Đòi nợ cuối năm tránh để “cái sảy nảy cái ung”

Thứ Hai, 05/02/2018, 09:00
Những tháng cuối năm, tình trạng đòi nợ, xiết nợ trên địa bàn cả nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.


Ngoài các trường hợp đòi tiền theo đúng quy định của pháp luật thì nhiều đối tượng lại sử dụng "luật rừng" để đòi nợ. Thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất thường  phát sinh các vụ việc đòi nợ, trả nợ, vì thế việc phòng ngừa ngăn chặn tình trạng đòi nợ thuê và xiết nợ, trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Từ khủng bố về tinh thần đến gây án mạng

Những ngày này, gia đình ông Vương Văn Dung (ở số 110 Trương Mỹ, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) phần nào quẳng được gánh lo. Ông cùng người thân trong gia đình tranh thủ dọn dẹp cửa hàng, chuẩn bị cho những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề. 

Nhớ lại sự việc xảy ra, ông Dung ngậm ngùi: Do nhu cầu làm ăn, trước đây ông vay của Vũ Thị Nguyệt (ở tại Hải Dương) 1,5 tỷ đồng, với lãi suất 2.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. 

"Lãi mẹ đẻ lãi con" ông và những người thân trong gia đình còng lưng trả nợ nhiều lần nhưng đến thời điểm này vẫn còn nợ Nguyệt khoảng 700 triệu đồng. 

Trước thời điểm xảy ra vụ việc, Nguyệt nhiều lần cho người đến đòi tiền, ông Dung đã đề nghị được trả 400 triệu đồng trước Tết Nguyên đán, số còn lại trả sau nhưng Nguyệt không đồng ý. Sau đó, giữa hai bên đã xảy ra xô xát, lời qua tiếng lại... 

Trong 2 ngày 23 và 25-1, cửa hàng của ông liên tục bị một nhóm người bịt mặt dùng gạch đá, dầu luyn trộn với mắm tôm ném, hất vào hàng hóa. 

Vào thời điểm này, gia đình ông đang sản xuất quần áo để chuẩn bị bán vào Tết Nguyên đán nên thiệt hại về tài sản khá lớn, toàn bộ 300 bộ áo dài trưng bày tại cửa hàng đã bị bẩn, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong tình cảnh ấy, ông buộc phải nhờ đến cơ quan pháp luật để giải quyết vấn đề trên.

 Chiều 25-1, khi cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương thông báo đã bắt giữ nhóm đối tượng gây ra vụ việc trên gồm: Vũ Ngọc Quang (ở khu 11, phường Thanh Bình), Vũ Tuấn Hưng (ở ngõ 24, phố Bắc Kinh, phường Trần Hưng Đạo), Ngô Văn Phong (ở khu 3, phường Việt Hòa), Phạm Quang Hiếu (ở khu 9, phường Bình Hàn) và Phạm Văn Hiếu (ở khu 1, phường Bình Hàn), ông và gia đình phần nào chút được gánh lo.

Trước đó, Công an TP Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng liên quan đến vụ việc đòi nợ thuê tại xóm Bắc Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh. 

Do mâu thuẫn trong vay nợ, khoảng 13h ngày 13-1, Trương Anh Đức (36 tuổi, trú tại TP Hà Tĩnh) đã cùng các đối tượng, gồm: Đào Ngọc Tuấn (31 tuổi, trú tại xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ), Lê Văn Anh (24 tuổi, trú tại TP Hà Tĩnh), Trần Bách (24 tuổi, trú tại huyện Đức Thọ) và Phan Tất Học (18 tuổi, trú tại huyện Đức Thọ) đến nhà bà Mai Thị Kim (ở xóm Bắc Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) để đòi nợ. Tại đây, các đối tượng đập phá tài sản của gia đình nạn nhân. 

Quá bức xúc trước hành vi liều lĩnh, coi thường pháp luật của bọn chúng, người nhà nạn nhân đã bắt giữ 3 đối tượng trong nhóm, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong lúc này, 2 đối tượng chạy thoát đã gọi thêm khoảng 10 đối tượng đến giải cứu cho đồng bọn và gây ra vụ gây rối trật tự công cộng.

Đối tượng ném chất bẩn bị Công an TP Hải Dương xử lý.

Trường hợp phát sinh mâu thuẫn, cần nhờ đến cơ quan pháp luật

Lý giải tình trạng đòi nợ, xiết nợ trong những tháng cuối năm có chiều hướng diễn diễn phức tạp, một cán bộ của Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, tình hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm theo kiểu xã hội đen như xiết nợ, đòi nợ thuê... trên địa bàn cả nước đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp. 

