Đường dây “khủng” làm văn bằng giả bị triệt phá như thế nào?

Thứ Hai, 23/06/2014, 08:54
Đường dây sản xuất hàng vạn văn bằng giả do Lê Văn Bộ, cựu sinh viên Trường Đại học Mỏ cầm đầu. Chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, Công an quận Cầu Giấy cho biết, đây là đường dây làm giả con dấu, tài liệu, văn bằng chứng chỉ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện trên địa bàn Hà Nội.
>> Bóc gỡ đường dây “ khủng” chuyên làm giả bằng cấp

Như đã thông tin, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm làm giả bằng cấp do Lê Văn Bộ cầm đầu. Công an thu gần 10 ngàn phôi mẫu văn bằng, chứng chỉ, học bạ giả của nhiều trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề, THPT trong cả nước; 93 con dấu giả; 91 mặt dấu giả bằng cao su và nhựa của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở giáo dục, con dấu tròn của một số Sở GD&ĐT và UBND các tỉnh; 82 mẫu dấu tên và chức danh của hiệu trưởng, hiệu phó; giám đốc, phó giám đốc các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục đào tạo, các trung tâm trong cả nước cùng 14 máy móc thiết bị chuyên dụng để sản xuất văn bằng chứng chỉ, học bạ giả.

Đường dây do Lê Văn Bộ, 27 tuổi, quê quán Phúc Thành, Kinh Môn, Hải Dương; hiện đang trú tại thôn 9, Thị Cấm, phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - cựu sinh viên Trường Đại học Mỏ cầm đầu. Hiện Công an quận Cầu Giấy đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng chủ chốt trong đường dây, gồm: Lê Văn Bộ, Lê Văn Cảnh, Nguyễn Văn Vương, Bùi Mạnh Hùng và Nguyễn Đình Thường để điều tra về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo điều 267 BLHS.

Trao đổi với PV, chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, Công an quận Cầu Giấy cho biết, đây là đường dây làm giả con dấu, tài liệu, văn bằng chứng chỉ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện trên địa bàn Hà Nội. Thủ đoạn của bọn chúng rất tinh vi. Cơ sở sản xuất được các đối tượng đi thuê, thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh sự  theo dõi của cơ quan chức năng và người dân.

Khách hàng không được tiếp cận trực tiếp với “ông trùm” Lê Văn Bộ hay địa chỉ cơ sở sản xuất, mà phải liên hệ qua các đối tượng môi giới, trung gian. Đáng chú ý, các đối tượng trong đường dây đều là anh em, con cháu và bạn học của Lê Văn Bộ nên giữa các đối tượng có mối liên kết rất chặt chẽ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc điều tra, triệt phá. Phải mất nhiều tháng kiên trì theo dõi, thu thập thông tin, lực lượng điều tra mới lần ra được mắt xích đầu tiên của đường dây để tập trung đấu tranh, bóc gỡ.

Khám phá đường dây từ mắt xích đầu tiên

Mắt xích đó là Phan Ngọc Quân, 26 tuổi, quê quán Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội, nhân viên Công ty CP Dịch thuật chuyên nghiệp quốc tế London. Thông qua việc giữ trọng trách tiếp nhận hồ sơ cho Trung tâm tư vấn du học Nhật Bản FUJISON, Quân thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, nếu thấy khách chưa đủ tiêu chuẩn hồ sơ giấy tờ thì sẽ chủ động đề nghị làm “giúp” các văn bằng chứng chỉ, tài liệu còn thiếu.

Tại cơ quan điều tra, qua đấu tranh xác minh, anh Sơn khai nhận, do có nhu cầu đi du học và lao động xuất khẩu tại Nhật Bản, thông qua quảng cáo trên mạng, anh Sơn đã đến Trung tâm tư vấn du học Nhật Bản FUJISON để đặt vấn đề làm hồ sơ, thủ tục xin đi du học. Sau khi xem xét hồ sơ của anh Sơn, thấy còn thiếu bằng tốt nghiệp THPT cùng học bạ, Quân đã chủ động gợi ý nhận làm giúp anh Sơn số giấy tờ còn thiếu với giá thỏa thuận là 10 triệu đồng, hẹn trong vòng 1 tuần sẽ hoàn tất. Anh Sơn đồng ý và đặt cọc trước 3 triệu đồng, hẹn một tuần sau có bằng và học bạ sẽ trả nốt số tiền còn lại.

Sau đó, Quân đã liên lạc cho Nguyễn Thế Anh để đề nghị Thế Anh làm giúp văn bằng và học bạ giả cho Sơn với giá 9,5 triệu đồng. Thế Anh lại tiếp tục liên hệ với Bùi Mạnh Hùng để đặt “sản xuất” 2 tài liệu giả trên với giá 6,5 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày 10/6, khi đang trao trả văn bằng và học bạ giả cho anh Sơn thì Quân đã bị cơ quan Công an phát hiện, bắt quả tang.

Một số mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ giả đã được các đối tượng hoàn thiện chưa kịp giao trả khách hàng.

