BIDV nói gì trong phiên xét xử hai cựu Phó Tổng Giám đốc (?)
- Các bị cáo trong vụ đại án BIDV ân hận, xin giảm nhẹ hình phạt
- Xét xử đại án ở BIDV: Chuyển hàng trăm tỷ đồng vào Cty “sân sau”
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của BIDV trình bày: Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh rủi ro, là trung gian tài chính (đi vay để cho vay lại), bị tác động trực tiếp bởi kinh tế vĩ mô và hoạt động cụ thể của các khách hàng.
Đối với các khoản tài trợ dự án đầu tư trung dài hạn cuả các doanh nghiệp để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đều là những dự án lớn, có thời hạn vay dài, phụ thuộc rất lớn vào chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp và diễn biến của thị trường trong và ngoài nước nên rủi ro càng cao. Do đó khi rủi ro xảy ra, theo quy định của pháp luật Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế, ngân hàng sẽ sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý và khách hàng vay vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.
Bị cáo Đinh Văn Dũng. |
Về khoản vay của Công ty Bình Hà, BIDV xác định, dự án của Công ty Bình Hà thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển, được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích cho vay thí điểm. Đây cũng là định hướng tín dụng năm 2015 của BIDV, đồng thời đây là dự án trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh được tỉnh ủng hộ, tạo mọi điều kiện, đôn đốc thúc đẩy nhanh tiến độ dự án. Và thực tế, đây là một dự án có thực, đã được triển khai. Công ty Bình Hà đã đầu tư mua sắm máy móc, phương tiện, đầu tư giải phóng mặt bằng để có được hàng ngàn ha mặt bằng sạch phục vụ cho dự án, đã trồng cỏ, xây dựng hệ thống chuồng trại, 44.035 con bò đã được nhập khẩu (trong đó đã xuất bán được 41.439 con)…
Để Công ty Bình Hà thực hiện hàng loạt công việc trên, BIDV đã giải ngân hơn 2.687 tỷ đồng để Công ty Bình Hà có vốn hoạt động. BIDV khẳng định, BIDV đã giải ngân số tiền cho vay đúng địa chỉ đơn vị thụ hưởng, thực hiện dự án. Sau khi được cấp tín dụng, Công ty Bình Hà đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư và cơ bản hoàn thành giai đoạn 1.
Bị cáo Lê Thị Vân Anh. |
Bị cáo Trần Anh Quang. |
Trong thời gian đầu, Công ty Bình Hà vẫn trả nợ vốn vay đầy đủ cho BIDV. Tuy nhiên qua quá trình hoạt động, dự án đã gặp một số khó khăn khách quan, chủ quan nên dự án không thành công. Đến thời điểm khởi tố vụ án (tháng 11-2018), tổng dư nợ gốc của Công ty Bình Hà là hơn 1.459 tỷ đồng. Sau khi khởi tố đã thu hồi được hơn 207 tỷ đồng. Đến nay dư nợ gốc của Công ty Bình Hà là hơn 1.250 tỷ đồng.
Công ty Bình Hà phải có nghĩa vụ tiếp tục trả nợ cho BIDV cả gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký. Cáo trạng xác định, số tiền trên 21 tỷ đồng mà bị cáo Trần Anh Quang và Đinh Văn Dũng (hai cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của BIDV nên các bị cáo có trách nhiệm bồi thường. Đây là số tiền thu được từ bán bò. Sau khi BIDV thu được các khoản tiền do các bị cáo bồi thường sẽ trừ vào dư nợ gốc theo các hợp đồng tín dụng Công ty Bình Hà đã ký.
Đối với khoản vay của Công ty Trung Dũng, cáo trạng xác định, Công ty Trung Dũng thiết lập quan hệ giao dịch, tín dụng tại BIDV Chi nhánh Hà Thành từ năm 2007. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến cuối năm 2011 (thời điểm BIDV cấp khoản tín dụng cuối cùng), Công ty Trung Dũng được đánh giá xếp hạng tín dụng loại AA và A, luôn trả nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng hạn với doanh số vay, trả lớn; và trở thành khách hàng truyền thống, có uy tín tại BIDV Chi nhánh Hà Thành.
Quá trình thiết lập quan hệ với BIDV, Công ty Trung Dũng sử dụng toàn diện các dịch vụ ngân hàng, đem lại nguồn thu nhập cao nhất của BIDV Chi nhánh Hà Thành trong năm 2009, 2010. Thời điểm năm 2011, Công ty Trung Dũng được xếp hạng tín dụng nội bộ của BIDV là hạng A và được rất nhiều tổ chức tín dụng cho vay vốn. Giai đoạn năm 2012-2014 là giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, lạm phát tăng cao, lãi suất cho vay cao, ngành thép bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế. Công ty Trung Dũng hoạt động kinh doanh thép nên không nằm ngoài sự ảnh hưởng suy thoái, không tiêu thụ được hàng hoặc bán được thì lại không thu hồi được công nợ.
