Ngày thứ 4 xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Quân chủng Hải quân:

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến được đề nghị giảm nhẹ đặc biệt

Thứ Năm, 21/05/2020, 14:19
Sáng 21/5, HĐXX Toà án Quân sự Quân chủng Hải quân tiếp tục điều hành phần tranh luận trong phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Quân chủng Hải quân, liên quan đến sai phạm về quản lý đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.


Trình bày tranh luận, đại diện Quân chủng Hải quân (bị hại trong vụ án) cho biết, về phần dân sự, đề nghị HĐXX tuyên Công ty Hải Thành phải nộp số tiền hơn 939 tỷ đồng về cho Quân chủng Hải quân. 

Về hình sự, đề nghị HĐXX xử lý nghiêm các bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với các bị cáo là cựu sĩ quan Quân chủng Hải quân, đại diện Quân chủng Hải quân đề nghị HĐXX giảm hình phạt cho các bị cáo vì có nhiều thành tích trong quá trình công tác. 

Đại diện Viện KSQS Quân chủng Hải quân tranh luận tại phiên toà.

Riêng Nguyễn Văn Hiến (cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), đại diện Quân chủng Hải quân đề nghị HĐXX giảm nhẹ đặc biệt vì bị cáo Hiến có nhiều công lao đóng góp trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng Quân chủng Hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trước đó, tự bào chữa cho mình, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn- Bộ Quốc phòng) vẫn cho rằng, bị cáo không có tội. Ngoài ra, bị cáo Hệ trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ cho cháu ruột là bị cáo Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh) và bị cáo Phạm Văn Diệt (cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) với lý do. Cha đẻ của bị cáo Hoan là bộ đội biên giới phía Bắc đã cuối năm 2007 do bệnh. Đối với bị cáo Diệt, con bệnh bẩm sinh nên một mình Diệt phải nuôi cả gia đình.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến không tự bào chữa mà nhường lời bào chữa cho luật sư của mình. Luật sư của bị cáo Hiến nêu quan điểm, chưa đồng tình với đánh giá của Viện kiểm sát về tính chất, mức độ trong một số nội dung buộc tội bị cáo Hiến. Luật sư cho rằng, cáo trạng cho rằng, vụ án gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hơn 900 tỷ đồng là chưa chính xác. Bởi tài sản Nhà nước không thất thoát mà chỉ chuyển hóa thành dạng khác, không phải thất thoát mà chỉ thất thu. 

“Nếu các cá nhân gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các cá nhân đó phải chịu trách nhiệm, không thể coi đó là căn cứ để làm cơ sở, hậu quả buộc tội bị cáo Hiến. Ngoài ra, bị cáo Hiến bị coi là người chịu trách nhiệm cao nhất, nhưng trong 5 bản kết luận của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân cho thấy, đây là chỉ đạo của tập thể”, luật sư của bị cáo Hiến trình bày.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ.

Đối đáp lại các ý kiến của các bị cáo và luật sư bào chữa, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Quân chủng Hải quân cho biết, cơ quan tố tụng vừa buộc tội nhưng cũng vừa gỡ tội cho các bị cáo trên tinh thần bảo đảm khách quan, trung thực. 

Về vai trò của bị cáo Vũ Thị Hoan, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo Hoan là người thực hành chứ không phải là người giúp sức. Đối với mức án mà đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị từ 7-9 năm tù dưới khung hình phạt bị truy tố (từ 12 năm 20 năm hoặc chung thân). 

Với bị cáo Đinh Ngọc Hệ và Phạm Văn Diệt, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, cáo trạng truy tố và các nội dung luận tội đối với hai bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện nhưng cũng vừa có lý, vừa có tình, bởi hai bị cáo có hành vi chiếm đoạt khu đất số 7-9 của Quân chủng Hải quân rất rõ ràng.

Đối với nhóm bị cáo bị truy tố ở nhóm tội “Vi phạm các quy định quản lý đất đai” gồm: Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng Tài chính Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công ty Hải Thành), đại diện Viện kiểm sát khẳng định, các bị cáo đều là chủ thể của tội danh trên. “Việc chủ trương đưa 3 khu đất làm kinh tế là đúng, nhưng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Các bị cáo đều hiểu rõ điều đó nhưng cố ý thực hiện sai và kéo dài hành vi phạm tội trong thời gian dài”, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ.

Bị cáo Vũ Thị Hoan

Tranh luận tại tòa, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, Hợp đồng thế chấp tài sản giữa Công ty liên doanh Yên Khánh-Hải Thành và BIDV chịu sự điều chỉnh của Luật Dân sự. Và hợp đồng này đúng quy định pháp luật, chứ không vô hiệu như đề nghị của Viện kiểm sát. Đại diện BIDV cho rằng, kết quả thẩm vấn công khai tại tòa làm rõ, BIDV là bên nhận tài sản hợp pháp, đúng các quy định của pháp luật. 

BIDV không thể biết có sự gian dối trong nội bộ Công ty liên doanh Yên Khánh- Hải Thành. Với quan điểm của mình, đại diện BIDV đề nghị HĐXX tuyên không thu hồi đất, tuyên trả lại vật chứng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho BIDV để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng thế chấp. Trong trường hợp buộc phải thu hồi lô đất 7- 9 theo yêu cầu quốc phòng, đề nghị HĐXX tuyên “buộc các bên đi vay phải bổ sung bằng tài sản đảm bảo khác, tạo điều kiện cho việc thi hành án sau này”.

Nguyễn Hưng
.
.
.