Ngày thứ 5 xử phúc thẩm vụ góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank:

Ông Đinh La Thăng nhận sai và mong nhận bản án nhân văn, nhân đạo

Thứ Bảy, 23/06/2018, 16:08
Ngày 23-6, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa hình sự xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV/HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam-PVN) và đồng phạm trong vụ án PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Sang ngày xét xử thứ 5, phiên toà kết thúc phần tranh luận chuyển sang phần nghị án. Trước khi tuyên án, Hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án. Được nói lời sau cùng, bị cáo trong vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm làm thất thoát 800 tỷ thể hiện sự xấu hổ về lòng tham của mình.

*Nói lời sau cùng, bị cáo Ninh Văn Quỳnh xấu hổ vì không kiềm chế được lòng tham mà làm hỏng truyền thống của gia đình.

Ông Đinh La Thăng trình bày, trải qua 35 năm công tác, tôi luôn nỗ lực cố gắng phấn đấu, rèn luyện, hành động quyết liệt vì sự phát triển của đất nước. Trong thời gian làm việc tại PVN, tôi luôn cố gắng phấn đấu để PVN trở thành tập đoàn kinh tế mạnh hàng đầu. Những đóng góp của tôi và tập thể PVN đã được Bộ Chính trị đánh giá PVN là tập đoàn kinh tế hàng đầu, có đóng góp lớn cho Nhà nước, trở thành điểm sáng chứng minh vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước và góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển đảo.

Ông Đinh La Thăng.

Trong công việc, tôi luôn quyết liệt vì mục đích chung chứ không vì động cơ cá nhân. Đối với việc góp vốn của PVN đầu tư vào Oceanbank, tại hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, tôi luôn khẳng định việc đầu tư của PVN vào Oceanbank là giải pháp tình thế. Cũng do việc thay đổi của chính sách nên PVN đã phải dừng việc thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt mà trước đó Chính phủ đã cho phép. Để giải quyết hệ lụy, PVN đã đầu tư vốn của PVN vào Oceanbank.

“Tôi đánh giá khách quan, việc PVN đầu tư vào Oceanbank là đúng chủ trương, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và hiệu quả đầu tư đã thể hiện con số cụ thể. Sau đó, tôi chuyển công tác khỏi ngành Dầu khí từ tháng 8-2011. Thời điểm đó,  trách nhiệm bảo tồn vốn của PVN của tôi đã hoàn thành. Bằng chứng là năm 2013, PVN vẫn được chia cổ tức tới mấy chục tỷ đồng. Sau này, thực hiện chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ, PVN làm thủ tục xin thoái vốn, Chính phủ đã đồng ý, nhưng sau đó khoảng nửa tháng, Chính phủ lại không đồng ý với lý do giao cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện”, ông Thăng nói.

Sau khi trình bày quan điểm trên, ông Thăng mong muốn Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, giải quyết vụ án một cách công tâm, khách quan, có tình, có lý, nhưng cũng thể hiện được tính nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước trên tinh thần cải cách tư pháp.

Nói lời sau cùng, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) trình bày, tôi có 37 năm công tác trong ngành Dầu khí. Nếu không bị bắt thì tôi đã nghỉ hưu được mấy tháng. Với những sai phạm của mình đã gây ra trong thời gian công tác, tôi đã bị tuyên phạt mức án 30 năm tù giam. Trong thời gian bị bắt giam, tôi rất ăn năn hối hận về những việc làm sai phạm của mình. Lý do tôi phạm tội một phần do yếu kém về chuyên môn và tin tưởng cấp dưới, một phần vì phục tùng chỉ đạo của cấp trên.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh.

“Điều tôi xấu hổ nhất là không kiềm chế được lòng tham khi đã nhận số tiền trái pháp luật 20 tỷ đồng từ anh Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là Tổng Giám đốc Oceanbank đưa. Chỉ vì lòng tham mà tôi đã làm hỏng truyền thống cách mạng của gia đình. Tôi rất mong Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét các tình tiết giảm nhẹ để tôi có cơ hội sống và trở về với gia đình”, bị cáo Quỳnh nói.

