Cần xử lý nghiêm người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả
- Sử dụng văn bằng giả, Chủ tịch phường bị kỷ luật
- Chống nạn “đạo văn” bằng giải pháp công nghệ (Bài cuối)
- Truy tố hai đối tượng mua bán 32 văn bằng giả
- Đường dây “khủng” làm văn bằng giả bị triệt phá như thế nào?
“Có cầu, ắt có cung”, nếu không có những người sử dụng thì làm sao có những đường dây đáp ứng nhu cầu trái pháp luật này?
Vừa qua, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá một đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ quy mô lớn trên địa bàn tỉnh; đồng thời khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hương, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An cùng con trai là Trần Đăng Khương, để điều tra về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Khám xét nhà ở của Hương, cơ quan chức năng thu giữ 283 con dấu giả của cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Đáng chú ý, trong số các con dấu giả, có cả dấu của cơ quan Công an. Trước đó, cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã bắt giữ Phạm Công Duy, trú tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và Cấn Văn Tuấn, trú tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tang vật một vụ làm giả văn bằng và chứng chỉ bị lực lượng Công an tịch thu. |
Theo nguồn tin có một số giáo viên mua chứng chỉ ngoại ngữ và bằng tin học giả trên mạng xã hội để hoàn thiện hồ sơ công chức, nâng lương… Số giáo viên này liên lạc qua Zalo với Cấn Văn Tuấn để đặt vấn đề mua văn bằng, chứng chỉ giả. Cùng làm ăn với Tuấn còn có Phạm Công Duy. Sau khi bắt giữ Tuấn, cơ quan Công an đã khám xét một căn hộ chung cư tại phường Định Công, một căn hộ chung cư tại phường Hoàng Liệt là nơi Duy và Tuấn thuê để sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả; qua đó đã phát hiện hàng nghìn mẫu phôi giả và các máy móc, thiết bị để làm giả văn bằng, chứng chỉ. Được biết, mỗi tháng, trung bình Duy thu lời khoảng 100 triệu đồng từ việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Các đối tượng làm giả văn bằng, chứng chỉ như Hương, Khương, Duy và Tuấn sẽ bị xử lý hình sự về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, với những người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả thì sao?
Điều 341, BLHS 2015 quy định: “1- Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Như vậy, không chỉ đối tượng làm giả mới có thể bị xử lý hình sự, mà ngay cả người sử dụng cũng có thể bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu dùng tài liệu, giấy tờ giả để thực hiện hành vi phạm pháp. Song, thực tế cho thấy, cơ quan thực thi pháp luật thường chỉ xử lý hình sự đối tượng làm văn bằng, chứng chỉ giả; còn với người sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả ít thấy xử lý; nếu có xử lý hình sự thì chỉ trong trường hợp người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sử dụng các văn bằng, chứng chỉ này để thực hiện một hành vi tội phạm khác.
Ví dụ như trường hợp kỷ luật hàng chục cán bộ dùng văn bằng giả để thăng tiến xảy ra tại tỉnh Đắk Nông. Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Gia Nghĩa sau khi phát hiện một Phó Chủ tịch UBND phường sử dụng văn bằng giả, thì hình thức kỷ luật cũng chỉ cách các chức vụ chính quyền và chức vụ Đảng. Đây là hình thức kỷ luật thường thấy khi phát hiện cán bộ sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả không chỉ xảy ra tại tỉnh Đắk Nông, mà nó diễn ra ở nhiều địa phương, không chỉ với những người có nhu cầu văn bằng, chứng chỉ giả để xin việc làm; mà với cả những cán bộ thuộc diện “nguồn”, muốn có thêm văn bằng chứng chỉ để “cạnh tranh”, leo lên các chức vụ cao hơn, nhưng lại không muốn đi học, hoặc không có thời gian đi học…
Chính vì nhu cầu sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả không hề nhỏ, mà trên mạng xã hội, có những website công khai quảng cáo nhận làm văn bằng, chứng chỉ giả; bất chấp việc quảng cáo này có thể bị cơ quan Công an sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để triệt phá. Những trang web đều ghi rõ số điện thoại liên lạc để gặp trực tiếp người có nhu cầu làm văn bằng, chứng chỉ giả.
Người có nhu cầu chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, không cần đặt cọc (theo quảng cáo) là có thể nhận được văn bằng, chứng chỉ giả. Đối tượng làm giả còn cam kết “bao soi”, “bao công chứng” đối với các văn bằng, chứng chỉ, tài liệu mà đối tượng làm ra. Thậm chí, họ còn quảng bá cả “lương tâm” làm “nghề” khá nực cười, như sau: “Nhận làm giả văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm để giúp sinh viên tìm kiếm được công việc có thu nhập cao khi chưa có điều kiện đi học; không nhận làm giả thẻ Công an, Quân đội, sổ đỏ…”.
“Có cầu thì ắt có cung”, đó là qui luật thị trường, và để đáp ứng nhu cầu trái pháp luật của người sử dụng, các đối tượng giả làm văn bằng, chứng chỉ, tài liệu… sẵn sàng đổi lấy sự nguy hiểm để kiếm những đồng tiền bất chính. Còn với những người sử dụng, đại đa số nếu bị phát hiện, họ cũng chỉ bị kỷ luật hành chính, cách chức là cùng.
Trong khi, việc phát hiện một cán bộ công chức, viên chức hay người lao động sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả là khá khó khăn. Được biết, đa số các vụ việc phát hiện cán bộ dùng bằng giả hầu hết là từ tố giác của quần chúng. Còn nếu không có tố giác thì cơ quan quản lý nhân sự cũng không có điều kiện để xác minh.
Vì vậy, theo chúng tôi, để giảm thiểu tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ, tài liệu của cơ quan, tổ chức; bên cạnh việc xử lý hình sự đối tượng làm giả, thì cũng cần thiết phải xử lý nghiêm những người sử dụng văn bằng, chứng chỉ, tài liệu do làm giả mà có. Việc xử lý nghiêm có thể áp dụng hình thức phạt tiền; hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; song không nên bó hẹp trong trường hợp chỉ xử lý hình sự khi người sử dụng văn bằng, chứng chỉ, tài liệu giả, khi họ sử dụng chúng làm phương tiện để gây ra một tội phạm khác mà có thể áp dụng với các trường hợp có mức độ nghiêm trọng, như sử dụng nhiều văn bằng, chứng chỉ giả hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có tính chuyên môn kỹ thuật, nghề nghiệp đặc thù dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về quản lý hoặc chuyên môn kĩ thuật... Người có chức vụ càng cao, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để thăng tiến thì càng phải xử lý nghiêm để làm gương.
Nhân đây, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan quản lý thông tin truyền thông; cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao cần có biện pháp dẹp bỏ những website quảng cáo làm văn bằng, chứng chỉ giả hoặc những hành vi quảng cáo trái pháp luật đang đăng công khai trên mạng Internet.