Cần tỉnh táo trước “cạm bẫy” trên mạng xã hội

Thứ Năm, 10/10/2019, 05:51
Đã có nhiều nạn nhân bị lừa mất nhiều tỷ đồng thông qua mạng xã hội, nhiều đối tượng đưa tin giả trên mạng xã hội bị xử lý trước pháp luật.


Sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo... lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tung tin giả lên mạng xã hội để câu like, bán hàng… thậm chí để được nổi tiếng; phát tán thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để bôi nhọ cá nhân, tổ chức, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước… Đã có nhiều nạn nhân bị lừa mất nhiều tỷ đồng thông qua mạng xã hội, nhiều đối tượng đưa tin giả trên mạng xã hội bị xử lý trước pháp luật.

Những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ qua mạng xã hội

Khoảng tháng 1-2018, chị L. ở tỉnh Thái Nguyên khi sử dụng mạng xã hội Facebook thì có một người đàn ông tên nước ngoài kết bạn và nhắn tin làm quen. Sau một thời gian nhắn tin trò chuyện thân mật bằng tiếng Việt trên Facebook, người đàn ông cho biết hiện đang sinh sống tại Mỹ và sẽ chuyển cho chị một gói quà có giá trị lớn thông qua một công ty chuyển hàng quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 2-2018, chị nhận được cuộc điện thoại của một người xưng là nhân viên công ty chuyển hàng quốc tế thông báo chị có một món quà được gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Để hoàn tất thủ tục nhận quà, chị phải chuyển 16 triệu đồng vào tài khoản của chúng.

Chị L. cho biết thêm:  “Sau khi nộp 16 triệu vào tài khoản, nó lại gọi điện cho tôi liên tục, bảo bây giờ phát hiện ra là số quà rất nhiều tiền, yêu cầu tôi phải nộp thêm 45 triệu đồng nữa thì mới mang gói quà ấy trả tôi. Cứ mỗi lần gửi tiền cho chúng xong thì bọn chúng lại gọi điện yêu cầu tôi gửi thêm tiền. Mỗi lần yêu cầu gửi tiền là chúng đưa ra một lý do như phí trông kho, phí rửa tiền. Nếu mà không gửi tiền cho chúng thì tôi sợ mất khoản tiền trước. Tôi gửi tiền cho chúng 7 lần, với tổng số tiền là 1 tỷ 037 triệu đồng”.
Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên ghi lời khai của Trần Thị Huyền Trang để làm rõ hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Tiền mất, tật mang, giờ đây, một người nông dân như chị L. đang phải ôm một món nợ ngót một tỷ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra trên 30 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Zalo, Facebook, mạng điện thoại, với tổng số tiền thiệt hại gần 4 tỷ đồng.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Các đối tượng sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cụ thể như: Hack Facebook, hack Zalo để nhắn tin cho người thân của các chủ tài khoản đó, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản khác với lý do là cần tiền gấp để xử lý việc gấp. Hoặc là các đối tượng giả danh Công an, Kiểm sát để gọi điện cho bị hại yêu cầu chuyển tiền, nói họ có vấn đề vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển tiền trong tài khoản của mình vào tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt.

Hoặc các đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo nhắn tin, kết bạn với một số bị hại và tự giới thiệu là người nước ngoài có tiềm lực kinh tế, tài chính rất lớn, có mong muốn gửi tiền, quà về Việt Nam cho bị hại. Khi các đối tượng nhắn tin gửi tiền, gửi quà về, sau đó một nhóm đối tượng khác gọi điện cho bị hại yêu cầu phải nộp tiền lệ phí vào một số tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt tài sản.

Tung tin giả, hậu quả thật

Thời gian gần đây, nhiều tài khoản mạng xã hội đăng những thông tin rất giật gân như:  “Chính thức đập hồ Núi Cốc sáng nay bị vỡ…”; “Cảnh báo: Tình trạng bắt cóc trẻ em ở Thái Nguyên đang diễn ra nhiều hơn và manh động hơn mọi người nhé…” ; “Tin sốc: Công an tỉnh Điện Biên bắt tạm giam thiếu úy công an hình sự tỉnh Thái Nguyên để điều tra kẻ chủ mưu trong vụ án bắt cóc và sát hại nữ sinh giao gà gây chấn động Điện Biên chiều 30 Tết…”. Thông tin từ những tài khoản Facebook này đã nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng mạng, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng và hoài nghi.