Vào thời điểm cuối năm, việc đòi nợ càng diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, đối tượng cầm đầu trong các ổ nhóm tội phạm hình sự thường là những kẻ có tiền án, tiền sự, đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, ít nhiều có sự am hiểu về pháp luật nên có nhiều thủ đoạn lách luật để đối phó với cơ quan Công an. 

Trong quá trình đòi nợ, thông thường chúng thường dùng hình thức đe dọa “khủng bố” về tinh thần; hạn chế việc sử dụng vũ lực, huỷ hoạt tài sản đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Thế nhưng, do vào những tháng cuối năm, nhu cầu về tiền tăng cao nên nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn để đòi nợ. Vụ việc xảy ra tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cho thấy sự liều lĩnh, coi thường pháp luật của những kẻ đòi nợ thuê. Kẻ chủ mưu trong vụ án này là Phan Hồng Quân; Lại Quốc Việt (tức Việt Cổn, đều 37 tuổi, trú tại tổ 4, phường Thái Bình, TP Hòa Bình), Trịnh Việt Tâm, 37 tuổi, trú tại phố Lâm Hóa, xã Vũ Lâm, huyện Lạc Sơn. Trong đó, Lại Quốc Việt từng có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản, được tha tù năm 2012. 

Trước đó, ông Bùi Thanh Sân (ở tại Tân Lạc) vay 6 triệu đồng tại quán cầm đồ do Lại Quốc Việt quản lý. Theo sự chỉ đạo Việt, 4 đối tượng là Nguyễn Thế Hưởng (24 tuổi, trú tại xã Dân Chủ, TP Hòa Bình); Đinh Văn Hùng (39 tuổi, trú tại xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình); Trần Anh Hiệp (34 tuổi, trú tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình) và Nguyễn Đức Anh (21 tuổi, trú tại xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã đưa ông Sân về quán yêu cầu phải trả nợ. 

Ông Sân nói chưa có tiền trả, Hưởng và Hiệp đã đánh ông Sân nhằm uy hiếp tinh thần và yêu cầu đưa ví tiền rồi chiếm đoạt 800 nghìn đồng. Không dừng lại ở đó, đối tượng còn ép nạn nhân phải ghi giấy nợ 27 triệu đồng. Khi tiến hành khám xét, cơ quan điều tra thu giữ được 1 quyển sổ thể hiện nội dung ép ông Sân viết giấy vay nợ và tự nguyện ở lại lao động để trả nợ cùng nhiều công cụ, phương tiện, liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng này.

Chiều 28-1, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tiến hành khai quật thi hài nạn nhân của vụ án giết chủ nợ rồi chôn xác phi tang trong rẫy cà phê. Nạn nhân của vụ án là anh Võ Thành Tuấn (27 tuổi), ngụ thôn Đồng Lạc 1, xã Đinh Lạc, H. Di Linh (Lâm Đồng), là một chủ nợ. 

Vụ án mạng xảy ra ngày 23-1, bắt nguồn từ khoản vay 15 triệu đồng giữa anh Tuấn và đối tượng Trần Quốc Vũ (31 tuổi, ngụ cùng thôn với Tuấn). Anh Tuấn đã nhiều lần đòi tiền nhưng Vũ khất lần... Gần Tết Nguyên đán, do nhu cầu cần tiền, anh Tuấn ráo riết đòi Vũ nên xảy ra xô xát và đối tượng Vũ đã cướp đi mạng sống của anh Tuấn...

Do cần tiền để làm ăn hoặc tiêu xài cá nhân; một số do ham mê cờ bạc..., trong khi việc tiếp cận vốn vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nhiều người có xu hướng vay tiền ở bên ngoài với lãi suất cao. 

Khi ký hợp đồng vay tiền, họ biết rõ mức lãi suất nhưng vì nhiều lý do vẫn chấp nhận. Chỉ đến khi các đối tượng quá khích, gây ra các vụ vi phạm pháp luật, người bị hại mới đến cơ quan Công an trình báo. 

Từ nay đến những ngày cuối năm không còn nhiều thời gian, để hạn chế các vụ án trên Công an các tỉnh cần làm tốt công tác tuyên tuyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nói chúng và ổ nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, xiết nợ, đòi nợ thuê nói riêng. 

Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, kiên quyết không để các băng nhóm tội phạm hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. 

Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa Công an các đơn vị, địa phương với nhau để kịp thời nắm bắt thông tin, tài liệu liên quan đến các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự hoạt động lưu động. Từ đó, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch kịp thời đấu tranh triệt phá cũng như truy bắt các đối tượng. 

Về phía người vay tiền, trong trường hợp chưa có khả năng chi trả phải giải quyết sự việc một cách thấu tình hợp lý. Trong trường hợp đã lỡ vay nặng lãi, bị các đối tượng đến gây sức ép, đe dọa... thì cần báo ngay cho Công an, chính quyền nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Xuân Mai
.
.
.