Từ lời khai của Phan Ngọc Quân, cơ quan điều tra đã lần lượt triệu tập Nguyễn Thế Anh để đấu tranh làm rõ. Thế Anh khai, người giúp Thế Anh hoàn tất các “đơn hàng” tài liệu giả trên chính là Bùi Mạnh Hùng. Tập trung theo dõi Hùng, cơ quan điều tra quận Cầu Giấy đã bắt quả tang đối tượng này khi hắn hẹn và đang bàn giao cho Thế Anh một học bạ giả khác mang tên Nguyễn Thị Thanh Thúy tại trước cửa siêu thị Metro, trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Trước chứng cứ rõ ràng, đối tượng Hùng đã phải khai ra tác giả làm nên tất cả các văn bằng, tài liệu giả trên là Lê Văn Bộ. Nhưng trong mọi giao dịch, Bộ không trực tiếp ra mặt mà cử Lê Văn Cảnh và Nguyễn Văn Vương (em và cháu họ của Bộ) đến giao nhận cho Hùng.

Hùng thừa nhận, từ đầu năm 2014 đến nay đã giới thiệu cho Lê Văn Bộ rất nhiều khách hàng để ăn tiền môi giới và trở thành một “chân rết” trong đường dây chuyên làm giả con dấu, giấy tờ tài liệu của Bộ. Ngoài ra, đối với một số loại giấy tờ tài liệu “giản đơn” hơn như chứng chỉ nghề, bảng điểm thì Hùng chỉ nhờ Bộ làm giả con dấu, chữ ký, còn các nội dung về tên tuổi khách hàng, điểm số, chữ ký giáo viên sẽ do Hùng tự điền vào để bàn giao cho khách.

Từ chứng cứ và lời khai của tất cả các đối tượng Quân, Thế Anh, Hùng cơ quan điều tra lần lượt bắt giữ các đối tượng có liên quan khác Cảnh, Vương, Thường để điều tra làm rõ. Mỗi đối tượng đều giữ một vai trò nhất định trong đường dây, như Cảnh, Vương vừa làm công tác giao nhận, thu tiền làm văn bằng, tài liệu của khách, vừa giúp Bộ đóng dấu vào các văn bằng, giấy tờ giả, được Bộ trả lương tháng 10 triệu đồng/tháng. Còn Thường (bạn học cùng Trường Đại học Mỏ với Bộ) vừa là đối tác, là “chân rết” của Bộ.

Cũng giống như Hùng, Thường giới thiệu khách cho Bộ để ăn tiền trung gian, còn với các chứng chỉ hay bảng điểm đơn giản, ít đòi hỏi kỹ thuật cao thì Thường cũng chỉ mua phôi trắng từ Bộ để tự làm trực tiếp cho khách. Khi biết các đối tượng “chân rết” trong đường dây lần lượt bị cơ quan điều tra bắt giữ, biết đường dây đã lộ, Lê Văn Bộ đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Tích cực ra quân truy tìm tung tích đối tượng, đến 19h ngày 12/6, lực lượng điều tra Công an quận Cầu Giấy đã phát hiện, bắt giữ được Lê Văn Bộ khi đối tượng đang lẩn trốn tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.

Mua bằng cử nhân dỏm tại “lò” với giá 3 triệu đồng

Bộ khai nhận, cuối năm 2013, do việc làm ăn kinh doanh thua lỗ dẫn đến nợ nần, với quyết tâm trả nợ và làm giàu nhanh chóng, Bộ nảy sinh ý đồ sản xuất văn bằng chứng chỉ giả  để bán kiếm lời. Bộ lên Internet mày mò học kỹ thuật làm giấy tờ giả, bỏ ra 50 triệu đồng đầu tư mua sắm máy móc thiết bị cần thiết, như: máy khắc dấu lazer, máy scan, in màu, máy tính, máy ép plastic… rồi tự học phần mềm thiết kế đồ họa Corel trên máy tính để vẽ mẫu các con dấu cần làm giả, kết nối với máy khắc dấu để cho ra đời hàng loạt con dấu được khắc bằng cao su.

Các phôi văn bằng giả cũng được Bộ làm theo phương pháp tương tự, in trên nền bìa cứng. Sau đó, Bộ scan các văn bằng chứng chỉ thật, dùng phần mềm máy tính xử lý chi tiết, hoa văn và nội dung trên văn bằng cho thật sắc nét rồi kết nối máy in màu tự động để in hàng loạt phôi văn bằng giả. Khi có khách đặt mua, Bộ sẽ tiếp tục đánh máy thông tin cá nhân của khách, dùng con dấu tròn và con dấu chữ ký giả đóng lên để hoàn thiện rồi giao cho khách.

Với công nghệ sản xuất hiện đại, tinh vi như vậy, Bộ đã dễ dàng cho ra lò hàng ngàn bản phôi văn bằng chứng chỉ giả theo mẫu mà hắn thu thập được, với độ sắc nét cao, rất khó phân biệt với văn bằng thật. Về giá bán, không khỏi giật mình khi nghe Bộ khai nhận, giá bán giao ngay tại “lò” cho một tấm bằng tốt nghiệp đại học giả là 3 triệu đồng.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy tiếp tục điều tra mở rộng

Phạm Tâm
.
.
.