Cần tháo gỡ những vấn đề bất cập trong xử lý vi phạm hành chính
- Công an Hà Nội tăng cường quản lý người nước ngoài phòng dịch
- Tìm bị hại vụ án giả người nước ngoài lừa đảo qua facebook
- Hiệu quả từ công tác quản lý người nước ngoài tại Đà Nẵng
Thuê căn hộ chung cư hoạt động mua bán ma túy, mại dâm…
Thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức cho thuê lưu trú theo giờ, ngắn ngày tại các căn hộ chung cư cao tầng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao… Đặc biệt, nhiều đường dây buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy đã sử dụng hình thức thuê căn hộ chung cư để hoạt động khiến cho lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi phát hiện, triệt phá.
Điển hình là đường dây tội phạm ma túy hoạt động khép kín trong những căn hộ cao cấp ở các chung cư tại quận 7, quận 8, quận 4… có giám sát an ninh, đặc biệt có thủ súng quân dụng phòng thân đã bị Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Công an quận Bình Thạnh, Công an quận Thủ Đức và Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an, triệt phá vào cuối tháng 8/2019.
Bắt giữ John David Ablett (quốc tịch Anh) cướp cửa hàng tiện lợi tại quận 1. |
Theo đó, Cơ quan CSĐT đã bắt giữ 7 nghi phạm gồm: Nguyễn Hoài Phong (23 tuổi, ngụ Long An), Hoàng Công Thịnh (25 tuổi, ngụ Quảng Trị), Nguyễn Duy Tiên (23 tuổi, ngụ Vũng Tàu), Ngô Thế Bảo Ngọc (26 tuổi, ngụ quận 4), Lê Đức Minh Anh (26 tuổi, ngụ Vũng Tàu) và vợ chồng Vương Văn Tuấn, Trần Thị Lệ (cùng 43 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh); thu 2 khẩu súng, 21 viên đạn và khoảng 35kg ma túy các loại.
Các trinh sát cho biết, nhóm đối tượng này mang nhiều tiền án tiền sự và nghiện ma túy nặng hoạt động rất tinh vi, chuyên thuê mướn các căn hộ chung cư để làm nơi giao dịch, mua bán, sử dụng ma túy tập thể. Mỗi lần di chuyển nhóm sử dụng ôtô và mang theo súng nên việc đeo bám rất khó khăn và nguy hiểm…
Tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh với Công an TP Hồ Chí Minh (ngày 25-2), khảo sát về tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn thành phố giai đoạn từ tháng 7-2013 đến tháng 12-2019, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện thành phố có 1.203 chung cư với hơn 60.700 căn hộ.
Trong thời gian qua, các đối tượng xấu đã lợi dụng thuê loại hình này ngắn ngày hoặc theo giờ để hoạt động tội phạm. Tuy nhiên, theo quy định, pháp luật nghiêm cấm hành vi cho thuê ngắn ngày hay theo giờ tại căn hộ chung cư. Dù vậy thực trạng chưa có quy định xử phạt hành chính cụ thể với hành vi vi phạm này đã gây khó khăn cho công tác quản lý.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Thơ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hồ Chí Minh, Nghị định 96/2016/NĐ-CP năm 2016 (quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) có nội dung lực lượng Công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, Điều 6 của Luật Nhà ở hiện hành lại có quy định không sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Đa số các cơ quan đăng ký cấp giấy kinh doanh, phòng kinh tế quận, huyện đều xác định loại hình cho thuê lưu trú ngắn ngày, theo giờ tại căn hộ chung cư là trái quy định Luật Nhà ở. Vì vậy, khi cấp giấy phép kinh doanh, các cơ quan cấp theo loại hình dịch vụ cho thuê nhà để ở, nhưng loại trừ dịch vụ cho thuê lưu trú ngắn ngày. Do vậy, cơ quan Công an không thể cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
“Vấn đề đặt ra, phạt loại hình cư trú này như thế nào. Không thể xử phạt hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy phép kinh doanh vì lỗi không phải do cá nhân, doanh nghiệp mà do chúng ta không cấp. Mặt khác, chúng ta cũng không xử phạt hành vi không được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an ninh, trật tự được vì muốn xử phạt thì phải hướng dẫn cá nhân, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh”, Trung tá Nguyễn Văn Thơ đặt vấn đề.