Khi phát hiện Công ty Trung Dũng có dấu hiệu không trả được nợ, BIDV Hội sở đã thành lập đoàn công tác xuống Chi nhánh Hà Thành kiểm tra việc cấp tín dụng, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc ráo riết chi nhánh thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Từ năm 2012, BIDV đã tiến hành xử lý tài sản đảm bảo là hơn 358 tỷ đồng. Đến thời điểm 31-12-2019, dư nợ của Công ty Trung Dũng tại BIDV Chi nhánh Hà Thành hơn 967 tỷ đồng.
Bên cạnh sự quyết liệt thu hồi nợ, bằng thu nhập từ kết quả hoạt động của Chi nhánh Hà Thành, Chi nhánh Hà Thành đã thực hiện trích đủ 100% dự phòng rủi ro và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro xuất toán ngoại bảng khoản nợ nói trên của Công ty Trung Dũng. Hiện nay, Công ty Trung Dũng còn nợ gốc của BIDV Chi nhánh Hà Thành hơn 864 tỷ đồng. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX buộc Công ty Trung Dũng phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả gốc và lãi cho BIDV theo các hợp đồng tín dụng đã ký.
Trình bày tại phiên toà, bà Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Ban Pháp chế BIDV) cũng là người đại diện BIDV tại phiên tòa, nhất trí với phần trình bày của luật sư Nguyễn Huy Thiệp. Bà Phương nói, đối với tất cả các bị cáo là cán bộ BIDV là bị cáo tại phiên xét xử ngày hôm nay thực chất cũng chỉ là những người làm công ăn lương, làm theo chức trách, nhiệm vụ được tổ chức phân công theo quy trình, quy định; khi thực hiện nhiệm vụ đều cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, đều mong muốn khoản vay tốt, dự án đạt hiệu quả, tạo lợi nhuận cho ngân hàng; tạo điều kiện cho khách hàng mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Khi thực hiện nhiệm vụ trong nỗ lực cố gắng cao nhất với phạm vi hiểu biết của mình, họ hoàn toàn tin tưởng tính khả thi của dự án, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, họ không vì động cơ, mục đích tư lợi và cũng không được hưởng lợi gì trong khi đó lại chịu áp lực rất lớn từ công việc, từ chỉ tiêu kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.
Khi khách hàng không trả được nợ, tất cả các bị cáo đã nỗ lực triển khai các biện pháp, giải pháp quyết liệt để thu hồi nợ, giảm thiểu thiệt hại cho BIDV. Mặt khác, các cán bộ này là những nhân tố tích cực, nỗ lực kinh doanh có hiệu quả, tăng doanh lợi cho BIDV để trích và xử lý rủi ro đối với hai khoản nợ này.
Đến nay, hai khoản nợ này không còn ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính của BIDV cũng như ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của BIDV. Căn cứ vào bối cảnh diễn ra hai vụ việc, nguyên nhân khách quan và chủ quan, các tình tiết giảm nhẹ cho 8 bị cáo là cựu cán bộ BIDV, cũng như quá trình công tác có nhiều đóng góp cho xã hội, cho ngành ngân hàng và đóng góp lớn cho BIDV, đại diện BIDV đề nghị HĐXX độ lượng, nhân văn và bao dung, xem xét, giảm hình phạt thấp nhất có thể cho cả 8 bị cáo.
Cũng theo lời đại diện BIDV, bà Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) bị cáo nữ duy nhất trong vụ án này của BIDV. Thời gian vừa qua, bị cáo Vân Anh vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch kinh doanh được giao, vừa dành thời gian tâm sức nghiên cứu truy xét dòng tiền của các hành vi phạm tội với số lượng lên đến hàng ngàn bút toán kế toán cả trong và ngoài hệ thống ngân hàng.
Việc làm của bị cáo Vân Anh là nhân tố tích cực, chủ lực giúp cơ quan chức năng làm rõ bản chất phức tạp của vụ án, thu hồi cho BIDV với số tiền lên đến 207 tỷ đồng. Và hiện nay, bị cáo Vân Anh vẫn đang tiếp tục nỗ lực phối hợp có hiệu quả cùng các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh làm rõ bản chất vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Bình Hà” mà Công an tỉnh Hà Tĩnh đang thụ lý điều tra. “Với nhân thân, hoàn cảnh gia đình, động cơ, mức độ phạm tội, sự hợp tác phối hợp có hiệu quả với cơ quan chức năng trước đây, hiện nay và cả sau này, chúng tôi thấy không nên cách ly bị cáo Vân Anh ra khỏi xã hội”, đại diện BIDV đề nghị.