Anh Đào Văn Hiển, ở xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Khi tôi vào mạng Facekook thì thấy rất nhiều người đăng tin, chia sẻ, bình luận nói đập Hồ Núi Cốc bị vỡ, tôi cũng chưa biết tin đó là thật hay giả, nhưng tôi thấy rất hoang mang, lo sợ, vì khu vực nhà tôi cũng ở gần hồ Núi Cốc”.

Còn chị T. ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Tôi thật sự bàng hoàng khi đọc được thông tin từ nhiều tài khoản Facebook chia sẻ với nội dung về sự việc bắt cóc trẻ em tại khu vực Trường mầm non 19-5, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên và nạn bắt cóc trẻ em, bắt cóc người để lấy nội tạng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tôi sợ còn không dám cho con đi học, đi ra ngoài chơi…”.

Những chủ tài khoản Facebook như Đào Xuân Hòa đăng tin sai sự thật hồ Núi Cốc bị vỡ đã bị cơ quan chức năng xử phạt 12,5 triệu đồng; Nguyễn Sơn Tùng đăng tin sai sự thật về nạn bắt cóc trẻ em bị xử phạt 12,5 triệu đồng; Trần Thị Huyền Trang bị xử phạt 10 triệu đồng.

Trang cho biết: “Tình cờ em có lướt Facebook vào buổi sáng, em thấy có mẩu tin liên quan đến vụ nữ sinh ở Điện Biên bị giết vào 30 Tết, đọc mẩu tin có tiêu đề một chiến sĩ Công an tỉnh Thái Nguyên liên quan đến vụ án này. Em copy em đăng lên trang Facebook cá nhân, mục đích để nhiều người để ý trang Facebook vì em đang bán hàng trên mạng. Em đăng lên, chưa tìm hiểu kỹ nội dung tin đó, đã làm ảnh hưởng đến dư luận xã hội không tốt”.

Nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi tung tin thất thiệt, bôi nhọ, hạ uy tín danh dự của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Điển hình như Nguyễn Văn Trường, trú tại phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên bị khởi tố về hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Từ tháng 6/2017 đến tháng 1/2018, Trường đã quay các video clip, viết bài phát tán trên mạng xã hội facebook với nội dung bôi nhọ, hạ uy tín, vu khống, công kích, xúc phạm một số cá nhân, cơ quan Nhà nước làm công tác tố tụng ở Trung ương và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Trung tá Dương Hồng Chiến - Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thông tin xấu thì chủ yếu do các tổ chức hoặc cá nhân đưa lên. Thứ nhất là mục đích vật chất, có trường hợp câu lai để bán hàng, gây sự chú ý, để nổi tiếng hoặc phục vụ mục đích cá nhân khác.

Thứ hai là mục đích chính trị, đưa những thông tin độc, tin xấu để nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phục vụ lợi ích của tổ chức, đặc biệt là tổ chức phản động trong và ngoài nước.

Các đối tượng này thường dựa vào các thông tin có thật, thời sự, nóng hổi, sau đó xen kẹp, luồn các ý xấu tạo cảm giác cho người xem, người đọc các thông tin mình đưa ra là đúng, khách quan… làm cho người ta dần dần thay đổi lập trường và cuối cùng là đi đến chống đối…

Sự nguy hại của các thông tin xấu, độc thì rất lớn, nó làm cho con người ta từ nhận thức sai dẫn đến hành động sai và hành động sai có thể dẫn đến vi phạm pháp luật và bị xử lý.

Qua kinh nghiệm đấu tranh thì thấy rằng, người đọc phải nhận diện đúng các trang mạng chính thống, khách quan và xem các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng để nắm được thông tin chính xác và tự lọc những thông tin đó. Tự lọc bằng cách có thể là xem địa chỉ nguồn tin có địa chỉ rõ ràng hay không.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: Đối với những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, Facebook, Zalo, nếu có người yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng phải thông tin ngay cho cơ quan chức năng, đặc biệt là thông tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý.

Sử dụng mạng xã hội tỉnh táo, có ý thức trách nhiệm, dựa vào sự thật, bác bỏ những thông tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, là cơ sở để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.