Cựu Giám đốc Sở vắng mặt trong phiên toà xét xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La

Thứ Năm, 21/05/2020, 11:28
Sáng 21/5, TAND tỉnh Sơn La mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại Sơn La. Thẩm phán Quản Hữu Chiến được phân công làm Chủ tọạ phiên toà. 


Trước đó, năm 2019, TAND tỉnh Sơn La cũng đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án này. Nhưng trong quá trình xét xử, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhằm làm rõ lời khai mới về 2 hành vi “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”. Quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 4 bị can về 2 tội “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”.

Trong số 12 bị cáo hầu toà lần này, 9 bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La; 3 bị cáo được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (tại ngoại). TAND tỉnh Sơn La đã gửi giấy triệu tập 87 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng đến tham dự phiên toà này. Ngoài ra, có 15 luật sư được Toà án cấp giấy tham dự phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.

Hội đồng xét xử.

Ở phần thủ tục, theo báo của Thư ý phiên toà, trong số 49 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập hợp lệ đến tham dự phiên toà thì chỉ có mặt 4 người. Trong số 38 người làm chứng được triệu tập cũng chỉ 14 người có mặt. Trong số đó, nhiều người là thí sinh và phụ huynh của thí sinh được nâng điểm. Và phần lớn những người không đến dự phiên tòa theo triệu tập phần lớn có đơn xin xét xử vắng mặt, một số vắng mặt không có lý do.

Trong số những người làm chứng vắng mặt, có ông Hoàng Tiến Đức (cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La). Và cũng giống như những lần mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án này trước đó, ông Đức tiếp tục có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do, đang điều trị bệnh. Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ông Đức trực tiếp đưa danh sách 8 thí sinh cho bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) để thực hiện việc nâng điểm cho thí sinh. 

Bị cáo Trần Xuân Yến.

Liên quan đến sai phạm của ông Đức, tháng 6-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Đức. Theo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Đức đã thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, một số cán bộ bị khởi tố, điều tra, xử lý hình sự. Vi phạm, khuyết điểm của ông Đức là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và cá nhân ông Đức.

Về sự vắng mặt của nhiều người được triệu tập, một số luật sư và bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập ông Hoàng Tiến Đức và một số người liên quan đến phiên toà để làm rõ thêm những mâu thuẫn trong vụ án. Khi HĐXX hỏi ý kiến, đại diện Viện KSND tỉnh Sơn La thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử nêu quan điểm, những người vắng mặt đã có lời khai trong hồ sơ vụ án nên việc họ không tới phiên toà không ảnh hưởng tới quá trình xét xử. Do đó đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử. Sau khi hội ý, Chủ toạ phiên toà kết luận, do phiên tòa diễn ra nhiều ngày nên HĐXX sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, nếu thấy cần thiết sẽ triệu tập thêm một số người liên quan theo đề nghị của luật sự và bị cáo.

Bị cáo Đặng Hữu Thuỷ
Bị cáo Lò Văn Huynh.

8 bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Đỗ Khắc Hưng (cựu cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Đinh Hải Sơn (cựu cán bộ Đội Giáo dục, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Đặng Hữu Thuỷ (cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu).

Ngoài bị truy tố về tội danh trên, 3 bị cáo Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga và Cầm Thị Bun Sọn còn bị truy tố thêm về tội “Nhận hối lộ”. 4 bị cáo bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” gồm: Nguyễn Minh Khoa (cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La). Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La). Trần Văn Điện và Lò Thị Trường (cùng trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La).

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La, Nguyễn Thị Hồng Nga là thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, được phân công nhiệm vụ cùng Đặng Hữu Thủy thực hiện việc quét (scan) chấm điểm bài thi. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nga thỏa thuận với Điện nhận thông tin, sửa điểm cho 4 thí sinh để nhận số tiền là 1, 4 tỷ đồng. Ngoài ra, Nga cùng một số bị cáo khác rút bài, sửa nâng điểm các môn thi trắc nghiệm cho 40 thí sinh (trong đó có 4 thí sinh Nga nhận tiền).

Lê Văn Huynh là Phó trưởng Ban chấm thi, phụ trách chấm thi môn Ngữ văn. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Huynh đã nhận số tiền 1,3 tỷ đồng để nâng điểm cho 3 thí sinh đỗ vào trường đại học của lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, Huynh nhận của Nguyễn Minh Khoa 1 tỷ đồng, nhận của của Lò Thị Trường 300 triệu đồng. Ngoài ra, Huynh cùng một số bị cáo khác có hành vi rút bài thi trắc nghiệm để sửa nâng điểm cho 32 thí sinh và tác động nâng điểm môn Ngữ văn cho 12 thí sinh, trong đó 3 thí sinh Huynh nhận giúp.

Cầm Thị Bun Sọn là thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Trước khi chấm thi, Sọn thỏa thuận và nhận 440 triệu đồng của Hoàng Thị Thành để nâng điểm thi con trai Thành. Sọn cùng một số bị cáo khác mang bài thi của thí sinh về nhà người khác để nâng điểm. Ngoài ra, Sọn còn tham gia sửa bài cho 43 thí sinh khác.

Trần Xuân Yến là Tổ trưởng Tổ xử lý các bài thi trắc nghiệm, chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong tổ, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi trắc nghiệm. Quá trình làm nhiệm vụ, Yến đã nhận thông tin của 13 thí sinh chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga để sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh. Khi thanh tra, kiểm tra, Yến chỉ đạo Nga che giấu hành vi phạm tội bằng cách xóa dữ liệu trên máy tính. Nguyễn Thanh Nhàn là Phó trưởng Ban làm phách. Khi thực hiện nhiệm vụ, Nhàn nhận thông tin của 4 thí sinh chuyển cho Nga sửa bài thi, nâng điểm các môn thi trắc nghiệm.

Đặng Hữu Thủy là thành viên của Tổ xử lý các bài thi trắc nghiệm, được giao cùng Nga thực hiện việc quét (scan) chấm điểm bài thi. Trước và trong khi chấm thi, Thủy nhận thông tin của 4 thí sinh nhờ nâng điểm, ngoài ra còn cùng Nga, Sọn, Huynh sửa bài cho 41 thí sinh khác.

Đỗ Khắc Hưng có nhiệm vụ đảm bảo an ninh khu vực chấm thi. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, Hưng để một số người vào phòng xử lý bài thi trắc nghiệm để rút bài, sửa nâng điểm. Đinh Hải Sơn được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh khu vực chấm thi, trong khi thực hiện nhiệm vụ, Sơn mở cửa cầu thang một địa điểm chấm thi để Nga lấy chìa khóa vào phòng rút bài thi, nâng điểm cho thí sinh. Nguyễn Minh Khoa đã thỏa thuận và đưa cho Lò Văn Huynh 1 tỷ đồng để Huynh nâng điểm cho 2 thí sinh.

Nguyễn Hưng
.
.
.