Giữ khách thuê phòng trái luật, chủ nhà nghỉ lĩnh án

Thứ Hai, 26/08/2019, 09:46
Phát hiện khách thuê phòng chiếm đoạt tài sản, Hoàng cùng nhân viên nhà nghỉ đã bắt giữ, đánh đập và bắt khách thuê phòng bồi thường. Nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật nên Hoàng và nhân viên đã phải nhận hậu quả không đáng có.


Lê Anh Hoàng (SN 1994, trú tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) là chủ nhà nghỉ Yên Bình (quận Tây Hồ, Hà Nội). 

Khi phát hiện khách thuê phòng chiếm đoạt tài sản, Hoàng cùng nhân viên nhà nghỉ đã bắt giữ, đánh đập và bắt khách thuê phòng bồi thường. Nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật nên Hoàng và nhân viên đã phải nhận hậu quả không đáng có.

Chiều 21-8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Hoàng. Theo bản án sơ thẩm, tối 31-7-2018, anh Lê Trung Nam (SN 1991, ở Hà Nội) và anh Trần Văn Lực (SN 1995, quê Thanh Hoá) đến thuê phòng nghỉ tại nhà nghỉ Yên Bình.

Tại đây, anh Nam và Lực được nhân viên nhà nghỉ là Nguyễn Trọng Quỳnh (SN 1980, ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa chìa khoá phòng 403. Sau đó, Nam mượn chiếc máy tính xách tay của nhà nghỉ để sử dụng và vay Quỳnh 800.000 đồng. Sáng hôm sau, Nam nảy sinh chiếm đoạt chiếc máy tính xách tay nên giấu vào trong gối, rồi vứt gối xuống đường.

Bị cáo Hoàng tại phiên toà phúc thẩm.

Thời điểm, một phụ nữ ở gần nhà nghỉ phát hiện chiếc gối bị ném từ nhà nghỉ xuống nên báo cho lễ tân nhà nghỉ biết. Cầm chiếc gối mang vào, Quỳnh lôi ra chiếc máy tính xách tay đã cho Nam mượn tối hôm trước. 

Ngay sau đó, Nam xuống quầy lễ tân bảo Quỳnh mở cửa cho ra ngoài nhưng Quỳnh không đồng ý và điện báo cho Hoàng biết sự việc. Không có mặt tại Hà Nội, Hoàng bảo Quỳnh giữ Nam và Lực ở lại chờ mình về giải quyết.

Về tới nhà nghỉ, Hoàng bắt Nam, Lực cởi hết quần áo bên ngoài và quỳ gối xuống đất. Sau đó, Hoàng và Quỳnh vừa dùng điện thoại quay lại cảnh mình dùng vũ lực với Nam và Lực với lý do, ăn cắp máy tính xách tay của nhà nghỉ.

Ngoài việc ép Nam và Lực bồi thường số tiền 20 triệu đồng cho chiếc máy tính xách tay đã mượn, Hoàng còn bắt Nam phải viết tường trình sự việc ra giấy. Sau đó, Hoàng gọi điện thoại yêu cầu mẹ Nam đến nhà nghỉ để chuộc con trai. Có mặt tại nhà nghỉ, mẹ Nam thấy số tiền chủ nhà nghỉ bắt đền con mình quá nhiều nên tới cơ quan Công an trình báo.

Quá trình giải quyết vụ án, do hành vi chiếm đoạt chiếc máy tính của Nam có giá trị thấp (1,5 triệu đồng) chưa đến mức phải xử lý bằng hình sự, ngoài ra Nam còn có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại nhà nghỉ nên cơ quan Công an đã xử lý hành chính bằng phạt tiền.

Tháng 5-2019, TAND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án này và tuyên phạt bị cáo Hoàng 2 năm 6 tháng tù về tội giữ người trái pháp luật và 4 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản. Tổng mức hình phạt cả 2 tội danh là 7 năm tù. 

Bị cáo Quỳnh cũng bị áp dụng tổng hình phạt của hai tội danh là 6 năm tù. Sau phiên toà sơ thẩm, Hoàng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Còn Quỳnh không kháng cáo mà chấp nhận hình phạt như bản án sơ thẩm đã xác định.

Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Hoàng thừa nhận hành vi phạm tội như trên. HĐXX phúc thẩm khẳng định, bản án của Toà án cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhưng xét thấy, hình phạt của Toà án cấp sơ thẩm đối với bị cáo Hoàng có phần nghiêm khắc nên cần được giảm nhẹ cho phù hợp với bản chất vụ án.

“Dù bị cáo Quỳnh không có đơn kháng cáo và cũng không có kháng nghị của Viện Kiểm sát cấp sơ thẩm, nhưng xét thấy cần giảm nhẹ một phần hình phạt cho Quỳnh vì bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Hoàng”, Chủ tọa phiên toà phúc thẩm nói.

Với quan điểm trên, HĐXX phúc thẩm quyết định chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Hoàng khi giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Hoàng từ 7 năm tù về hai tội danh xuống còn 6 năm tù. Tương tự, bị cáo Quỳnh cũng được giảm hình phạt từ 6 năm tù xuống còn 5 năm tù về hai tội danh trên.

Nguyễn Hưng
.
.
.