Từ đó, Trung tá Nguyễn Văn Thơ kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến với UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, giải thích rõ việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày có phải là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 6, Luật Nhà ở và chế tài xử lý như thế nào. Và loại hình kinh doanh lưu trú theo giờ tại các chung cư cao tầng theo quy định phải cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép cần phải cấp theo loại hình nào để đúng luật?...
Việc xử lý người nước ngoài vi phạm gặp vướng mắc
Một vấn đề khác cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận là người nước ngoài vi phạm và công tác quản lý của cơ quan chức năng với những trường hợp này.
Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Đội trưởng Đội Xử lý vi phạm người nước ngoài, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh đã nêu ra một số vướng mắc về việc tạm giữ người nước ngoài theo thủ tục hành chính (Điều 112 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Thực tế hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng nhiều người nước ngoài lang thang, cơ nhỡ, không xác định được nhân thân ngày càng nhiều, trong khi đó, thời gian để xác minh những người nước ngoài này thuộc quốc tịch nước nào khá lâu.
Vấn đề đặt ra là khoảng thời gian xác chờ minh nhân thân thì người nước ngoài được lưu giữ ở đâu, bởi nếu áp dụng theo Nghị định 112 để giữ người theo thủ tục hành chính thì không được (không thể lưu giữ người nước ngoài không giấy tờ tùy thân ở Công an phường).
Trước thực tế này, Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn đã đề nghị cần mở rộng diện tạm giữ người và bố trí nơi tạm giữ người, đặc biệt là người nước ngoài. Đồng thời, cũng đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đưa người nước ngoài không giấy tờ tùy thân vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Theo Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Công an TP Hồ Chí Minh đã làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố thống nhất quy trình lưu giữ để chờ xác minh quốc tịch.
Ngoài ra, số người nước ngoài vi phạm pháp luật tại địa bàn thành phố qua các năm cũng có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Việc những người nước ngoài có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhưng chưa củng cố chứng cứ để khởi tố cũng đang là vấn đề khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn. Lý do vì nếu thả ra họ dễ bỏ trốn. Nhưng nếu muốn giữ lại thì lại không có chỗ lưu giữ.
Công an TP Hồ Chí Minh thông tin, hiện Bộ Công an có hai cơ sở lưu giữ người nước ngoài vi phạm pháp luật trong thời gian chờ trục xuất. Theo đó, ngoài một cơ sở ở phía Bắc thì từ Đà Nẵng trở vào miền Nam chỉ có một nhà lưu giữ đặt ở Long An. Vì thiếu chỗ nên để đưa người nước ngoài phạm pháp vào cơ sở lưu giữ này phải làm thủ tục rất khó khăn. Từ đó, Công an TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Công an cho Công an TP Hồ Chí Minh có nơi lưu giữ người nước ngoài vi phạm riêng với cơ chế rõ ràng.
Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, việc xử lý người nước ngoài vi phạm ở TP Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập. Cụ thể, hiện nay có nhiều biện pháp XLVPHC như phạt cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất và một số biện pháp khác. Tuy nhiên, trong Luật Xuất nhập cảnh có thêm hình thức xử lý không nằm trong Luật XLVPHC, đó là buộc xuất cảnh. Hình thức buộc xuất cảnh là quyết định hành chính và thẩm quyền ký quyết định xử lý thuộc về Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh. Trong khi áp dụng biện pháp trục xuất lại thuộc về Giám đốc Công an cấp tỉnh, thành trở lên. Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn kiến nghị cần xem buộc xuất cảnh là hình thức xử lý mới, vì vậy cần có khái niệm rõ ràng để dễ dàng áp dụng trong thực tiễn.
Tại buổi khảo sát, Công an TP Hồ Chí Minh còn đề xuất, kiến nghị về việc tổ chức rà soát tổng thể các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để có đề xuất sửa đổi phù hợp nhằm khắc phục các mặt hạn chế, không phù hợp với tình hình thực tiễn, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính vào thực tiễn xã hội; quy định cụ thể về đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
Trước các kiến nghị của Công an TP Hồ Chí Minh, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đề nghị Công an TP Hồ Chí Minh tập hợp tất cả những điều bất cập, vướng mắc để Đoàn đại biểu Quốc hội gửi Chính phủ, các bộ ngành liên quan và kiến nghị một số vấn đề đối với UBND thành phố, HĐND thành phố.