Đến lượt mình nói sau cùng, các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức đều là cựu Thành viên Hội đồng thành viên  PVN đều bày tỏ sự ân hận về những hành vi mà mình đã gây ra để phải nhận hậu quả vướng vòng lao lý như bây giờ. 

Các bị cáo mong được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét các tình tiết giảm nhẹ như: gia đình cách mạng, bản thân công tác trong ngành Dầu khí nhiều năm và có nhiều cống hiến cho ngành, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Bị cáo Phan Đình Đức.
Bị cáo Vũ Khánh Trường.

Các bị cáo cũng mong Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét đến việc các bị cáo đang bị mắc nhiều bệnh nên cần cần gian để chữa trị nên mong muốn Hội đồng xét xử sẽ ra một bản án thấu tình, đạt lý thể hiện sự nhân văn của pháp luật đối với các bị cáo.

Trước đó trong phần tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà, ông Đinh La Thăng tự bào chữa cho mình. Ông Thăng tỏ rõ sự không đồng tình nội dung quy kết của đại diện Viện kiểm sát vì cho rằng, phần lớn nhận định thiếu căn cứ, mang tính buộc tội, quy chụp, không khách quan.

Ông Thăng cho rằng, cần xem xét vụ án ở  hoàn cảnh cách đây 10 năm. Trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Nhà nước về một Tập đoàn kinh tế đa ngành, PVN được phép đầu tư vào tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, PVN sau đó đã dừng việc thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt. Lúc đó, PVN phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm con người cho việc thành lập ngân hàng nên sẽ kéo theo những hệ luỵ khi dự án bị thay đổi.

Theo ông Thăng, việc xem xét vụ án phải thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự mới với nguyên tắc tìm chứng cứ, suy đoán vô tội. Tuy nhiên đại diện Viện kiểm sát chỉ tìm các chứng cứ buộc tội là chưa thuyết phục. Ông Thăng cho rằng, việc PVN đầu tư vào Oceanbank là đúng chủ trương, đúng pháp luật được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện và ngay cả khi Chính phủ có nghị định 09 là Hội đồng quản trị của Tập đoàn được quyền quyết định đầu tư vào tài chính ngân hàng không quá 20% vốn điều lệ.

Như vậy, từ lần góp vốn thứ 2 trở đi, PVN không phải xin phép nhưng thực tế vẫn xin phép và PVN được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ trước khi chuyển tiền đầu tư. Ngoài ý kiến không đồng tình quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, ôngThăng còn đề cập đến nhiều nội dung liên quan khác, trong đó văn bản của Bộ Tài chính nêu về việc góp vốn lần 3 vào Oceanbank không đúng quy định và việc Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.

Đối đáp với lời bào chữa của ông Thăng, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, Chính phủ chỉ đồng ý về chủ trương cho phép PVN góp vốn vào Oceanbank. Tuy nhiên việc góp vốn như thế nào thì phải có văn bản báo cáo cụ thể với các Bộ, ngành hữu quan và chờ văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành trước khi thực hiện. Nhưng ông Thăng và PVN đã không thực hiện đúng chỉ đạo mà tự quyết định nhiều vấn đề trái quy định liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank.

“Tiền của PVN là có thực, số tiền chuyển đi và nhận về là có thật nhưng theo kết luận, lãi của Oceanbank là không có thật. Vì thế việc Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng để đảm bảo quyền lợi cho người dân là đúng quy định của pháp luật nên không có gì phải tranh luận”, đại diện Viện kiểm sát khẳng định.

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, Chủ toạ phiên toà thông báo nghỉ nghị án kéo dài đến chiều 26-6 sẽ tuyên án.
Nguyễn Hưng
.
.
.