Chế tài xử lý đối tượng trồng cây cần sa chưa đủ sức răn đe

Thứ Tư, 17/04/2019, 09:31
Thời gian gần đây, giới trẻ có xu hướng đua nhau sử dụng cần sa. Dưới cái mác là "thảo mộc", nhưng thực chất, đây là một loại ma túy nằm trong danh mục cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng. 

Trước đây, cần sa được trồng ở những vùng hẻo lánh, vùng núi hoặc được vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam; nhưng gần đây, một số đối tượng đã tự trồng cây cần sa tại nhà để sử dụng và bán cho các "dân chơi". Vậy làm gì để ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi này để răn đe và phòng ngừa?

Đỗ Xuân Hiếu là kĩ sư tốt nghiệp một trường đại học có tiếng tại Hà Nội, nhưng lại đem hiểu biết của mình để "canh tác" cây cần sa tại nhà. Công an quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng đã kiểm tra và phát hiện tại nhà Hiếu trồng tới 1.000 cây cần sa. Chiếu theo khoản 1, mục c, Điều 247 Bộ luật hình sự 2015, Hiếu sẽ bị mức án phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Cây cần sa được trồng trên bàn làm việc.

Tương tự trường hợp của Hiếu, Vũ Việt Cường trú tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long trồng trên mái nhà 62 cây cần sa. 

Hoàng Gia Phú, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội thuê một căn hộ tại Khu đô thị Nam Thăng Long với giá 7 triệu đồng một tháng chỉ để trồng 7 cây cần sa; nhưng có lẽ, với 7 cây cần sa này cũng đã đủ để Phú trang trải các chi phí, bởi Phú còn đầu tư một số máy móc như máy sấy, lò ủ, đảm bảo hệ thống điện nhiệt để sấy khô, đóng gói cần sa theo qui mô công nghiệp khép kín.

Khám căn hộ Phú thuê, cơ quan Công an còn thu được một số túi và lọ thủy tinh đựng cần sa, cùng nhiều bao bì để đóng gói cần sa. Gần đây, Công an quận Long Biên (TP Hà Nội) cũng phát hiện Nguyễn Thanh Phong, trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm tàng trữ cần sa khô và trồng 10 cây cần sa trên tầng 5 quán karaoke nơi Phong làm việc...

Theo qui định, đối tượng trồng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây cần sa mới là một trong những yếu tố để xem xét trách nhiệm hình sự. Như vậy, đối với các trường hợp như của Vũ Việt Cường, Hoàng Gia Phú và Nguyễn Thanh Phong thì vận dụng pháp luật như thế nào để xử lý?

Trước tình trạng một số đối tượng tự trồng và rao bán cần sa trên mạng xã hội mà cơ quan chức năng đã phát hiện được trong thời gian vừa qua, đã cho thấy, cần sa đang trở nên khá phổ biến trong giới trẻ. Đáng lo ngại là, nguồn cung cấp cần sa rất có thể từ những đối tượng trồng cần sa nhỏ lẻ như nêu trên.

Nghị định 167/2013/NĐ-CP qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội... qui định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Còn Điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 qui định về tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, thì những đối tượng: "a- Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống"' "b- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm"'; "c- Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3000 cây" mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 6 tháng đến 3 năm. 

Khoản 4 Điều 247 Bộ luật hình sự năm 2015 lại qui định: "Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự"...

Như vậy, nếu đối tượng trồng cần sa, nhưng phát hiện thấy có thể bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, chủ động tiêu hủy trước thời điểm đó cũng không bị xử lý hình sự?

Cần sa là một loại ma túy nguy hiểm, gây nghiện, nằm trong danh mục cấm của Nhà nước. Từ cần sa có thể biến tướng thành "Kẹo mút cần sa", socola trộn cần sa, kẹo cao su chứa cần sa; hoặc lọc tinh dầu từ cần sa để trộn với bia, rượu... 

Nếu không có chế tài xử lý mạnh các đối tượng trồng cần sa , kể cả những đối tượng trồng với qui mô nhỏ thì sẽ không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng nhen nhóm trồng cây cần sa tại gia đình.

Đào Minh Khoa
.
.
.