chưa kịp thời, nhiều ngân hàng chậm trả lời hoặc không trả lời. Nhiều bị hại không sinh sống trên địa bàn quận nhưng bị chiếm đoạt tài sản khi đang làm việc hoặc vui chơi ở địa bàn quận Hoàn Kiếm do vậy các biện pháp tuyên truyền mà Công an quận triển khai trong thời gian qua ít có hiệu quả đối với người dân nơi khác.
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân không nên chuyển tiền vào tài khoản, cung cấp mã OTP khi có người gọi điện tự viếng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án yêu cầu. Gọi điện trực tiếp xác nhận đúng người thân quen mới được chuyển tiền khi nhắn tin vay, mượn qua Facebook, Zalo. Không cung cấp mã OTP hoặc chuyển tiền để được nhận quà, nhận thưởng. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa quy định và chế tài xử lý đối với những trường hợp cho người không quen biết sử dụng thông tin cá nhân, nhất là mở thuê tài khoản Ngân hàng.
Khi nhận được yêu cầu từ người thân, người quen nhờ chuyển, vay mượn tiền qua Zalo, Facebook thì cần phải gọi điện trực tiếp xác định đúng là người thân, quen. Nếu không nghe máy bất kỳ lý do gì thì chưa được chuyển tiền, nhất là tài khoản nhận tiền không cùng tên.
Khi nhận được cuộc gọi có người xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản để phục vụ công tác điều tra hoặc cung cấp mã OTP để phong tỏa tài khoản để phục vụ công tác điều tra thì không được chuyển tiền và cung cấp mã OTP, đến ngay trụ sở Công an gần nhất trình báo.