Giám đốc và cấp dưới chiếm đoạt gần 167 tỷ đồng từ bán nhà trên giấy
Theo hồ sơ vụ án, năm 2010, Thương biết thông tin Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và bất động sản Việt là chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 100.000 m2, với 34.000 m2 đất ở, bao gồm biệt thự và nhà ở hỗn hợp cao 35 tầng.
Trong dự án này, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải (viết tắt là Công ty Hưng Hải) góp vốn 90%. Qua quan hệ xã hội, Thương giới thiệu Cường với Công ty Hưng Hải để hợp tác làm ăn. Sau đó hai bên thỏa thuận, Công ty TST mua lại 90% quyền sở hữu của Công ty Hưng Hải. Số vốn ban đầu Công ty Hưng Hải bỏ ra là 57 tỷ đồng.
Hai bị cáo Cường và Thương (hàng trên) tại phiên xử. |
Tuy nhiên khi chuyển nhượng lại, Công ty TST phải thanh toán số tiền 295 tỷ đồng, gấp 5 lần số tiền mà Công ty Hưng Hải bỏ ra. Sau khi ký hợp đồng, Công ty TST chưa được bàn giao hồ sơ dự án, cũng chưa được giao đất. Thời điểm đó (năm 2008), do thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính nên dự án này phải dừng triển khai để rà soát lại quy hoạch cho thống nhất với quy hoạch chung của thành phố Hà Nội. Và trên thực tế thì dự án này cũng chưa có quyết định thu hồi đất, chưa giải phóng mặt bằng.
Sau đó, Công ty TST thành lập Ban Quản lý dự án và giao cho Thương làm Trưởng ban quản lý dự án, được toàn quyền thực hiện dự án. Với vai trò của mình, Thương đã lập báo cáo và phân tích tính khả thi của dự án, trong đó nêu rõ: Nếu thực hiện theo đúng quy hoạch ban đầu, tổng số tiền thu được hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng nếu thay đổi quy hoạch, chủ yếu là bán nhà liền kề thì số tiền thu được lên đến 1.230 tỷ đồng, trừ các chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 405 tỷ đồng.
Mặc dù Công ty TST không phải là chủ đầu tư dự án, nhưng để có tiền trả cho Công ty Hưng Hải, Cường đồng ý với phương án Thương đưa ra và thông qua các sàn bất động sản để tìm kiếm khách hàng. Khi giao dịch với các sàn bất động sản và người mua, Thương giới thiệu dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang san lấp, dự án này là dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng.
Để được quyền bán các lô đất, các chủ sàn bất động sản phải đặt cọc bằng số tiền chênh ngoài hợp đồng, từ 2,5 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng một m2. Khách hàng phải nộp trước 50% giá trị hợp đồng, tiền chênh từ 20 đến 80 triệu đồng (không có giấy tờ chứng minh). Giá đất từ 37 đến 39 triệu đồng một m2.
Hợp đồng ký xong được niêm phong lại. Người ký hợp đồng mua đất được hẹn một năm sau nhận đất và thanh toán nốt số tiền còn thiếu. Từ năm 2010-2011, có 148 người ký 176 hợp đồng mua 178 lô đất với số tiền 265,2 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng xác định, đến thời điểm này chỉ có 88 khách hàng nộp tiền vào dự án và bị chiếm đoạt số tiền 166,7 tỷ đồng. Số tiền huy động vốn của khách hàng, Công ty TST đưa 249 tỷ đồng cho Thương để trả tiền cho Công ty Hưng Hải (trả tiền mua 90% quyền sở hữu dự án). Thương đã chuyển cho Công ty Hưng Hải hơn 248 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Cường thừa nhận thống nhất về chủ trương chuyển nhượng đất để bị cáo Thương thực hiện. Trong suốt quá trình xét xử, Công ty Hưng Hải và doanh nghiệp môi giới bất động sản liên quan như: Công ty Sàn bất động sản Hương Đất, Công ty cổ phần Bất động sản Tú Minh đều vắng mặt dù Hội đồng xét xử đã triệu tập hợp lệ.
Trước khi phiên toà diễn ra, quá trình làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra, ông Mai Thạch Kim, Giám đốc Công ty Hưng Hải cho rằng, hợp đồng giữa Công ty Hưng Hải và Công ty TST là hợp đồng chuyển nhượng quyền hợp tác, không phải mua bán dự án, không trái pháp luật. Việc Công ty TST huy động vốn trái phép, ông Kim không biết và không đồng ý trả lại số tiền đã nhận từ Công ty TST.
Về nội dung này, luật sư Nguyễn Phương Thảo (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Cường cho rằng, ông Mai Thạch Kim biết rõ Dự án Viet-Inc bị dừng và chưa đủ điều kiện chuyển nhượng vào năm 2008, nhưng vẫn xác lập, ký vào các hợp đồng chuyển nhượng dự án để Công ty TST mua lại cổ phần dự án là hành vi đánh lừa Công ty TST và các cơ quan chức năng để chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Thảo dẫn chứng, đối với những dự án phát triển nhà ở tại các thành phố, thị xã hoặc các khu đô thị mới được quy hoạch phát triển thành thành phố, thị xã thì chủ đầu tư không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán nền chưa xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân, mà chủ đầu tư phải thực hiện xây dựng nhà ở để bán theo quy định của Nghị định này; đối với những trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai (Khoản 5, Điều 16, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010, Quy định chi tiết và hướng dẫn luật Nhà ở.
Từ phân tích của mình, luật sư Thảo đề nghị Hội đồng xét xử cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của một số cá nhân liên quan đến vụ án này, trong đó có ông Mai Thạch Kim. Như vậy thì cơ quan tố tụng mới giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử xác định, quá trình điều tra vụ án này, chưa đủ căn cứ xác định bị cáo Cường và Thương có đồng phạm. Vì thế trong vụ án này, bị cáo Cường và bị cáo Thương phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm đã gây ra. Với phán quyết trên, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Cường tù chung thân, bị cáo Thương 20 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.